Phương Dung, hiền thê của cố đ/c Ngọc Hoài Phương (Nguyễn Ngọc Kiểm)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Phương Dung, hiền thê của cố đ/c Ngọc Hoài Phương (Nguyễn Ngọc Kiểm)

Thưa quý ACE,

Nhắc đến nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương những ai ở California đều nghĩ ngay đến người phụ nữ phía sau lưng anh: Chị Lâm Phương Dung! Thập niên 1990, ở Seattle, tôi là độc giả dài hạn của Hồn Việt và cũng là người giúp phân phối tạp chí này cho các thân hữu LMDC ở địa phương. Qua đó, tôi xem nhiều hình ảnh tường trình về vai trò của chị Phương Dung trong 2 lần tổ chức , đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 tại miền Nam California vào năm 1997 và năm 2000. Tôi cũng đã đọc quyển “Sự tái sinh của các vị Lạt Ma Tây Tạng”, một trong những trước tác lớn mà chị Phương Dung đã biên soạn.

Tuy nhiên đến năm 2003, tôi mới trực tiếp gặp, tiếp xúc với anh Phương và chị Dung trong buổi tiệc “Đêm thơ nhạc Đằng Phương ” nhân Giỗ thứ 13 Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy do Khu Bộ Tây Hoa Kỳ tổ chức tại một nhà hàng vùng Little Saigon. Cũng từ đó những lần Đại Hội Đảng TĐV ở Cali, chúng tôi đều có dịp gặp lại nhau và lần sau cùng tôi gặp anh chị vào năm 2017.

Hôm nay Như An kính chuyển đến quý Đ/c và ACE bài “Phương Dung, và sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” biên soạn và đăng trên Việt Báo ngày 19 tháng 9 năm 2015.

Kính, NA
**********************************
Phương Dung, Và “Sự Tái Sinh Của Các Lạt Ma Tây Tạng”

19/09/2015Du Tử Lê

Không biết tôi có sai lắm chăng (?) khi luôn nghĩ rằng, phụ nữ chỉ có thể làm tròn một trong hai nhiệm vụ: Người vợ, người mẹ trong gia đình hoặc; kẻ phụng hiến toàn tâm, ý cho một lý tưởng nào khác. Thí dụ tôn giáo. Nhất là khi người phụ nữ kia sống giữa xã hội Tây phương khắc nghiệt thời gian, lạnh lùng, cay cực thực tế.

Ngay tại những môi trường sinh hoạt xã hội Phương đông, nơi điều kiện sinh sống tương đối dễ thở hơn; chỉ cần có một công việc tàm tạm, phụ thêm vào kinh tế gia đình, người phụ nữ cũng có thể thuê mướn người giúp việc một cách dễ dàng, để có thì giờ phụng hiến niềm tin tôn giáo của mình thì, vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ kia, cũng đã khó có thể toàn vẹn, nếu không muốn nói là sẽ dẫn tới nhiều hư, khuyết!!!

Không biết tôi có sai lầm lắm chăng (?) khi cho rằng, cách gì thì sự bền vững gia đình cũng sẽ bị chông chênh, bập bềnh dễ đưa tới gãy, vỡ… khi người phụ nữ trong gia đình (dù môi trường nào), phân thân giữa ba công việc nặng nhọc: kiếm tiền, làm vợ, mẹ và, hoằng dương đạo pháp!…

Nhưng, gần đây, tôi biết tôi không lầm, chỉ ngạc nhiên, khi ghi nhận một ngoại lệ: Trường hợp Phương Dung, người bạn đời của nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương.

Tôi biết một Phương Dung thời thiếu nữ, từng là xướng ngôn viên đài truyền hình Cần Thơ. Tôi biết một Phương Dung, nguyên phóng viên báo Đuốc Miền Tây và báo Tranh Thủ trước khi chọn tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Ở quê người, Phương Dung đi học… Trở thành một chuyên viên thẩm mỹ – – Nguồn kinh tế chính của gia đình.

image.png
image.png

Đức Đạt Lai Lạt Ma và nữ cư sĩ Phương Dung trong 2 buổi Ngài thuyết pháp cho cộng đồng Việt ở Nam Cali năm 1997 và 2000. Cả 2 buổi đều cho chị Phương Dung tổ chức.

Bên cạnh đó, Phương Dung, người bạn đời của nhà báo, nhà thơ Ngọc Hoài Phương, không chỉ chu toàn bổn phận với chồng, con (thậm chí với cả bạn bè bốn biển, năm châu của chồng) mà, cô còn là linh hồn của những tiếp đón nhiều phái đoàn Lạt Ma Tây Tạng – – Nhất là nỗ lực tổ chức, đón rước quy mô Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 – nhà lãnh đạo đất nước Tây Tạng – lần đầu tiên đến với tập thể Việt vào năm 1997 tại thành phố Long Beach, miền nam California. Và, lần thứ hai, Phương Dung cũng là người được chọn tổ chức, đón tiếp Đức Lạt Lai Lạt Ma, để ngài ban truyền đại lễ “Quán đảnh Thiên thủ Thiên nhãn Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát” tại Long Beach Convention Center, ngày 24 tháng 6 – 2000 – – Mở đầu thiên niên kỷ mới.

Phương Dung nói:

“Sự kiện Phương Dung được phước duyên thỉnh cầu được Đức Đạt Lai Lạt Ma hai lần đến với Cộng đồng Phật giáo VN là một ân phước cực kỳ lớn lao mà Chư Phật, Bồ tát đã từ bi ban tặng cho Phương Dung- – Một con người nhỏ bé… Bản thân Phương Dung đã phải hy sinh, rất nhiều và, trải qua cũng rất nhiều những thử thách vô cùng khó khăn, hầu có thể hoàn thành được ước nguyện lớn lao của đời mình ở kiếp này. Nhất là Phương Dung phải tu giữa chợ đời…”

Đó là hình ảnh Phương Dung ở vai trò hay, lãnh vực thứ ba: Lãnh vực tôn giáo.

Trong ghi nhận riêng của tôi thì, ở vị trí nào, giai đoạn nào, Phương Dung cũng làm tròn bổn phận, trách nhiệm mình, một cách tốt đẹp.

Nhưng, khi Phương Dung trở thành người trước tác hai bộ sách lớn từ lượng tới phẩm; đó là các bộ sách tựa đề “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” và, “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa” thì, người cựu phóng viên này, đã dấy lên trong tôi, niềm nể, phục.
Tôi e rằng, ở lãnh vực tôn giáo, trừ những người được học tập, huấn luyện bài bản, chính quy… thì, sự nắm vững nguồn gốc, giáo lý, tinh thần, tín lý của tôn giáo đó, là điều không dễ.

Nó càng khó hơn nữa, khi đó lại là một tôn giáo chưa được phổ cập lắm, như Phật giáo Tây Tạng, trong đời sống tâm linh của người Việt.

Vì thế, tôi cho rằng, cố nhạc sĩ Việt Dzũng, trong một cuộc trò chuyện với người viết bộ sách “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” và “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa”, trên đài phát thanh LSR 96.7 FM, tháng 5 năm 1996 đã rất nhanh, nhạy khi hỏi tác giả bộ sách kể trên, về sự khác biệt giữa Phật Giáo Tây Tạng và Phật Giáo Việt Nam…

Không ít thính giả theo dõi cuộc nói chuyện trực tiếp này đã tỏ dấu lo lắng cho người bị hỏi… Nhưng, Phương Dung đã trả lời câu hỏi này một cách dễ dàng, mạch lạch như sau:

“…Trên phương diện danh từ thì có Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Nhật Bản hay Trung Hoa… Nhưng kỳ thực Phật Giáo chỉ có một mà thôi, vì cùng chia sẻ chung những điều Đức Phật dạy. Thí dụ như trên thân cây Bồ đề có nhiều nhánh khác nhau, nhưng vì cùng nằm trên một thân cây, chung một gốc nên không thể nói là khác nhau được. Tuy nhiên, Phật Giáo được chia làm 3 thừa: Phật giáo Nguyên thủy, còn được gọi là Tiểu thừa (Hynayana), Đại thừa (Mahayana), Kim cang thừa (Vajrayana).

Lý tưởng của Tiểu thừa là tu để đạt được sự giải thoát cho chính mình. Lý tưởng của Đại thừa vừa giải thoát cho chính mình vừa thực hành hạnh Bồ Tát trở lại cõi đời để cứu độ những chúng sinh khác nữa. Còn Kim cang thừa tức Phật giáo Tây Tạng hay Mật giáo Tây Tạng cũng thế. Lý tưởng cũng giống như Đại thừa là tu để giải thoát rồi tiến tu thành Bồ Tát, thành Phật để có thể cứu độ chúng sinh một cách bao la hơn. Trên phương diện hành trì, Phật giáo Tây Tạng có đôi chút khác biệt với Phật giáo Việt Nam, nhưng về lý tưởng thì không có gì khác biệt…”

Trong cuộc phỏng vấn, cố nhạc sĩ Việt Dzũng cũng dành cho tác giả “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” câu hỏi mà nhiều thính giả muốn nghe, đó là vấn đề “Luân hồi” – – một đề tài ngày càng được nhiều người quan tâm

image.png

Nữ cư sĩ Phương Dung
Trả lời câu hỏi này, Phương Dung nói:

“Nếu giải thích tường tận về vấn đề Luân hồi của Phật giáo thì chúng ta sẽ mất rất nhiều thì giờ. Vì thế, (chúng tôi) xin được tóm lược như thế này: Theo giáo lý của nhà Phật thì con người phải chịu trách nhiệm tất cả hành động do mình gây ra, chứ không ai ban thưởng hay trừng phạt cả. Đạo Phật gọi điều này là Nhân quả và Nghiệp báo. Ba nơi tạo nghiệp của con người là thân, khẩu và ý. Thí dụ như một người trong đời sống luôn có những tư tưởng thiện, nói những lời thiện, và làm những điều thiện thì người đó tạo được thiện nghiệp, và các điều thiện này được lưu giữ nơi Tàng-thức hay A-lại-da-thức của mình, không bao giờ mất. Ngược lại, một người mà khi còn sống lúc nào cũng nghĩ xấu cho người khác, miệng hay nói ác cho người, và thân thì làm những điều hại kẻ khác thì tạo thành ác nghiệp và Tàng-thức cũng lưu giữ những điều xấu này.

“Chính nhân quả và nghiệp báo đưa con người đi tái sinh. Người tạo được thiện nghiệp sau khi chết sẽ tái sinh làm người xinh đẹp, phú quý và hạnh phúc. Hoặc sinh về các cõi trời để hưởng phước. Người tạo nhiều ác nghiệp sẽ tái sinh trong cảnh tăm tối, đầy khổ đau. Đó là nghiệp báo và chính nghiệp báo này sẽ đưa dẫn con người sau khi chết đi mãi trong vòng luân hồi để chịu cảnh sinh, lão, bệnh, tử…”

Giải thích về hiện tượng hay tiến trình tái sinh của các bậc bồ tát, tác giả của tác phẩm “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa”, nói:

“… Vấn đề tái sinh cũng có ở Phật giáo Việt Nam chứ không phải không có. Nhưng vì Phật giáo VN trong lịch sử không có truyền thống tái sinh, cho nên có những bậc chân tu phát những hạnh Bồ tát trở lại cõi đời, nhưng vì (VN) không có truyền thống tìm kiếm các vị tái sinh như Phật giáo Tây Tạng nên chúng ta không thấy mà thôi. Trở lại vấn đề tái sinh (của Phật giáo Tây Tạng), lấy thí dụ như Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng tính đến nay đã qua 14 đời tái sinh, có khác nhau trong hình hài, pháp hiệu nhưng tâm thức vẫn chỉ là một.

“Về tiến trình của các vị Lạt Ma cao cấp tái sinh được diễn tiến như sau: Các vị Lạt Ma cao cấp thường biết trước ngày, giờ mình sẽ qua đời. Nên các ngài để lại những di chúc bí mật mà trong đó thường là một bài kệ được viết bằng ẩn ngữ, mật ngữ, để các bậc trưởng lão theo đó mà tìm đến nơi chốn các ngài sẽ tái sinh. Hoặc các vị thực hành các nghi thức đặc biệt của Phật giáo Tây Tạng như nghi lễ cầu nguyện, thiền định. Và qua thiền định, các vị sẽ nhìn thấy những linh ảnh, cũng như các điềm báo trước các vị Lạt Ma đó sẽ tái sinh lúc nào, ở đâu, cha mẹ tên là gì, em bé có những đặc điểm gì, cũng như rất nhiều chi tiết khác để các vị trưởng lão theo đó mà đi tìm…”

Nói thế, không có nghĩa là các vị trưởng lão có nhiệm vụ đi tìm các Lạt Ma tái sinh, không có những thử nghiệm khác. Ở điểm này, tác giả “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa” nhấn mạnh:

“…Ngoài ra, Phật giáo Tây Tạng còn có truyền thống từ lâu đời để khảo nghiệm xem em bé đó có đúng là Lạt Ma cao cấp tái sinh không, bằng cách trộn lẫn các vật dụng cá nhân dùng hằng ngày của các vị Lạt Ma lúc sinh tiền, như chuỗi tràng hạt, chuông và chày Kim Cang, bát ăn cơm v.v… với những đồ vật khác cũng giống y như vậy, để em bé lựa chọn. Nếu em bé chọn đúng tất cả các vật dụng quen thuộc mà tiền nhân đã dùng ở kiếp trước thì em bé đó đúng là Lạt Ma tái sinh. Phương cách này luôn được áp dụng với nhiều phương cách khác nữa, với mục đích xem em bé có đúng là Lạt Ma tái sinh mà mọi người đang tìm hay không. Vì là truyền thống lâu đời nên các cuộc trắc nghiệm như vậy đôi khi mất nhiều thời gian và khá cam go…”

Tác giả “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” cũng cho biết thêm rằng, sự tái sinh của các vị Lạt Ma cao cấp, không nhất thiết phải là người Tây Tạng mà, sự tái sinh có thể thể thị hiện qua một em bé Âu châu, Phi Châu hoặc Nam Mỹ châu.

Trả lời câu hỏi của ký giả Nguyễn Huỳnh Mai (trong một cuộc phỏng vấn khác), về nhân duyên nào đã đưa Phương Dung tìm đến Phật giáo Tây Tạng? Phương Dung cho biết, khởi đầu từ một giấc mơ:

“…Đây cũng là nhân duyên của Phương Dung. Vì đạo Phật quan niệm rằng mọi sự xẩy ra trên đời này không phải do tình cờ, ngẫu nhiên mà do nhiều nhân duyên kết hợp lại. Trong đó, có cả túc duyên của các đời trước nữa. Cho nên, điều này hoàn toàn thuộc về lãnh vực tâm linh. Mà ở lãnh vực bất khả tư nghì này thì chúng ta không thể lấy kiến thức để chứng minh hay luận bàn được! Nhất là ở vào thời đại khoa học điện tử tiến bộ như ngày nay, có thể sẽ đưa đến nhiều ngộ nhận. Vì thế, Phương Dung chỉ có thể tâm sự rằng, Phương Dung quan niệm đời ngươi có nhiều đoạn và cũng có nhiều khúc quanh.

“Khúc quanh của cuộc đời Phương Dung là qua một giấc mơ kỳ diệu, cánh cửa tâm linh hé mở, và dưới bàn tay dìu dắt từ bi của Đức Bồ tát Quán Thế Âm, để từ đó Phương Dung bước vào Phật giáo Tây Tạng…”

*
Tính chất nhuần nhuyễn, phản ánh qua những câu trả lời khi được hỏi, bởi một số nhà báo, tác giả bộ sách 2 cuốn, gần 1,000 trang: “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” và, “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa”, cho thấy khả năng cảm nhận, thấu hiểu tận cội, rễ tín lý Phật giáo Tây Tạng hay “Kim Cang Thừa” của Phương Dung – – Khiến tôi không ngạc nhiên khi biết, chỉ trong vòng 3 tháng, bộ sách này đã được tái bản để đáp ứng cầu bạn đọc.
Cũng qua những câu trả lời sâu sắc, mạch lạc, rõ ràng của Phương Dung ở trên, tôi không hề ngạc nhiên khi bộ sách “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng” và, “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa” đã có được lời tựa của hai bậc cao tăng là Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu và Đức Đạt Lai Ma, đời thứ 14.

Ghi nhận về công trình trước tác của Phương Dung, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu viết:

“…Đệ tử Diệu Hạnh – Phương Dung là một Phật tử được tôi trao truyền quy giới từ năm 1964 tại Cần Thơ, nam Việt Nam. Diệu Hạnh – Phương Dung được lớn lên trong tinh thần Phật giáo Đại Thừa và dần dần ảnh hưởng trong giáo pháp Mật Tông, Tây Tạng. Diệu Hạnh – Phương Dung đã được tu học theo các vị Lạt Ma cao cấp và cũng như đã được thân thừa cúng dường các vị mà Phật giáo Tây Tạng công nhận là các vị Lạt Ma tái sinh. Bởi nhân duyên ấy, Diệu Hạnh – Phương Dung đã cố gắng nghiên cứu và biên soạn cuốn sách “Sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng”. (STSCCLMTT)

“Cuốn sách này có lẽ nó chưa được dự vào hàng tuyệt tác, nhưng hẳn nó đã được ấn chứng những công phu tu tập, nghiên cứu biên soạn, đem lại lợi ích cho bổn thân Diệu hạnh – Phương Dung, và có thể giúp ích phần nào cho những bạn đồng tu và những vị muốn tìm hiểu…” (STSCCLMTT, trang 7 và 8)

Trong “Lời tựa” mở vào cuốn “Những điều huyền diệu của Kim Cang Thừa” (NĐHDCKCT), Đức Đạt Lai Lạt Ma viết:

“…Catherine Phương Dung đã chuẩn bị xong quyển sách này để giới thiệu một cách xác thực về Phật giáo Tây Tạng đến độc giả Việt Nam. Đây là một công trình quý báu vì tôi thường thấy những hiểu lầm, ngay cả giữa những cộng đồng Phật giáo, vì phong tục và truyền thống tu tập khác nhau. Điều quan trọng nhất là qua sự tu tập và ứng dụng những lời dạy của Đức Phật từ bi mà tìm được sự bình an trong tâm hồn, thanh thản trong cuộc sống, thì dù theo truyền thống nào cũng đều tốt. Tôi hy vọng đọc giả sẽ tìm thấy những điều hữu ích chứa đựng trong bộ sách này, sẽ đem lại sự bình an hơn nữa trong từng người nói riêng và cho cả thế giới nói chung.” (NĐHDCKCT, trang 7 và 8).

*
“…Điều quan trọng nhất là qua sự tu tập và ứng dụng những lời dạy của Đức Phật từ bi mà tìm được sự bình an trong tâm hồn, thanh thản trong cuộc sống, thì dù theo truyền thống nào cũng đều tốt…”

Tôi chọn lập lại phát biểu trên của Đức Đạt Lai Lạt – – thay cho lời cảm ơn tôi muốn gửi tới Catherine Phương Dung và, những ai đọc tới dòng chữ cuối cùng này.