TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 10/04/2023

Cac Bai Khac

No sub-categories

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT : 10/04/2023

Quốc Phòng Mỹ : Tài liệu mật rất có thể bị rò rỉ từ nội bộ

image.png

Ảnh minh họa : Phù hiệu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại một trụ sở CIA ở Langley, Virginia, Hoa Kỳ. AP – Carolyn Kaster
Minh Anh
Bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 09/04/2023 đang phối hợp nhiều cơ quan nhằm thẩm định các rủi ro liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu mật liên quan đến cuộc chiến tranh tại Ukraina và các đồng mình của Mỹ. Trong khi đó, theo những thông tin mới nhất, giới điều tra thiên về giả thuyết tài liệu được tiết lộ từ nội bộ.

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki cho biết thêm :

« Đích thân Michael Mulroy, một trong số các quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc xác nhận điều này. Nguồn gốc vụ rò rỉ tài liệu mật này, vụ rò rỉ lớn nhất từ nhiều thập niên gần đây, rất có thể là từ phía Mỹ.

Ông giải thích rằng hướng điều tra này là khả dĩ vì nhiều tài liệu được đăng trên các mạng xã hội chỉ nằm trong tay các quan chức Mỹ chứ không phải từ ai khác.

Do vậy, các nhà điều tra dường như đang xem xét liệu vụ rò rỉ này có phải là hành vi của một nhân viên bất mãn, hay nghiêm trọng hơn, xuất phát từ một mối đe dọa nội bộ, tìm cách gây tổn hại cho các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Phải nói rằng những tài liệu được công bố đề cập đến nhiều báo cáo chiến lược, chủ yếu có liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina và các hoạt động tình báo tại Nga. Tài liệu còn cho thấy Hoa Kỳ dọ thám một số đồng minh như Israel và Hàn Quốc.

Từ khi vụ rò rỉ được báo New York Times tiết lộ, hàng chục tài liệu nhậy cảm đã xuất hiện trên các mạng xã hội hay các diễn đàn trò chơi video. Trong khi chờ đợi cuộc điều tra tiến triển, Lầu Năm Góc đã siết chặt việc phổ biến các thông tin mật. »

Theo Yonhap hôm qua, 09/04, văn phòng tổng thống Hàn Quốc loan báo sẽ có cuộc thảo luận với Washington, yêu cầu phía Mỹ có những hành động phù hợp, đồng thời cáo buộc CIA – Cơ quan Tình báo Mỹ – đã nghe lén các cuộc trao đổi giữa các quan chức cấp cao của chính phủ sau những tiết lộ từ New York Times.
Biển Đông: Mỹ cho chiến hạm tiến vào vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn

image.png

Khu trục hạm USS Milius (DDG 69) lớp Arleigh Burke, hoạt động tại Biển Đông, ngày 24/03/2023. Ảnh do Hải Quân Mỹ cung cấp. AP – Petty Officer 1st Class Gregory Johnson
Trọng Nghĩa
Vào lúc Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, Hoa Kỳ vào hôm nay, 10/04/2023 cho biết đã điều một khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường tiến vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn ở Biển Đông. Bắc Kinh đã lên tiếng cực lực phản đối.

Trong một bản thông cáo, Hải Quân Mỹ cho biết là khu trục hạm USS Milius đã thực hiện một chiến dịch tự do hàng hải tại vùng quần đảo Trường Sa, cụ thể là đã di chuyển bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn (tên quốc tế là Mischief Reef), một thực thể đang có tranh chấp giữa Philippines, Việt Nam và Đài Loan, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp và biến thành một tiền đồn quân sự.

Theo AFP, bản thông cáo nhấn mạnh rằng đây là một hoạt động “duy trì và bảo vệ các quyền sử dụng biển tự do và hợp pháp” và chiến hạm Mỹ đã “khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Vào tháng Ba vừa qua, Mỹ cũng đã phái khu trục hạm USS Milius đến tuần tra gần vùng quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát chiếm đóng sau khi chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974.

Hãng tin Anh Reuters đã gắn liền động thái tại Biển Đông của Hải Quân Mỹ vào trong bối cảnh quân đội Trung Quốc đang rầm rộ tập trận quanh Đài Loan làm tình hình căng thẳng gia tăng.

Phía Trung Quốc đã cực lực phản đối hành động của Hải Quân Mỹ. Trong một thông cáo vào hôm nay, 10/04, phát ngôn viên bộ tư lệnh Chiến Khu Nam Bộ của Quân Đội Trung Quốc tố cáo tàu Mỹ là đã xâm nhâp “bất hợp pháp” vào “lãnh hải” của Trung Quốc.

Phát ngôn viên này đồng thời khẳng định rằng lực lượng không quân Trung Quốc đã “theo dõi và tiến hành giám sát con tàu”.
Nhật Bản tăng cường cảnh giác trước hoạt động của tầu sân bay Trung Quốc gần Đài Loan

image.png

Tiêm kích Trung Quốc đang được tiếp liệu trên không. Ảnh do truyền hình Trung Quốc CCTV công bố ngày 08/04/2023. AP
Trọng Nghĩa
Chính quyền Tokyo vào hôm nay, 10/04/2023 xác nhận rằng trong nhiều ngày qua, chiến đấu cơ phản lực Nhật Bản đã nhiều lần xuất kích mỗi khi chiến đấu cơ Trung Quốc hạ cánh và cất cánh từ hàng không mẫu hạm Sơn Đông đang hiện diện gần miền nam Nhật Bản và Đài Loan.

Trong một thông báo, bộ Tổng Tham Mưu Nhật Bản cho biết họ đã giám sát hành tung của tàu sân bay Sơn Đông và các chiến hạm Trung Quốc đi tháp tùng ở khu vực phía nam đảo Miyako kể từ thứ Sáu 07/04. Thông báo nói rõ là tàu Trung Quốc được phát hiện ở vùng biển cách đảo Miyako, ở cực nam Nhật Bản, từ 230 đến 430 km về phía nam.

Về các hoạt động của đội tàu Trung Quốc, thông báo ghi nhận “khoảng 120 lần hạ cánh và cất cánh trên tàu sân bay Sơn Đông, 80 lần bằng chiến đấu cơ và 40 lần bằng trực thăng”.

Để dự phòng bất trắc, quân đội Nhật Bản đã huy động hai nhóm hộ tống để giám sát tàu Trung Quốc và “chiến đấu cơ của không quân Nhật Bản đã xuất kích để đáp trả việc hạ cánh và cất cánh của các máy bay chiến đấu trên tàu”.

Đây là lần đầu tiên, bộ Quốc Phòng Nhật Bản xác nhận hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc Sơn Đông ở vùng Thái Bình Dương thông qua giám sát trực tiếp.

Đàm phán Nhật-Trung về tranh chấp trên biển

Cũng hôm nay, 10/04/2023, quan chức cấp cao Nhật Bản và Trung Quốc gặp nhau tại Tokyo để thảo luận về các mối quan ngại song phương liên quan đến vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Theo Reuters, cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ các vòng đàm phán định kỳ bắt đầu vào năm 2012, lần này mở ra trong bối cảnh Trung Quốc tập trân thị uy quanh Đài Loan với các nội dung mô phỏng các cuộc tấn công đánh vào Đài Loan, sau khi tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ghé Hoa Kỳ và gặp chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy.

Trước cuộc hội đàm, ông Hồng Lương (Hong Liang), vụ trưởng phụ trách các vấn đề biên giới và biển thuộc bộ Ngoại Giao, trưởng phái đoàn Trung Quốc, nói là đang tìm kiếm sự hợp tác trong lĩnh vực hàng hải với Nhật Bản và mong đợi một “cuộc thảo luận chuyên sâu” với các đối tác Nhật Bản..

Về phía Tokyo, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản cho biết Nhật Bản “rất quan tâm” theo dõi các cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan không chỉ quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản mà còn đối với sự ổn định của cộng đồng quốc tế nói chung”.

Tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 11 năm 2022, ông Hồng Lương đã chỉ trích Tokyo về những bình luận liên quan đến hoạt động của Trung Quốc ở vùng eo biển Đài Loan. Nhân vật này còn yêu cầu Nhật Bản rút tàu ra khỏi vùng biển xung quanh các đảo ở biển Hoa Đông mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Các tàu bảo vệ
bờ biển của cả hai quốc gia thường xuyên đối đầu nhau trong vùng biển
xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị
Trung Quốc đòi chủ quyền.

Tháng Ba vừa qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã thiết lập một đường dây nóng quân sự để giúp ngăn ngừa các sự cố trên không và trên biển ở vùng biển tranh chấp.

Lần đầu tiên Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông tập trận bao vây Đài Loan

image.png

Tàu hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan. Ảnh cho truyền hình Trung Quốc CCTV công bố ngày 09/04/2023. AP
Thùy Dương
Trong ngày thứ ba liên tiếp của cuộc tập trận có tên gọi Joint Sword (Liên Hợp Lợi Kiếm) để « bao vây toàn diện » Đài Loan, Bắc Kinh hôm nay 10/04/2023 đã điều cả tàu sân bay Sơn Đông (Shandong), đến vùng biển quanh đảo Đài Loan, sau khi đã huy động một đội ngũ hùng hậu khu trục hạm, khinh hạm cao tốc phóng tên lửa, máy bay chiến đấu, máy bay tiếp liệu và gây nhiễu cùng các đơn vị trên bộ.

Tàu sân bay Sơn Đông là 1 trong 2 tàu sân bay của Trung Quốc và là tàu sân bay duy nhất được đóng hoàn toàn trong nước và được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Theo thông cáo của quân đội Trung Quốc, đây là lần đầu tiên tàu sân bay Sơn Đông được huy động tham gia cuộc trập trận bao vây Đài Loan.

Đài Bắc hôm nay thông báo phát hiện được 11 tàu chiến và 59 phi cơ Trung Quốc quanh đảo. Trong một video được đăng tải hôm nay trên tài khoản WeChat của Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền đông của quân đội Trung Quốc, một phi công cho biết « đã đến gần khu vực phía bắc của đảo Đài Loan » với tên lửa « đã khóa mục tiêu ».

Theo các quan chức hải quân Trung Quốc, các bài tập bắn đạn thật của Trung Quốc diễn ra hôm nay tại eo biển Đài Loan, gần tỉnh Phúc Kiến. Theo cùng một nguồn tin, các bài tập bắn đạn thật nói trên được tiến hành từ 7 giờ sáng địa phương ngày 10/04 đến 8 giờ tối nay (23 giờ GMT Chủ Nhật đến 12 giờ GMT thứ Hai) xung quanh đảo Bình Đàm (Pingtan) của Đài Loan, điểm nằm gần cả Trung Quốc và Đài Loan nhất. Tuy nhiên, hôm nay các phóng viên của AFP có mặt tại một địa điểm ở gần đảo Bình Đàm không thấy bất kỳ hoạt động quân sự gia tăng nào.

Trong hai ngày cuối tuần, các chiến đấu cơ và tàu chiến của Trung Quốc đã thao dợt mô phỏng các vụ oanh kích nhắm vào Đài Loan. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Thi Nghị (Shi Yi) cảnh báo cuộc tập trận « là lời cảnh báo nghiêm trọng chống lại sự thông đồng giữa các lực lượng ly khai đang tìm kiếm « độc lập cho Đài Loan » và các thế lực bên ngoài, cũng như các hoạt động khiêu khích của họ ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin), trong cuộc họp báo thường nhật hôm nay tuyên bố « Sự độc lập của Đài Loan và sự ổn định ở eo biển Đài Loan sẽ loại trừ nhau ».

TT Pháp Macron : Giải quyết xung đột Ukraina có thể không phải là ưu tiên của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) đón tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 06/04/2023. via REUTERS – POOL
Thùy Dương
Trở về Pháp sau chuyến công du Trung Quốc 3 ngày, trả lời phỏng vấn báo kinh tế Les Echos hôm 09/04/2023, tổng thống Emmanuel Macron nhận định việc giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraina có thể không phải là mối ưu tiên của Bắc Kinh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về mối đe dọa hạt nhân, sự ủng hộ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và về việc xây dựng hòa bình. Về chiến tranh Ukraina, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông đã chia sẻ với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình quan điểm về các cuộc giao tranh ở Ukraina, theo đó hiện giờ đang là « thời điểm quân sự », chứ chưa đến lúc « đàm phán »¸ « ngay cả khi chúng ta chuẩn bị những điều đó và cần đặt những cột mốc đầu tiên ».

Khi được hỏi liệu Ukraina có phải là mối ưu tiên ngoại giao của Trung Quốc hay không, nguyên thủ Pháp trả lời : «
Có lẽ là không. Nhưng cuộc đối thoại này có thể làm nhẹ bớt những bình
luận mà chúng ta có thể đã nghe về một kiểu dễ dãi của Trung Quốc đối
với Nga ».

Liên quan đến quan hệ với Mỹ, tổng thống Macron nhấn mạnh Liên Hiệp Châu Âu cần đẩy mạnh sự tự chủ. Và để làm được như vậy, Liên Âu phải tăng cường, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng, phát triển lĩnh vực hạt nhân và năng lượng tái tạo.

Riêng về Đài Loan, theo AFP, cũng trong bài trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Macron lưu ý Liên Hiệp Châu Âu không nên « theo » Hoa Kỳ hay Trung Quốc, mà phải có « chiến lược tự chủ chiến lược riêng » để trở thành một « cực thứ ba ».

Ngũ cốc Ukraina gây căng thẳng tại nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu

Nông dân Rumani biểu tình trước văn phòng đại diện của Ủy Ban Châu Âu tại Bucharest, ngày 7/4/2023, phản đối việc nhập khẩu ngũ cốc Ukraina. © AP – Andreea Alexandru
Minh Anh
Từ một năm nay, Liên Hiệp Châu Âu, vì muốn hỗ trợ nền kinh tế Ukraina, đã cho phép ngũ cốc của nước này được phép trung chuyển qua lãnh thổ các nước thành viên Liên Âu, để có thể bán ra thị trường thế giới từ các cảng biển của Liên Âu. Tuy nhiên, hôm thứ Sáu, 07/04/2023, nông dân tại hai nước Rumani và Bulgari, đã xuống đường biểu tình phản đối ngũ cốc Ukraina cạnh tranh bất hợp pháp, gây căng thẳng giữa nông dân địa phương và Bruxelles.

Thông tín viên đài RFI, Jean-Jacques Héry, tại Bruxelles giải thích :

« Trái ngược với những gì dự kiến trong các văn bản, một phần các nông sản của Ukraina không trung chuyển để đến các cảng biển của châu Âu, mà trên thực tế thì ở lại trên thị trường tại các nước giáp giới với Ukraina. Và mọi rắc rối cũng từ đó mà ra. Ngũ cốc Ukraina, rẻ hơn, thay thế lúa mì hay ngô sản xuất tại Ba Lan, Bulgari hay Rumani.

Hệ quả của sự dư thừa này là nguồn cung ứng thì dồi dào tại một thị trường hạn hẹp, giá cả tụt giảm và thu hoạch phải cất giữ lâu hơn trong các xi-lô. Tóm lại, “cả một hệ thống nông nghiệp phải chịu áp lực và doanh thu của chúng tôi bị giảm sút” theo như lời phàn nàn của các nông dân địa phương.

Ủy Ban Châu Âu ý thức rõ điều này. Theo một phát ngôn viên, tình hình dẫn đến hiện tượng, xin trích, “cung thừa, cầu giảm, phí lưu kho cao và giá bán ở địa phương giảm”. Do vậy, Bruxelles đã đề nghị một kế hoạch hỗ trợ trị giá 56 triệu euro, được các nước thành viên thông qua cách đây hơn một tuần. Một kế hoạch nhằm hỗ trợ các nước Ba Lan, Rumani Bulgari, do quỹ dự trữ của Chính sách Nông Nghiệp Chung (PAC) tài trợ.

Nhưng đối với các nước trên tuyến đầu, điều đó chưa đủ. Một kế hoạch bổ sung đang được soạn thảo. Số tiền tài trợ sẽ cao hơn một chút. Nhưng có một điều chắc chắn là Rumani và Bulgari còn kỳ vọng cao hơn, bởi vì Vacxava vừa ký kết một thỏa thuận song phương với Kiev tạm ngưng xuất khẩu một số ngũ cốc Ukraina sang Ba Lan. »


Ukraina : Nga chuyển sang chiến thuật « tiêu thổ » ở phía đông Bakhmut

Khói bốc lên từ một địa điểm bị Nga tấn công, gần chiến tuyến ở Bakhmut, Donetsk, Ukraina, ngày 06/04/2023. REUTERS – OLEKSANDR KLYMENKO
Thùy Dương
Chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraina hôm nay 10/04/2023 cho biết, quân đội Nga đã chuyển sang chiến thuật « tiêu thổ » ở phía đông thành phố Bakhmut và tiến hành các cuộc không kích và pháo kích để phá hủy các tòa nhà và địa điểm.

Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraina, được Reuters trích dẫn, lưu ý : «
Kẻ thù đã chuyển sang điều gọi là chiến thuật tiêu thổ như ở Syria. Họ
đang phá hủy các tòa nhà và các vị trí bằng các vụ không kích và hỏa lực
pháo binh ».

Viên tướng này
khẳng định các lực lượng Ukraina vẫn tiếp tục chiến đấu bảo vệ thành phố
Bakhmut, « tình hình khó khăn nhưng vẫn có thể kiểm soát được » và Nga
đã điều lực lượng đặc nhiệm và các đơn vị chiến đấu cơ động đến Bakhmut,
bởi đội lính đánh thuê Wagner đã « kiệt sức ». Tuy nhiên, Reuters chưa
thể xác minh các thông tin nói trên từ nguồn tin độc lập.

Trong khi đó, trong bản tin thường nhật, bộ Quốc Phòng Anh sáng nay 10/04 thông báo, ở miền đông Ukraina, từ 7 ngày nay, Nga đã tăng cường các đợt tấn công với xe bọc thép quanh thành phố Marïnka.

Marïnka cách thành phố Donetsk khoảng 20 km
phía tây nam, trước chiến tranh có gần 10.000 dân, nay là tâm điểm các
cuộc giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraina, cũng giống như các
thành phố Bakhmut và Avdiïvka.

Về phía Nga, vẫn theo Reuters, bộ Quốc Phòng Nga hôm qua 09/04 thông báo đã phá hủy kho chứa 70.000 tấn nhiên liệu gần thành phố Zaporijjia ở miền đông nam Ukraina.


Bắc Ireland kỷ niệm 25 năm ngày tái lập hòa bình và chuẩn bị đón tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Bắc Ireland ngày 11/04/2023, kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp Ước Thứ Sáu Tuần Thánh, tái lập hòa bình. Ảnh chụp ngày 28/03/2023, tranh vẽ trên tường một phố ở Tây Belfast, Bắc Ireland. AP – Peter Morrison
Trọng Nghĩa
Vào hôm nay 10/04/2023, xứ Bắc Ireland thuộc Vương Quốc Anh kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp Ước Thứ Sáu Tuần Thánh kết thúc ba thập kỷ huynh đệ tương tàn, đồng thời chuẩn bị tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sẽ công du Bắc Ireland vào ngày mai trước khi về thăm quê ở Cộng Hòa Ireland.

Cách nay đúng một phần tư thế kỷ, vào ngày 10 tháng 4 năm 1998, nhân ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trước lễ Phục Sinh của người Thiên Chúa Giáo, những người thuộc phe Cộng Hòa tại Bắc Ireland ủng hộ việc thống nhất với Ireland và những người theo chủ trương ở lại với Vương Quốc Anh đã giành được một hiệp ước hòa bình bất ngờ sau các cuộc đàm phán căng thẳng có sự tham gia của Luân Đôn, Dublin và Washington.

Thỏa thuận đã chấm dứt ba thập kỷ bạo lực giữa phe Cộng Hòa (chủ yếu theo đạo Công Giáo) với phe trung thành với Vương Quốc Anh (chủ yếu theo đạo Tin Lành) được Quân Đội Anh hỗ trợ. Xung đột đã khiến 3.500 người thiệt mạng.

Không có sự kiện lớn
nào được lên kế hoạch vào hôm nay, nhưng nhiều thượng khách đang được
mong đợi, mà quan trọng hơn cả là tổng thống Mỹ Joe Biden, người có
nguồn gốc Ireland, sẽ đến Belfast, thủ phủ Bắc Ireland vào tối thứ Ba
11/04, nơi ông sẽ được thủ tướng Anh Rishi Sunak đich thân ra sân bay chào đón, rồi sau đó bay qua Cộng Hòa Ireland, về thăm một số nơi mà tổ tiên ông đã ở trước khi qua Mỹ định cư.

Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Marie Boëda cho biết thêm chi tiết:

Joe Biden rất tự hào về nguồn gốc của mình. Tổ tiên người Ireland của ông đã rời đất nước vào thế kỷ 19 để qua Hoa Kỳ. Đây là một di sản mà ông Biden rất thích vun bồi.

Vào tối mai, ông Biden đến Belfast và được thủ tướng Anh Rishi Sunak chào đón ngay trên đường băng phi trường. Một cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo được dự kiến ngày hôm sau

Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu tại Đại Học Ulster mới khai trương, nơi ông sẽ nhắc lại hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong việc ký kết hiệp định hòa bình.

Sau đó, Joe Biden sẽ rời Vương quốc Anh để qua Cộng hòa Ireland, nơi vốn là quê quán của tổ tiên ông, nơi ông sẽ ca ngợi mối liên kết lịch sử và sâu sắc giữa hai quốc gia.

Lãnh đạo đảng chính trị Sinn Fein của Bắc Ireland đã tỏ ý tiếc về chuyến thăm Bắc Ireland quá “kín đáo” của tổng thống Mỹ. Ông Biden thâm chí còn không ghé Stormont, trụ sở của Nghị Viện xứ này.

Phải nói chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh Bắc Ireland từ một năm nay chưa thành lập được chính quyền mới, trong lúc đe dọa khủng bố lại xuất hiện, với mức báo động được nâng cao. Lý do gây bất ổn là những mối căng thẳng do vấn đề Brexit gây nên.

Về phần mình, chính quyền Luân Đôn không xem hề lấy làm phiền về chuyến công du Anh Quốc ngắn ngủi của ông Biden. Một bộ trưởng Anh giải thích là tổng thống Mỹ có một lịch trình làm việc rất bận rộn. Thậm chí ông còn không đến dự lễ đăng quang của Quốc Vương Charles Đệ Tam vào ngày mồng 6 tháng 5 tới đây”.