Chiến thuật độc đáo của Mỹ trên Biển Đông đang khiến Trung Quốc run sợ.
Bình luậnViên Minh • 10:46, 14/06/23
Lính Hải quân Philippines điều khiển một khẩu súng máy cỡ nòng 50mm trong cuộc tập trận hàng hải song phương giữa Hải quân Philippines và Hải quân Hoa Kỳ có tên là Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng Nổi trên mặt nước (CARAT 2014) ở Biển Đông gần vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền vào ngày 29 tháng 6 năm 2014. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP via Getty Images)
Sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc, quan hệ song phương đang tiếp tục tệ đi trông thấy. Trước những hành vi khiêu khích ngày một rõ ràng hơn từ Bắc Kinh, Washington phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Và khi chiến tranh nổ ra, hàng không mẫu hạm và hạm đội đổ bộ của Mỹ chắc chắn sẽ để mắt tới Biển Đông. Nơi đây được cho là tử huyệt của Trung Quốc một khi chiến tranh xảy ra. Các cuộc tập trận chiếm đảo mang nặng tính răn đe của Mỹ đã gia tăng đáng kể thời gian qua.
Quân đội Mỹ đã từng sử dụng chiến thuật “nhảy đảo” trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Mấy chục năm sau, có thể nó sẽ lại được sử dụng ở Biển Đông. Liệu hải quân và không quân Trung Quốc có thể đối phó được với chiến thuật nguy hiểm này?
Thế trận Mỹ giăng ra trên Biển Đông
Từ cuối năm ngoái đến nay, Tàu sân bay USS Nimitz (CVN 68) của Hoa Kỳ đã liên tục hoạt động ở Biển Đông. Cùng lúc đó, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc cũng có những chuyến huấn luyện dài ngày đầy ẩn ý ở vùng biển Philippines. Cả hai lực lượng hải quân mạnh hàng đầu thế giới đều đang ở thế gườm nhau. Tàu tấn công đổ bộ Makin Island cũng đã lượn lờ quanh Biển Đông trong nhiều và đã cùng với Nimitz tập trận ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa.
Khi ấy, các máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet và máy bay cảnh báo sớm của Nimitz đã bay cùng với F-35B của tàu tấn công đổ bộ Makin Island diễn tập cho các trận hải chiến. Ngoài ra, nhóm tấn công của tàu Makin Island còn điều động tàu đổ bộ đệm khí và trực thăng Osprey để diễn tập mô phỏng một cuộc tập trận chiếm đảo, với mục tiêu rất giống với quần đảo Trường Sa.
Biển Đông là một vùng nước đầy phức tạp và căng thẳng trong những năm qua. Tại đây, Trung Quốc đang dùng sức mạnh bành trướng của mình để chiếm cứ, bồi đắp phi pháp các đảo nhân tạo và rạn san hô. Tại quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh đang kiểm soát ít nhất 7 đảo quân sự và không có dấu hiệu dừng lại. Tất cả các đảo quân sự này đều có hệ thống giám sát radar và bệ cất cánh và hạ cánh dành cho máy bay trực thăng. Ba trong số đó thậm chí đã xây dựng sân bay và triển khai các tên lửa chống hạm hoặc tên lửa phòng không. Việc quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc từ lâu đã bị cộng đồng thế giới phản đối. Gần nhất là những tuyên bố cảnh báo, phản đối từ G7 diễn ra tại Hiroshima (Nhật Bản).
Nếu quân đội Mỹ tiến hành một cuộc tấn công ở Biển Đông, chắc chắn họ sẽ phá hủy các cơ sở tên lửa và radar này trước. Các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và tàu tấn công đổ bộ của Mỹ có thể sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công. Lực lượng không quân cũng có thể hiệp đồng tác chiến với hải quân để công kích chính xác và hạ gục các mục tiêu quân sự của Trung Quốc một cách nhanh chóng. Một khi các đảo quân sự này bị “chọc mù mắt” và “chặt đứt tay” như vậy, công việc còn lại tương đối dễ dàng và phụ thuộc vào ý chí của Mỹ.
Nhưng có một phương pháp rất độc đáo và hiệu quả mà quân đội Mỹ có thể áp dụng đó là: chiến thuật nhảy đảo. Họ không cần thiết phải chiếm hết toàn bộ từng đảo một, mà chỉ cần chiếm một hoặc hai đảo quan trọng có sân bay. Các đảo còn lại thì chỉ cần điều quân bao vây, cắt đứt tiếp tế. Binh lính Trung Quốc trên các đảo này đã mất khả năng tấn công tầm xa, lại bị cắt nguồn cung, lựa chọn duy nhất chính là đầu hàng.
Bắc Kinh đã đổ rất nhiều tiền vào xây dựng và quân sự hoá các đảo này. Bạn cần phải hiểu việc xây dựng ngoài biển khó khăn và hao tổn như thế nào. Chế độ đãi ngộ dành cho binh lính hải đảo cách xa đất liền hàng nghìn cây số cũng rất tốn kém. Trung Quốc khó mà phớt lờ được những thiệt hại ấy. Khi chứng kiến những công trình phải mất bao công khó nhọc mới xây nên, hay hàng nghìn lính phải buông súng đầu hàng làm tù binh, chắc hẳn Quân uỷ Trung ương Trung Quốc sẽ cảm thấy một dư vị không hề dễ chịu. Nó không chỉ là một tổn thất quân sự mà còn là một thất bại quân sự lớn. Trung Quốc, với sự tự tôn của mình, sẽ cảm thấy đó là một nỗi sỉ nhục. Và nếu như Hạm đội Nam Hải của họ tiến ra Biển Đông, điều động tàu chiến đánh trả Mỹ thì sẽ rơi vào vòng phục kích của quân đội Hoa Kỳ.
Ảnh chụp vào ngày 23 tháng 4 năm 2023 cho thấy các nhân viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trên chiếc thuyền bơm hơi cứng đang tăng tốc vượt qua một tàu hải cảnh Trung Quốc sau khi tiến hành khảo sát tại Bãi cạn Second Thomas thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. (Ảnh: TED ALJIBE/AFP via Getty Images)
Sau khi quân đội Mỹ phá hủy khả năng phòng không và chống hạm trên các đảo và rạn san hô quân sự của Trung Quốc, họ có thể triển khai lực lượng hải quân và không quân ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa. Chính là Mỹ sẽ bố trí binh lực, dàn trận để chờ phục kích hạm đội Trung Quốc.
Bất kể tàu sân bay Sơn Đông hay tàu khu trục Type 055, 052D hoặc là khinh hạm Type 054A, thì khả năng phòng không của chúng đều yếu kém như nhau. Máy bay J-15 phát triển cho tàu sân bay của Trung Quốc hiện chỉ có khả năng không chiến hạn chế, gần như không có khả năng tấn công trên không. Do đó, nếu một trận hải chiến xảy ra, khả năng tấn công và phòng thủ của hạm đội Trung Quốc đều cực kỳ hạn chế.
Ngược lại, máy bay trên hàng không mẫu hạm Mỹ có thể hoạt động trong phạm vi lên tới 900km. Khi cuộc chiến nổ ra, các Tên lửa chống hạm trên tàu khu trục Trung Quốc có thể không kịp phản ứng. Và quân đội Mỹ sẽ hoàn thành cuộc không kích mà không chịu tổn thất đáng kể nào.
Hải chiến Thái Bình Dương
Để hình dung rõ hơn về một trận hải chiến trên Biển Đông, hãy cùng trở lại thời điểm cách đây 82 năm. Đó là khi trận hải chiến đầu tiên của Chiến tranh Thái Bình Dương diễn ra tại Biển Đông, khu vực cách Malaysia ngày nay khoảng 100km về hướng đông.
Ngày 8 tháng 12 năm 1941, cùng ngày tấn công Trân Châu Cảng, quân đội Nhật Bản cũng đổ bộ vào Malaysia. Malaysia là thuộc địa của Anh vào thời điểm đó. Và ngay lập tức Anh đã gửi 2 tàu chiến chủ lực để bảo vệ vùng đất này. Con tàu thứ nhất là Thiết giáp hạm Prince of Wales (HMS Prince of Wales) có lượng choán nước toàn tải 43.786 tấn, trang bị 10 khẩu pháo chính 356 mm. Ngoài ra, nó còn có 16 khẩu pháo đa năng 133 mm. Tàu còn được trang bị 4 thủy phi cơ và thực sự là một tàu chiến hiện đại vào thời điểm bấy giờ.
Tàu thứ hai là tuần dương hạm HMS Repulse có lượng giãn nước toàn tải 35.200 tấn, trang bị 3 khẩu pháo 381 mm nòng kép, 3 khẩu 102 mm, 6 súng phòng không 102 mm. Nó cũng có thể mang theo 4 thủy phi cơ. Hai chiến hạm này là hình mẫu điển hình của tàu chiến lớn trang bị đại bác, một sản phẩm của thời đại. Cùng với các tàu khu trục khác, hạm đội Anh có tổng cộng 8 chiếc được triển khai tới Singapore.
Yamato là tàu chiến lớn nhất thế giới được Nhật hạ thủy năm 1940. (Ảnh: Wikimedia)
Nhật Bản đã chiếm một phần lãnh thổ Việt Nam từ năm 1940 và thành lập căn cứ không quân có thể tấn công Malaysia bằng đường không. Nhưng lúc đó chưa từng có chuyện máy bay tấn công đánh chìm tàu chiến lớn. Cho nên quân Anh đã rất chủ quan.
Ngày 10 tháng 12 năm 1941, hạm đội Anh đang di chuyển trên vùng biển phía đông Malaysia thì bị máy bay Nhật phát hiện. Lực lượng không quân Nhật đóng tại Việt Nam đã phái nhiều đợt máy bay cường kích và máy bay ném bom tiến hành không kích hạm đội Anh. Ngư lôi do máy bay Nhật Bản thả xuống đã đánh chìm chiếc Prince of Wales. Sau đó máy bay Nhật Bản đánh chìm tàu tuần dương Repulse, lập kỷ lục về việc đánh chìm một tàu chiến lớn bằng các cuộc không kích.
Trận chiến ở Malaysia là trận hải chiến đầu tiên trong Chiến tranh Thái Bình Dương. Quân đội Nhật Bản đã đánh chìm hai thiết giáp hạm chủ lực của hạm đội Anh với chi phí nhỏ bằng cách dựa vào các cuộc không kích. Chiến thuật dùng tàu chiến lớn và đại bác của Anh đã phá sản hoàn toàn sau trận hải chiến này. Ưu thế trên không và trên biển khi ấy đã biến mất. Người Anh mất 2 tàu chiến chủ lực. Trận chiến ở Malaysia và Singapore trở thành trận chiến trên bộ. Và đương nhiên quân Nhật đã nhanh chóng giành chiến thắng.
Giờ đây, 82 năm đã trôi qua, một trận hải chiến khác có thể sẽ diễn ra ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa, và ưu thế trên không vẫn sẽ chi phối cục diện trận chiến. Vị trí chiến thuật cho cuộc tập trận của hạm đội tàu sân bay Mỹ gần như ở vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa. Vừa hay, nó nằm ở rìa bán kính chiến đấu của các máy bay chiến đấu Trung Quốc. Như vậy, Hải quân Trung Quốc không thể nhận được sự hỗ trợ trên không hiệu quả. Hạm đội Trung Quốc cũng không đủ sức đối phó với tàu ngầm Mỹ.
Tên lửa Đông Phong-21 và Đông Phong-17 của Hệ thống Tên lửa Trung Quốc chủ yếu được triển khai ở Chiến khu miền đông. Nếu phải di chuyển tên lửa đến Chiến khu miền nam sẽ dễ bị lộ. Tên lửa Trung Quốc phải được di chuyển đến sát đảo Hải Nam thì mới tấn công được hạm đội Mỹ. Nhưng chúng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu cho quân đội Mỹ. Nên nhớ hải quân và không quân Mỹ đang sở hữu những hệ thống radar và máy bay cảnh báo sớm tân tiến nhất thế giới. Tên lửa hành trình của Mỹ hoàn toàn có thể giã thẳng xuống đầu những bệ phóng tên lửa còn chưa kịp triển khai dọc vùng ven biển phía nam.
Vì thế, để đối phó hạm đội Mỹ, Trung Quốc chỉ có thể sử dụng được tên lửa Đông Phong-26 với tầm bắn xa và được đặt sâu bên trong lục địa. Tầm bắn của Đông Phong-26 được cho là có thể lên tới 4000km, đủ sức vươn tới vị trí của hạm đội Mỹ. Bắc Kinh luôn tự quảng cáo rằng Đông Phong-26 là sát thủ diệt tàu sân bay và có thể tấn công tới tận Đảo Guam. Song quy mô tấn công của nó chắc chắn sẽ nhỏ bởi Trung Quốc không sở hữu quá nhiều loại tên lửa này. Việc nó có thể xuyên thủng lớp phòng thủ của tàu chiến trang bị hệ thống Aegis của Mỹ hay không còn là điều chưa chắc chắn.
Bản đồ khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 1939. (Ảnh: Wikimedia)
Chiến thuật tác chiến hàng không mẫu hạm của Mỹ xuất phát từ kinh nghiệm và bài học rút ra trong thực chiến hàng trăm năm qua. Nhưng tàu sân bay Phúc Kiến, Liêu Ninh hay Sơn Đông của Trung Quốc thì chưa từng một lần tham gia thực chiến. Thật khó để nói rằng, Trung Quốc dám cử các đội tác chiến này đối đầu với hàng không mẫu hạm Mỹ. Chỉ e một mình nhóm tác chiến của tàu sân bay Nimitz cũng có thể cân 3 tàu sân bay Trung Quốc.
Năm 1944, Mỹ tiến hành phản công ở quần đảo. Quân đội Hoa Kỳ dẫn đầu trong cuộc tấn công Saipan. Khi ấy quân đội Nhật Bản đã gửi hạm đội hải quân chủ lực mới được tổ chức lại để đánh trả. Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tiến hành trận chiến tàu sân bay lớn nhất trong lịch sử, được gọi là Trận chiến biển Philippines. Cả hai bên đã sử dụng tổng cộng 24 hàng không mẫu hạm trong trận đánh này (15 của Mỹ và 9 của Nhật).
Khi ấy, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã hoạt động hết công suất. Và các hàng không mẫu hạm mới được chuyển giao liên tục. Đến tháng 6 năm 1944, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có 15 hàng không mẫu hạm. Máy bay chiến đấu F6F Hellcat mới của quân đội Hoa Kỳ và máy bay chiến đấu F4U trở thành lực lượng chủ lực trên các tàu sân bay. Trong khi đó, các máy bay chiến đấu Zero của Nhật Bản xem ra đã lỗi thời.
Sức chiến đấu của tàu ngầm Mỹ cũng tăng lên nhanh chóng. Và tung tích của hạm đội Nhật Bản đã nhiều lần bị phát hiện. Sau khi hạm đội Mỹ được biết thông tin, 15 hàng không mẫu hạm đã xếp hàng dọc quần đảo Mariana để phục kích quân Nhật nhằm đảm bảo cho việc đổ bộ lên Saipan. Hạm đội Hoa Kỳ có 15 tàu sân bay, 7 thiết giáp hạm, 8 tàu tuần dương hạng nặng, 12 tàu tuần dương hạng nhẹ, 67 tàu khu trục, 28 tàu ngầm và 900 máy bay hoạt động trên tàu sân bay.
Hạm đội Nhật Bản tập hợp được 5 tàu sân bay, 4 tàu sân bay hạng nhẹ, 5 thiết giáp hạm, 11 tàu tuần dương hạng nặng, 2 tàu tuần dương hạng nhẹ, 20 tàu khu trục và khoảng 450 máy bay hoạt động trên tàu sân bay. Quân đội Nhật Bản ban đầu hy vọng rằng căn cứ không quân trên quần đảo Mariana sẽ góp thêm 300 máy bay. Nhưng phi đội Mỹ đã nhanh chóng tiêu diệt và vô hiệu hoá hàng trăm máy bay chiến đấu Nhật Bản trên quần đảo Mariana.
Vào ngày 19 tháng 6 năm 1944, tàu sân bay Nhật Bản dẫn đầu cuộc tấn công, điều động tổng cộng 326 máy bay. Đây là cuộc tấn công bằng máy bay trên tàu sân bay lớn nhất trong lịch sử hải chiến. Radar của hạm đội Hoa Kỳ đã phát hiện ra cuộc đột kích của Nhật Bản. 240 máy bay đã được điều động chỉ trong vòng 10 phút. Cho đến nay, đó vẫn là kỷ lục về số lần cất cánh của máy bay trên hàng không mẫu hạm.
Bị máy bay chiến đấu và pháo phòng không hùng hậu của Mỹ đánh chặn, máy bay Nhật bị tổn thất nặng nề. Trận chiến nhanh chóng biến thành một cuộc thảm sát trên không. Một phi công quân đội Mỹ khi ấy đã phải thốt lên: “Chết tiệt, cái này giống hệt trò bắn gà tây ngày xưa!”. Sau này, trận không chiến ấy được đặt tên là “Cuộc bắn gà tây Mariana”.
Kết quả là quân Nhật thiệt hại nặng nề. 196 trong số 326 máy bay xuất kích từ tàu sân bay Nhật bị tiêu diệt. Chỉ 130 chiếc quay trở lại. Nhưng 50 chiếc đã bị mất tích trên đường đi và khi hạ cánh. Hai tàu sân bay lớn của Nhật Bản đã bị tàu ngầm Mỹ đánh chìm, máy bay trên tàu cũng bị tiêu diệt. Quân đội Nhật Bản đã mất tổng cộng 315 máy bay chỉ trong ngày hôm ấy.
Thiệt hại về phía Mỹ không đáng kể. Quân đội Mỹ chỉ mất 23 máy bay trong trận không chiến, 6 máy bay bị hư hại ngoài ý muốn, 2 tàu sân bay và 2 tàu chiến bị hư hại nhẹ. Ngày hôm sau, các máy bay xuất kích từ tàu sân bay Mỹ đã điều động 216 máy bay truy đuổi và tấn công hạm đội Nhật Bản.
Sau hai ngày hải chiến, 3 tàu sân bay và 2 tàu chở dầu của Nhật Bản bị chìm, 4 tàu sân bay khác, 1 thiết giáp hạm và 1 tàu tuần dương hạng nặng bị hư hại. Khoảng 600 máy bay trên tàu sân bay và máy bay trên bộ bị mất, hầu hết các phi công cũng đều thiệt mạng.
Về phía Mỹ, có 76 lính thiệt mạng và 123 máy bay bị mất, 2 tàu sân bay, 2 thiết giáp hạm và 2 tàu tuần dương hạng nặng bị hư hại. Các máy bay bị quân đội Mỹ mất tích chủ yếu trở về vào ban đêm sau cuộc không kích ngày thứ 2. Khoảng 200 máy bay liên lạc cùng lúc, gây ra tình trạng rối loạn liên lạc. Do cạn kiệt nhiên liệu, nhiều phi công phớt lờ tín hiệu để tranh nhau hạ cánh trên boong và khiến Mỹ thiệt hại tới 80 máy bay. Kể từ đó, quân đội Hoa Kỳ đã rút ra bài học và rất coi trọng hoạt động ban đêm của hàng không mẫu hạm.
***
Mỹ có kinh nghiệm và năng lực chế tạo, vận hành tàu sân bay trong thực chiến và hiện đang dẫn đầu thế giới ở lĩnh vực này. Khi bắt đầu Chiến tranh Thái Bình Dương, hạm đội Nhật Bản có khả năng nhất định để đối đầu với quân đội Hoa Kỳ. Nhưng khi Trân Châu Cảng bị tấn công, tàu sân bay Hoa Kỳ không có trong cảng. Trận chiến đảo Midway trở thành một bước ngoặt, quân đội Nhật Bản mất 4 tàu sân bay, nhưng quân đội Hoa Kỳ đã chế tạo ngày càng nhiều tàu sân bay hơn. Khoảng cách giữa đôi bên vì thế mà ngày càng xa.
Sau Chiến tranh Lạnh, mặc dù quy mô của hạm đội tàu sân bay Mỹ giảm xuống còn 11 chiếc, nhưng khoảng cách giữa hạm đội Mỹ và Trung Quốc lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa hạm đội Mỹ và Nhật Bản năm xưa. Hai hàng không mẫu hạm hiện tại của Trung Quốc thậm chí không có khả năng tấn công trên không. Còn tàu Phúc Kiến thì chỉ mới hạ thuỷ và đang trong thời gian thử nghiệm. Tất cả tàu sân bay Trung Quốc chỉ có thể đi xa nhất đến gần Đảo Guam vì hạn chế nhiên liệu (không có động cơ hạt nhân). Chúng cũng rất khó để tiến hành các cuộc không kích.
Sự khác biệt lớn hơn là quân đội Hoa Kỳ có căn cứ không quân ở Nhật Bản và Đảo Guam, đồng thời đang tích cực mở rộng căn cứ ở Philippines. Bởi thế, các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thế hệ thứ tư và thứ năm của Không quân Mỹ có thể hỗ trợ nhanh chóng và mạnh mẽ cho hải quân.
Chừng nào quân đội Hoa Kỳ còn thực hiện chiến thuật tấn công nhảy đảo nhảy ở Biển Đông, thì Hạm đội Nam Hải lớn nhất của Trung Quốc sẽ không dám đến eo biển Đài Loan. Nếu hạm đội của Trung Quốc mù quáng phái đi giải cứu quần đảo Trường Sa, nó sẽ bị xóa sổ. Nó cũng sẽ khó thoát khỏi các cuộc không kích của Hoa Kỳ nếu ở lại Hồng Kông.
Hạm đội Bắc Hải lớn thứ hai của Trung Quốc đã ra sức cơ động quanh vùng biển Philippines phía nam Đài Loan, hay tiến vào vùng biển Nhật Bản. Nhưng chúng cũng không tránh khỏi bị chôn vùi dưới đáy biển. Khả năng bổ sung của hạm đội Trung Quốc khó có thể hỗ trợ các hoạt động bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất, cũng như không thể phát động trận chiến tàu sân bay quy mô lớn như trận hải chiến Philippines năm xưa.
Hạm đội hải quân do Trung Quốc xây dựng, vốn đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ, còn lâu mới có thể cạnh tranh giành ưu thế trên biển ở Tây Thái Bình Dương. Nếu các nhà lãnh đạo của Trung Quốc chấp nhận rủi ro, kết quả có thể tưởng tượng được.
Viên Minh – https://www.ntdvn.net/the-gioi/chien-thuat-doc-dao-cua-my-tren-bien-dong-dang-khien-trung-quoc-run-so-447860.html