Vân Ánh Võ & Mekong: Life- Bản Trường Ca Kêu Gọi Bảo Vệ Dòng Mekong.
29/04/2023
Doãn Hưnghttps://vietbao.com/p301417a315646/van-anh-vo-mekong-life-ban-truong-ca-keu-goi-bao-ve-dong-mekong
Vào chiều Chủ Nhật 04/23/2023, tại Bing Concert Hall của Đại Học Stanford danh tiếng, đã có buổi trình diễn tấu khúc với chủ đề “Mekong: Life” của nữ nghệ sĩ Vân Ánh Võ cùng ban nhạc Boold Moon Orchestra. Buổi hòa nhạc là lần trình diễn đầu tiên trước công chúng. Có thể nói “Mekong:Life” giống như một bản trường ca, như một lời kêu gọi đầy xúc động, khẩn thiết để bảo vệ dòng sông Mekong.
Vân Ánh cho biết để thực hiện được “Mekong: Life”, cô đã có những chuyến thăm viếng vùng lưu vực sông Mekong ở các quốc gia Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam. Mekong có nghĩa là Sông Mẹ, hay Bà Mẹ Nước. Bà Mẹ đã nuôi sống hàng triệu triệu người con sinh sống bên sông. Cô cảm nhận hết được vẻ đẹp của thiên nhiên, của nền văn hóa sông nước Mekong. Cô nghe những điệu dân ca của các dân tộc sống dọc theo dòng sông. Cô nghe những truyền thuyết dân gian được kể lại bởi những người lớn tuổi sống trong thôn làng. Và cô cũng nhìn thấy được tận mắt sự tàn phá thiên nhiên một cách khủng khiếp của con người tại khu vực này, dẫn đến nguy cơ xóa sổ một nền văn minh Mekong hiền hòa, nhân hậu đã tồn tại từ ngàn năm trước.
Vân Ánh nghĩ rằng là một nghệ sĩ, cô có thể dùng âm nhạc như một thông điệp để nhắc nhở con người rằng biến đổi khí hậu là có thật, và sự tàn phá của loài người đang sắp hủy diệt sự sống của dòng sông. Nếu biết cảm thông, cùng nhau hợp lực, chúng ta có thể bảo tồn được sự sống cùng nền văn hóa dân gian vùng Mekong. “Mekong: Life” đã ra đời như vậy. Vân Ánh và những người bạn âm nhạc đã cùng thực hiện sứ mạng này. Blood Moon Orchestra bao gồm những nghệ sĩ:
Charya Burt, múa Hoàng Gia Cam Bốt
Doy Charnsupharindr, nghệ thuật trình diễn Thái
Susu Hlaing, đàn hạc & trống Miến Điện
Joel Davel, đàn Marimba Lumina & bộ gõ
Jimi Nakagawa, trống Taiko Nhật
Adam Fong, nhạc cụ điện tử & bass
Có thể nhận ra nhiều thành viên trong đoàn có nguồn gốc từ các quốc gia thuộc lưu vực Mekong.
Trong phần mở đầu của “Mekong: Life”, Vân Ánh tái tạo lại hình ảnh mà cô vô cùng yêu thích trong chuyến viếng thăm vùng đồng bằng sông Mekong: những người lớn tuổi trong làng ngồi quây quần để hát lại những làn điệu dân ca, kể lại cho mọi người nghe những truyền thuyết dân gian trong vùng. Có một truyền thuyết về sự tranh chấp giữa nữ thần nước và một con yêu tinh. Những cuộc xung đột giữa thần linh này đã tạo ra sấm chớp, mưa nguồn, tạo ra dòng sông Mekong. Sự tranh đấu của thiên nhiên khi tìm được sự cân bằng góp phần nuôi dưỡng sự sống. Chỉ có sự tranh chấp giữa người với người với lòng tham lam, ích kỷ sau này mới phá hoại thiên nhiên, hủy diệt dòng Mekong.
Đã có một thời, dòng Mekong hoang dã chảy cuồn cuộn không có biên giới. Sông Mẹ đem nguồn nước, phù sa nuôi dưỡng tất cả những đứa con sống trải dài hàng nghìn cây số, không phân biệt quốc gia, dân tộc.
Nhưng đến ngày hôm nay, dòng sông Mekong đang bị chia cắt, ngăn đập để bóc lột. Con người khai thác dòng sông một cách tham lam, ích kỷ. Con người xả rác, chất thải vào dòng sông, tự hủy hoại môi trường sống của chính mình. Dòng sông Mekong đang hấp hối…
“Mekong: Life” sử dụng nhiều làn điệu dân ca, phối hợp nhiều nhạc cụ của các dân tộc Miến, Việt, Miên, Lào, Thái…, nhưng người nghe khó mà nhận ra được sự khác biệt. Thế giới âm nhạc không có biên giới, một thông điệp mà Vân Ánh đã và đang truyền đi qua những buổi trình diễn của mình trong nhiều năm qua.
Trong hơn một tiếng đống hồ, tấu khúc “Mekong: Life” dùng thanh âm, giai điệu để diễn tả tiến trình sinh, trụ, hoại, diệt của dòng sông Mekong. Phần khởi đầu với những thanh âm thanh bình, hiền hòa. Tiếng đàn bầu gợi nhớ lại một miền quê trù phú, rộng lượng ở vùng sông nước Miền Nam. Giai điệu có lúc hoang dã như sức mạnh của thiên nhiên, nhưng vẫn tràn đầy sự sống mà không có sự hủy diệt.
Nhưng rồi, giai điệu trở nên khô cằn, khốc liệt hơn, diễn tả dòng sông bị đầu độc, thiên nhiên bị tàn phá. Có lúc, thanh âm như những tiếng kêu quặn đau của người hấp hối. Có lúc, giai điệu da diết như hoài niệm về một ngày xưa thanh bình đã mất. Khán giả Việt vô cùng xúc động khi nghe giai điệu của một câu hò Huế hòa trong tiếng đàn tranh day dứt buồn, ai oán. Tại sao là một câu hò Huế mà không phải là câu hò Miền Nam? Có thể vì những câu hò sông nước Cửu Long thường hiền hòa, độ lượng, nên không diễn tả được nỗi niềm oán thương của dòng Mekong đang bị nghẽn mạch. Mà cũng có thể là vì lời kêu cứu không chỉ vọng từ Mekong, mà còn ở tất cả các con sông cũng đang chịu chung sự tàn phá bởi con người.
Như âm thanh chưa đủ diễn tả hết sức mạnh hủy diệt của con người, phần hình ảnh trong buổi trình diễn còn góp phần làm tăng thêm cảm xúc của khán giả. Hình ảnh những đọan phim thời sự với những hàng cây khô trụi bên dòng sông. Hay là hình ảnh những bãi rác khổng lồ chứa đủ thứ mà con người đã đổ vào dòng sông ô nhiễm. Hay là hình ảnh những bao nhựa, giấy thải văng tung tóe trên sân khấu, trong nền âm thanh dồn dập, khẩn thiết đã đẩy cảm xúc của khán giả lên đến cao độ.
Sau cùng, giai điệu trở lại tha thiết như một lời thỉnh cầu, khi người nghệ sĩ kêu gọi vẫn còn kịp thời gian để cứu dòng Mekong. Giai điệu tươi sáng hơn như một niềm hy vọng. Dòng sông không thể quay trở lại nơi chốn cũ, mà sẽ đổ ra đại dương. Con người có thể mang tấm lòng của đại dương, rửa sạch tất cả ô nhiễm, xoa dịu nỗi u uất của một dòng sông đang bị hủy diệt. Khán giả nghe lại tiếng đàn bầu, với giai điệu hiền hòa đôn hậu của một câu cải lương Miền Nam. Khán giả nghe người nghệ sĩ nói lời cảm ơn đến Mẹ Mekong đã đem lại sự sống, ấm no cho muôn loài. Có thể tin rằng lương tri nhân loại sẽ vượt qua sự tham lam, ích kỷ, độc ác để cứu lại dòng Mekong.
Sau buổi trình diễn, nhiều khán giả đã ở lại để chia sẻ, đặt câu hỏi với những nghệ sĩ. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ một chương trình nhạc hiếm hoi tập họp được nhiều nghệ sĩ của những dân tộc có cùng nền văn hóa sông Mê Kông. Họ say mê vẻ đẹp của những giai điệu, và cũng đồng quan điểm rằng khó có thể phân biệt tính dân tộc trong các làn điệu dân gian đó.
Một người là cô giáo đã từng dạy Vân Ánh những ngày mới sang Mỹ, lúc mà “tiếng Anh nói còn chưa rành” như Vân Ánh tự kể lại. Nay bà hãnh diện vì người học trò di dân của mình đang thực hiện một sứ mệnh mang tầm vóc thế giới: dùng âm nhạc kêu gọi bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng Mekong.
Có người mong rằng rồi đây “Mekong: Life” sẽ có dịp trình diễn tại các quốc gia mà dòng Mekong chảy qua. Xa hơn nữa, “Mekong: Life” sẽ được trình diễn tại các hội nghị quốc tế về môi trường, tại các hội nghị của các quốc gia đang hợp tác để bảo vệ dòng Mekong.
Từ nhiều năm nay, Vân Ánh giống như một đại sứ âm nhạc của dòng nhạc dân tộc Việt Nam tại Mỹ, với thông điệp về một ngôn ngữ âm nhạc không biên giới.
Và nay, với “Mekong:Life”, sứ mạng âm nhạc của Vân Ánh đã mang một tầm vóc mới, với thông điệp mang tính toàn cầu về môi trường, mà khởi đầu là bảo vệ dòng sông và nền văn hóa Mekong.
Doãn Hưng