Mỹ có thể chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine dùng trên xe tăng M1 Abrams.
Bình luậnViên Minh • 16:14, 14/06/23
Xe tăng M-1A1 Abrams bảo vệ một vị trí trong Thử nghiệm Chiến đấu Tiên tiến tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quân đội Fort Irwin ở Fort Irwin, CA, ngày 16 tháng 3 năm 1997. (Ảnh: MIKE NELSON/AFP via Getty Images)
Sau rất nhiều tranh luận, cuối cùng chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể đã nhất trí chuyển giao cho Ukraine một loại vũ khí gây tranh cãi – đạn uranium nghèo dành cho xe tăng M1 Abrams
Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ hôm 13/6 cho biết: “Nhà Trắng sẽ phê chuẩn việc cung cấp đạn uranium nghèo sau nhiều tuần thảo luận nội bộ loại đạn nào sẽ được trang bị cho xe tăng Abrams”.
Mỹ đã cam kết gửi 31 xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cho Ukraine trước đó, và lô vũ khí này dự kiến sẽ đến chiến trường vào mùa thu.
Theo nguồn tin, trong vài tháng qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận về việc có chuyển đạn uranium nghèo cho Ukraine hay không do quan ngại về tác động của vũ khí này tới môi trường và sức khỏe.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói với Wall Street Journal rằng, hiện thời dường như không còn bất cứ rào cản nào để Washington cấp loại đạn này cho Ukraine.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc từng đề xuất Mỹ cần chuyển đạn uranium nghèo (DU) dùng cho M1 Abrams khi viện trợ loại xe tăng chủ lực này cho Ukraine. Lục quân Mỹ thường sử dụng loại đạn này, nhận định chúng có thể xuyên thủng giáp trước của xe tăng do Liên Xô hoặc Nga chế tạo.
Đạn DU chứa sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho nhiên liệu và vũ khí hạt nhân. DU có tỷ lệ đồng vị phóng xạ U235 dưới 0,3%, thấp hơn so với mức 0,72% trong quặng tự nhiên, với thành phần chính là đồng vị U238 có khả năng phân hạch và tính phóng xạ thấp hơn.
Loại đạn này đặc biệt hiệu quả trong các cuộc tấn công xuyên giáp với các xe tăng và xe bọc thép. Ngoài ra, chúng có khả năng làm tăng nhiệt độ mục tiêu, có thể dẫn tới cháy khoang nhiên liệu hoặc khoang đạn dược trên xe tăng đối phương, dẫn tới cháy nổ.
Trước đó, Anh đã bàn giao xe tăng chủ lực Challenger 2 cùng đạn DU cho Kyiv. Điều này đã chọc giận Nga. Moscow chỉ trích động thái của Anh, cho rằng nước này “phổ biến vũ khí có thành phần phóng xạ”. Anh bác cáo buộc của Nga và gọi đây là “thông tin sai lệch”.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hồi tháng 3 tuyên bố “lập luận của Nga không trung thực” và cho rằng nước này sợ xe tăng của mình bị phá hủy bằng đạn DU.
Newsweek dẫn lời các chuyên gia nhận định, khi Ukraine triển khai đạn uranium nghèo, xe tăng của Nga “sẽ dễ bị tổn thương từ mọi vị trí, “ngay cả ở nơi có lớp giáp dày nhất”. Theo các chuyên gia, loại vũ khí này có thể mang lại lợi thế cho Ukraine trong các trận chiến xe tăng với Nga khi nước này khởi động chiến dịch phản công quy mô lớn trên hơn 1.000km tiền tuyến.
Bản thân Nhà Trắng đang cân nhắc khả năng cung cấp các loại vũ khí khác cho Ukraine hay không, trong đó có bom chùm và đạn chùm mà Kyiv nhiều lần đề nghị. Một số quan chức Lầu Năm Góc ủng hộ cung cấp bom chùm, đạn chùm cho Ukraine để họ đối phó với lực lượng Nga. Tuy nhiên, nhiều quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối điều này.
Ukraine cũng tiếp tục đề nghị Mỹ viện trợ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140, có tầm bắn 300 km và phóng từ pháo phản lực HIMARS. Tổng thống Biden hồi tháng 5 nói đây vẫn là một trong các lựa chọn, song các quan chức Mỹ cho biết quyết định viện trợ tên lửa ATACMS khó xảy ra.
Viên Minh (Tổng hợp)