ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 29//4/2023
Tổng thống Czech và Slovakia phải xuống hầm trú ẩn do cảnh báo không kích ở Kyiv
Tờ Pravda của Ukraina đưa tin, Tổng thống Cộng hoà Séc Petr Pavel và Tổng thống Slovakia Zuzana Chaputova, cùng với một số quan chức khác đã buộc phải xuống hầm trú ẩn khi có cảnh báo không kích ở Kyiv.
Tin cho biết, vào chiều ngày 28/04, chính quyền Ukraina đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc không kích trên khắp đất nước.
Điều này khiến lịch trình trong chuyến thăm Kyiv của Tổng thống Séc và Tổng thống Slovakia đã bị gián đoạn và hai nhà lãnh đạo buộc phải xuống hầm trú ẩn để bảo đảm an toàn.
Chưa đầy một giờ sau, chính quyền Ukraina đã dỡ bỏ cảnh báo. Theo ứng dụng cảnh báo về nguy cơ bị hoả tiễn tấn công, cảnh báo không kích ở Kyiv kéo dài 43 phút.
Ông Pavel và bà Chaputova đến Ukraina vào đêm 27/04 bằng tàu hỏa từ Ba Lan. Vào rạng sáng 28/04, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hoả tiễn quy mô lớn vào lãnh thổ Ukraina, khiến 25 dân thường thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em.
‘Chuyến công du khẩn cấp Ngoại trưởng Tần Cương khó cải thiện quan hệ Trung Quốc và Philippines’
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang), người đã đến thăm Philippines từ ngày 21/04 đến 23/04, cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác để giải quyết những khác biệt giữa hai quốc gia về vùng biển đang bị tranh chấp gay gắt.
Thế nhưng, các chuyên gia tin rằng chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ rất chật vật để khôi phục lại mối bang giao với Philippines.
Lý do, trái với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte hướng về Bắc Kinh, tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã hướng về Washington sau khi nhậm chức, khi tuyên bố rằng Philippines sẽ không từ bỏ dù chỉ một inch vuông lãnh thổ cho bất kỳ thế lực ngoại quốc nào.
Ông Tống Quốc Thành (Song Guocheng), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc lập Chính Trị, nói với ấn bản Anh ngữ của Đại Kỷ Nguyên rằng có hai lý do chính dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Philippines đối với Trung Quốc.
“Trong những ngày đầu, ông Marcos Jr. đã đưa ra một số nhận định tương đối ủng hộ Trung Quốc với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ gia tăng đầu tư hay cái gọi là các khoản vay cho Philippines. Nhưng Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa của mình nên ông Marcos Jr. cảm thấy có đôi chút bị lừa dối”.
Philippines hầu như không được hưởng lợi từ các chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte. Hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei đưa tin, tuy rằng ông Duterte đã thường xuyên đến thăm Trung Quốc trong bối cảnh chế độ Bắc Kinh hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ USD vào Philippines, nhưng chỉ có chưa đến một nửa khoản tiền đó được thực hiện.
Về lý do thứ hai, ông Tống nói: “Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã sách nhiễu ngư dân Philippines trên những đảo và bãi đá ngầm mà Philippines tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là một thời gian trước Trung Quốc đã sử dụng tia laser quân sự để gây mù tạm thời cho các thuyền viên Philippines. Đây là một cuộc tấn công quân sự”.
“Hai lý do này đã dẫn đến quyết tâm của ông Marcos Jr. và ông quyết định hướng đến Hoa Kỳ”.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trùng khớp với cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất giữa Hoa Kỳ và Philippines trong nhiều thập niên, với sự tham gia của hơn 17.000 binh sĩ từ cả hai nước.Tập đoàn công nghệ SpaceX phóng vệ tinh 5G đầu tiên
Sateliot “GroundBreaker” là vệ tinh 5G đầu tiên trong chòm hơn 250 vệ tinh mà tập đoàn công nghệ SpaceX của tỷ phú Elon Musk phóng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất, theo tờ Space.
Mang tên “The
GroundBreaker”, vệ tinh 5G này truyền dữ liệu trên quỹ đạo tương đối nhỏ
(10 kg) có số hiệu Sateliot_0, được thiết kế để liên lạc với các tháp
di động trên mặt đất và lấp đầy khoảng trống trong mạng lưới dữ liệu
trên thế giới. Tên lửa Falcon 9 phóng vệ tinh hôm 15/4 từ cơ sở phóng
của SpaceX ở Trạm không gian Vandenberg tại California. Công ty Sateliot
ở Barcelona, Tây Ban Nha, nhà vận hành The GroundBreaker và chòm
Sateliot_X, coi công nghệ là cơ hội để tiếp cận mạng Internet Vạn vật
(IoT) trên toàn cầu.
“Lần đầu tiên trong lịch sử,
mạng di động trên mặt đất hòa nhập nhuần nhuyễn với kết nối vệ tinh, và
Sateliot đang dẫn đầu cuộc cách mạng này”, đại diện SpaceX cho hay. “Sateliot
hy vọng có thể lấp đầy 85% khoảng trống trong kết nối di động trên khắp
hành tinh, mở ra nhiều ứng dụng ở thị trường tư nhân và công cộng, bao
gồm vận chuyển đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, với
tiềm năng tác động tới hiệu quả của hàng trăm ngành công nghiệp”.
Thông qua kết nối IoT với mạng lưới truyền dữ liệu di động trên quỹ đạo và mặt đất, Sateliot muốn mở rộng khả năng của các thiết bị tham gia. Người dùng có thể chuyển từ mạng 5G trên mặt đất tới quỹ đạo mà không cần mua thêm phần cứng như ăngten hoặc modem. Họ có thể tiếp tục sử dụng sim thẻ và nhà mạng hiện nay. Điều này giúp ứng dụng mạng IoT trên toàn cầu trở nên dễ dàng hơn.
Sateliot_0 là vệ tinh đầu tiên của công ty,
nhưng khi mở rộng quy mô, mỗi vệ tinh sẽ quay quanh Trái Đất trong 90
phút, cung cấp độ phủ sóng lớn gấp 3 lần diện tích bang Texas của Mỹ.
Hiện Sateliot chưa tiết lộ ngày phóng và tên lửa đẩy chở vệ tinh tiếp
theo lên quỹ đạo.
Giám đốc FBI: Trung Quốc có số lượng hacker gấp 50 lần FBI
Theo ông Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Trung Quốc là nơi trú ngụ của tội phạm mạng với quy mô chưa từng thấy trước đây. Theo ông, số lượng tin tặc ở Trung Quốc gấp 50 lần của FBI.
Phát biểu trước Ủy ban Thẩm định Hạ viện hôm 27/04, ông Wray nói: “Các mối đe dọa mạng ngày nay tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, đe dọa nhiều nạn nhân hơn và lan rộng hơn bao giờ hết”.
Đề cập tới Trung Quốc, ông nêu rõ: “Chiến lược quan trọng của Trung Quốc là nói dối, gian lận và đánh cắp để vượt qua chúng ta với tư cách là siêu cường toàn cầu về mạng”.
“Nếu bạn nhìn vào Trung Quốc, chương trình hack của họ lớn hơn chương trình của mọi quốc gia khác cộng lại”.
Tiếp tục, ông nói: “Để cho mọi người biết chúng tôi đang chống lại điều gì, nếu mỗi đặc vụ mạng của FBI và các nhà phân tích tình báo chỉ tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc… Tin tặc Trung Quốc vẫn sẽ đông hơn nhân viên mạng của FBI ít nhất là 50 lần.
Giám đốc FBI gọi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ, ông nói với Uỷ ban rằng các cuộc điều tra của FBI về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và những kẻ chủ mưu của họ đã tăng 1.300%. Ông cũng nói FBI chặn 15 triệu cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ mỗi tuần.
Nga lại phạt Wikipedia vì bài đăng liên quan cuộc chiến Ukraina
Theo hãng tin Interfax, một tòa án Nga hôm 27/04 phạt Wikimedia Foundation, chủ sở hữu Wikipedia, hai triệu rúp (tương đương trên 24 ngàn đô la) vì không xóa những gì mà Nga gọi là ‘nội dung cấm’ liên quan đến quân đội Nga.
Tòa nói đây là khoản tiền phạt thứ bảy được áp dụng đối với Wikimedia trong năm nay vì không gỡ bỏ thông tin bị cấm. Tổng số tiền phạt đã lên tới 8,4 triệu rúp.
Khoản phạt mới nhất là do Wikimedia không chịu xóa một bài viết về một đơn vị quân đội trong đó có chứa ‘thông tin quân sự mật’ về vị trí, thành phần và trang thiết bị của đơn vị đó, bao gồm cả thông tin liên quan đến tiến độ của chiến dịch của Nga tại Ukraina.
Wikimedia không hồi đáp yêu cầu bình luận. Trước đây họ từng nói thông tin mà nhà chức trách Nga phàn nàn có gốc gác rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn của Wikipedia.
Wikipedia là một trong số ít nguồn thông tin độc lập còn tồn tại ở Nga kể từ khi nhà nước tăng cường đàn áp nội dung trực tuyến sau khi Matxcova xâm chiếm Ukraina từ năm ngoái.
“Chúng tôi chưa chặn Wikipedia, hiện chưa có kế hoạch nào như vậy”, Interfax dẫn lời Bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số, Maksut Shadaev, loan báo hồi tuần trước.
Ukraine:Có thể không kịp xuất khẩu 12 triệu tấn ngũ cốc trước vụ thu hoạch mới
Tờ ePravda của Ukraine báo cáo hôm 27/4 rằng quốc gia này có thể còn 12 triệu tấn ngũ cốc trước mùa vụ thu hoạch mới, và nêu lý do là vì một số quốc gia Châu Âu đã ban lệnh cấm nhập khẩu lương thực từ Ukraine. Trước đó, tờ báo đưa tin rằng nông sản chiếm 70% nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hóa của Ukraine.
“Hiện nay, chúng tôi còn khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc để xuất khẩu. Trong hai tháng đầu năm nay, Ukraine đã xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn. Trong số này, 3 triệu tấn đi qua cảng Odessa, 2 triệu tấn đi qua sông Danube, và 1 triệu tấn qua biên giới phía tây,” tờ báo dẫn lời Alex Lissitsa, chủ tịch UCAB.
Tờ báo nhắc tới bối cảnh: Hiện 5 nước EU là Ba Lan, Bulgaria, Romania, Slovakia, và Hungary đã cấm nhập khẩu thực phẩm của Ukraine, chủ yếu là ngũ cốc (với thời hạn và mặt hàng cụ thể là tùy quốc gia). Hiện nay Ba Lan có cho phép lương thực Ukraine quá cảnh qua nước họ (transit).
Trước chiến tranh 2022, Ukraine xuất khẩu phần lớn lương thực qua các cảng biển. Từ khi chiến tranh 2022 nổ ra, tuy đã thiết lập thỏa thuận “hành lang ngũ cốc” nhưng vẫn không giải được bài toán xuất khẩu của Ukraine. Ngày 18/5 tới này, khi thỏa thuận kết thúc, thì có khả năng Nga sẽ không tiếp tục thỏa thuận này nếu không thỏa mãn một số yêu cầu mới của Nga, mà trong đó có thể là yêu cầu gỡ bỏ các hạn chế xuất nhập khẩu một số mặt hàng của Nga.
Trước đó, như tin đã đưa, những quốc gia Châu Âu tiếp giáp với Ukraine đã tạm thời ngừng nhập khẩu ngũ cốc và lương thực từ Ukraine, chủ yếu là vì lý do bảo vệ quyền lợi cho nông dân của nước mình.