Ðiểm Báo Pháp – 27/02/23: Chiến tranh Ukraina: Một năm sau, lối thoát cho cuộc xung đột vẫn mờ mịt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 27/02/23: Chiến tranh Ukraina: Một năm sau, lối thoát cho cuộc xung đột vẫn mờ mịt

27/02/2023 – Anh Vũ – Nước Pháp vẫn bề bộn với cuộc cải cách hưu trí và những khó khăn  kinh tế, xã hội, một năm cuộc chiến tranh tại Ukraina đã làm thay đổi diện mạo địa chính trị thế giới. Đó là những chủ đề chính được các báo Pháp ra ngày 27/02/2023 tập trung phản ánh.

Cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga đã bước sang năm thứ 2 và vẫn tiếp tục diễn biến khốc liệt không thể lường trước được điều gì. Hầu hết các tờ báo chính của Pháp hôm nay đều dành nhiều trang bài cho sự kiện này. Nhật báo Libération trở lại ngày đầu tiên của cuộc xâm lược với bài phóng sự dài mang tiêu đề: «Ngày 24/02/2022, Hostomel, trận chiến đã phá vỡ cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Putin». Vào những ngày đầu của cuộc xâm lược, quân đội Nga đã nhắm vào sân bay Hostomel nằm gần thủ đô Kiev, định lấy đây là điểm tựa để nhanh chóng chiếm thủ đô của Ukraina.

Libération trở lại với trận chiến Hostomel mà chỉ trong vòng ba ngày cận chiến quân đội Ukraina đã kháng cự và đã làm thất bại ý đồ xâm lược chớp nhoáng của Nga. Tờ báo mô tả lại, từ 4h15 sáng ngày 24/02/2022, quân đội Nga, từ nhiều tháng trước tập trung quanh Ukraina, đã ồ ạt tiến vào đất nước này từ mọi hướng. Hỏa lực Nga dồn dập dội xuống đè bẹp hệ thống phòng không Ukraina. Lực lượng lính dù tinh nhuệ Nga đổ xuống đánh chiếm sân bay Hostomel. Mọi diễn biến khi đó cho thấy tưởng như việc quân Nga tiến vào Kiev, bắt giữ chính quyền Ukraina chỉ tính bằng giờ. Nhưng cuối cùng kế hoạch của Nga đã thất bại hoàn toàn trước sức kháng cự bất ngờ của lực lượng Ukraina mà điểm chốt là trận chiến ở xung quanh sân bay Hostomel. Cho đến giờ các chuyên gia quân sự nước ngoài dựa trên các hình ảnh trận chiến này vẫn chưa thể phân tích được lý do thất bại của quân Nga, chỉ sau vài ngày đã buộc phải rút khỏi Hostomel, tiếp sau đó là các hướng quân trên bộ cũng phải rút khỏi Kiev.

Theo Libération, điều chắc chắn là cuộc tấn công chớp nhoáng đó bị phá vỡ đã biến «chiến dịch quân sự đặc biệt» của Valdimir Putin trở thành một cuộc xung đột cường độ cao, kéo dài từ một năm qua. Đó là một cuộc chiến tranh dường như Nga không dự trù trước.

Cũng về chủ đề một năm chiến tranh Ukraina, Libération có bài xã luận mang tựa đề: «Nga, Ukraina: những ẩn số của chiến tranh».

Libération nhận thấy như trong quá khứ, các cuộc chiến tranh đều dẫn đến địa ngục, là chết chóc, là thành phố, làng mạc bị tàn phá, hủy diệt nền văn minh. Tờ báo ghi nhận một cách bi quan: Từ Đại chiến Thế giới thứ nhất đến thứ 2 rồi chiến tranh Triều Tiên có cuộc chiến nào ra khỏi bằng con đường thương lượng đâu. Giờ đây cuộc chiến tranh tại Ukraina cũng vậy, kể cả kẻ phát động cuộc chiến đến người bị xâm lược đều không muốn đàm phán trong khi cả hai bên đều bị tổn thất vô cùng nặng nề chỉ sau có một năm giao chiến. Libération kết luận: «Người Ukraina chịu rất nhiều đau khổ, nhưng đất nước ốm yếu về lâu dài ở châu Âu chính là Nga. Đất nước này có nguy cơ bị tan vỡ, suy tàn không cưỡng lại được. Cuộc chiến tranh phi lý này đang chứng minh điều đó».

Phương Tây tìm lại sự đoàn kết 

Vẫn là liên quan đến một năm cuộc chiến tranh Ukraina, trang địa chính trị của nhật báo Le Monde dành nhiều trang báo cho hồ sơ mang tiêu đề «Liên Minh Đại Tây Dương thử lửa Nga».

To báo khai thác góc độ hậu thuẫn của phương Tây cho Ukraina trước cuộc xâm lược của Nga. Le Monde nhận thấy cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ cùng sự thức tỉnh của NATO đã giúp các nước phương Tây làm thành mặt trận thống nhất để hậu thuẫn cho Ukraina, cho dù mỗi nước đều có những cái nhìn khác nhau về thách thức được mất của cuộc xung đột.

Theo Le Monde, từ giờ, Ukraina mang một ý nghĩa lớn hơn, Ukraina «là cờ hiệu của sự tập hợp đoàn kết, là nơi quyết định số phận của trật tự thế giới dựa trên luật pháp, như theo cách diễn đạt được Washington hay dùng. Thất bại của Nga là mục tiêu chung. Thế nhưng cách thức cụ thể để đạt được điều đó vẫn còn mờ mịt».

Nhưng khi đã xác định được đối thủ chung thì sự đoàn kết của phương Tây là có thực. Tất cả đều có chung mục tiêu chiến lược, dù các nước vẫn nhận thức về cuộc chiến tranh này theo cách khác nhau. Bên trong sự đoàn kết của phương Tây vẫn còn tồn tại nhiều tính toán chiến lược phức tạp và không ít mâu thuẫn tiềm ẩn, đặc biệt giữa châu Âu và Hoa Kỳ.

Chiến tranh Ukraina làm thay đổi châu Âu

Chuyển qua với nhật báo kinh tế Les Echos, về chủ đề chiến tranh Ukraina, trang Ý kiến của tờ báo có bài «Chiến tranh đã thay đổi châu Âu thế nào» của tác giả Dominique Moïsi.

Bài phân tích của tác giả Dominique Moïsi cho thấy, một năm sau cuộc chiến tranh tại Ukraina, người ta có xu hướng cho rằng NATO là bên thắng sau cuộc cuộc chiến và châu Âu suy yếu. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Trong chính châu Âu, có “người thắng” “kẻ thua cuộc”.

Trước hết theo tác giả, không như cuộc chiến tranh Balkan ở châu Âu hồi 1990 hay chiến tranh Irak 2003, đã gây chia rẽ sâu sách các nước phương Tây, lần này phương Tây đoàn kết hơn nhiều. Có được như vậy là nhờ tổng thống Nga Putin, ông ta đã vô hình chung trở thành chất xúc tác gắn kết các nước châu Âu và Liên Minh Đại Tây Dương.

Vẫn theo tác giả, chừng nào còn chiến tranh, vai trò của châu Âu trên thực tế sẽ chỉ là thứ yếu. Khi thời điểm đàm phán tới (vẫn còn lâu mới đến), châu Âu sẽ có thể lấy lại vai trò trung tâm, nhất là nếu ngày mai, châu Âu hành động như đã làm hôm qua. Ngày đó sẽ phải thuyết phục người Ukraine rằng có được tấm hộ chiếu châu Âu đáng để hy sinh một số điều.

Theo bài viết, các nước châu Âu càng thể hiện sự ủng hộ không ngừng đối với Kiev, thì họ càng có cơ may có được vị trí chính chứ không phải một vai phụ trong cuộc đàm phán tương lai.

Trung Quốc bất ngờ xuất hiện

Để có một cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraina, giới quan sát phương Tây đều cho rằng vai trò của Mỹ là đầu tiên. Những ngày qua bỗng nổi lên Trung Quốc với kế hoạch hòa bình cho Ukraina.

Một đề xuất được Nga đánh giá cao nhưng bị phương Tây phê phán, đón nhận một cách lạnh nhạt. Xã luận báo Công giáo La Croix chạy tựa đề: «Ukraina, một vai trò cho Trung Quốc».

Bài xã luận nêu ra những nghịch ý của Bắc Kinh trong kế hoạch hòa bình cho Ukraina gồm 12 điểm. Trung Quốc cam đoan vẫn dành cho Nga «tình bạn không giới hạn», nhưng lại không muốn bị cuốn vào cuộc chiến tranh. Bắc Kinh chấp nhận cách diễn giải của Kremlin về trách nhiệm của phương Tây trong cuộc xung đột nhưng lại không thể cắt cầu quan hệ với phương Tây, trong đó Liên Âu và Hoa Kỳ vẫn là những đối tác thương mại hàng đầu của họ. Theo La Croix, Trung Quốc lợi dụng các trừng phạt Nga để tăng cường nguồn cung ứng năng lượng nhưng cũng không mong đợi gì nhiều vào một nền kinh tế đang trên đường suy sụp. Trung Quốc dấn thêm từng bước tại Trung Á, sân sau của Matxcơva.

Tờ báo đặt câu hỏi: Trung Quốc có thể đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột hiện nay ở châu Âu hay không? La Croix cho hay, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky không muốn loại trừ khả năng đó đã đánh giá động thái của Trung Quốc là «tích cực». Cuối cùng tờ báo khẳng định: «Nhiều khả năng Trung Quốc có thể thúc đẩy Vladimir Putin có lý trí hơn. Đó là điều quý giá khi thời gian cứ trôi đi».

Indonesia: Du lịch đe dọa đảo rồng Komodo

Chuyển qua các chủ đề khác ngoài cuộc chiến tranh Ukraina nặng nề. Vẫn trên trang La Croix, tờ báo chú ý đến đảo Komodo của Indonesia, nơi có loài thằn lằn khổng lồ nổi tiếng Rồng Komodo.

Trên hòn đảo lớn này có vườn quốc gia Komodo được chính phủ thành lập từ năm 1980 là nơi trú ngụ của loài rồng Komodo không có ở nơi nào khác trên thế giới, hiện chỉ còn khoảng trên dưới 3000 cá thể. Năm 1991, Unesco đã xếp hạng khu công viên quốc gia này trong danh sách di sản thế giới và cũng từ đó chính quyền Indonesia đã tập trung đầu tư để hòn đảo trở thành điểm du lịch lớn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.

Bài phóng sự: «Trên đảo Komodo, loài rồng và con người gặp nguy hiểm», cho thấy từ khi chính quyền xếp đảo Komodo là «vùng du lịch chiến lược», các dự án bất động sản mọc lên trên đảo đã trở thành mối đe dọa cho hệ động thực vật ở đây. Không những thế người dân bản địa, những thổ dân người Ata Modo bị gạt ra bên lề của sự phát triển, đang lo sợ bị cưỡng bức di rời khỏi nơi sinh sống bao đời nay của họ.

Pháp: Ngành du lịch không còn hấp dẫn

Vẫn là liên quan đến ngành du lịch, nhật báo Le Monde chú ý đến tình hình tại Pháp: «nghành du lịch trước tình trạng thiếu vắng nhân viên», tựa trang nhất của tờ báo.

Le Monde cho biết đang hy vọng hồi phục sau đại dịch covid-19, giờ đây ngành du lịch Pháp đang trước thách thức mới, không thể tuyển dụng được 250 nghìn nhân viên cho các ngành khách sạn, nhà hàng mặc dù lương trong khu vực này đã được tăng 16% trong năm 2022. Các điều kiện làm việc trong các ngành nghề du lịch đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn không thu hút được lao động. Trong khi đó ngay từ bây giờ du lịch đã phải chuẩn bị cho mùa hè tới. Các công ty dịch vụ du lịch đang cố gắng thay đổi cách thức tổ chức làm việc để thu hút nhân công. Chưa bao giờ ngành du lịch Pháp lại mất sức hấp dẫn đối với người lao động như bây giờ.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230227-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-sau-l%E1%BB%91i-tho%C3%A1t-cho-cu%E1%BB%99c-xung-%C4%91%E1%BB%99t-v%E1%BA%ABn-m%E1%BB%9D-m%E1%BB%8Bt