Làm clip giễu vụ bò dát vàng, ‘Thánh Rắc Hành’ Bùi Tuấn Lâm bị 5.5 năm tù.

Cac Bai Khac

No sub-categories

Làm clip giễu vụ bò dát vàng, ‘Thánh Rắc Hành’ Bùi Tuấn Lâm bị 5.5 năm tù.

May 25, 202

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Sau phiên tòa diễn ra chỉ nửa ngày, nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, tự Peter Lâm Bùi, bị kết án năm năm rưỡi tù với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu chống nhà nước.”

Ông Lâm, 39 tuổi, được nhiều người biết với biệt danh mới là “Thánh Rắc Hành” sau khi làm video clip giễu nhại vụ ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An, ăn thịt bò dát vàng tại nhà hàng của “Thánh Rắc Muối” Salt Bae ở London, Anh, hồi cuối năm 2021.

image.png

Bà Lê Thanh Lâm, vợ ông Bùi Tuấn Lâm, cùng ba con gái giơ biểu ngữ đòi trả tự do cho chồng. (Hình: Facebook Peter Lam Bui

Báo VNExpress hôm 25 Tháng Năm cho biết tại phiên tòa, ông Bùi Tuấn Lâm “thừa nhận cáo buộc.” Bản tin dẫn cáo trạng cho hay trước khi bị bắt vào đầu Tháng Chín năm ngoái, ông Lâm từng tham gia các khóa huấn luyện về xã hội dân sự, đấu tranh bất bạo động… Ngoài ra, ông còn bị Công An Đà Nẵng quy kết chuyện “viết bài xuyên tạc chính quyền, câu kết kích động biểu tình gây rối…”

Theo Facebook Peter Lam Bui hiện vẫn hoạt động sau khi ông Lâm bị bắt, tuy đây là “phiên xử công khai” nhưng bà Lê Thanh Lâm, vợ ông Lâm, cùng hai em trai của ông không được vào dự.Trang này đưa cáo buộc rằng bà Lê Thanh Lâm bị câu lưu sau phiên tòa, trong lúc hai em trai ruột của ông Lâm “bị an ninh đánh rất nhiều.”

Cũng trong hôm 25 Tháng Năm, Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) phát đi thông cáo đòi nhà cầm quyền Việt Nam “hủy bỏ các cáo buộc đối với ông Bùi Tuấn Lâm.”

Thông cáo dẫn bình luận của ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á Châu của HRW: “Hình như bất kỳ điều gì cũng có thể bị nhà cầm quyền Việt Nam coi là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ để họ đàn áp các nhà hoạt động và bất đồng chính kiến.”

“Danh sách các bài viết và video được liệt kê làm tang vật của hành vi ‘phạm tội’ của Bùi Tuấn Lâm cho thấy Việt Nam sẵn sàng dùng bất cứ điều gì để ngăn chặn mọi lời phê phán chính quyền trên mạng. Đối với giới lãnh đạo Việt Nam, ngay cả bài hát cũng là một mối đe dọa tới vị thế độc tôn quyền lực của họ,” ông Robertson viết thêm.

image.png

Nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm. (Hình: Facebook Peter Lam Bui)

Cùng ngày, thông cáo của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế (AI) cho biết: “Đây là trường hợp điển hình cho thấy tình trạng nhân quyền bị phong tỏa ở Việt Nam, nơi mà ngay cả một lời châm biếm nhẹ nhàng nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả bị chính quyền trả đũa. Cộng đồng quốc tế cần yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt việc tấn công không ngừng vào các quyền cơ bản của người dân.” (N.H.K) [qd]

2-
Lần đầu tiên hay lần cuối cùng?
Ngô Anh Tuấn
25-5-2023
https://baotiengdan.com/2023/05/25/lan-dau-tien-hay-lan-cuoi-cung/

Sau nhiều năm hành nghề luật với gần 10 năm gắn bó với nghề luật sư tranh tụng, tới ngày hôm nay, trong một vụ án chính trị ở Đà Nẵng, lần đầu tiên tôi bị buộc rời khỏi phòng xét xử trong khi chưa kết thúc phần tranh luận của mình. Một dấu lặng trên một đoạn đường khá dài mà tôi đã trải qua.

Trong phần tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát, do có một số nội dung mà vị này đã tranh luận nhưng quan điểm giữa chúng tôi chưa đồng nhất nên tôi phân tích để kiểm sát viên tranh luận tiếp thì một vị thẩm phán (không phải là Chủ toạ phiên toà) yêu cầu tôi không nhắc lại nội dung đã trình bày. Tôi trả lời là vì vị đại diện Viện Kiểm sát chưa tranh luận hết nội dung mà luật sư đưa ra và họ cũng chưa từ chối tranh luận tiếp với luật sư thì theo luật, tôi vẫn tiếp tục tranh luận.

Vị thẩm phán này không đồng tình với nội dung tôi nêu và yêu cầu tôi rời phòng xét xử dù tôi không có bất kỳ một hành vi to tiếng, quá khích nào nhằm cản trở hoạt động của phiên toà.

Tôi nói rằng vị Chủ toạ mới là người điều hành phiên toà và nếu ông mời/ đề nghị/ yêu cầu tôi rời khỏi phòng xử thì tôi sẽ chấp hành ngay. Vị Chủ toạ mời tôi ngồi xuống nhưng gần như ngay sau đó, vị [này] thông báo mời tôi rời khỏi phòng xử.

Dù trong lòng không đồng tình với quyết định của vị Chủ toạ nhưng tôi chấp nhận rời phòng xử luôn vì không muốn không khí phòng xử nặng nề thêm nữa.

Tôi rời phòng xét xử theo sự hướng dẫn của lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên toà và dẫn vào ngồi ở một phòng làm việc có ghi “Chánh văn phòng” thuộc TAND thành phố Đà Nẵng. Tại đây, một số người không rõ danh tính đã làm việc với tôi, họ quay phim, lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung không phản án đúng sự thật khách quan đã diễn ra (tôi ghi rõ trong phần ý kiến của mình). Tuy vậy, sau đó người ký lập văn bản lại là thư ký phiên toà, một người từng nhiều lần làm việc với tôi và rất thân thiện nên tôi không muốn nhắc tên ở đây.

Nếu hôm nay không có luật sư Lê Đình Việt, người đồng nghiệp cùng tham gia bào chữa cùng tôi chứng kiến, làm chứng nội dung sự việc thì mình tôi sẽ không còn cách nào để “minh oan” cho mình. Tôi đã có đơn giải trình nội dung sự việc, kèm theo văn bản làm chứng của luật sư đồng nghiệp, đồng thời tôi cũng đề nghị trích xuất file ghi hình qua camera trong phòng xét xử nhưng không chắc rằng sự việc sẽ đi được tới tận cùng.

Bên cạnh đó, tôi cũng đang làm đơn thư tường trình, phản ánh nội dung sự việc lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội để Liên đoàn, Đoàn tham gia xác minh sự việc một cách khách quan nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thành viên.

Tôi đã tham gia rất nhiều vụ án mang màu sắc chính trị nhưng chưa một lần bị mời khỏi phòng xử một cách tức tưởi như hôm nay. Có vẻ như một số người nghĩ rằng mấy tù nhân chính trị thì hành xử với họ thế nào cũng được, mấy tay luật sư của những người này, hành xử ra sao cũng xong… Từ những suy nghĩ đó có thể kéo theo những hành vi theo cảm xúc thái quá, vượt quá thẩm quyền cho phép của mình.

Tôi đã lập trình cho mình một tương lai không hành nghề luật sư, ở ẩn ở một xó xỉnh rồi, nhưng thậm chí mơ ước nhỏ nhoi đó bỗng dưng cũng trở nên gồ ghề hơn tôi tưởng. Dẫu vậy, dù mai đây, sự việc này hay bất kỳ một sự việc nào khác xảy ra đối với tôi, tôi cũng sẽ đấu tranh tới cùng để giữ tấm thẻ hành nghề hợp pháp của mình, sau đó, tôi tự trả thẻ để “về vườn” chứ không để ai đó có thể sỉ nhục tôi dưới một hình thức không trong sạch khác…