Tin Tổng Hợp – 25/02/23: Chiến đấu cơ TC bám sát máy bay tuần tra Mỹ ở Biển Đông; EU thông qua gói chế tài thứ 10 nhắm vào Nga; Phương Tây lạnh nhạt về kế hoạch hòa bình Ukraina của TC; Đảng csvn đề phòng bất ổn ở “thượng tầng”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 25/02/23: Chiến đấu cơ TC bám sát máy bay tuần tra Mỹ ở Biển Đông; EU thông qua gói chế tài thứ 10 nhắm vào Nga; Phương Tây lạnh nhạt về kế hoạch hòa bình Ukraina của TC; Đảng csvn đề phòng bất ổn ở “thượng tầng”

Chiến đấu cơ Trung Quốc bám sát máy bay tuần tra Mỹ ở Biển Đông

25/02/2023 – Thu Hằng – Chiến đấu cơ Trung Quốc J-11 đã bám sát máy bay tuần tra P-8 của Hoa Kỳ ở Biển Đông hôm qua, 24/02/2023, theo tin của nhật báo Mỹ The Wall Street Journal. Phóng viên của tờ báo này, có mặt trên máy bay, đã tường thuật về thái độ hung hăng của phi công Trung Quốc.

Theo nhật báo Mỹ, cuộc đối đầu xảy ra chỉ cách vài chục km phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng. Tiêm kích J-11, mang 4 tên lửa không đối không, đã xuất hiện đằng sau máy bay tuần tra P-8, vượt lên trên và áp sát máy bay Mỹ, chỉ cách cánh của chiếc P-8 vài chục mét.

Trạm kiểm soát mặt đất của Trung Quốc cảnh cáo qua sóng radio là máy bay Mỹ «đang tiến sát không phận Trung Quốc. Hãy giữ khoảng cách an toàn hoặc các anh sẽ bị chặn». Phi công chiếc P-8 đáp trả rằng họ đang bay trong không phận quốc tế. Tuy nhiên, phía Trung Quốc tiếp tục dọa «đừng tiến gần hơn hoặc các anh sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn».

Do bị tiêm kích Trung Quốc áp sát, máy bay Mỹ đã quay ngược xuống phía nam, bay qua quần đảo Trường Sa. Chiến đấu cơ J-11 by theo sát trong một tiếng, cho đến khi chiếc P-8 rời khỏi khu vực quần đảo Trường Sa và trở về căn cứ Okinawa, Nhật Bản.

Máy bay tuần tra Mỹ hoạt động gần như hàng ngày ở Biển Đông nhằm bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc kiểm soát gần như toàn bộ khu vực. Bắc Kinh lại cáo buộc Washington sử dụng máy bay tuần tra ở Biển Đông để do thám Trung Quốc. Theo một số quan chức Mỹ, những vụ đối đấu ở Biển Đông như hôm qua diễn ra gần như hàng ngày và ngày càng nguy hiểm hơn.

Đại úy Will Toraason, chỉ huy lực lượng máy bay giám sát của Hải Quân Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cho biết phi công Trung Quốc có «xu hướng về lâu dài là ngày càng hiếu chiến». Sự cố tương tự gần đây nhất là vào tháng 12/2022, Hoa Kỳ cáo buộc tiêm kích của Trung Quốc bám sát một máy bay trinh sát Mỹ.

Phóng viên của báo The Wall Street Journal ghi lai vụ nói trên khi được máy bay tuần tra P-8 đưa đến khu vực để quan sát tầu chiến, máy bay và những căn cứ trên các đảo đá ở Biển Đông.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230225-chi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BA%A5u-c%C6%A1-trung-qu%E1%BB%91c-truy-%C4%91u%E1%BB%95i-m%C3%A1y-bay-m%E1%BB%B9-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

EU thông qua gói chế tài thứ 10 nhắm vào Nga

25/02/2023 – Reuters – Liên minh Châu Âu thông qua gói chế tài thứ 10 nhắm vào Nga nhân dịp kỉ niệm ngày Moscow xâm lược Ukraine, chủ tịch EU Thụy Điển cho biết vào cuối ngày thứ Sáu.

“Cùng nhau, các quốc gia thành viên EU đã áp đặt các chế tài mạnh mẽ và sâu rộng nhất từ trước đến nay để giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến,” văn phòng chủ tịch nói trên Twitter.

“EU đoàn kết với Ukraine và người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến chừng nào còn cần thiết.”

Gói chế tài bao gồm các hạn chế xuất khẩu chặt hơn đối với hàng hóa có tính năng sử dụng kép cũng như các biện pháp nhắm vào các thực thể hỗ trợ chiến tranh, phát tán tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng.

Tất cả 27 quốc gia thành viên cần phải thông qua các chế tài để chúng được ban hành.

EU cho biết vòng trừng phạt thứ 10 nhắm vào Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu được thiết kế để khiến việc tài trợ cho cuộc chiến trở nên khó khăn hơn và không cho Nga tiếp cận những thiết bị công nghệ và phụ tùng cho vũ khí được sử dụng để chống lại Ukraine.

Các chế tài cũng đưa thêm nhiều cá nhân vào danh sách đen, bao gồm cả những người mà phương Tây cho là những tuyên truyền viên của Nga, những người mà Kyiv quy trách về việc trục xuất trẻ em Ukraine sang Nga và những đối tượng tham gia sản xuất máy bay không người lái của Iran được triển khai ở tiền tuyến.

Gói này cũng được thiết kế để cắt đứt thêm những ngân hàng bao gồm
ngân hàng tư nhân Alfa-Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff ra khỏi hệ
thống toàn cầu SWIFT và cắt giảm thương mại giữa EU và Nga hơn 10 tỉ
euro.

https://www.voatiengviet.com/a/eu-thong-qua-goi-che-tai-thu-10-nham-vao-nga/6978820.html

Ukraina: Phương Tây phản ứng lạnh nhạt về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

25/02/2023 – Thanh Phương

Hôm qua, 24/02/2023, một số đồng minh phương Tây của Kiev đã có phản ứng lạnh nhạt về kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đề nghị để giải quyết cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, trong khi tổng thống Zelensky tỏ ý muốn làm việc với Bắc Kinh để tìm một giải pháp cho cuộc xung đột.

Trong một tài liệu gồm 12 điểm, được bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố hôm qua, Bắc Kinh kêu gọi Matxcơva và Kiev mở đàm phán hòa bình, đồng thời tuyên bố chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột.

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Nga hôm qua tuyên bố Matxcơva “đánh giá cao” những nỗ lực của Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh là phải công nhận việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraina vào Nga. 

Nhưng phát biểu nhân lúc đi thăm Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế Paris khai mạc sáng nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi Bắc Kinh giúp gây áp lực với Nga để “chấm dứt cuộc xâm lược” “kiến tạo hòa bình” cho Ukraina. Theo ông Macron, nền hòa bình chỉ có thể đạt được với việc Nga ngừng tấn công, triệt thoái quân và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina và nhân dân Ukraina. Tổng thống Pháp cũng thông báo ông sẽ đi thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4.

Về phản ứng của Hoa Kỳ, trên đài truyền hình ABC, tổng thống Joe Biden nói rằng ông không nhìn thấy trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc “có bất cứ điều gì có lợi cho bất cứ ai ngoài Nga”. Còn lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell đánh giá tài liệu do Bắc Kinh đề nghị “không phải là một kế hoạch hòa bình”. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua cũng bày tỏ nghi ngờ về “vai trò mang tính xây dựng” của Trung Quốc nhằm đem lại hòa bình cho Ukraina. 

Trong khi đó, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky có phản ứng chừng mực hơn, cho rằng “cần phải làm việc” với Bắc Kinh để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột. Theo ông Zelensky, trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề nghị, “dường như có sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi và có những điểm liên quan đến an ninh”. Tổng thống Ukraina thậm chí cho biết ông dự trù sẽ gặp chủ tịch Tập Cận Bình trong nay mai.

Về phần Liên Hiệp Quốc, phát ngôn viên của tổng thư ký Antonio Guterres xem kế hoạch hòa bình mà Trung Quốc đề nghị là “một đóng góp quan trọng”, và đặc biệt hoan nghênh việc Bắc Kinh kêu gọi không sử dụng vũ khí nguyên tử. 

Hôm qua, đúng một năm tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, đại diện các nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, kể cả đại diện của Nga, đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của cuộc chiến này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230225-ukraina-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-ph%E1%BA%A3n-%E1%BB%A9ng-l%E1%BA%A1nh-nh%E1%BA%A1t-v%E1%BB%81-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-h%C3%B2a-b%C3%ACnh-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

Gặp gỡ nguyên lãnh đạo các thế hệ, Đảng đề phòng nguy cơ bất ổn ở “thượng tầng”

Bài bình luận của Phạm Quý Thọ- PGS, TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
2023.02.24

Gặp gỡ nguyên lãnh đạo các thế hệ, Đảng đề phòng nguy cơ bất ổn ở “thượng tầng”

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cùng nguyên lãnh đạo Đảng dự hội nghị hôm 6/2/2023 ở Hà Nội

“Toàn trị” với bộ máy công an, quân đội, an ninh hùng hậu “rất ít có khả năng sẽ ‘có biến’ từ bên dưới, với một phong trào của quần chúng”. Nếu như xảy ra, thì sự thay đổi chỉ có thể đến từ “bộ phận thượng tầng của ban lãnh đạo Đảng” – nơi Đảng luôn đề phòng nguy cơ bất ổn. Ngày 17/1 việc Chủ tịch Nước “xin” từ chức về hưu khi đương nhiệm tiếp ngay sau hai Phó Thủ tướng Chính phủ bị “hạ bệ” là chưa có tiền lệ trong lịch sử Đảng. Tuy nhiên, lý do không được công khai rõ ràng, chưa có quy chế về “chịu trách nhiệm chính trị”, khiến khoảng một phần ba số Uỷ viên trung ương của Ban Chấp hành khoá 13 và cũng với tỷ lệ như vậy số Đại biểu Quốc hội khoá 15 đã không đồng ý trong các hội nghị được triệu tập bất thường mới đây. Sự kiện này chứa đựng sự bất ổn ở thượng tầng.

Ngày 6/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, trong cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng CS mồng 3/2 và dịp đầu Xuân Quý Mão 2023 với các nguyên lãnh đạo “Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng và tương đương”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu mong muốn các vị tiếp tục “có những đóng góp cho Đảng, cho nhân dân, cho đất nước…”. Cuộc gặp này về hình thức mang tính “biểu tượng” nhưng hàm ý sâu xa rằng Đảng luôn “quan tâm” đến họ.

Các “nguyên lão” của Đảng được coi là đối tượng quan trọng của bộ máy cai trị đặc quyền đặc lợi, lợi ích của họ gắn liền với lợi ích của Đảng với phương châm “còn Đảng còn mình!”. Mặc dù không trực tiếp “tham chính” nhưng sự ủng hộ của họ là quan trọng bởi những mối quan hệ và tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chống tham nhũng, thanh trừng lên tới “vùng cấm” và ngày càng khó khăn, Đảng muốn họ phải được quản lý, phải trong tầm kiểm soát. Sự “cảnh giác” như một bản năng chuyên chế là có thể hiểu được bởi trong thời kỳ Đổi mới đã có một số “sự cố nghiêm trọng” xảy ra ở thượng tầng. Dưới đây là điển hình.

Trước hết là vụ ông Trần Xuân Bách (1924-2006), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, là người có chủ trương đa đảng ở Việt Nam đã bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nhưng không bị khai trừ khỏi Đảng năm 1990. Từ đó, ông ta đã bị “quản thúc” cho đến ngày qua đời.

Vụ tướng Trần Độ (1923 – 2002), từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội khóa 7 (1987-1992).Những phát biểu đòi đa nguyên đa đảng, áp dụng mô hình chính trị phương Tây, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng CS bị đánh giá là “vi phạm nghiêm trọng điều lệ Đảng viên” và, ông bị khai trừ khỏi Đảng CS khi đã 59 năm tuổi đảng.

Lê Khả Phiêu nắm quyền Tổng bí thư hơn ba năm nhiệm giữa kỳ Đại hội 9 (1996-2001). Ông là người thay thế Nguyễn Hà Phan, nguyên Trưởng ban kinh tế Trung ương, Phó chủ tịch Quốc hội bị kỷ luật khai trừ Đảng năm 1996. Dưới thời cố Tổng bí thư Phiêu, Hội đồng cố vấn Trung ương, từng tồn tại trong các khóa Đại hội 7, 8 và 9 của Đảng CS, bao gồm các nguyên lãnh đạo trong “tứ trụ” và “có tiếng nói rất lớn trong tập thể lãnh đạo ở Việt Nam, đã bị giải thể. Và, vì thế ông phải trả giá, tuy nhiên quyết định này vẫn gây tranh cãi, có ý kiến coi là “sai lầm chính trị” và số khác cho là quyết đoán.

000_Hkg2306524.jpg
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu trong một phỏng vấn tại nhà riêng ở Hà Nội hôm 22/4/2009. AFP

Và mới đây, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày 23/11/2022, nhiều báo chí đánh giá vai trò to lớn của ông thúc đẩy chính sách Đổi Mới năm 1986. Ông được ví như “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo và được ca ngợi là lãnh đạo “vì dân” như  bí danh Sáu Dân của ông. Tuy nhiên truyền thông Nhà nước đã không nhắc tới nhiều đề xuất của ông về chính sách phát triển đất nước, trong đó đặc biệt về quan điểm “hoà hợp dân tộc”. Ông từng nói: “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng…”

Nhìn sang Đảng CS Trung Quốc “anh em” cũng thấy hình ảnh như vậy, nhưng được “nâng tầm” bởi nền văn minh tập quyền lâu đời. Các Hội nghị Bắc Đới Hà , truyền thống có từ thời Mao Trạch Đông, là nơi diễn ra các cuộc gặp “hậu trường” chính trị quan trọng thường niên của các chính trị gia, giữa các lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo nước này. Tuy nhiên, dưới thời Tập Cận Bình các hội nghị kiểu này đã diễn ra “căng thẳng” bởi các quy chế đảng, vốn được thiết lập dưới thời Đặng Tiểu Bình theo hướng nới lỏng “toàn trị”, nay bị siết lại, thanh trừng phe phái quyết liệt, để ông Tập tiếp tục kéo dài cai trị. Dường như, nhiều ý kiến không “ủng hộ” Tổng bí thư tại Hội nghị Bắc Đới Hà năm 2020 trước Đại hội 20 khiến ông Tập không “hài lòng”. Bởi vậy, sự cố hy hữu đã diễn ra trong phiên khai mạc Đại hội 20, khi nguyên Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào miễn cưỡng bị “hộ tống” rời khỏi nghị trường, bị coi là “trò diễn thâm nho kiểu Tàu” – một cơ hội để ông Tập Cận Bình công khai thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với bất kỳ ai có thái độ, ý kiến khác biệt với ông ta, và cũng có nghĩa là với Đảng.

Thực tế cho thấy việc quay lại chế độ chuyên chế “toàn trị” của hai Đảng CS ở hai nước giống nhau “kỳ lạ”, có chăng chút khác biệt về chiều kích và hình thức biểu hiện như đã nêu trong loạt bài trước*. Trước hết, cả hai Đảng đều phải đương đầu với “nhà nước tư bản thân hữu” vì cải cách thể chế chính trị không theo hướng kiểm soát quyền lực bằng đối trọng chính trị để thích ứng với kinh tế thị trường. Tiếp đến, việc giải quyết quốc nạn tham nhũng như hậu quả của thực trạng rối loạn này, Đảng đã kết hợp với thanh trừng nội bộ bằng cách tập trung quyền lực tuyệt đối, trong đó Tập Cận bình tiến hành “đả hổ diệt ruồi” và Nguyễn Phú Trọng phát động “đốt lò”… Chính sách này cho thấy giới lãnh đạo Đảng CS Việt Nam nghiêng hẳn về Trung Quốc.

Những sự kiện trên cho thấy bất ổn chính trị được cảnh báo, nguy cơ lớn dần bởi người dân “đứng ngoài cuộc” không chỉ trong công tác cán bộ mà còn cả trong phòng chống tham nhũng. Và, việc quay lại chế độ  chế độ “toàn trị” khiến vấn đề thêm tồi tệ khi cơ chế công khai minh bạch và giải trình trách nhiệm của quan chức trước nhân dân, những nguyên tắc cơ bản của dân chủ, không được thiết lập. Quan điểm “dân là gốc” vẫn chỉ là tuyên truyền, và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” – từng được là “điểm mới!” trong Văn kiện Đại hội 13 Đảng CS cũng chỉ là khẩu hiệu khi những nguyên tắc dân chủ không được thể chế hoá, và vì vậy không có cơ sở pháp lý, điều kiện để nhân dân tham gia.

Các nhà nghiên cứu chính trị chỉ ra rằng cơ hội chuyển đổi dân chủ tối ưu đối với các chế độ chuyên chế “toàn trị” kiểu Trung Quốc là chuyển từ một Nhà nước pháp trị (rule by law) sang Nhà nước pháp quyền (rule of law), một Nhà nước chịu sự kiểm soát của luật pháp. Nghĩa là quá trình cải cách thể chế cần phải thiết lập các quy định rõ ràng áp dụng cho người dân thường, cho đến các quan chức cấp thấp hơn, rồi với cả chính bản thân Đảng. Việc thực thi quyền lực cần phải được khống chế, kiểm soát thực sự về mặt Hiến pháp. Tư pháp phải có quyền tự trị rộng rãi. Người dân phải được có thêm quyền tự do. Tất nhiên, chỉ có cải cách chính trị theo hướng này, thì quốc nạn tham nhũng mới có thể diệt trừ tận gốc, thể chế mới có thể phù hợp với thị trường, tránh được bất ổn, và đất nước mới có thể phát triển bền vững.

* Xem thêm:

(1)https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-vcp-reform-when-anti-graft-campaign-struggles-02062023095345.html

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/ultimate-power-of-the-party-chief-challenge-to-find-successor-02132023071449.html

(3) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/returning-to-totalism-signals-of-a-slowdown-in-economic-development-02172023100602.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do  

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/meeting-with-retired-leaders-vcp-wary-of-instability-in-leadership-02242023101701.html

(AFP) – Macron khai mạc Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế Paris. Sáng nay, 25/2/23, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khai mạc Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế Paris, trong bối cảnh ngành nông nghiệp Pháp đang gặp rất nhiều khó khăn: vật giá leo thang do tác động của chiến tranh Ukraina, hạn hán lịch sử trong mùa hè vừa qua, khiến Pháp sẽ phải ra lệnh hạn chế sử dụng nước. Tại Triển lãm, tổng thống Macron đã yêu cầu các tập đoàn siêu thị chấp nhận lãi ít hơn để kềm chế giá thực phẩm, đồng thời kêu gọi đề ra một kế hoạch tiết kiệm nước, tương tự như kế hoạch tiết kiệm năng lượng, trong bối cảnh lượng mưa trên toàn quốc thiếu hụt ở mức kỷ lục.

(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp các đồng nhiệm Nhật, Úc, Ấn. Theo thông báo của một quan chức cao cấp Mỹ hôm qua, 24/2/23, ngoại trưởng Antony Blinken vào tuần tới sẽ gặp các đồng nhiệm Nhật Bản, Úc và Ấn Độ tại New Dehli, trong khuôn khổ Bộ Tứ (QUAD) vào lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

(AFP) – Biden muốn tái tranh cử tổng thống năm 2024. Trả lời đài truyền hình ABC hôm qua, 24/02/2023, ông Joe Biden, tổng thống Mỹ đương nhiệm lớn tuổi nhất, xác nhận là ông sẽ tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, nhưng chưa thông báo ngay lúc này.

(AFP) – Tổng thống Belarus chuẩn bị công du Trung Quốc. Ngày 25/2/23, bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo ông Alexandre Lukashenko sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước từ ngày 28/02 đến 02/03 theo lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình. Vào tháng 09/2022, nguyên thủ Trung Quốc và Belarus đã thông báo một thỏa thuận hợp tác chiến lược «vĩnh viễn» trong cuộc họp tại Samarcande, Uzbekistan. Tổng thống Belarus là một đồng minh thân cận của tổng thống Vladimir Putin và ủng hộ cuộc xâm lược Nga ở Ukraina.

(Yonhap) – Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) thể hiện khả năng vô hiệu hóa những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Khi thăm trụ sở của NIS ngày 24/2/23, ông Yoon Suk Yeol cũng muốn đội ngũ nhân viên NIS tỏ ra «dũng cảm trong cuộc chiến thông tin toàn cầu» để hoàn thành nhiệm vụ «bảo vệ tự do của chúng ta». Trước đó, Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ xem «những hành động thù nghịch» của Mỹ là lời «tuyên chiến» trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ có nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng vào tuần qua, trong đó có thao dượt chống tấn công hạt nhân từ Bắc Triều Tiên. Hai nước đồng minh đang tham vấn về khả năng triển khai một tầu sân bay hạt nhân của Mỹ để tập trận chung trong tháng Ba tới.

(AFP) – Dân Philippines kỷ niệm cách mạng “Quyền lực nhân dân”. Tại Manila hôm nay, 25/2/23, hàng trăm người đã tham gia một cuộc tập hợp kỷ niệm 37 năm cách mạng “Quyền lực nhân dân” đã dẫn đến việc tổng thống Ferdinand Marcos, cha của tổng thống đương nhiệm, phải từ chức vào năm 1986. Đây là cuộc tập hợp đầu tiên kiểu như vậy kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên làm tổng thống vào tháng 6/2022.

(Reuters) – Netfix dự kiến mở văn phòng ở Việt Nam. Ngày 25/02/2023, Reuters trích hai nguồn tin cho biết nhà cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến của Mỹ chuẩn bị mở văn phòng ở Việt Nam, dự kiến vào cuối năm 2023, sau nhiều năm đàm phán với chính quyền và hoàn tất việc đánh giá rủi ro vào cuối năm 2022. Với gần 100 triệu dân, Việt Nam là thị trường ngày càng được đánh giá là mang lại lợi nhuận rất lớn, khó bỏ qua được, dù còn nhiều nghi ngại liên quan đến những quy định nghiêm ngặt về internet. Hiện tại, Netflix từ chối bình luận khi được Reuters đặt câu hỏi về kế hoạch hoạt động ở Việt Nam.

(AFP) – Cuba chỉ trích công ty Meta «kiểm duyệt». Trên Twitter ngày 24/2/23, chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cáo buộc Meta, công ty mẹ của Facebook, «nhất bên trọng nhất bên khinh» khi đóng nhiều tài khoản mà họ coi là thân chính phủ, nhưng vẫn cho phép «nhiều chiến dịch bóp méo thông tin và gây bất ổn» Cuba hoạt động trên mạng xã hội. Một ngày trước đó, Meta thông báo đóng nhiều tài khoản giả thân chính phủ ở Cuba và Bolivia nhằm làm mất uy tín các nhà đối lập và «like» những nội dung ủng hộ chế độ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230225-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(Times of India) – Lần đầu tiên, một tầu ngầm Ấn Độ đến Indonesia. Theo trang Times of India ngày 24/02/2023, tầu ngầm quy ước INS Sindhukesari, trọng tải 3.000 tấn đã đến Jakarta, sau khi đi qua eo biển Sunda ngày 22/02. Trên mạng Twitter, hải quân Indonesia cho biết “nồng nhiệt tiếp đón tầu ngầm INS Shindukesari nhằm mục đích tăng cường quan hệ song phương”. Chuyến công tác xa của một tầu ngầm còn nhằm mục đích trắc nghiệm năng lực của hải quân Ấn Độ và nằm trong khuôn khổ mở rộng ngoại giao và quân sự của New Delhi với các nước ASEAN.

(Reuters) – Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ngăn chặn các hãng hàng không Trung Quốc bay qua không phận Nga trên các chuyến bay đi và đến Hoa Kỳ. Theo nguồn tin của Reuters ngày 23/02/2023, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ Robert Menendez kêu gọi chính quyền Biden ngăn không cho các hãng hàng không Trung Quốc và các hãng hàng không không thuộc quyền sở hữu của Mỹ bay qua không phận Nga trên các tuyến đường đi và đến Hoa Kỳ. Ông Menendez cũng kêu gọi chính quyền thuyết phục những công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ không di chuyển trên các chuyến bay đi qua lãnh thổ Nga.

(AFP) – Hội nghị bộ trưởng Tài Chính G20 khai mạc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay 24/02/2023 kêu gọi cải cách các thể chế quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới, trong khuôn khổ ngày đầu tiên của hội nghị bộ trưởng tài chính G20 diễn ra ở Ấn Độ. Tập trung tại Bangalore, thủ đô công nghệ của Ấn Độ, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G20 đang tìm cách thống nhất các giải pháp để đối mặt với những thách thức do nền kinh tế toàn cầu đặt ra, trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraina tiếp diễn và lạm phát gia tăng.

(NHK) – Thiệt hại do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên tới 84 tỷ đô la. Theo hiệp hội các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất lớn và những chấn động làm rung chuyển đất nước hôm 06/02 có thể gây thiệt hại hơn 84 tỷ đô la cho Ankara. Theo ước tính của Liên đoàn Doanh nghiệp và Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, 10 tỉnh của đất nước nằm trong khu vực hứng chịu thiên tai chiếm khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Nhiều công trình bị hư hại hoặc phá hủy, bao gồm các nhà máy và bến cảng.

(RFI) – Anh đẩy nhanh giải quyết hồ sơ xin tị nạn tồn đọng để chuẩn bị thắt chặt nhập cư. Ngày 23/02/2023, thông tín viên RFI tại Luân Đôn cho biết thay vì phải phỏng vấn trực diện, người xin tị nạn đến Anh bất hợp pháp có thời hạn 20 ngày để trả lời bảng câu hỏi bằng tiếng Anh. Biện pháp này liên quan đến khoảng 12.000 người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Afghanistan, Eritrea hay Syria. Sắp tới, chính phủ sẽ trình Quốc Hội một dự thảo luật mới thắt chặt điều kiện nhập cư. Mục đích là ngăn cản người vượt biên qua eo biển Manche, vào lúc số người xin tị nạn trên lãnh thổ Anh đã đạt mức kỷ lục 150.000 người.

(Reuters) – Xả súng ở Philadelphia khiến 7 người bị thương. Cảnh sát trưởng thành phố Philadelphia, Mỹ, hôm qua 23/02/2023, cho biết đã có bảy người, trong đó có một đứa bé 2 tuổi và bốn thanh thiếu niên bị bắn trọng thương gần một trường tiểu học. Các nhà chức trách đang truy lùng ba nghi phạm liên quan đến vụ nổ súng.

(AFP) – Mỹ: Nhà sản xuất phim Harvey Weinstein bị kết án thêm 16 năm tù vì tội cưỡng hiếp. Người được mệnh danh là “ông hoàng” điện ảnh, 70 tuổi, bị kết án tại Los Angeles ngày 23/02/2023 vì đã cưỡng hiếp, xâm hại tình dục một người mẫu châu Âu trong một khách sạn ở Beverly Hills năm 2013. Ông có nguy cơ ngồi tù đến hết đời vì trước đó, năm 2020, ông bị một tòa án ở New York kết án 23 năm tù với tội danh tương tự. Ông cho biết kháng cả hai bản án.

(AFP) – Facebook và Instagram triển khai phiên bản thuê bao trả tiền ở Úc và New Zealand. Trong vòng một tuần, kể từ ngày 24/02/2023, công ty Meta muốn nghiên cứu xem người sử dụng hai mạng xã hội này có sẵn sàng trả tiền thuê bao để được chứng thực tài khoản hay không. Biện pháp này có thể được áp dụng ở các thị trường lớn. Giá thuê bao hàng tháng là 11,99 đô la nếu đăng ký trên internet hoặc 14,99 đô la nếu đăng ký qua các ứng dụng điện thoại thông minh. Người sử dụng cung cấp chứng minh thư và sẽ được gắn dấu tích xanh trên tài khoản. Biện pháp được đưa ra để bù cho thu nhập từ quảng cáo sụt giảm trong thời gian qua.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230224-tin-tong-hop