ĐIỂM TIN THẾ GIỚI :25//5/2023
Ông Trump công bố hai video phản ứng khi ông DeSantis tuyên bố tranh cử
image.png
Sau khi Thống đốc Florida Ron DeSantis vào tối thứ Tư (24/5, giờ Mỹ) chính thức tuyên bố bước vào cuộc đua trở thành tổng thống Mỹ năm 2024, cựu Tổng thống Donald Trump đã phản ứng với tin tức này thông qua mạng xã hội Truth Social.
Ông DeSantis đã phát động chiến dịch tranh cử qua Twitter vào tối thứ Tư (24/5) với chủ đề chủ đạo là “Nước Mỹ Vĩ đại Hồi sinh trở lại”. Ông Trump phản ứng bằng việc đăng hai video chiến dịch trên Truth Social: Một video nhận công giúp ông DeSantis thắng cử thống đốc Florida năm 2018 và một video khác gắn nhãn ông DeSantis là ứng viên do giới tinh hoa Washington sắp đặt.
Cáo buộc ông DeSantis bắt chước mình, video chiến dịch của ông Trump nói: “Chỉ có duy nhất một Donald Trump” và người Mỹ không nên “chấp nhận” “những kẻ mạo danh Trump”.
Trước khi đăng hai video, ông Trump cũng đã phản ứng với tin tức ông DeSantis tham gia tranh cử bằng một bài đăng lại trên Truth Social, ông đăng lại nhận định của hai tác giả Paul Ingrassia and Gavin Wax: “Bất cứ thành viên Đảng Cộng hòa nào thách thức Trump đều không thể là Nước Mỹ Trên hết”.
Trước đó, vào sáng thứ Tư (24/5, giờ Mỹ), ông Trump cũng đã nhiều lần tấn công trực diện ông DeSantis. Ông Trump viêt trên Truth Social ông DeSantis “đã và đang là học trò của RINO Paul Ryan tồi tệ, và nhiều người khác nữa”. Ông cho biết thêm rằng ông DeSantis “cần phải cấy ghép cá tính”.
Cựu Tổng thống Trump cũng nhiều lần gọi ông DeSantis là “kẻ bất trung”, nhấn mạnh rằng “Ron DeSantis cao đạo” đã “thua to” khi ông ta bắt đầu lần đầu tranh cử thống đốc Florida và phải nhờ ông Trump chứng thực để gia tăng sự ủng hộ.
“Ông ta đã đến gặp tôi nhờ giúp đỡ”, ông Trump viết. Ông Trump nói ông DeSantis đã đang chuẩn bị rời cuộc đua trước khi được ông Trump chứng thực. Cựu tổng thống cho biết sau khi được ông ủng hộ, ông DeSantis “đã đi từ thua to đến thắng lớn”.
Ông Trump nhiều tháng qua đã nhắm mục tiêu tấn công ông DeSantis, người được xem là đối thủ hàng đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa vào đầu năm tới.
Ông DeSantis đã liên tục xếp thứ hai sau ông Trump trong các cuộc thăm dò dân ý thời gian qua. Ông cùng với ông Trump là hai ứng viên tổng thống 2024 duy nhất của Đảng Cộng hòa nhận được tỷ lệ ủng hộ hai con số theo chỉ số thăm dò trung bình của trang RealClearPolitics.
Ông Putin từng nhiều lần bị tình báo Ukraine ám sát hụt
image.png
Mới đây, lãnh đạo tình báo quân đội Ukraine thừa nhận điệp viên nước này đã lên kế hoạch để ám sát ông Putin, coi đây là ưu tiên trong hành động.
“Ông Putin chú ý tới việc chúng tôi đang ngày càng tiến gần đến ông ấy”, Vadym Skibitsky, tổng cục phó Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, trả lời phỏng vấn tờ Welt của Đức ngày 24/5. Quan chức này mô tả ám sát Tổng thống Nga Vladimir Putin là ưu tiên hàng đầu của tình báo Ukraine “bởi ông ấy điều phối và quyết định điều gì sẽ xảy ra”.
Theo ông Skibitsky, cơ quan tình báo Ukraine từng thất bại trong kế hoạch ám sát lãnh đạo Nga vì ông Putin được bảo vệ rất cẩn mật và hiếm khi xuất hiện công khai.
Skibitsky cho hay Tổng thống Nga đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trước công chúng, nhưng mỗi lần như vậy, các đặc vụ tình báo Ukraine không hành động vì “không thể chắc chắn” về mục tiêu.
Đầu tháng 5, Moscow cáo buộc Ukraine âm mưu ám sát ông Putin bằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào Điện Kremlin. UAV phát nổ trên nóc Điện Kremlin, song Tổng thống Nga không có mặt tại đây vào thời điểm đó.
Cuối tháng trước, tờ Bild của Đức đưa tin cơ quan an ninh Ukraine đã thực hiện vụ ám sát bất thành bằng cách triển khai máy bay không người lái chứa thuốc nổ để tấn công Putin khi ông đến thăm khu công nghiệp gần Moscow.
Skibitsky nói thêm rằng tình báo Ukraine cũng lên kế hoạch ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Valery Gerasimov, cũng như Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn an ninh tư nhân Nga Wagner. “Ưu tiên của chúng tôi là nhắm vào những chỉ huy ra lệnh cho lực lượng dưới quyền tấn công”, lãnh đạo tình báo quân đội Ukraine nói.
Về vấn đề liệu các chính trị gia và thường dân có bị coi là mục tiêu trong những vụ tấn công kiểu ám sát hay không, Skibitsy nói “chúng tôi đang trong cuộc chiến và đó là kẻ thù của chúng tôi”.
“Nếu một người có vai trò quan trọng trong sản xuất và tài trợ vũ khí cho Nga, việc loại bỏ người đó sẽ cứu được mạng sống của nhiều thường dân. Theo các công ước quốc tế, đây là mục tiêu hợp pháp”, Skibitsky cho hay.
Skibitskyi tuyên bố các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng trên lãnh thổ Nga là công việc phối hợp của nhiều cơ quan Ukraine, nhằm làm gián đoạn chuỗi cung ứng của lực lượng Nga.
Trước đó, tờ Business Insider cho biết, trong loạt bài phỏng vấn được đăng tải trên tờ Times, tướng Kyrylo Budanov – Tổng cục trưởng Tình báo Quốc phòng Ukraine, tuyên bố rằng các đặc vụ dưới quyền của ông đã nhắm tới, định vị và ám sát các nhà tuyên truyền được điện Kremlin hậu thuẫn.
Tướng Budanov nói: “Chúng tôi đã nhắm thành công vào khá nhiều người. Có những vụ nổi tiếng, ai cũng biết, do sự đưa tin của truyền thông”.
Mặc dù tướng tình báo Budanov không dẫn những cái tên cụ thể của những người bị sát hại, các vụ nổ nổi tiếng vừa qua đã cướp đi sinh mạng của một số công dân Nga bên trong lãnh thổ nước này.
Vụ mới nhất là nhà văn dân tộc chủ nghĩa Zachar Prilepin, người bị gãy cả 2 chân trong một vụ nổ bom xe cũng trong tháng này. Theo BBC, quả bom được đặt dưới ghế hành khách và được kích nổ từ xa, khiến bạn của Prilepin thiệt mạng, còn Prilep lúc đấy đang lái xe.
Ngoài ra, vào tháng 4, một blogger quân sự của Nga, Vladlen Tatarsky, đã thiệt mạng trong vụ nổ ở quán cà phê tại thành phố Saint Petersburg.
Trùm Wagner Prigozhin: 10.000 tù nhân đã thiệt mạng ở Ukraina
Ông Yevgeny Prigozhin cho biết 10.000 tù nhân của Wagner đã thiệt mạng tại chiến trường Ukraina.
Ông Prigozhin nói hôm 23/5 theo giờ địa phương: “Tôi đã tuyển mộ 50.000 tù nhân, 20% trong số đó đã tử trận”.
Ông Prigozhin cho biết thêm các thành viên ký hợp đồng với Wagner theo cách thông thường cũng chịu tỷ lệ tử vong tương tự, song ông không nêu con số cụ thể.
Lãnh đạo Wagner cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov “không đủ năng lực, dẫn tới tổn thất quá lớn”. Ông còn kêu gọi giới chức quân đội Nga gửi con cái của họ ra mặt trận. Lãnh đạo Wagner nói:
“Hàng chục nghìn người đã chịu nỗi đau mất người thân và có lẽ con số đó có thể lên tới hàng trăm nghìn người. Chúng ta không thể né tránh sự thật này”.
Theo trùm Wagner, lực lượng của ông sẽ rút khỏi thành phố Bakhmut trước ngày 1/6 và chuyển giao quyền kiểm soát cho quân đội chính quy Nga. Ông Prigozhin hôm 20/5 tuyên bố Wagner đã kiểm soát hoàn toàn Bakhmut. Điều này được Nga xác nhận, song phía Ukraina bác bỏ. Kyiv tuyên bố lực lượng của họ vẫn tiếp tục bám trụ chiến đấu tại khu vực ngoại ô phía tây Bakhmut, dù tình hình rất khó khăn.
Nhật Bản khẳng định không có kế hoạch gia nhập NATO
image.png
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bác bỏ việc Nhật Bản gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng để ngỏ khả năng NATO thành lập văn phòng liên lạc tại quốc gia này.
Hôm 24/5, ông Kishida thừa nhận rằng NATO đang có kế hoạch mở một văn phòng tại Tokyo (Nhật Bản) – văn phòng liên lạc thường trực đầu tiên của liên minh quân sự này tại châu Á – nhưng nói rằng ông “không biết về bất kỳ quyết định nào” mà liên minh đã đưa ra về vấn đề này, theo hãng tin Reuters.
Động thái này diễn ra ra sau khi đặc phái viên Nhật Bản Koji Tomita tuyên bố rằng Nhật Bản đang cân nhắc thành lập văn phòng liên lạc của NATO ở châu Á để tạo điều kiện cho liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo tham vấn ý kiến các đối tác trong khu vực.
Theo tờ Japan Times, ông Tomita nói với các phóng viên ở Washington hồi đầu tháng này rằng: “Tôi thực sự chưa nghe được bất kỳ xác nhận chắc chắn nào, nhưng chúng tôi đang đi theo hướng đó”.
Văn phòng sẽ giúp NATO tham vấn với các đối tác chủ chốt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (AP4) gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời đóng vai trò là đầu mối liên lạc với các quốc gia khác trong khu vực.
Theo hãng tin Nikkei Asia, mục tiêu đề xuất của NATO là khai trương văn phòng một người tại Tokyo vào năm tới. Đề xuất này ban đầu được thảo luận trong chuyến thăm Tokyo ngày 31/1 của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ giám sát chặt chẽ “việc NATO không ngừng mở rộng về phía đông ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Ngoài ra, bà Mao Ninh cũng nhấn mạnh rằng Nhật Bản nên thận trọng trong các vấn đề an ninh quân sự và khu vực châu Á – Thái Bình Dương không hoan nghênh đối đầu về mặt quân sự với các quốc gia phương Tây
EU thông báo đã gửi 220.000 quả đạn pháo cho Ukraine
image.png
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết hôm thứ Ba (23/5), các nước thuộc Liên minh châu Âu đã cung cấp 220.000 quả đạn pháo cho Ukraine theo một kế hoạch mang tính bước ngoặt được đưa ra cách đây hai tháng, nhằm tăng cường hỗ trợ đạn dược cho Kiev chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Ông Josep Borrell cho hay, các quốc gia EU cũng đã cung cấp 1.300 tên lửa theo kế hoạch và đang trên đà đạt được mục tiêu cung cấp 1 triệu quả đạn pháo trong vòng một năm cho Ukraine, mặc dù một số quốc gia EU quan ngại về tính khả thi của mục tiêu đó.
“Những ngày, tuần và tháng sắp tới sẽ mang tính quyết định chiến lược trong cuộc chiến ở Ukraine,” ông Borrell nhận xét với các phóng viên khi công bố các số liệu vào cuối cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng EU tại Brussels.
Các chính phủ EU đã đồng ý kế hoạch cung cấp đạn dược hồi tháng 3 sau khi Kyiv cảnh báo rằng họ đang rất cần đạn pháo trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao dữ dội, với hàng nghìn quả đạn được bắn ra mỗi ngày.
Kế hoạch của EU, trị giá ít nhất 2 tỷ Euro, bao gồm ba phần, tất cả đều gắn liền với các ưu đãi tài chính. Hai phần đầu sử dụng quỹ có tên là Cơ sở Hòa bình Châu Âu, trong đó có hoàn lại một phần cho các quốc gia cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine.
Kế hoạch này đánh dấu lần đầu tiên EU tham gia tài trợ cho việc mua sắm vũ khí chung quy mô lớn và phản ánh cách EU tham gia sâu hơn vào các vấn đề quân sự kể từ khi lực lượng Nga tràn vào Ukraine hồi tháng 2/2022.
Phần đầu tiên của kế hoạch khuyến khích các thành viên EU gửi đạn dược từ kho dự trữ, phần thứ hai khuyến khích các quốc gia đặt hàng chung và phần thứ ba tập trung vào việc giúp các công ty vũ khí tăng năng lực sản xuất.
Ông Borrell khẳng định, 220.000 quả đạn đã được cung cấp theo phần đầu tiên của kế hoạch. Theo các quan chức, các hợp đồng mua sắm chung đầu tiên trong phần thứ hai của kế hoạch dự kiến sẽ được ký kết vào mùa hè
Axiom Space thực hiện sứ mệnh thứ 2 đưa phi hành đoàn tư nhân lên ISS
image.png
Ngày 21/5, công ty hàng không vũ trụ thương mại Axiom Space, đối tác của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đã tiến hành triển khai sứ mệnh thứ 2 đưa phi hành đoàn tư nhân lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đưa tàu chở phi hành đoàn Axiom Mission 2 (Ax-2) đã rời bệ phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida, Mỹ vào lúc 17h37 ngày 21/5 (giờ địa phương, tức khoảng 4h37 ngày 22/5 giờ Việt Nam), và đáp tại ISS vào 13h30 ngày 22/5. Các phi hành gia này sẽ thực hiện 20 thí nghiệm khóa học trong khoảng thời gian 10 ngày lưu tại ISS, trong đó có một nghiên cứu liên quan đến phản ứng của các tế bào gốc trong môi trường không trọng lực.
Ax-2 bao gồm các thành viên là phi hành gia Peggy Whitson – trước đây từng là phi hành gia của NASA, chuyên gia nghiên cứu về ung thư vú Rayyanah Barnawi, hai phi công Ali Al-Qarni và John Shoffner. Rayyanah Barnawi và Ali Al-Qarni là những phi hành gia Saudi Arabia đầu tiên đến ISS. Saudi Arabia mới thành lập Ủy ban Vũ trụ Saudi vào năm 2018 và khởi động một chương trình vào năm ngoái để đưa các phi hành gia vào vũ trụ.
Tháng 4/2022, Space X và Axiom Space đã thực hiện chuyến bay đặc biệt đưa phi hành đoàn tư nhân đầu tiên lên ISS trong nhiệm vụ kéo dài 17 ngày. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong mục tiêu hướng tới thương mại hóa du hành không gian.
Đối với Axiom Space, những nhiệm vụ này là bước đầu tiên hướng tới mục tiêu đầy tham vọng xây dựng trạm vũ trụ riêng, dự kiến bắt đầu khởi công từ năm 2025. NASA cũng có kế hoạch ngừng hoạt động ISS vào năm 2030, thay vào đó sẽ đưa các phi hành gia đến trạm tư nhân.
Hãng Apple cấm nhân viên sử dụng ChatGPT
image.png
Lo sợ khả năng rò rỉ các thông tin độc quyền hoặc bí mật, hãng Apple mới đây đã đưa ra quy định mới với công cụ AI mới nổi, theo tờ WSJ.
Cụ thể, Apple vừa hạn chế việc sử dụng ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo bên ngoài khác đối với một số nhân viên, trong bối cảnh hãng đang phát triển công nghệ tương tự cho riêng mình. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những lo ngại rằng các nhân viên sử dụng chatbot mới nổi có thể tiết lộ nhiều dữ liệu mật. GitHub’s Copilot do Microsoft sở hữu, công cụ tự động viết mã phần mềm, cũng nằm trong danh sách bị hạn chế.
ChatGPT, được tạo bởi OpenAI do Microsoft hậu thuẫn, là mô hình ngôn ngữ lớn có thể trả lời mọi câu hỏi, viết bài luận và thực hiện các tác vụ khác giống như con người.
Khi mọi người sử dụng các mô hình này, dữ liệu sẽ được chuyển lại cho nhà phát triển để cho phép tiếp tục cải tiến, do đó khả năng cao làm rò rỉ các thông tin độc quyền hoặc bí mật.
Hãng Apple trước giờ vẫn có các biện pháp bảo mật nghiêm ngặt để bảo vệ thông tin sản phẩm và dữ liệu người dùng. Một số công ty khác cũng trở nên cảnh giác với công nghệ chatbot mới khi nhân viên bắt đầu sử dụng nó để làm mọi thứ, từ viết email đến làm code.
JPMorgan Chase và Verizon hiện đã gia nhập danh sách những các tên cấm sử dụng ChatGPT. Amazon mới đây còn kêu gọi các kỹ sư thay vì dùng ChatGPT để hỗ trợ mã hóa hãy sử dụng công cụ AI nội bộ của riêng mình để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, Samsung cũng cấm nhân viên sử dụng ChatGPT và các dịch vụ AI tương tự. Công ty lo ngại các dữ liệu được đưa lên những nền tảng này sẽ được lưu trên máy chủ bên ngoài, và vì vậy, khiến hãng rất khó truy xuất và xóa bỏ.
Trong cuộc họp hàng quý mới nhất của hãng Apple, CEO Tim Cook đã bày tỏ lo ngại xoay quanh những tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tổng quát.
“Điều rất quan trọng là phải cân nhắc và suy nghĩ kỹ lưỡng cách bạn tiếp cận công nghệ này. Vấn đề là có, nhưng tiềm năng chắc chắn rất thú vị”, ông Cook cho biết.
Nhà khoa học siêu thanh Nga bị bắt với cáo buộc tiết lộ bí mật cho Trung Quốc
Reuters đưa tin, giám đốc một viện khoa học hàng đầu của Nga cùng với hai chuyên gia công nghệ tên lửa siêu thanh đã bị cơ quan chức năng nước này bắt giữ với cáo buộc tội tiết lộ bí mật cho Trung Quốc.
Theo đó, Alexander Shiplyuk, người đứng đầu Viện Cơ học Lý thuyết và Ứng dụng Khristianovich (ITAM) của Siberia, bị nghi ngờ chuyển giao tài liệu mật tại một hội nghị khoa học ở Trung Quốc năm 2017.
Người đàn ông 56 tuổi khẳng định mình vô tội và cho biết thông tin được đề cập không được phân loại và được cung cấp miễn phí trên mạng.
Bản chất của các cáo buộc chống lại giám đốc ITAM, người đã bị bắt vào tháng 8 năm ngoái, chưa được báo cáo trước đó. Mối liên hệ với Trung Quốc sẽ khiến Shiplyuk trở thành người mới nhất trong chuỗi các nhà khoa học Nga bị bắt trong những năm gần đây vì cáo buộc tiết lộ bí mật cho Bắc Kinh.
Khi được hỏi về các cáo buộc mà các chuyên gia ITAM phải đối mặt cũng như về các vụ phản quốc trước đây có liên quan đến Trung Quốc, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cơ quan an ninh đang theo dõi các trường hợp có thể liên quan đến “sự phản bội tổ quốc”.
Ông nói: “Đây là công việc rất quan trọng. Nó đang diễn ra liên tục và khó có thể nói ở đây về bất kỳ loại xu hướng nào”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi được hỏi về những cáo buộc rằng Bắc Kinh đã nhắm mục tiêu các nhà khoa học Nga để có được nghiên cứu nhạy cảm, đã cho biết quan hệ Trung-Nga dựa trên “không liên kết, không đối đầu và không nhắm mục tiêu của bên thứ ba”.
“Điều này về cơ bản khác với những gì một số liên minh quân sự và tình báo đã ghép lại với nhau dựa trên tâm lý Chiến tranh Lạnh của họ”, cơ quan này nói thêm.
Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng Nga là quốc gia dẫn đầu thế giới về tên lửa siêu thanh, loại vũ khí tiên tiến với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh có thể xuyên thủng tất cả các hệ thống phòng không.
Trường hợp mới nhất, cũng như các vụ bắt giữ trước đó vì tội phản quốc, cho thấy Matxcova đang cảnh giác về việc mất bất kỳ lợi thế công nghệ nào, kể cả đối với Trung Quốc, một đồng minh mà Matxcova ngày càng tin cậy để được hỗ trợ chính trị và thương mại kể từ khi phát động cuộc xâm lược Ukraina.
Năm ngoái, chuyên gia về laser Dmitry Kolker bị bắt ở Siberia với tội danh phản quốc nhưng qua đời hai ngày sau đó vì bệnh ung thư. Luật sư Alexander Fedulov của ông nói với Reuters tuần trước rằng Kolker bị buộc tội chuyển bí mật cho Trung Quốc, một cáo buộc mà gia đình nhà khoa học bác bỏ.
Alexander Lukanin, một nhà khoa học đến từ thành phố Tomsk của Siberia, đã bị bắt vào năm 2020 vì nghi ngờ chuyển bí mật công nghệ cho Bắc Kinh. Năm ngoái, anh ta bị kết án bảy năm rưỡi tù giam.
Valery Mitko, một nhà khoa học đứng đầu Học viện Khoa học Bắc Cực ở St. Petersburg, cũng bị buộc tội vào năm 2020 vì đã chuyển bí mật cho Trung Quốc, nơi ông thường xuyên đến để giảng bài. Ông qua đời hai năm sau đó ở tuổi 81 trong khi bị quản thúc tại gia.
Giấc mơ gia nhập CPTPP của Bắc Kinh tan vỡ.
Tờ SCMP đưa tin, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng, Bộ trưởng Thương mại và du lịch Australia Don Farrell hy vọng rằng, ông sẽ công khai bày tỏ sự ủng hộ của Canberra đối với việc gia nhập “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP), đồng thời từ chối tư cách thành viên của Đài Loan.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết chính phủ Úc không thể công khai ủng hộ tư cách thành viên của Bắc Kinh, khi Bắc Kinh cũng đang áp đặt lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm như lúa mạch và rượu vang đỏ của Úc.
Một nguồn tin khác cho biết: “Úc không phản đối tư cách thành viên của Bắc Kinh, nhưng Canberra chỉ có thể ủng hộ trên cơ sở Bắc Kinh đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại của CPTPP”.
CPTPP tiền thân là “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương” (TPP), được đổi tên sau khi Hoa Kỳ rút lui dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Hiện có 12 nước thành viên.
Việc nước nào tham gia CPTPP cần có sự đồng ý của tất cả các quốc gia thành viên.
Bắc Kinh đã nộp đơn xin gia nhập vào ngày 16 tháng 9 năm 2021 và Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập vào ngày 22 tháng 9 cùng năm.
Thành viên cấp cao của Quỹ Hinrich, ông Stephen Olson cho biết: “Các thành viên hiện tại công nhận vai trò trung tâm của Bắc Kinh đối với nền kinh tế khu vực, nhưng nhiều người cũng có những nghi ngờ về sự quyết đoán ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc”.
Ông cho biết thêm, về thương mại, các thành viên hiện tại của CPTPP đã đặt câu hỏi về mức độ tuân thủ của ĐCSTQ đối với các nghĩa vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và họ nghi ngờ về việc liệu chính phủ Trung Quốc có thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khuôn khổ thương mại tiêu chuẩn cao trong CPTPP hay không.
Trong nhiều năm, liệu ĐCSTQ có tuân thủ các cam kết WTO hay không là một điểm gây tranh cãi giữa cộng đồng quốc tế và Bắc Kinh. Năm 2021, kỷ niệm 20 năm Bắc Kinh chính thức gia nhập WTO, họ tuyên bố đã tuân thủ nghiêm túc các quy tắc và thực hiện đầy đủ các cam kết “gia nhập WTO” trong 20 năm qua. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Úc và các nước khác đã đưa ra nhiều chỉ trích mạnh mẽ đối với chính quyền này.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ đã viết rằng, “Cam kết WTO của Trung Quốc” nêu rõ: “Chính phủ Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước”. Nhưng mặt khác, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt chính sách và quy định nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với các doanh nghiệp.
Ví dụ, vào ngày 31 tháng 12 năm 2020, Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Quốc vụ viện Trung Quốc và Bộ Tài chính đã đưa ra thông báo về việc ban hành “Các biện pháp quản lý đối với việc xây dựng các điều khoản của hiệp hội doanh nghiệp nhà nước”; trong đó nói rằng: “Việc xây dựng và quản lý điều lệ hiệp hội doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ sự lãnh đạo toàn diện của đảng”.
Báo cáo dẫn lời Stephen Ezer, phó chủ tịch Quỹ Sáng tạo & Công nghệ Thông tin Hoa Kỳ, nói rằng điều này cho thấy Bắc Kinh đã bác bỏ cơ bản định hướng thị trường của WTO.
Báo cáo cũng dẫn ra một vấn đề khác đối với “cam kết của Trung Quốc khi gia nhập WTO” là, mặc dù rõ ràng là mở nhưng lại bị hạn chế nghiêm ngặt, gây khó khăn cho việc triển khai trên thực tế.
Ví dụ: Bắc Kinh cho phép các công ty luật do nước ngoài tài trợ thành lập văn phòng đại diện tại Trung Quốc, nhưng các văn phòng này không được phép tham gia vào các vấn đề pháp lý của Trung Quốc hoặc chỉ được thuê các luật sư đã đăng ký với chính quyền Trung Quốc.
Các nhà phê bình cho rằng một số vi phạm WTO của Bắc Kinh ngày càng trở nên tinh vi trong bối cảnh quốc tế phản đối kịch liệt.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố ngay sau khi Bắc Kinh đề xuất tham gia CPTPP rằng, ông hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các yêu cầu của CPTPP hay không.
Thảo luận về vấn đề ưu đãi các công ty nhà nước và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ông Kishida nói: “Nhật Bản sẽ phải xem liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao của TPP hay không. Tôi nghĩ rằng nó có thể khá mờ đục”.
Mặc dù nghi ngờ khả năng của Trung Quốc nhưng Fumio Kishida lại hoan nghênh đơn xin gia nhập CPTPP của Đài Loan. Nhiều chính trị gia và nhà lập pháp Nhật Bản cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Đài Loan gia nhập CPTPP.
Điều này một lần nữa có thế khiến Bắc Kinh nóng mặt!