NỖI ĐAU CỦA TRÍ THỨC MIỀN NAM QUA BIẾN CỐ 1975. TRƯỜNG HỢP GS TIẾN SĨ NGUYỄN DUY XUÂN.

Cac Bai Khac

No sub-categories

NỖI ĐAU CỦA TRÍ THỨC MIỀN NAM QUA BIẾN CỐ 1975. TRƯỜNG HỢP GS TIẾN SĨ NGUYỄN DUY XUÂN.

GS Nguyễn Duy Xuân (1925-1986)

Nguyễn Bá Lộc

Trong tháng trước, tôi có nhận từ người bạn, bài báo với chủ đề “Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2020” đăng trên Tập san Người Đô Thị https://uploads.nguoidothi.net.vn ngày 18-2-2021, tờ báo nầy phát hành ở VN.Trong Tâp san nầy có một bài nói về Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân, có cái tựa “Từ Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu long:Tiếc nuối một con người”. Ở một đoạn khác có câu” GS Nguyên Duy Xuân có thiện tâm ở lại phục vụ đất nước trong hòa bình”. Và ở một đọan khác của bài báo đó, có nhận định “

Nếu những người như GS Nguyễn Duy Xuân không bị đối xử quá nghiệt ngã, nếu tài năng của họ được dùng đúng chỗ, đúng tầm sau 1975, liệu ĐBSCL ngày nay có phải đứng trước những thử thách sống còn như trong Báo cáo kinh tế thương niên ĐBSCL nói ở trên nhắc tới”.

Các ý trong bài báo nói trên về GS Nguyễn Duy Xuân làm tôi suy nghĩ, Từ một góc độ nào đó, từ một cảm tính nào đó, tác giả hay bất cứ một người nào đó có thể nói sự “nuối tiếc”, tôi không ý kiến hôm nay. Có một điều nếu không nói ra thì thực là đáng trách. Đó là những nhận xét sai lệch về lập trường quốc gia chơn chánh, về tinh thần phục vụ và hy sinh cao cả chấp nhận hiểm nguy của GS Xuân, cuối cùng ông phải bị nhận cái chết thảm thương trong trại tù CS.

Thứ nữa, GS Nguyễn Duy Xuân là người thầy được các cựu sinh Quốc gia Hành chánh kinh trọng, tong đó có tôi. Sau khi ra trường, tôi có nhiều dịp hầu chuyện, học hỏi và hiểu thầy Xuân, nhứt là những ngày cận kề biến cố 1975. Bởi vậy, sau nhiều suy nghĩ, tôi cảm thấy có bổn phận giải bày ở đây một số điều, mà báo ở trên, nhận xét sai GS Xuân về đạo đức chánh trị , cái trách nhiệm của một sĩ phu, và cái chánh nghĩa của đại đa số trí thức miền Nam.

Như vậy câu chuyện được tóm tắt qua hai phần:

Về trường hợp GS Nguyên duy Xuân và

Về nỗi đau của trí thức miền Nam, qua biến cố 1975

Thứ nhứt, Trường hợp GS Nguyễn Duy Xuân .

Có mấy điểm xin nêu ra đây (Tôi mạn phép khi kể về câu chuyên GS Nguyễn Duy Xuân, tôi xin nói chút về tôi trong những cơ hội hay tương quan gữa tôi và thầy, như một xác nhận qua những gì tôi nói là có thật)

:
GS Xuân là một trí thức chơn chánh và có đạo đức

Giáo sư Nguyễn Duy Xuân cũng như các nhà trí thức có học vị Tiến sĩ miền Nam lúc bấy giờ đã phải khỗ công rất lớn trên con đường theo đuổi học vị nầy. Ông tốt nghiệp Cử nhân kinh tế ở Pháp, Cao học kinh tế ở Anh và Tiến sĩ kinh tế ở Mỹ qua ba giai đoạn không liên tục. Giáo sư tiếp thu được kiến thức rất tốt của đại học tại ba quốc gia hàng đầu về học vấn đại học.

Ngoài ra ông đã kết hợp được kinh nghiệm thực tế qua nhiều chức vụ quan trọng, trong các giai đoạn giữa ba chương trình học đại học. Yếu tố đó cọng với đạo đức cá nhân đưa ông đến sự trọng dụng và mến phục. Dù ông ít nói, nhưng lúc nào gặp ông thường đề cập tới trách nhiệm. Ông có cuộc sống khá thanh đạm.

Sự hợp nhứt tri hành của GS thấy đươc qua các chực vụ và địa vị của ông trong Bộ máy Công quyền hay Giáo sư đại học của giai đoạn đầu xây dựng miền Nam. Ông là một trong rất ít GS ở Học Viện QGHC, lúc đó còn rất ít Tiến sĩ từ Mỹ về . Khóa tôi được ông dạy khi mới về nước.

Ngoài ra, sau nầy, cá nhân tôi có một số dịp gặp ông nhiều hơn khi tôi làm Luận văn Cao học mà đề tài là “Tín dụng và Phát triển kinh tế”, tôi cần tham khảo nội dung luận án Tiến sĩ của GS có chủ đề gần gần như vậy, và được học hỏi kinh nghiệm khi ông làm Tổng giám đốc Quốc gia Nông tín cuộc.

GS Xuân có tầm nhìn chiến lược

Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế, ngoài việc dạy học, GS Xuân còn giử một số chức vụ quan trọng. Lần lược, Tổng trưởng Kinh tế (1965?), Phụ tá Đặc biệt Thổng Thống (1968) , Viện Trưởng Viện Đại học Cần Thơ (1971) và Tổng trưởng Giáo dục (1975).

Dù ở vị trí và vai trò nào GS luôn tỏ ra có tầm nhìn chiến lược và coi trọng trách nhiệm của một kẽ sĩ dấn thân. Xin kể ra đây một vài trường hợp mà tôi biết .

Khi là Bộ trưởng kinh tế (khoảng 1965), ông rất chú trọng sự phát triển Kinh tế nông nghiệp là nền tảng cho kinh tế tự túc tự cường. Năm 1965, Ông thành lập Nha Thanh tra kinh tế Miền Tây (Đồng bằng sông Cửu long), trước đó chỉ có Nha Thanh tra kinh tế Miến Trung (Vùng I), và Nha kinh tế Cao nguyên Trung phần (Vùng II). Tới 1974 các Nha nầy được đổi tên thành Nha Phốihợp kinh tế địa phương (cấp vùng). Tôi phụ trách Nha kinh tế nầy từ 1968 đến 1975. Cũng như khi làm Tổng Giám đốc Quốc gia Nông tín cuộc trước đó, (khoảng 1958), ông mở rộng các Ty Nông tín cuộc khắp miền Nam.

Về phương diện kinh tế, GS Xuân là người đứng ra thành lập Hội kinh tế VN đầu tiên, gồm một số Tiến sĩ, một số chuyên gia, chuyên viên kinh tế, và Hội ra mắt vào khoảng 1970 .

Khi GS làm Viện trưởng Viện Đại học Cần thơ (vào khoảng 1972), tôi có dịp gặp GS nhiều hơn, học hỏi ở GS nhiều hơn, vì lúc đó tôi còn đang phụ trách Nha Thanh tra kinh tế/ Nha Phối hợp kinh tế Vùng IV. Và đồng thời tôi là Giảng viên ở Phân khoa Luật và Xã hội học thuộc Đại học Cần Thơ.

Trong quảng thời gian nầy, với vai trò Viện trưởng, GS lại có dịp đẩy mạnh quan điểm phát triển kinh tế nông nghiệp qua một số chủ trương như: Cho nhiều kỹ sư nông nghiệp đi học thêm hay tu nghiệp. Đại học Cần thơ nhận được nhiều viện trợ hơn để phát triển tốt hơn, nhứt là từ chánh phủ Nhựt. GS thành lập chương trình đào tạo Giáo sư cơ hữu cho Đại học Cần Thơ mà hai ngành chánh là Nông nghiệp và kinh tế. Đây là chương trình phối hợp qua hai bên, của hai Đại học Cần Thơ, và một Đại học ngoại quốc , Hoa kỳ, Nhựt, và Anh. (Tôi được cho tham gia vào chương trình nầy và vì vậy phải gặp thầy nhiều hơn). Chương trính bị chết năm 1975.

Cũng trong quan niệm, giúp nông dân có hiểu biết hơn, lợi tức họ tăng hơn thì cách tốt nhứt để con cái họ có học vấn cao hơn, và do đó ý thức chánh trị sẽ khá hơn , đúng hơn. Năm 1973, ông cho thêm vào chương trình Đại học Sư phạm , môn phụ “Thương mại hóa nông sản”.

ĐBSCL trước kia là hy vọng là căn bản cho kinh tế miền Nam, ngày nay bị suy tàn và có quá nhiều trở ngại vì vậy trong Báo cáo thường niên năm 2020, họ có cảm nghĩ phải chi còn GS Xuân hay đúng ra còn áp dụng kế hoạch của GS Xuân thì vùng nầy đâu có bị hũy hoại như ngày nay.

Thực sự, sự suy sụp củ ĐBSCL, chánh yếu là do sự áp đảo của Trung cộng xây nhiều đập thủy diện ở thượng nguồn, mà VN không dám chống lại. Mặc khác, dù GS Xuân còn sống và được làm việc lại, ông cũng không đóng góp gì được trong chế độ nầy. Đó là một kinh nghiệm, một nhận xét của một số nhà trí thức trong nước và từ nước ngoài về sau 1975.

GS Xuân có lập trường Quốc gia Dân tộc và chấp nhận hiểm nguy.

Đây là điểm chánh mà thấy cần nói ra. Vì chỉ đọc qua bài báo trong Tập san Người Đô Thi nói trên, hay bài báo nào ở VN, thì sẽ có nhiều người hoang mang, hay hơn nữa, có thể trách ông về lập trường chánh trị lúc thời thế đổi thay.

Nhưng những ngày trong tháng tư/75, tôi thường gặp GS hơn, nên biết khá rõ ràng GS vẫn giữ lập trường trước sau như một: không bao giờ theo CS, kể cả nghiên qua thành phần thứ ba, như một số ít trí thức lúc đó đã làm. Tôi có thể kể, mà tưởng như mới ngày nào.

Một lần tôi đến văn phòng ông ở Đại học Cần Thơ, vừa vào tôi chợt thấy đôi mắt ông rất đỏ dường như có ngấn lệ. GS nói ông vừa về từ văn phòng Tư lịnh Nguyễn Khoa Nam, và nói tình thế lâm nguy. (GS Xuân được Tư lịnh NKN tham vấn một số vấn đề trong những ngày tháng đen tối đó).

Rồi mấy ngày sau, tôi nghe tin GS nhận chức Bộ trưởng Giao dục của Nội các Nguyễn Bá Cẩn (vào khoảng 10 tháng tư/1975). Tôi gọi điện thoại cho ông. Tôi hỏi GS liệu tình hình quá bi đát GS nghĩ sao ở trong Chánh phủ quá muộn màng như vậy. GS trả lời “hiện giờ thuyền sắp chìm, không thể nói nên hay không nên, mà giờ mọi người phải cùng nhau tát nước để cứu thuyền khỏi chìm”. GS Xuân tham gia nội các Nguyễn Bá Cẩn trong tinh thần và trách nhiệm của một sĩ phu, trong tình thế cực kỳ nguy hiểm.

Nội các Nguyễn Bá Cẩn chưa làm được gì , thì TT Nguyễn văn Thiệu từ nhiệm, Phó Tông Thống Trần văn Hương lên thay . Rồi Quốc Hội biểu quyết cho Tướng Dương văn Minh lên làm Tổng Thổng để đầu hàng ba ngày sau đó.

Khi lên TT , Tướng Dương văn Minh, thành lập ngay Nội các mà GS Vũ văn Mẫu là Thủ tướng, và vỏn vẹn trong ba ngày , Nội các nầy chỉ mới có được ba bốn Tổng trưởng. Cho nên chưa có sự bàn giao, Nội các Nguyền Bá Cẩn vẫn ở tư thế xử lý, chờ trao quyền cho Nội các mới. GS vẫn ở trong Nội các NBC chờ bàn giao, GS Xuân không phải ở trong “Nội các Dương văn Minh” như bài báo viết sai, thực sự là Nội Các Vũ văn Mẫu. Cái sai nầy có ý nghĩa trong trường hợp GS Xuân, tai hại danh dự GS vì sai lập trường chánh trị của ông

Ông không phải thành viên của “nội các Dương văn Minh”, ai cũng hiểu Nội các đó là nội các của thành phần thứ ba , hay một Nội các lót đường, một nội các tay sai của CS. Còn Nội các Nguyễn Bá Cẩn được kết hợp nhiều đoàn thể và lực lượng quốc gia chống cộng. Lập trường GS Xuân là trong lập trường chung đó.

Trong mấy ngày cuối tháng tư, tôi có lên Sài gòn, đến Bộ Giáo dục không gặp GS, tôi gặp anh Huỳnh kim Thoại (Cao học khóa I), anh vừa được GS Xuân bổ nhiệm Phó Tổng Thư ký, anh cho tôi biết vợ con GS đã rời VN, GS ở lại, dù lúc đó việc ra đi dễ dàng với ông. AnhThoại còn cho biết, GS nhờ anh mua cho ông một món thuốc độc cực mạnh, và một con dao nhỏ luôn bỏ theo mình. Điều nầy chứng tỏ GS Xuân thấy được những giờ phút cục kỳ nguy hiểm, ông phải tự hũy đời mình khi cần. Một điều rõ hơn nữa là GS chắc chắn không thay đổi lập trường để theo thành phần thứ ba, hay chạy theo CS vào giời chót vì lý do nào đó.

Sự cương quyết của GS không phải như lời suy diễn của bài báo Thanh niên 28-4-2015, có tựa “Giữ huyết mạch cho Hòn ngọc Viễn đông, vị Tổng trưởng quyết không rời quê hương”, khi nói về Tổng trưởng Nguyễn Duy Xuân.

Tôi có nghe trong mấy ngày đầu chiếm Viện Đại học Cần Thơ, nhóm sinh viên CS ở đây đòi đưa GS về Cần Thơ để “hỏi tội”, bọn nó muốn “trả thù”, vì vài năm trước đó, có một số sinh viên CS ở Đại học Cần thơ bị Cảnh sát vùng IV bắt giam.

GS Xuân cũng như rất nhiều trí thức khác và đa số học trò của ông tại Học viện QGHC bị CS giam giử lâu dài và trải qua nhiều trại tù. Trong cái sống nghiệt ngã, GS bị bịnh nặng và qua đời tại trại tù Nam Hà, năm 1986, thọ 61 tuổi. Dù dưới góc nhìn nào, đó là một trong rất nhiều thảm họa của trí thức VN qua lịch sử nhiều đắng cay. Và hôm nay, tôi lại xin cầu nguyện hương hồn thầy được bình yên ở cõi vĩnh hằng.

Thứ hai, Vài suy nghĩ về “nỗi đau” của trí thức miền Nam

Qua câu chuyện thảm thương của GS Tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân. Một trí thức nhiều khả năng ,giàu lòng hy sinh , rất đạo đức, nhưng nhưng cuộc đời ông bị kết thúc cách thảm thương, chỉ vì lòng yêu nước, vì theo đuổi trách nhiệm cũa kẽ sĩ. Sự đối xử của chủ thuýết chánh trị CS không căn cứ trên đạo đức thông thường và lòng yêu nước chân chánh.

Về tình trạng đau thương và hổn tạp của trí thức miền Nam qua biến cố 1975

Theo truyền thống văn hóa VN thì trí thức có vai trò quan trọng bực nhứt trong xã hội, có khả năng và hiểu biết hơn thường dân và cò bổn phận hướng dẫn giáo dục quần chúng. Nhưng trong chế độ CS, một loại “trí thức mới” không phải như vậy.

Trước khi CS chiếm miền Nam, tầng lớp trí thức cấp cao cũng như những chuẩn trí thức (sinh viê), có thể tạm chia làm ba thành phần: thành phần chống cộng, thành phần thân cộng, và thành phần không có hay không muốn tỏ ra lập trường và ý thức chánh trị rõ ràng.

Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến thành phần “trí thức thân cộng”, dù không nhiều nhưng có thể là một điển hình của sự đối đầu ý thức hệ, hay tâm lý chánh trị “thời hậu thực dân” ở VN .

Dù những người trí thức nầy tự mình không hiểu CS hay bị CS dụ dỗ hoặc lý do nào khác mà hoạt động của họ trở thành có lợi cho CS, nhứt là trong những tháng ngày của 1975. Hầu hết họ không phải là CS chánh cống , họ là “công cụ” của CS. Họ ở rải rác trong nhiều nơi kể cả khu vực tư. Và sau thời gian sống với CS, họ không thể hội nhập được, không có cơ hội làm được việc gì đáng kể, họ tự nhận sự thất vọng, và tan biến, và để lại một số bài học đớn đau .

Tôi xin ghi nhận ra đây một số trường hợp có thể được xếp loại dưới nhiều hình thái:

Loại hình thái được CS kết nạp, huấn luyện trước 1975, và cho vai trò quan trọng như GS Nguyễn văn Kiết (GS Văn Khoa), và Hồ Hữu Nhựt (sinh viên Đại học sư phạm), cả hai vào cục R.

Sau tháng tư/ 1975 được đưa về Saigon làm Bộ trưởng và Thứ trưởng Giáo dục của Mặt trậnGPMN. Qua năm 1976, VN thống nhứt, Mặt trận và các viên chức đó biến mất luôn.

Loại hình thái có tham vọng chánh trị chạy theo CS với hy vọng là nhập vào thành phần thứ ba, theo Hiệp định Paris. Mặt dù có nhiều người họ đang ở trong nhiều bộ phận chánh quyền quốc gia. Có thể kể các Dân biểu Lý quí Chung, Hồ ngọc Nhuận, Dương văn Ba, GS Đại học Trần kim Thạch, Lý chánh Trung, Luật sư Nguyễn Phươc Đại, LS Trần ngọc Liễng..Sau 1975 các người nầy được cho “đóng góp” làm kiểng, như chức dân biểu Quốc hội, hay chức vụ tào lao nào đó.

Kết cuộc, họ trải qua những ngày tháng phất phơ, thất vọng, thất chí, bất mãn và tàn phai .Loại hình thái “trở cờ” hay “tự diễn biến” với những lý do riêng: như Tiến sĩ Nguyễn văn Hảo, nguyên Phó Thủ Tướng VNCH, ở lại và viết Kế hoạch phát triển kinh tế với tựa “Vận Hội Mới” dâng cho CS và không đựơc đoái hoài . Tới 1982(?) Tiến sĩ Hảo trong lần gặp một số anh em

trong khối kinh tế tài chánh của Chánh quyền cũ , ông nói “giả từ VN” và ra ngoại quốc. Người thứ nhì tôi có gặp lại khoảng 1982 là cựu Tổng trưởng Thương mai và Tiếp tế VNCH, ông Nguyễn Văn Diệp, ông là xếp của tôi. Ông cũng đi trình diện cải tạo, nhưng chỉ sau 3 tháng ở Long Thành, và được cho về. Có thể vì ông Nguyễn văn Diệp thuộc thành phần “thân cộng” hay ít nhứt không phải loại “trí thức phản động”. Nhưng CS chỉ cho làm công tác nghiên cứu phát triển kinh tế. Tôi có thăm ông hồi 1982, vợ con ông ở Pháp và sau đó ông chết âm thầm tại VN.

Một trí thức lớn nữa là Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, nguyên Phó Thủ Tướng VNCH, dường như được CS cho đóng góp sau 1975, với chức Cố vấn ngoại thương, và sau đó được cho mở Văn phòng Tư vấn kinh tế .

Loại hình thái loại có công nhiều với “Cách mạng” trong nhiều hoạt động sinh viên trước 1975.

Có thể kể một vài người như Huỳnh Tấn Mẫm, Hoàng phủ ngọc Tường, nguyễn Hữu Thái, Dương văn Đầy… CS cho họ một số nhiệm vụ sau 1975. Nhưng không được trọng dụng và có sự va chạm với trí thức XHCN miền Bắc , một số lớn sau nầy bất mãn và rút lui.

Loại hình thái đặc biệt: Một số trí thức hải ngoại không phải CS nhưng không hiểu CS, qua lời kêu gọi của Chánh quyền CS , họ “về nước đóng góp xây dựng quê hương” từ một số nước Pháp, Anh , Nhựt , Úc, Hoa kỳ.. CS tuyên truyền rất nhiều về kế hoạch nầy. Có một số trí thức phần khởi trở về, và sau độ 5 năm, tuyệt đa số lại rời VN trong hối hận.

Và còn nhiều nữa những “trí thức lầm lẫn” đó lần lược rời quê hương hay sống âm thầm trong sự đổi đời, mà chính họ hay chế độ mới nầy cho rằng không thích hợp. Trí thức XHCN, dù thế nào cũng tốt hơn đối với đảng, mà trung với đảng là yêu cầu tuyệt đối.

Về chánh sách và biện pháp của CS đối với trí thức miến Nam

Nói chung, CS không ưa và có phần lo sợ trí thức chân chánh, mặc dù cần phải có trí thức để phát triển. Chính Lê ninh đã “dạy” cho các đàn em khi nắm được chánh quyền thì nên sử dụng lại trí thức của chánh quyền cũ. Trí thức đó là công cụ cho phát triển. Mặt khác, CS luôn cảnh giác và sợ trí thức thông thường, vì trí thức hiểu biết cao và đúng, còn CS thì dốt và độc tài ,
nhiều sai trái, nhiều khác biệt với đa số người dân. Cho nên CS chỉ dào tạo, nâng đở, sử dung trí thức XHCN.

Trong nguyên tắc đó, những trí thức cũ của miền Nam không có thế đứng nào cả , kể cả những người có dính dáng hay có cảm tình ủng hộ CS lúc đầu từ nhiều nguồn khác nhau.

Nguyên tắc chung, CS có ba nguyên tắc căn bản vế trí thức:

Trí thức cần cho xây dựng phát triển sau khi nắm quyền, nhưng chỉ là một công cụ (Lê ninh). Trí thức không giá trị gì mà còn cản trở cuộc “Cách mạng vô sản”(Mao trạch Đông).

Cần cảnh giác với trí thức, nhứt là “trí thức tiểu tư sản”, vì họ gần quần chúng và có ảnh hưởng đến quần chúng về nhiều mặt.

Cần phân biệt “trí thức XHCN” và trí thức chung chung, tính “hồng“ phải được đặt cao hơn khả năng “chuyên môn”.

Một số chương trình hay biên pháp của CS đối với trí thức Miền nam

Trấn an và hứa hẹn với trí thức miền Nam qua “chánh sách khoan hồng và cải tạo”. Đầu tiên, khi mới chiếm miền Nam, CS liền trấn an trí thức trong mọi ngành. Chánh quyền mới nói sẽ dùng lại các viên chức cũ, trừ những người “có tội” với nhân dân là phải được “cải tạo” thành “con người mới XHCN”, biến cải thành con người mới khác với con người cũ, xây dựng cho họ có tình cảm đúng là “yêu nước là phải yêu XHCN”. Khoan hồng có nghĩa là không giết .

Đề phòng và trấn áp trí thức. Song song với chương trình trên, CS thực hiện biện pháp trấn át và theo dõi trí thức, nhứt là trong các đảng phái chánh trị chống cộng, trong các tôn giáo. Vụ nổi dậy của nhà thờ Vinh Sơn, làm CS càng siết chặc hơn. Một số trí thức “bị bắt nguội”. Một số trí thức hoạt động sau 1975, bị CS bắt và bị kết án rất nặng, tôi có biết trong số đó có GS Đoàn viết Hoạt, GS GS cựu Viện trưởng QGHC Vũ quốc Thông, GS Đào quang Huy (Học Viện QGHC),…

Chiêu dụ trí thức trong nước và hải ngoại. Vì gần như tất cả trí thức miền Nam, trí thức cao cũng như những người tốt nghiệp đại học, đều lần lược vượt biên trốn khỏi quê hương. Có lúc CS chơi “chiêu dụ dỗ”, một số trí thức có tài năng , vượt biện bị bắt và được thả ngay (vào khoản 1980). Trong số có những người tôi có dịp gặp sau 1982, và họ cũng đi qua Pháp cách
chánh thức như : Tiến sĩ Trần an Nhàn , Kỹ sư Dương kích Nhưỡng, GS Nguyễn văn Tương. Chánh sách “Hòa hợp hòa giải Dân tộc, HGHH”. vào khoảng những năm thập niên 1980, tình hình quốc tế có biến đổi . Trong nước kinh tế bị kiệt quệ, CS thay đổi chách sách kinh tế, cần sự hổ trợ từ ngoài. CSVN đưa ra chiêu bài “Hòa hợp Hòa giải Dân tộc”, kêu gọi mọi người quên đi hận thù, đoàn kết mọi người Việt trong và ngoài nước .

HGHH trên nguyên tắc, có hai bước và hai cách thực thi. “Hòa giải”, trước hết là giải tỏa các mâu thuẩn lớn, sự khác biệt lớn giữa hai bên, thứ nhì là cả hai bên phải phải tự loại bỏ sự khác biệt lớn, để cuối cùng hai bên có thể chấp nhận được trong tinh thần đặt quyền lợi đất nước trên hết.

Thứ nhì, sự thỏa hiệp phải không có sự cưởng bách. Nhưng trên thực tế, CS vẫn đi con đường cố hữu, cũng cố quyền lực, độc tài toàn trị, bằng bạo lực , bằng gian trá, lừa dối, ngăn cách người dân, bằng cưởng đoạt tài sản quốc dân. Thực tế, gần như ai cũng biết, cách cai trị và hành xử với dân của CS, từ 1975 cho tới nay, cơ bản không thay đổi . CS chỉ muốn “hòa giải”
theo cách của họ.

Bước thứ hai là “hòa hợp” cũng không khả thi, vì không qua bước thứ nhứt “hòa giải” được thì làm sao đến “hòa hợp”. Chánh sách HGHH cho quyền lợi dân tộc, chỉ có trong tuyên truyền, hay chỉ thực hiện được từ một số ít người vì quyền lợi cá nhân.

Mặt khác, nếu nghĩ con đường Hòa giải Hòa hợp từ yếu tố quốc tế của chiến tranh VN, thì rất phức tạp và gần như xa vời. Vì căn nguyên và sự giải quyết chiến tranh VN, tự nó là sự pha trộn một loại chiến tranh quốc nội cọng với chiến tranh quốc tế.

Kế hoạch HGHH của CS đã thất bại.

Hơn bất cứ dân tộc nào khác, người Việt bất cứ thuộc thành phần nào, đều mong ước có một ngày Hòa giải Hòa hợp thực sự trong một tình huống khác , với điều kiện khác , cách thức khác hiện nay.

Trong nhiều gới hạn của cá nhân, tôi đã góp một số ý kiến, đúng hơn là một cảm nghĩ ý của một vấn đề. Mà sự suy nghĩ của tôi chánh yếu là xuất phát từ cái “đạo nghĩa”. Thêm một chút là quần chúng bao giờ, và trong hoàn cảnh nào, cũng mong chờ và tin tưởng ở những trí thức
chân chính.

Cali 22/tháng tư /2023

Nguyễn Bá Lộc

[Phần bổ túc  thêm của Ban Biên Tập]

Sơ lược Tiểu sử GS Viện Trưởng Nguyễn Duy Xuân

GS Nguyễn Duy Xuân (1925-1986)
GS Nguyễn Duy Xuân sinh năm 1925 tại Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, cựu học sinh Collège de Cần Thơ. Sau khi đậu bằng Diplôma (Văn bằng Thành Chung). GS sang Pháp du học tốt nghiệp Cử nhân Kinh Tế. Ông tiếp tục theo học chương trình hậu Đại Học ở Anh quốc, tốt nghiệp bằng Master về Kinh tế học; tiếp đến sang Hoa kỳ theo học ở Đại học Vanderbilt, tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế học và trở về Việt Nam năm 1963.
● Tùy viên báo chí Phủ Thủ Tướng Nội các Nguyễn ngọc Thơ,kiêm Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã.
● Tổng Ủy Trưởng Phủ Tổng Ủy Hợp Tác Xã tức Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp.

● Tổng Trưởng Kinh Tế Nội các Thủ Tướng Nguyễn văn Lộc.

● Cố vấn Kinh tế của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.

● Tổng Trưởng Giáo Dục Nội các Thủ Tướng Nguyễn bá Cẩn.

● Viện Trưởng Viện Đại học Cần Thơ (1972-1975).

Trong thời gian giữ chức Viện Trưởng, GS đã nổ lực phát triển Viện Đại học trên mọi lãnh vực từ chương trình giảng dạy, đào tạo cán bộ giảng huấn, ngân sách, tài trợ, xây cất thêm giảng đường, phòng thí nghiệm đến tổ chức hành chánh, y tế sinh viên và thiết lập ký túc xá dành cho sinh viên đến từ các tỉnh miền Tây.

GS đã đẩy mạnh phát triển hai ngành Sư phạm và Nông Nghiệp với viễn kiến nhằm đạo tạo :

* những giáo chức trung cấp để mở rộng mạng lưới giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và,

* những cán bộ chuyên môn với những kiến thức về khoa học và kỹ thuật nông nghiệp để gia tăng tiềm năng sản xuất của đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện kế hoạch trên GS Viện Trưởng Nguyễn Duy Xuân đã cải cách và nâng cấp trường Cao đẳng Nông Nghiệp thành phân khoa Đại học Nông Nghiệp. Đây là lần đầu tiên ở VN một trường Chuyên Nghiệp đào tạo Kỹ sư biến thành một phân khoa Nông Nghiệp của Đại học VN. Sự cải tổ này tạo nên mối hợp tác chặt chẻ giửa các phân khoa, gia tăng hiệu năng giảng dạy và Viện Đại học Cần Thơ phát huy được chương trình giáo dục cao cấp toàn diện, chú trọng đặc biệt đến sự phát triển tài nguyên và văn hoá miền Tây Nam Phần Việt Nam.

Sau biến cố 30/4/1975, GS bị đi học tập cải tạo tại Trại Tù Nam Hà (Ninh Bình) và mất ngày 10/11/1986 trong trại cải tạo.

Hình kỷ niệm của KS Mong Phước Minh (Khóa 1)

 Lể tốt nghiệp khóa 1 với sự hiên diện của GS Nguyễn Duy Xuân

Người viết bản tin: Trần Đăng Hồng
Tin tức và hình ảnh lấy từ Email KS Mong Phước Minh, KS Hà Triều Hiệp, TS Nguyễn Tăng Tôn (cựu sinh viên)
Tiểu sử GS Nguyễn Duy Xuân từ internet