TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT: 03/04/2023

Cac Bai Khac

No sub-categories

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT: 03/04/2023

Ukraina công bố kế hoạch giải phóng bán đảo Crimée

Ảnh minh họa : Vị trí bán đảo Crimée trên bản đồ. RFI
Thùy Dương

Đợt phản công mùa xuân chưa bắt đầu, nhưng Ukraina công bố một kế hoạch bao gồm nhiều giai đoạn để giành lại bán đảo Crimée mà Nga đã sáp nhập hồi năm 2014.

Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina, hôm Chủ Nhật 02/04/2023, đăng lên mạng Facebook một kế hoạch gồm 12 bước để giải phóng bán đảo Crimée.

Trong kế hoạch này, ông Danilov đặc biệt muốn truy tố những người Ukraina đã cộng tác với chính quyền do phía Nga dựng lên, cảnh báo là một số người sẽ bị truy tố hình sự, bị cắt lương hưu, bị cấm làm việc trong các cơ quan công quyền. Tất cả công dân Nga đến định cư ở bán đảo Crimée sau năm 2014 sẽ bị trục xuất. Mọi giao dịch bất động sản được thực hiện dưới chế độ Nga đều sẽ bị hủy bỏ.

Kế hoạch giải phóng bán đảo Crimée cũng dự kiến phá dỡ cây cầu Kerch dài 19 km do Nga xây dựng, bắc qua eo biển Kerch nối liền Crimée với nước Nga.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraina, Oleksiy Danilov, còn kêu gọi đổi tên thành phố Sebastopol, căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen của Nga từ thế kỷ 19 tới nay. Thành phố này có thể được gọi là “Mục tiêu số 6” trước khi Quốc Hội Ukraina chọn một tên khác, có thể là Akhtiar mà thành phố Sebastopol từng mang trong các giai đoạn 1783 – 1784 và 1797 – 1826.

Theo báo Le Monde, Mikhail Razvozhayev, thống đốc Sebastopol do Matxcơva bổ nhiệm, cho rằng không nên xem các tuyên bố của Ukraina là nghiêm túc.

Vị thế tương lai của Crimée sẽ là một yếu tố then chốt trong bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt cuộc chiến hiện nay tại Ukraina. Điện Kremlin đề ra điều kiện thương lượng hòa bình là Ukraina phải công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimée và công nhận các lợi ích lãnh thổ khác mà Matxcơva đạt. Những yêu sách này của Nga đã bị Kiev bác bỏ.

Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO

Ảnh minh họa : Quốc kỳ Phần Lan và lá cờ NATO. REUTERS – DADO RUVIC
Thùy Dương

Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hôm nay 03/04 tuyên bố kể từ ngày mai 04/04/2023 Phần Lan trở thành thành viên của NATO.

AFP trích lời tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg : « Ngày mai (thứ Ba 04/04), chúng tôi sẽ đón nhận Phần Lan làm thành viên thứ 31 » của NATO. Theo tổng thư ký NATO, thủ tục kết nạp Phần Lan được tiến hành nhanh chưa từng có. Cờ của Phần Lan sẽ được treo lên trước trụ sở của khối ở Bruxelles vào giữa chiều mai và « đây là một ngày lịch sử ».

Thông báo của NATO được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Helsinki thông báo kết quả bầu cử Nghị Viện, theo đó đảng Dân Chủ Xã Hội cánh tả của thủ tướng mãn nhiệm Sanna Marin đã thua trước đảng trung hữu. Việc thành lập một chính phủ mới sẽ mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng, do đó thủ tướng mãn nhiệm Sanna Marin vẫn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chính phủ khi Phần Lan chính thức trở thành thành viên NATO.

Theo Le Figaro, đảng của thủ tướng thất cử không ảnh hưởng gì đến việc Phần Lan gia nhập NATO, bởi tất cả các đảng lớn và đa phần người dân nước này, từ sau khi Nga xâm lược Ukraina, đều ủng hộ việc gia nhập NATO.

Liên quan đến hồ sơ gia nhập của Thụy Điển, cho dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa « bật đèn xanh » để Thụy Điển trở thành thành viên NATO, nhưng tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương vẫn tỏ ra lạc quan và đặt việc kết nạp Thụy Điển vào khối nhanh nhất có thể thành một ưu tiên.

Hàn – Mỹ – Nhật tập trận chống tàu ngầm đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên

Ảnh minh họa: Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz phối hợp hành động trên Biển Đông ngày 09/02/2021. USS Nimitz (CVN 68) – Petty Officer 3rd Class Elliot S
Thùy Dương

Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản từ hôm nay 03/04/2023 bắt đầu cuộc tập trận chống tàu ngầm, nhằm đối phó tốt hơn với các loại vũ khí hạt nhân và đạn đạo mà Bắc Triều Tiên đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo Reuters, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc thông báo, cuộc tập trận 3 bên, Hàn-Mỹ-Nhật, kéo dài 2 ngày ở vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo Jeju, phía nam Hàn Quốc, đặc biệt có sự tham gia của một đội tàu của Mỹ, dẫn đầu là tàu sân bay USS Nimitz, cập cảng Busan, miền đông nam Hàn Quốc từ tuần trước

Lực lượng Hàn -Mỹ – Nhật được thao dượt với tàu chống tàu ngầm nhằm nâng cao khả năng phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các mối đe dọa dưới nước của Bắc Triều Tiên.

Về phía Nhật, phát ngôn viên chính phủ, Hirokazu Matsuno, phát biểu với báo giới là cuộc tập trận nhằm thúc đẩy 3 bên hợp tác để « đối phó với các mối lo ngại về an ninh khu vực, bảo vệ an ninh và thịnh vượng chung » của 3 nước.

Tháng 09/2022, lần đầu tiên sau 5 năm, Seoul, Washington và Tokyo đã tổ chức một cuộc tập trận tàu ngầm trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa.

Theo tổ chức 38 North, có trụ sở tại Mỹ, cuộc tập trận chống tàu ngầm lần này được thực hiện vào lúc khu tổ hợp hạt nhân chính của Bắc Triều Tiên, Yongbyon « sắp sửa được hoàn thành » việc xây dựng lò phản ứng nước nhẹ.

Trong thời gian qua, Bắc Triều Tiên tuyên bố đã chế tạo đầu đạn hạt nhân mới thu nhỏ và drone hạt nhân có khả năng tấn công tàu ngầm. Và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chỉ thị gia tăng sản xuất vật liệu hạt nhân để củng cố kho vũ khí nguyên tử.

Nhiều nước nhóm OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng dầu lửa

Ảnh minh họa : Logo của OPEC tại Vienna, Áo ngày 05/10/2022. © REUTERS/LISA LEUTNER
Thùy Dương

Sáu nước thành viên tổ chức OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu lửa từ tháng 05/2023 đến hết năm nay, nhằm bình ổn thị trường, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ muốn tăng mức sản xuất.

Các nước Irak, Algeri, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Oman và Kowet, ngày 02/04/2023 thông báo cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày, mức cắt giảm lớn nhất tính từ tháng 10/2022 đến nay.

Các nước này coi đây là « một biện pháp phòng ngừa » để bình ổn thị trường. Theo Ibrahim al Ghitani, chuyên gia về thị trường dầu lửa, làm việc tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, được AFP trích dẫn, giá dầu trong tháng 03/2023 đã xuống đến mức thấp nhất tính từ 2 năm trở lại đây, « mức không thể chấp nhận được đối với các nước thành viên OPEC+ ».

Ba nước cắt giảm nhiều nhất là Ả Rập Xê Út, 500.000 thùng/ngày, Irak 211.000 thùng và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, 144.000 thùng.

Thông báo cắt giảm sản lượng của 6 nước thuộc OPEC+ được đưa ra bất chấp lời kêu gọi của chính quyền Mỹ về việc tăng sản xuất dầu trong bối cảnh lạm phát phi mã và Trung Quốc, nước có nhu cầu cao nhất về dầu lửa, mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian dài đóng cửa chống dịch Covid.

Nhìn sang Nga, hôm qua 02/04, phó thủ tướng Nga, chuyên trách năng lượng, Alexander Novak, thông báo Matxcơva tiếp tục giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay.

Theo AFP, hôm nay, giá dầu trên thế giới đã có dấu hiệu tăng vọt, chẳng hạn tăng trung bình khoảng 6% trong những phiên giao dịch đầu tiên trong ngày ở châu Á.

Trung Quốc điều tra nhà sản xuất chip điện tử của Mỹ

Các tấm bán dẫn của chip máy tính tại nhà máy sản xuất chip Micron Technology tại Manassas, bang Virginia, Hoa Kỳ ngày 11/02/2022. AP – Steve Helber
Minh Anh

Trung Quốc mở điều tra nhắm vào công ty Mỹ Micron Technology vì lý do « an ninh quốc gia », trong bối cảnh Hoa Kỳ cùng với nhiều đồng minh châu Á và châu Âu hạn chế bán công nghệ chủ chốt cho Bắc Kinh.

Trang mạng CNN ngày 03/04/2023 cho biết, theo thông cáo công bố ngày 31/03/2023, Cơ quan Quản lý Không gian Mạng Internet Trung Quốc (Cyberspace Administration of China – CAC) tuyên bố sẽ xem xét các sản phẩm của Micron bán tại Hoa lục, nhằm « bảo đảm an toàn cho chuỗi cung ứng hạ tầng thông tin chủ chốt, ngăn ngừa các rủi ro an ninh mạng do những rắc rối che giấu của sản phẩm và bảo đảm an ninh quốc gia ».  

Thông cáo được đưa ra cùng ngày Nhật Bản, theo chân Mỹ và Hà Lan, cho biết sẽ hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip bán dẫn tiên tiến sang nhiều nước bao gồm cả Trung Quốc. Điều này khiến Bắc Kinh có phản ứng mạnh mẽ, « kiên quyết phản đối » các biện pháp này của Mỹ cùng các đồng minh.  

Tập đoàn Mỹ có trụ sở tại Idaho khẳng định đã được thông báo về vụ việc, « đang liên lạc với CAC và hợp tác đầy đủ », đồng thời khẳng định sản phẩm của hãng bảo đảm tính bảo mật. Trong tuần rồi, hãng công nghệ hàng đầu này của Mỹ cũng đã dự báo « chính phủ Trung Quốc có thể hạn chế Micron Techonology tham gia thị trường Trung Quốc hoặc có thể ngăn cản hãng này cạnh tranh hiệu quả với các công ty của Trung Quốc. »  

Hôm qua, 02/04/2023, khi tiếp đồng nhiệm Nhật Bản, ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cảnh báo những hạn chế của Tokyo về xuất khẩu trang thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn sẽ càng « thúc đẩy » quyết tâm của Trung Quốc trở nên « tự chủ nhiều hơn » trong lĩnh vực này.

Biển Đông: Malaysia ‘‘sẵn sàng đàm phán’’ với Trung Quốc về khai thác dầu khí tại nơi tranh chấp

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim trong cuộc họp báo tại phủ thủ tướng ở Putrajaya, Malaysia ngày 25/11/2022. AP
Trọng Thành

Chính quyền Malaysia hôm nay, 03/04/2023, cho biết kiên quyết tiếp tục khai thác dầu khí ở Biển Đông, tại một số nơi mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền nhưng sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh, để ‘‘bảo đảm an toàn’’ cho các hoạt động khai thác dầu khí quốc gia, theo hãng tin Pháp AFP.

Thủ tướng Anwar Ibrahim – người vừa có chuyến công du Bắc Kinh tuần trước – cho biết vấn đề ‘‘nhạy cảm’’ này đã được trực tiếp nêu ra trong cuộc gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo hãng tin Nhà nước Malaysia Bernema, thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim, khẳng định: ‘‘Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền tại khu vực này. Tôi đã nói, là một quốc gia nhỏ, chúng tôi cần tài nguyên, (như) dầu khí, chúng tôi phải tiếp tục (các dự án thăm dò)’’, ‘‘nhưng nếu điều kiện là cần phải có đàm phán, thì chúng tôi sẵn sàng đàm phán’’.

Thủ tướng Malaysia không cung cấp thêm chi tiết về cuộc nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuyên bố nói trên của thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bài phát biểu hàng tháng trước toàn thể cán bộ, viên chức Văn phòng Thủ tướng.

Công ty năng lượng Nhà nước Malaysia Petronas có giàn khoan dầu lớn nhất và một số dự án thăm dò khác tại khu vực Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Năm 2021, Malaysia đã phải triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối việc tàu thuyền và không quân Trung Quốc áp sát khu vực khai thác dầu khí.

Trung Quốc ‘‘sẵn sàng hợp tác để tăng tốc đàm phán COC’’

Hãng tin Mỹ Bloomberg hôm qua, 02/04/2023, dẫn lại tin từ Tân Hoa Xã, cho hay Trung Quốc ‘‘sẵn sàng hợp tác với Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác để tăng tốc đàm phán’’ về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Phát biểu được thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra trong cuộc gặp người đồng cấp Malaysia tại Bắc Kinh hôm thứ Bảy, 01/04.

Sau một thời gian tạm ngưng do đại dịch Covid, đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, giữa Trung Quốc và khối ASEAN, đã được nối lại kể từ ngày 08/03 vừa qua. Indonesia, quốc gia chủ tịch luân phiên khối ASEAN năm nay và Trung Quốc đã cam kết đẩy nhanh đàm phán để sớm đúc kết Bộ Quy tắc COC. Tuy nhiên, đông đảo giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về một bước đột phá. Trên trang mạng The Diplomat, nhà nghiên cứu Collin Koh nhận định ‘‘các trường hợp gần đây về hành động dùng vũ lực trên biển của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á tranh chấp, như Indonesia, Malaysia và Philippines, sẽ không góp phần xây dựng được lòng tin’’.

Sans virus.www.avast.com