Việt Nam, TQ ủng hộ nghị quyết của LHQ có đoạn nói về ‘Nga xâm lược Ukraine’.
9 giờ trước
Việt Nam, Trung Quốc bất ngờ bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong đó có đoạn về ‘hành động xâm lược quân sự’ của Nga đối với Ukraine vào hôm 26/4.
Nghị quyết do 48 quốc gia đề xuất, khuyến khích Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp để giải quyết hiệu quả nhiều chủ đề khác nhau.
Trong phần về Ukraine có đoạn đề cập đến “những thách thức chưa từng có mà châu Âu phải đối mặt, sau hành động gây hấn mang tính xâm lược (aggression) của Nga đối với Ukraine và Gruzia”.
Bà Nataliya Zhynkina, Tham tán chính trị Ukraine tại Việt Nam bình luận với BBC về việc bỏ phiếu cho Nghị quyết mới nhất này:
“Chúng tôi hoan nghênh sự đoàn kết trong việc xác định hành vi xâm lược của Nga đối với Ukraine và Gruzia cùng những thách thức mà hành động đó gây ra đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Điều quan trọng là phải hiểu lý do của một vấn đề để tìm giải pháp thích hợp.”
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào 24/02/2022, Hà Nội đã kiên trì với đường lối đối ngoại mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh là “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”.
Giáo sư Carl Thayer nói với BBC, việc bỏ phiếu này phản ánh Việt Nam chọn ủng hộ chủ nghĩa đa phương để làm giàn giáo, chống đỡ áp lực từ các cường quốc.
Việt Nam, Trung Quốc theo đa số
Nghị quyết A/RES/77/284 đã được thông qua với 122 phiếu thuận. 18 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 bỏ phiếu chống.
Lần đầu tiên, tất cả các quốc gia thuộc khối ASEAN lần đầu tiên thống nhất bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết có liên quan đến cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine.
Khối này từng bị chỉ trích về sự chia rẽ, thông qua vấn đề Biển Đông, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc đảo chính ở Myanmar và gần nhất là cuộc chiến giữa Ukraine – Nga.
Đây cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc và Việt Nam theo phe đa số ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong đó có phần nêu rõ hành động “Nga xâm lược ở Ukraine và Gruzia trước đó”.
Báo chí nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn gọi cuộc xâm lược của Nga là “Chiến dịch quân sự đặc biệt”, theo đúng cách truyền thông Nga sử dụng, trong khi đối với các nước phương Tây, đây thực sự là cuộc xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền, lãnh thổ.
Nguyên văn đoạn thứ chín của nghị quyết A/RES/77/284:
“Cũng công nhận rằng những thách thức chưa từng có mà Châu Âu đang phải đối mặt sau cuộc xâm lược của Liên bang Nga chống lại Ukraine và Gruzia trước đó, cũng như việc chấm dứt tư cách thành viên của Liên bang Nga trong Hội đồng Châu Âu, đòi hỏi tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu, đặc biệt là để nhanh chóng khôi phục và duy trì hòa bình và an ninh dựa trên sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ Quốc gia nào, đảm bảo việc tuân thủ nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế trong thời gian chiến sự, bồi thường cho các nạn nhân và đưa tất cả những người chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật quốc tế ra trước công lý.”
Với diễn biến mới nhất, nhiều người chỉ ra sự “đồng điệu” cả sáu lần bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cụ thể, lần đầu tiên, ngày 1/3/2022, khi bỏ phiếu nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ, Việt Nam bỏ phiếu trắng.
Lần thứ hai, ngày 24/3, Đại hội đồng LHQ ra nghị quyết yêu cầu bảo vệ dân thường, Việt Nam cũng bỏ phiếu trắng.
Lần thứ ba, ngày 7/4/2022, đề nghị trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bỏ phiếu chống.
Lần thứ tư, ngày 12/10 rạng sáng 13/10/2022 theo giờ Việt Nam, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới chống Nga sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine.
Lần thứ năm, ngày 23/2/2023, Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng như Trung Quốc đối với nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine và kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga – Ukraine, trong bối cảnh tròn một năm chiến sự.
Lần mới nhất này, ngày 26/4, Việt Nam và Trung Quốc “gia nhập” phe đa số, ủng nghị quyết về Liên Hợp Quốc và Hội đồng Châu Âu tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp để giải quyết hiệu quả nhiều chủ đề khác nhau. Trong đó có việc thừa nhận hành động xâm lược quân sự của Nga đối với Ukraine.
Trung Quốc – nhà kiến tạo hòa bình?
Cũng trong hôm 26/4, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo trên Twitter rằng ông “đã có một cuộc điện đàm dài và đầy ý nghĩa với Chủ tịch Tập Cận Bình”,
Đây là cuộc gọi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào Ukraine. Theo đó, ông Tập nói với ông Zelensky rằng “đối thoại và đàm phán” là “lối thoát duy nhất” cho cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, vốn đã dẫn đến thương vong trực tiếp cho hơn 350.000 binh sĩ.
Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên tới Ukraine và “các quốc gia khác” sau cuộc điện đàm đầu tiên này.
Ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn “đứng về phía hòa bình” và “thúc đẩy các cuộc hòa đàm”, theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.
Tháng 2 vừa qua, Bắc Kinh đã công bố một tài liệu gồm 12 điểm. Trong đó, Bắc Kinh kêu gọi một “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bắc Kinh cũng làm trung gian giúp giảm thiểu căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran trong một trong sự xoay trục chính sách ngoại giao lớn nhất của chính quyền Tập Cận Bình; Trung Quốc đã thực hiện được điều này ở Trung Đông, nơi mà sự can thiệp của Mỹ đã bị sa lầy trong những khó khăn và thất bại – đó mới là điều được coi là quan trọng bật nhất.
Chủ tịch Trung Quốc sau đó đến thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 3, với vai trò “nhà kiến tạo hòa bình” và ngoại giao “đắc nhân tâm” mà Bắc Kinh thể hiện, nhiều người kỳ vọng ông Tập sẽ thuyết phục Moscow kết thúc xung đột.
Nỗ lực ngoại giao trên đặt Trung Quốc vào vị trí là một nhà trung gian quyền lực toàn cầu có thể có cội nguồn từ chủ trương “Trung Hoa dân tộc phục hưng”, một khái niệm dân tộc chủ nghĩa lâu đời nhằm đưa Trung Quốc giành lại vị trí trung tâm của mình trên thế giới.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh Phương Tây có sự ngờ vực sâu sắc về động cơ của Trung Quốc, đề cập Bắc Kinh đã từ chối lên án Nga và cung cấp nguồn sống kinh tế cho Moscow trong khi các nước khác đang gia tăng các lệnh trừng phạt.
Trả lời phỏng vấn đài Pháp LCI hôm 21/4, Đại sứ Trung quốc Lư Sa Dã ở Pháp (Lu Shaye) nêu ra quan điểm gợi ý rằng các nước thuộc Liên Xô cũ như Ukraine “không có chủ quyền quốc gia thực thụ”.
Phát biểu này của ông Lư vấp phải sự phê phán từ ông Mykhaylo Podolyak, trợ lý cho tổng thống Ukraine, cho rằng Trung Quốc “nếu muốn làm nhà đàm phán trung gian hòa giải thì không thể chỉ nhai lại quan điểm của Nga”.
Một số báo châu Âu cho rằng phát biểu của ông Lư chứng tỏ những lời hoa mỹ mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói về vai trò trung gian kiến lập hòa bình trong xung đột Nga-Ukraine chỉ là nói suông.
Theo họ, Trung Quốc thực chất là đồng minh chủ chốt của Nga vì Moscow lâu nay tìm cách hạ thấp chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô cũ.
Hôm 24/04, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ, bà Mao Ninh bác bỏ quan điểm của ông Lư Sa Dã.
BBCViet