Quan hệ Việt-Mỹ sẽ có chuyển biến trong ‘vài tuần, vài tháng’ tới?
16 tháng 4 2023, 18:13 +07
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 15/4 nói ông tin rằng sẽ có những chuyển biến về khả năng nâng cấp mối quan hệ song phương Việt – Mỹ “trong những tuần, những tháng tới”.
Ông Blinken có chuyến công du Hà Nội từ ngày 14-15/4 trước khi sang Nhật Bản dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 vào 16/4.
Trọng tâm chuyến đi của ông Blinken là khả năng nâng cấp mối quan hệ song phương. Các nhà phân tích đánh giá rằng vấn đề này có thể được công bố vào tháng Bảy tới đây, đúng dịp 10 năm hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện.
Ông Blinken nói rằng dịp đánh dấu 10 năm thành lập mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước “là thời khắc tốt để tiến thậm chí xa hơn”.
“Tôi hy vọng chúng ta có cơ hội đưa mối quan hệ lên một mức cao hơn trong vài tuần và tháng tới,” ông phát biểu trong cuộc họp báo chung người đồng cấp Việt Nam, Bùi Thanh Sơn.
Giới lãnh đạo nước chủ nhà tỏ thái độ tích cực đón nhận. Truyền thông Việt Nam đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rằng “những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới”.
Ngoại trưởng Mỹ đến VN: Chuẩn bị cho chuyến thăm của TT Biden và ông Trọng?
‘Để mắt đến Bắc Kinh’
Ông Blinken tới Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc không đón ông tới Bắc Kinh do lo ngại chuyện FBI sẽ công bố kết quả điều tra về khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ hồi tháng Hai, tờ Financial Times tường thuật hôm thứ Bảy.
Jonathan R. Stromseth, nhà nghiên cứu cấp cao từ Brookings Institute hôm 16/4 bình luận với BBC rằng giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ tiếp tục ‘để mắt chặt chẽ đến Bắc Kinh’ trong lộ trình nâng cấp mối quan hệ với Washington, nhưng Hà Nội sẽ không quá lo lắng.
“Mối quan hệ chiến lược toàn diện mới được ký kết gần đây giữa Mỹ và ASEAN mang lại một vỏ bọc cho mỗi quốc gia trong khối thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Washington ở cấp độ song phương, bất chấp Trung Quốc có suy nghĩ như thế nào,” ông Jonathan R. Stromseth nói.
Hoa Kỳ và ASEAN chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ ngày 12/11/2021.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Taiwan NextGen Foundation và Pacific Forum cho rằng có hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến những tính toán của Hà Nội trong việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Theo ông, yếu tố thứ nhất là Hà Nội sẽ muốn nhìn thấy những lợi ích mà Việt Nam có thể tối ưu khi nâng cấp, như tăng cường năng lực răn đe (deterrence) nhằm ngăn Trung Quốc đi quá giới hạn ở Biển Đông, hay giúp Việt Nam sở hữu các loại vũ khí công nghệ mới hiện đại và từng bước chuyển đổi mô hình quân sự.
Với Việt Nam, lợi ích phải lâu dài, bền vững và không vi phạm nguyên tắc “bốn không” trong chính sách quốc phòng của mình, nhất là trong trường hợp hai nước đạt được thoả thuận quân sự.
Yếu tố thứ hai, đó là mức độ chấp nhận rủi ro (risk acceptance) của Hà Nội. Việt Nam sẽ cần tính toán để sao cho việc nâng cấp không khiến Bắc Kinh tức giận, dẫn đến “trả đũa” hay “trừng phạt”, như đóng băng hoạt động xuất khập khẩu qua biên giới hai nước, hay tăng cường hoạt động ở vùng biển có tranh chấp với Việt Nam.
Muốn vậy, lãnh đạo Việt Nam phải đạt được sự cam kết từ Bắc Kinh hay ít nhất là dự đoán tương đối chính xác phản ứng từ phía Trung Quốc khi Hà Nội nâng cấp quan hệ với Washington.
Việt-Mỹ: Hai nước cựu thù có khả năng thành đối tác chiến lược trong năm nay?
Từ phân tích trên, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng đánh giá rằng nhiều khả năng mối quan hệ đối tác toàn diện hiện nay sẽ chỉ được nâng một cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược, thay vì lên mức cao nhất là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Lý do, theo Tiến sĩ Tâm Sáng, là “một bước nâng cấp đột phá sẽ không tốt cho cả Washington và Hà Nội.”
“Nếu Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ, tôi cho rằng nhiều khả năng Việt Nam sẽ chọn ‘đối tác chiến lược’ để cho thấy tính chất tiệm tiến của quan hệ, thay vì chọn một bước nhảy quá vượt bậc để đưa quan hệ Việt – Mỹ lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’ – vốn ngang bằng với mối quan hệ mà Việt Nam đang có với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022),” ông giải thích với BBC hôm 16/4.
Mức nâng cấp này có vẻ như phù hợp với nhu cầu và tính toán của cả hai bên, theo Tiến sĩ Tâm Sáng.
Washington sẽ “không muốn quan hệ với Việt Nam quá đặc biệt về hình thức, điều mà chắc chắc khiến các đồng minh của Mỹ ở khu vực, như Philippines, buộc phải suy nghĩ,” ông nói.
Trong lúc đó, “Việt Nam cũng sẽ không muốn tạo bất ngờ không cần thiết, vốn có thể khiến Trung Quốc không hài lòng và gây căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam với nước láng giềng lớn hơn.”
Việt Nam sẽ muốn việc nâng cấp quan hệ với Mỹ diễn ra như sự phát triển bình thường của một quan hệ song phương, thay vì tạo thành “một ‘liên minh’ đang hình thành để kiềm chế Trung Quốc”, ông nói.
Cạnh đó, “Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách ‘phòng ngừa rủi ro’ (hedging) thay vì ngã hẳn phía Mỹ hay Trung Quốc trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung.”
Việt Nam có thể từ chối nâng cấp ngoại giao với Washington giữa căng thẳng Mỹ-Trung
Giới quan sát cho rằng việc công bố nâng cấp quan hệ có thể diễn ra vào thời điểm ông Trọng đến Mỹ, hoặc ông Biden đến Việt Nam vào tháng Bảy tới đây.
Nhận định về khả năng người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đến Mỹ, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng đánh giá trái bóng hiện trên sân Washington.
“Ông Nguyễn Phú Trọng năm nay đã 79 tuổi, và chuyến bay dài đến Mỹ có thể gây rủi ro cho sức khỏe của ông Trọng – điều mà chắc chắn Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phải lưu ý và tư vấn cho Tổng Bí thư.”
“Thêm nữa, Việt Nam nhiều khả năng mong muốn định hình dư luận rằng cuộc gặp chủ yếu xuất phát từ thiện chí của phía Mỹ trước tiên và Việt Nam chỉ đơn giản là đáp lại thiện chí ấy, hơn là chủ động trong cuộc gặp.”
“Điều này sẽ tránh cho các nhà lãnh đạo Việt Nam một trách nhiệm phải ‘giải trình’ với phía Trung Quốc trong trường hợp quan hệ Việt – Mỹ được nâng cấp.”
Mua nhiều vũ khí từ Mỹ hơn?
Tại Hà Nội, ông Blinken nói an ninh là một trong những yếu tố chính trong mối quan hệ song phương, và đây là lĩnh vực đang ngày càng phát triển.
Nhiều chuyên gia nhận định Mỹ có thể cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Việt Nam trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách đa dạng kho vũ khí ngoài ‘nước bạn’ Nga.
Các tập đoàn sản xuất vũ khí Mỹ cũng đang tỏ ý muốn tăng cường cung cấp vũ khí cho Việt Nam, dù có những vướng mắc quanh vấn đề nhân quyền, giá vũ khí của Mỹ rất cao, và những rủi ro Hà Nội có thể phải chịu khi Trung Quốc có phản ứng.
Ngoài ra, độ tương thích giữa vũ khí Mỹ và kho vũ khí hiện có của Việt Nam cũng là một trở ngại quan trọng.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng đánh giá việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam rất có triển vọng.
“Thời Trump, Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam hai tàu được tân trang từ các tàu thuộc lớp Hamilton đã loại biên của lực lượng tuần duyên Mỹ. Dưới thời Biden, Mỹ có kế hoạch chuyển giao tàu CSB thứ ba cho Việt Nam.”
“Ngoại giao quốc phòng hai nước có nhiều tiến triển, đặc biệt là từ thời Trump, và càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đa dạng hoá quan hệ quốc phòng và các đối tác mua sắm vũ khí.”
“Việt Nam có thể từng bước tiếp cận vũ khí quốc phòng của Mỹ trong khi thận trọng thăm dò phản ứng của Trung Quốc.”
Thế lưỡng nan của Việt Nam khi muốn đa dạng kho vũ khí ngoài ‘nước bạn’ Nga
Vấn đề nhân quyền
Trong cuộc họp báo hôm 15/04, ông Blinken cũng trả lời câu hỏi về nhân quyền. “Đây là cuộc đối thoại mà chúng tôi thường xuyên cùng tham gia,” ông nói.
Ông cho biết điều quan trọng là hai bên tiếp tục “trao đổi thẳng thắn, cởi mở và chân thành về những quan ngại của chúng tôi”.
Tin cho hay ngay trước khi ông Blinken tới Việt Nam, một nhà hoạt động và là cựu tù nhân lương tâm, bà Phạm Thanh Nghiên cùng gia đình đã được đưa sang Mỹ theo dạng tị nạn.
“Nước Mỹ cam kết ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, độc lập và tự cường. Và chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình một tương lai theo hệ thống chính trị của mình. Song song đó, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh đến những tiến bộ trong quyền con người là cần thiết để phát huy toàn bộ tiềm năng của người dân Việt Nam. Đây cũng là trọng tâm của Đối thoại Nhân quyền Mỹ-Việt,” ông Blinken phát biểu trước báo giới ở Hà Nội ngày 15/04.
Trước đó, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) Phil Robertson bình luận với BBC: “Mỹ, Anh và EU cần thức tỉnh và nhận ra rằng cách tiếp cận ‘tử tế hơn, kín đáo hơn, nhẹ nhàng hơn’ của họ đối với nhân quyền ở Việt Nam đã thất bại nặng nề và họ cần phải nhanh chóng thay đổi chiến thuật của mình nếu họ định gây bất kỳ tác động nào đến vấn đề quyền con người.”
Theo Human Rights Watch, Việt Nam đang giam cầm hơn 160 tù nhân chính trị.
Trong thông cáo báo chí ngày 13/04, Human Rights Watch kêu gọi ông Blinken đưa ra lời kêu gọi đặc biệt đòi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Phạm Đoan Trang, người được trao Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ, người mà ông Blinken đã cam kết bảo vệ.
HRW cũng đề cập tới một số nhà hoạt động mới bị bắt và xét xử hoặc đang thụ án tù như Nguyễn Lân Thắng, Ngụy Thị Khanh.
Ngoại trưởng Blinken thăm VN: HRW trách Mỹ ‘ve vãn Hà Nội nhưng chỉ nói suông về nhân quyền’
BBCViet