TRẦN VĂN BÁ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tôi phải nói ngay là tôi rất có tội. Tôi phải xin lỗi về cái tội ấy của tôi.

Tôi ăn nói lăng nhăng, viết lách đủ mọi thứ, chuyện trên trời dưới đất, thỉnh thoảng làm mấy bài thơ tình chẳng ra làm sao hết, tôi tưởng là tôi biết được chuyện này, chuyện nọ là hay lắm. Nhưng tôi chợt thấy tất cả những chuyện ấy chẳng ăn thua gì, chẳng làm được gì, chẳng đóng góp được cho bất cứ một việc tử tế nào hết.

Thí dụ tôi biết Paris Hilton mặc quần áo ra sao, có mấy người bạn trai, hư đốn như thế nào. Tôi biết ông Clinton có bao nhiêu lần đi ăn vụng, bà Clinton học ở đâu, làm gì dưới thời Nixon. Tôi biết vài ba điều về Cecilia Sarkozy, những chuyện bà làm trước và sau khi ông Nicolas Sarkozy đắc cử tổng thống Pháp. Tôi thuộc dăm ba bài thơ của Shakespeare, lõm bõm một vài câu Kiều, vài ba chục câu ca dao. Tôi tưởng trí nhớ như vậy là tốt lắm. Tôi biết tên vài ba thứ rượu vang, thuộc tên vài ba cái château bên Tây, khu thung lũng sông Rhone, cách cầm con dao, cái nĩa như thế nào. Tôi biết thắt vài ba cái nút ca vát, chọn lấy cái áo sơ mi nào cho đẹp để đi với cái jacket, và đôi giầy. Tôi biết lời ca của vài ba bản nhạc, âm ư theo mấy bản nhạc ngoại quốc, đọc được dăm ba chữ Hán, vài chục câu tiếng Anh mà tôi nghĩ là tôi giỏi lắm. Tôi biết George Clooney lên xe hoa mấy lần, đang bồ với ai, Tom Cruise đang đóng phim gì, kiếm bao nhiêu tiền mỗi năm vân vân.

Những kiến thức toàn đọc được ở những thứ báo lá cải bầy ở quầy trả tiền của các siêu thị.

Những điều tôi biết đó, nghĩ lại thì chẳng là cái gì hết. Trái đất vẫn xoay, mặt trời vẫn mọc ở phương Ðông.

Nếu hỏi tôi về người đàn ông thua tôi một tuổi, nhưng lại không sống được thêm 22 năm nữa để tới được tuổi của tôi bây giờ, thì tôi không biết.

Ông chết đi cách đây 22 năm. Trong 22 năm đó, tôi vẫn chẳng làm được gì. Vẫn chỉ những công việc tầm thường hàng ngày, nợ cơm, nợ áo, nợ đời sống, nợ con cái. Nợ nhiều thứ tào lao khác.

Ông thua tôi một tuổi, chết đúng năm 40 tuổi. Ông cũng không may mắn được sống cạnh người cha thêm ít năm nữa. Cha ông bị giết năm ông 21 tuổi, chết một cái chết còn rất nhiều mờ ám mà một số người cố tình úp mở nói như thể thủ phạm giết cha của ông là một nhân vật cầm quyền ở Sài Gòn. Ông nói thẳng là ông không tin điều đó. Ông đi Pháp học, tốt nghiệp cao học kinh tế năm 1971 và dậy tại đại học Nante. Nhưng ông không chỉ lo kiếm sống như tôi. Ông lao đầu vào các hoạt động sinh viên trong lúc vẫn đi học và đi làm.

Thế mà tôi biết về ông thì chẳng bao nhiêu.

Năm 1973 tôi có gặp ông khi ông về thăm Việt Nam. Ông có cái vẻ khắc khổ, nhưng lại có lối ăn nói đầy khả năng thuyết phục. Ông mải mê đi đến nhiều nơi nên chúng tôi gặp nhau chỉ thoáng qua. Ông trở lại Pháp với các sinh hoạt sinh viên của ông.

Thế rồi thoắt đi một thời gian, thời gian đầy những diễn biến trong nước, những đổi thay bi thảm lịch sử đổ xuống cho đất nước, tôi không nghĩ đến ông một lần nào. Cuộc sống ở bên này Ðại Tây Dương không đem những quen biết sơ giao đó lại gần nhau.

Một hôm, trong khi thực hiện một chương trình tin tức cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thì tôi thấy tên của ông. Bản tin không có dấu tiếng Việt khiến tôi không nhận ra ông. Một đồng nghiệp trong chương trình Hoa ngữ nhờ tôi giải nghĩa tên của ông, và tôi đã giải thích “Ba” là ba đào, là con sóng, là số 3.

Mãi đến khuya hôm ấy, những bản tin cập nhật mới cho biết một chi tiết khác, ông là con cố dân biểu Trần Văn Văn, thì tôi mới nhớ ra ông là Trần Văn Bá.

Như vậy là trong những năm tôi sống với những chuyện phù phiếm và vớ vẩn đó, người đàn ông thua tôi một tuổi đã lần mò về nước, mưu làm chuyện lớn cho dân tộc.

Người đàn ông ấy là Trần Văn Bá, ra đời năm 1945 tại Sa Ðéc, bị hành quyết năm 1985 ở Việt Nam trong lúc về quê hương mưu giải phóng đất nước.
Nguyễn Thái Học trước khi lên máy chém nói rằng những người mưu việc lớn nếu không thành công thì cũng thành nhân.

Trần Văn Bá đã thành nhân, đã thành một con người vĩ đại, một anh hùng của nước Việt,

Vậy mà tôi không biết được bao nhiêu về ông mà lại chỉ biết toàn nhũng chuyện tào lao xịt bộp.

Xin lỗi Bá.

◑Bùi Bảo Trúc