Dân Chủ Pháp Trị – Lê Minh Nguyên
Dân chủ pháp trị là hai đường thẳng song song, hai bờ của một dòng sông, tạo nên một dòng chảy luôn mở ra về phía trước, để các thế hệ đi sau tiếp nối nhau tiến về phía văn minh của nhân loại.
Dân chủ nếu hiểu đơn giản tức là nguời dân làm chủ vận mạng của mình, được tự do quyết định các công việc.
Dân chủ tự do đặt nặng lợi ích của cá nhân. Nếu không có pháp trị thì lợi ích của xã hội bị lu mờ, đưa tới mạnh được yếu thua. Không có luật pháp đứng trên con nguời, xã hội là rừng xanh, chúa sơn lâm sẽ khống chế.
Pháp trị (rule of law) khác với pháp quyền (rule by law) của CSVN và các chế độ quân chủ đã kinh qua. Với pháp trị thì không ai được đứng trên luật pháp, dù là tổng thống hay thủ tướng. Với pháp quyền thì đảng CSVN hay các quân vương đứng trên luật pháp.
Ngay trong các chế độ nhân trị (con nguời đứng trên luật pháp) thời quân chủ, họ cũng dùng LỄ và HÌNH để be bờ cho dòng chảy độc tài của chế độ.
Khổng Nho khác với Hán Nho ở chổ Hán Nho biến Khổng Nho thành lý thuyết ngu trung, mù quáng trung thành với quân vương (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Trong khi Khổng Nho tìm cách hạn chế sự độc tài của quân vương bằng cách lấy đức trị dân dù quân vương vẫn đứng trên luật pháp, thì Hán Nho dạy dân ngu trung dù quân vương là Kiệt Trụ (vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương là 2 vua bạo ngược vô đạo).
Khổng Tử nói “hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc” (tạo sự hứng khởi để tinh hoa phát tiết là thơ, tạo sự kỷ cương lề lối để đâu ra đó là lễ, tạo sự hài hòa trong xã hội là nhạc). Dân Chủ Pháp Trị khác với Khổng Nho vì bên trên không có quân vương hay đảng cộng sản, và tạo hứng khởi bằng tự do, tạo kỷ cương bằng định chế, tạo hài hòa bằng luật pháp.
Định chế là những thể lệ do con nguời đặt ra, nó khác với những gì thiên nhiên sẵn có. Thí dụ như sinh lý là hiện tượng tự nhiên còn hôn nhân là định chế, hay tư hữu là hiện tượng tự nhiên còn sở thuế là định chế.
TS Âu Dương Thệ, trong tác phẩm sắp ra mắt VIỆT NAM “ĐỔI MỚI”?! Hay: Treo Đầu Dê, Bán Thịt Chó viết
(trích)Hiện tượng thời sự rất nóng bỏng ở một số nước, như Tổng thống Trump ở Mĩ, Tổng thống Thổ nhĩ kì Erdoğan, và Tổng thống Nga Putin….có những điểm khác nhau và giống nhau: Mĩ là xã hội dân chủ lâu đời, còn Thổ và Nga là dân chủ hình thức, thực tế phải nói là độc tài. Nhưng giữa họ có một số điểm chung, đó là cá tính và thị hiếu của họ ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động chính trị; đó là động cơ tâm lí trong các quyết định chính trị của họ: tham vọng cao, tính tình bất thường cho nên đưa đến những quyết định không bình thường, không lường trước được.Nhưng khác nhau rất lớn nằm trong cơ chế tổ chức của từng xã hội. Mĩ có những định chế dân chủ lâu đời dựa trên những giá trị xã hội được đa số công nhận: Có hệ thống các chính đảng độc lập, các tổ chức dân sự độc lập và báo chí độc lập, các quyền tự do căn bản của nhân dân được nhìn nhận trong kinh tế, văn hóa, giáo dục và tôn giáo…Trong khi đó hai xã hội Nga và Thổ nhĩ kì hoàn toàn vắng bóng các định chế này. Có thể tiên đoán là, nơi nào có định chế và những giá trị truyền thống dân chủ thì cuối cùng những ý muốn chủ quan và tham vọng điên rồ của các chính trị gia cũng không thể vượt qua được các định chế và những giá trị cao quí của xã hội đó. Trái lại, ở trong những xã hội độc tài, tính khí và động cơ tâm lí người cầm đầu chế độ thường đóng vai trò áp đảo toàn xã hội trong thời gian họ nắm quyền!(hết trích)
TS Thệ chỉ rõ ra rằng dân chủ pháp trị trụ vững được là nhờ thành trì của các định chế dân chủ. Nếu Mỹ không có các thành trì này thì đã không đứng vững được trong hơn 200 năm qua.
Cho nên bài học rút ra khi chế độ cộng sản ở VN chấm dứt là (1) phải xây dựng các định chế dân chủ ngay từ ban đầu, (2) ở các vị trí lãnh đạo tối cao không nên là các đảng viên cộng sản vì ngựa sẽ quen đường cũ, Nga là một trường hợp điển hình.
Lê Minh Nguyên19/4/23