Tin Tổng Hợp – 22/02/23: TC khuấy động không khí chiến tranh lạnh mới với Mỹ; CSVN trấn áp tham nhũng khiến quan chức sợ đến nỗi ‘không làm gì’; TC công bố tài liệu về chiến lược chống Mỹ
Trung Quốc muốn khuấy động không khí chiến tranh lạnh mới với Mỹ?
22/02/2023 – Thùy Dương – Bên cạnh chiến tranh Ukraina, quan hệ Mỹ – Trung là một đề tài được Le Monde khai thác với hai bài viết «Trung Quốc điều chỉnh rõ ràng chiến lược chống Mỹ» và «Bắc Kinh và Washington đối đầu trực tiếp».
Từ Bắc Kinh, thông tín viên báo Le Monde, Frédéric Lemaitre, cho biết Trung Quốc mới công bố hai tài liệu. Tài liệu đầu tiên có tên gọi «Quyền bá chủ của Mỹ và những mối nguy hiểm» được bộ Ngoại Giao Trung Quốc công bố hôm thứ Hai, giống như một bản cáo trạng dài về chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước tới nay.
Tài liệu thứ hai là «Sáng kiến An ninh Toàn cầu» của Trung Quốc, với tham vọng «loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của các xung đột quốc tế, cải thiện an ninh toàn cầu, khuyến khích các nỗ lực chung của quốc tế nhằm mang lại sự ổn định và bền vững hơn trong thời kỳ rối ren nhiều thay đổi, thúc đẩy hòa bình và sự phát triển bền vững trên thế giới.» Trong một số phần, không có quốc gia cụ thể được trích dẫn, nhưng tài liệu có sử dụng những thuật ngữ mà Trung Quốc thường dùng để mô tả chính sách của Mỹ.
Le Monde nhận định việc Trung Quốc công bố 2 tài liệu nói trên, lên án gay gắt «tâm lý chiến tranh lạnh» của Washington và coi Matxcơva là nạn nhân của các thủ đoạn của phương Tây, có thể khuấy động căng thẳng và củng cố bầu không khí «chiến tranh lạnh mới» giữa Washington và Bắc Kinh.
Chiến tranh Ukraina và làn sóng di dân ở châu Âu lớn nhất tính từ Đệ Nhị Thế Chiến
Theo thường lệ, chiến tranh Ukraina vẫn là đề tài được Le Monde quan tâm. Trang nhất báo Le Monde chạy tựa «Joe Biden đến Kiev: Nền dân chủ vẫn trụ vững». Cũng như Libération, trong số ra hôm nay, Le Monde quan tâm đến số phận của người Ukraina tị nạn và dành 3 bài viết cho chủ đề này.
Hơn 8 triệu người Ukraina phải ra nước ngoài tị nạn từ 1 năm qua, làn sóng di dân ở châu Âu lớn nhất tính từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, cao hơn nhiều so với làn sóng tị nạn người Syria, Venezuela và Afghanistan. Hơn 90% là phụ nữ và trẻ em. 3 nước đón nhận nhiều người tị nạn Ukraina nhất là Ba Lan, Đức và CH Séc.
Theo Le Monde, có nhiều yếu tố khiến người Ukraina dễ được châu Âu đón nhận hơn : yếu tố địa lý, trình độ học vấn: 71% có trình độ đại học (theo số liệu của OCDE) nên hội nhập khá dễ dàng vào thị trường lao động ở các nước. Thêm vào đó là sự hỗ trợ của cộng đồng người Ukraina ở Liên Âu, vốn dĩ cũng đã khá đông : 1,35 triệu người, chủ yếu là di dân kinh tế. Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ, năng lực chuyên môn, nhà trẻ, trường học cho con cái … Chính vì thế, có đến 81% muốn trở về nước.
Viện trợ Ukraina : Các nước Đông Âu trên tuyến đầu
Về viện trợ cho Ukraina chống quân Nga xâm lược, Les Echos cho biết các nước Đông Âu vẫn ở tuyến đầu. Nếu tính theo GDP, chính các nước thuộc khối Cộng Sản cũ đã viện trợ cho Kiev nhiều nhất về tài chính trong một năm qua, theo báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Đức.
Estonia và Latvia đã dành hơn 1% GDP trong năm qua cho nước láng giềng Ukraina. Tiếp theo là Ba Lan và Litva (0,8% GDP). Bulgari, Slovakia và CH Séc cũng trong nhóm nước dẫn đầu, cùng với hai nước Tây Âu là Đan Mạch và Hà Lan. Trong khi đó, Hoa Kỳ, Đức hoặc Pháp thì thua xa, so với quy mô kinh tế của các nước này (gần 0,4% GDP).
Còn nếu tính theo giá trị tuyệt đối, về mặt logic, các quốc gia lớn nhất viện trợ nhiều nhất cho Kiev, trong đó phải kể đến Hoa Kỳ, nhưng chủ yếu là viện trợ quân sự.
Chiến tranh Ukraina: Nước Nga chảy máu chất xám
Nhìn sang nước Nga, Le Monde nói về nạn «chảy máu chất xám». Kể từ khi Putin điều quân xâm lược Ukraina, hàng trăm ngàn người Nga đã rời khỏi đất nước. Những người «lưu vong tạm thời» này thuộc tầng lớp xã hội có trình độ và có điều kiện để mua những tấm vé máy bay đắt đỏ.
Vào tháng 11/2022, cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu, Frontex, ước tính có hơn 1,45 triệu người dân Nga đã vào Liên Âu kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina, trong đó có hơn 500.000 người đến Phần Lan. Về phía chính quyền Nga, Matxcơva đã không tiết lộ bất kỳ kết quả nghiên cứu nào về sự ra đi của người Nga, vốn đa phần liên quan đến giới trí thức, nhà báo, sinh viên đã tốt nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người làm công ăn lương có trình độ. Theo Le Monde, họ bị thúc đẩy ra đi bởi lòng thù hận nhà cầm quyền.
Về phía doanh nghiệp, họ tìm cách hạn chế phương thức làm việc từ xa để chống chảy máu chất xám. Trước Hạ Viện, hồi tháng 12/2022, bộ trưởng Phát triển công nghệ số, Maksout Chadaïev, đã cố gắng ngăn cản việc thông qua dự luật cấm làm việc từ xa trong các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm, bởi «hiện nay có khoảng 100.000 chuyên gia công nghệ thông tin đang ở bên ngoài đất nước», «có tới 10% nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin không trở về nước», tuy nhiên «80% số họ tiếp tục làm việc cho các công ty Nga ở các nước bạn hữu».
Đối với chính phủ Nga, một lệnh cấm hoàn toàn phương thức làm việc từ xa sẽ có tác động quá tiêu cực đến hoạt động kinh tế của đất nước. Thế nhưng, một số biện pháp kiểu «cây gậy và củ cà rốt» cũng đã được đưa ra, chẳng hạn như miễn động viên quân dự bị, thưởng tiền hoặc thêm vào hợp đồng lao động các điều khoản mới hạn chế làm việc từ xa. Khi được trang RBK hỏi, Grigori Kocharov, chủ tịch – tổng giám đốc của công ty công nghệ cao IBS, cho biết ông đã lập một danh sách các quốc gia «bị cấm» (thành viên NATO hoặc Liên Âu), các nước «được phép» và «bạn hữu». Đối với những nhân viên rời Nga để đến các nước thuộc nhóm nước «bị cấm» và «được phép», họ có thời hạn để quay về nước làm việc, nếu không sẽ bị sa thải.
Chiến tranh Ukraina : Không dễ cô lập Nga, nền kinh tế thứ 9 trên thế giới về GDP
La Croix hôm nay cũng quan tâm đặc biệt đến nước Nga: Bên cạnh bài viết «Vladimir Putin duy trì sự đối đầu với Phương tây», La Croix giải mã «Nước Nga lách các đòn trừng phạt kinh tế thế nào?».
Theo báo Công giáo, kinh tế Nga gặp khó khăn nhưng chưa sụp đổ. Đó là nhờ Nga đã tự giải phóng mình khỏi các quy tắc thương mại quốc tế, sử dụng nhiều chiến lược, tạo ra các tuyến thương mại mới, thiết lập các hệ thống «nhập khẩu chui», tạo ra các doanh nghiệp ở «các nước bạn hữu». Các công ty này, được thành lập hợp pháp, chịu trách nhiệm mua các sản phẩm của châu Âu bị cấm xuất khẩu sang Nga, sau đó, thông qua hàng loạt trung gian, đưa sản phẩm đến Nga, cho dù thời gian giao hàng lâu hơn và giá cả tăng.
La Croix trích dẫn Tom Keatinge, giám đốc CFCS (Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm Tài chính và An ninh), theo đó trung tâm của các tuyến thương mại này là Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Ngoài ra, còn có Armeni, Kazakhstan hoặc Gruzia. Nhưng theo giám đốc CFCS, hệ thống này hoạt động được cũng là nhờ sự lơ là ít nhiều có chủ ý của các công ty phương Tây, bởi họ không muốn hy sinh lợi ích của mình.
Các quốc gia liên quan đến việc Nga lách lệnh trừng phạt không phải đều là đồng minh của Nga, đôi khi họ hành động hoàn toàn do chủ nghĩa cơ hội. Gruzia là một ví dụ. Không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nằm trên tuyến đường bộ ngắn nhất chuyển hàng từ Thổ Nhỹ Kỳ đến Nga nên Gruzia tận dụng được tối đa tuyến thương mại mới này. Các máy bay chở hàng từ Iran đến Nga cũng bay qua không phận Gruzia.
Về phần mình, Nga đã thông qua luật chính thức cho phép hệ thống «nhập khẩu chui», do đó tự giải phóng mình khỏi các quy tắc quốc tế về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thậm chí, để lách lệnh trừng phạt nhắm vào hoạt động buôn bán dầu lửa, Matxcơva còn tạo ra một «hạm đội tàu ma» để xuất khẩu dầu. Đó là các tàu đã hết hạn sử dụng, tàu có số đăng ký giả, bị đổi tên hiệu, ngụy trang, cắt mọi liên lạc khi đi qua một số nước… Từ khi châu Âu ngưng nhập dầu lửa Nga, Matxcơva đã xoay sang Ấn Độ. Chỉ sau vài tháng, New Delhi đã trở thành khách hàng lớn nhất của Nga. Trung Quốc cũng trở thành một khách hàng lớn của Matxcơva.
Từng chút một, các nước phát triển đang cố gắng bịt những lỗ hổng trong hệ thống các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng La Croix kết luận là vẫn rất khó để cô lập nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới về GDP, một trong những nhà sản xuất nguyên vật liệu thô lớn nhất thế giới và chiếm đến 1/8 diện tích đất toàn cầu.
Biden và Putin: Cuộc đấu tay đôi từ xa
Khác với các đồng nghiệp, báo Libération dành cả trang nhất, bài xã luận và 4 trang bài vở trong mục Sự kiện để vinh danh đạo diễn tài ba Steven Spielberg và bộ phim Fabelmans của ông, bộ phim lấy cảm hứng từ tuổi thơ của Steven Spielberg.
Tuy nhiên, Libération vẫn dành chỗ để nói về «Cuộc đấu tay đôi từ xa giữa Biden và Putin». Vào ngày thứ 362 của cuộc chiến tranh phi nghĩa của Putin tại Ukraina, chênh nhau 7 tiếng đồng hồ và ở khoảng cách 1.000km, Putin và Biden đã lần lượt cho thấy nhãn quan của họ về Ukraina, về thế giới, về các đồng minh và kẻ thù – dù là có thực hay chỉ là trong giả định – đều là «không thể hòa giải được».
Chẳng hạn, trong bài phát biểu dài gần hai giờ trước Quốc Hội, ông chủ điện Kremlin đã mô tả nước Nga như một thành trì bị bao vây, phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, mà trên hết Washington là hiện thân. Putin nhấn mạnh: «Giới tinh hoa phương Tây không che giấu mục tiêu của họ: gây ra một thất bại chiến lược cho Nga, nghĩa là kết liễu chúng ta vĩnh viễn». Libération nhận định Putin đang muốn hồi sinh cú va chạm giữa các khối, về ý thức hệ, thậm chí là giữa các nền văn minh. Trong khi đó,tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ và châu Âu «không tìm cách kiểm soát hay hủy diệt nước Nga» bởi «cuộc chiến đó không cần thiết. Đó là một thảm kịch».
Hay như trong khi tổng thống Mỹ tự hào là các nước đã phối hợp để ra những đòn trừng phạt lớn nhất từng được được áp đặt nhắm vào một quốc gia, thì ngược lại, Vladimir Putin đã mô tả một nền kinh tế chiến tranh đầy thắng lợi, thậm chí còn xem đó là một thời điểm mang lại cơ hội để kinh tế Nga tăng trưởng, để Nga củng cố quan hệ với các nước châu Á.
Và trong khi Putin kêu gọi người dân siết chặt hàng ngũ phía sau ông, thì Joe Biden từ Vacxava tuyên bố «một nhà độc tài quyết tâm tái thiết một đế chế sẽ không bao giờ có thể làm xói mòn tình yêu tự do của người dân, sự tàn bạo sẽ không bao giờ đè bẹp được ý chí của những người muốn có tự do. Ukraina sẽ không bao giờ là một chiến thắng dành cho Nga».
Cũng quan tâm đến «bộ đôi» Putin và Biden, báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất «Chiến tranh lạnh» trên nền tấm hình hai nhà lãnh đạo quay lưng lại nhau, mỗi người nhìn đi một hướng. Nhìn sang Le Figaro, tờ báo thiên hữu trên trang nhất chạy tựa «Cú va chạm giữa hai thế giới». Trong bài xã luận « Bức màn sắt», Le Figaro cũng khắc họa sự tương phản trong các phát biểu của hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, ai cũng chắc chắn mình mới là hiện thân của «sự thật».
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ : 3 nước chịu tác hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu vào năm 2050
Về môi trường, khí hậu, Libération giới thiệu một bảng xếp hạng thế giới về 100 khu vực mà các công trình xây dựng bị tình trạng biến đổi khí hậu (hỏa hoạn, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, những cơn mưa như trút nước…) đe dọa nhiều nhất vào năm 2050.
Bảng xếp hạng thế giới mà Libération công bố là do XDI, một công ty phân tích rủi ro của Úc, chuyên tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp hoặc ngân hàng, thực hiện. Nghiên cứu này tập trung vào các tòa nhà dễ bị tác động nhất: nhà ở, khu công nghiệp hoặc khu thương mại tại tổng cộng hơn 2.600 vùng lãnh thổ, giả định nhiệt độ toàn cầu tăng 3°C vào cuối thế kỷ này.
Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 nước đứng đầu danh sách. Hơn một nửa số khu vực được xếp hạng trong top 100 có nguy cơ cao nhất vào năm 2050 là ở 3 nước nói trên. Trong top 20, có tới 16 tỉnh của Trung Quốc (Giang Tô, Sơn Đông, Hà Bắc, Quảng Đông …), chủ yếu nằm ở miền đông và nam Trung Quốc, đặc biệt là ở đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang, nơi tập trung nhiều hoạt động kinh tế.
Nhìn sang Mỹ, bang Florida đứng thứ 10 trên thế giới, tiếp theo là California (19) và Texas (20), 3 bang có tỉ lệ đô thị hóa và trọng lượng kinh tế cao. Tiếp theo là nhiều vùng của Ấn Độ, Indonesia và Pakistan. Pháp cũng không phải ngoại lệ, với 8 địa phương nằm trong số 10% khu vực bị đe dọa nhất trên thế giới.
Bloomberg: Trấn áp tham nhũng khiến các quan chức sợ đến nỗi ‘không làm gì’
23/02/2023 – VOA Tiếng Việt
Đảng Cộng sản Việt Nam đang ngày càng lo lắng về một câu thần chú mới lan truyền trong giới quan chức: Làm nhiều, gặp nhiều rắc rối; Làm ít, gặp ít rắc rối hơn; Không làm gì thì không gặp rắc rối, theo Bloomberg.
Tờ báo chuyên về tài chính của Mỹ nhận định từ các cuộc phỏng vấn với các quan chức, nhà phân tích, chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, rằng càng ngày các quan chức càng chọn phương án cuối cùng, tức ‘không làm gì cả’, và điều này cũng đang gây tác động đến một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Các quan chức cảnh giác khi ký kết các dự án đầu tư vì sợ rằng họ có thể bị dính líu đến tham nhũng trong lúc chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng đã hạ bệ ba quan chức cao nhất của Việt Nam trong năm nay, theo nhiều quan chức yêu cầu không nêu danh tính vì sợ bị trừng phạt cho Bloomberg biết.
Tháng trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ “từ chức” không lâu sau khi hai phó thủ tướng từng dưới quyền ông, Phạm Bình Minhvà Vũ Đức Đam, phải rời chức vụ giữa nhiệm kỳ. Việc thanh trừng chưa từng có tiền lệ này ở Việt Nam diễn ra giữa lúc cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt ngày càng mở rộng tới nhiều bộ ngành của chính phủ.
Các quan chức dấu tên nói với Bloomberg, có trụ sở ở New York, rằng việc phê duyệt theo thông lệ các dự án phát triển bất động sản hoặc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đang ngày càng bị trì hoãn.
Một quan chức giám sát việc phê duyệt cơ sở hạ tầng cho Bloomberg biết rằng ông thà bị quở trách vì không làm gì cả còn hơn có nguy cơ bị bỏ tù vì mắc bất kỳ sai lầm nào. Một người khác cho biết các quan chức cấp địa phương là những người lo lắng nhất vì họ là những người phải ký duyệt các dự án và các văn bản pháp lý.
“Không ai ở Việt Nam muốn được biết là đã thông qua bất cứ cái gì bởi vì họ không biết liệu điều đó sau này có trở thành bằng chứng chống lại họ trong cuộc chiến chống tham nhũng hay không,” Albert Park, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói với Bloomberg. Theo kinh tế gia này, thậm chí ngay cả bộ phận nghiên cứu của ông cũng đang phải vật lộn để có được sự chấp thuận, thường là ngay tức thì, cho một dự án.
Đại diện từ văn phòng thủ tướng và bộ ngoại giao không đưa ra bình luận trước yêu cầu của Bloomberg.
Chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng mở rộng từ các ngành dầu khí, công an, ngân hàng đến cả bất động sản. Chiến dịch đốt lò lần đầu tiên ‘sờ gáy’ các tỷ phú trên thị trường chứng khoán vào tháng 3 năm ngoái. Các vụ bắt giữ các quan chức cao cấp trong lĩnh vực kinh doanh và chứng khoán đã khiến các nhà đầu tư trong nước hoảng sợ nhưng không gây hoang mang vì cuộc thanh trừng được chính phủ Hà Nội quảng bá là nhắm giải quyết tình trạng thao túng thị trường chứng khoán.
Nhưng khi các cơ quan quản lý thị trường bắt đầu hủy bỏ các đợt chào bán trái phiếu một tháng sau đó thì các nhà đầu tư tạm ngưng để đánh giá lại thiệt hại. Những lo lắng sau đó càng lớn hơn vào tháng 1 khi chiến dịch chống tham nhũng khiến ông Phúc, ông Minh và ông Đam mất chức. Theo Bloomberg, động thái thanh trừng dồn dập đã khiến các quan chức cấp thấp hơn lo sợ rằng họ có thể bị liên lụy tiếp theo trong một chiến dịch “đốt lò” đã khiến hơn 500 đảng viên Đảng Cộng sản bị bắt giữ hoặc truy tố chỉ riêng trong năm ngoái.
Ông Trọng, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Việt Nam, đã không cho thấy dấu hiệu nào về việc liệu khi nào thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ thuyên giảm. Từ ngân hàng đến bất động sản, nhiều lĩnh vực kinh doanh đã phải đối mặt với những thua lỗ ngày càng lớn. Số công ty bất động sản đóng cửa trong năm 2022 đã tăng gần 40% trong khi chỉ số chứng khoán VN Index của Việt Nam tồi tệ thứ hai thế giới sau Nga. Ngân hàng ADB đã hạ giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 ở Việt Nam do việc giải ngân các quỹ công cho chăm sóc sức khỏe, công viên, cơ sở hạ tầng và các khoản chi tiêu khác đã bị đình trệ.
Tuy nhiên một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam như một giải pháp thay thế cho Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Chỉ số môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho thấy các doanh nghiệp chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng lên 41% trong quý 4 năm ngoái ngay cả khi chiến dịch chống tham nhũng đang tiếp diễn.
Ông Oliver Massmann, luật sư tại Duane Morris Vietnam LLS, người đã hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập cơ sở tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua, cho Bloomberg biết rằng môi trường kinh doanh thân thiện và hấp dẫn vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư giành cho Việt Nam.
“Việc làm trong sạch Đảng mang tính chính trị và có thể khiến những người thân thiện với đầu tư nước ngoài phải trả giá,” ông Massmann nói. “Tuy nhiên, về lâu dài, các công ty trong sạch sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chiến dịch chống tham nhũng này trong khi các công ty/dự án liên quan đến nhà nước có thể phải đối mặt với tình trạng đình trệ hơn nữa.”
Ngân hàng là một lĩnh vực đang đối mặt với rủi ro, đặc biệt sau vụ rút tiền tiết kiệm ào ạt của người gửi giữa lúc có tin đồn ngân hàng SCB có liên quan đến tập đoàn bất động sản của nữ tỷ phú Trương Mỹ Lan bị điều tra. Nhưng bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay là ngành bất động sản khi chứng kiến nhiều công ty báo cáo về tình trạng khủng hoảng thanh khoản, tạm dừng hoạt động và sa thải hàng loạt, theo Bloomberg.
“Việt dừng dự án xảy ra ở hầu hết mọi nơi và ảnh hưởng đến tất cả các công ty bất động sản,” ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM nói với Bloomber. “Dự án của anh sẽ chỉ ngồi đó. Anh không thể làm bất cứ điều gì với nó.”
Trung Quốc công bố tài liệu về chiến lược chống Mỹ
22/02/2023 – Thanh Phương
Hôm thứ Hai, 20/02/2023, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công bố hai tài liệu nêu chi tiết chiến lược của Bắc Kinh chống lại “thế bá quyền” của Mỹ.
Theo tờ Le Monde, tài liệu đầu tiên có tựa đề “Thế bá quyền của Mỹ và những mối nguy hiểm”, lên án chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ từ khi độc lập cho đến ngày nay. Tài liệu viết:” Từ khi giành được độc lập vào năm 1776, Hoa Kỳ vẫn liên tục mở rộng ảnh hưởng bằng vũ lực. Ngày nay, tại Ukraina, Irak, Afghanistan, Libya, Syria, Pakistan và Yemen, Hoa Kỳ vẫn áp dụng chiến thuật cũ: tiến hành các cuộc chiến tranh thông qua các trung gian.” Theo cái nhìn của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraina chính là hậu quả từ những thủ đoạn của phương Tây.
Trong tài liệu nói trên, Trung Quốc lên án việc Hoa Kỳ đặt “800 căn cứ quân sự” tại “159 quốc gia”, cũng như việc chính quyền Donald Trump đã ban hành đến “hơn 3.900” trừng phạt kinh tế. Tài liệu còn tố cáo việc các phương tiện truyền thông của Nga ở Mỹ và châu Âu bị “kiểm duyệt gắt gao chưa từng có”.
Trong tài liệu thứ hai, bộ Ngoại Giao Trung Quốc trình bày “Sáng kiến cho an ninh thế giới”, nêu lên những nguyên tắc chính, với khoảng 20 điểm rất cụ thể và một phương pháp để đạt đến mục tiêu đó.
Chiến lược này dựa trên 6 cam kết, trong đó có tầm nhìn của Tập Cận Bình về “một nền an ninh chung và bền vững” được đưa ra vào năm 2014, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Về điểm này, tài liệu cho rằng “tâm lý chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đơn phương, sự đối đầu giữa các khối, và thế bá quyền là đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên Hiệp Quốc”. Đây là những cụm từ mà Bắc Kinh vẫn dùng để mô tả chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Theo nhận định của tờ Le Monde, Trung Quốc đưa ra sáng kiến nói trên nhằm cổ vũ cho một trật tự thế giới mới và gia tăng ảnh hưởng như họ đang làm từ 10 năm qua, thông qua các dự án “những con đường tơ lụa mới”.
(AFP) – Wagner tố cáo lãnh đạo quân đội Nga «phản bội». Lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner của Nga, ông Evgueni Prigojine, hôm qua, 21/02/23, kịch liệt chỉ trích tham mưu trưởng quân đội Nga phạm tội «phản bội» vì đã từ chối cung cấp thiết bị quân sự cho lính đánh thuê của ông, đang trên tuyến đầu ở mặt trận Đông Ukraina. Hôm nay, lãnh đạo của Wagner một lần nữa hối thúc người dân Nga gây áp lực với quân đội để cung cấp đạn dược cho binh sĩ tập đoàn. Một lời kêu gọi chưa từng có, minh chứng tầm mức căng thẳng giữa tập đoàn lính đánh thuê và bộ tham mưu Nga.
(Reuters) – Tổng thống Ukraina dự trù dự thượng đỉnh NATO tại Vilnius mùa hè năm nay. Đại sứ Ukraina tại Litva Petro Beshta hôm 22/02/23 nêu lên khả năng ông Volodymyr Zelensky dự thượng đỉnh trong hai ngày 11 và 12/07/2023. Kiev kỳ vọng đây là cơ hội để thuyết phục Liên Minh Bắc Đại Tây Dương kết nạp Ukraina vào khối này.
(AFP) – Bỉ cho mở điều tra về một con tàu của Nga bị nghi ngờ làm gián điệp. Bộ trưởng đặc trách về Biển, Vincent Van Quickenborne hôm 22/02/23 cho biết, tháng 11 vừa qua, một con tàu của Nga đã bị phát hiện gần các khu vực đặt quạt điện gió và đường ống dẫn khí đốt, cáp quang của Bỉ. Bruxelles nhìn nhận vụ việc diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Ukraina cho nên chính quyền phải có các biện pháp «cần thiết» để bảo đảm an ninh.
(AFP) –Iran đưa thêm hơn 30 cá nhân và thực thể của Châu Âu vào danh sách trừng phạt. Trang mạng của bộ Ngoại Giao Iran hôm 21/02/23 giải thích rõ: biện pháp này nhằm trả đũa Liên Hiệp Châu Âu, «hỗ trợ các hoạt động khủng bố, xúi giục nổi loạn gây rối tại Iran». Teheran trả đũa Bruxelles trừng phạt nhiều quan chức Iran đàn áp phong trào biểu tình đòi tự do cho phụ nữ quốc gia Hồi Giáo này.
(AP) – Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ quan chức cao cấp Bộ Quốc Phòng Mỹ viếng thăm Đài Loan. Trở lại với chuyến công tác của Michael Chase, phó trợ lý của Lầu Năm Góc, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc trong cuộc họp báo hôm 22/02/2023 khẳng định Bắc Kinh «kiên quyết chống lại mối liên hệ và hợp tác quân sự» giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
(Reuters) – Úc và Philippines thảo luận về tuần tra chung ở Biển Đông. Bộ Trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles hôm nay, 22/02/2023, đã đến Manila gặp đồng nhiệm Philippines Carlito Galvez nhằm thảo luận khả năng triển khai tuần tra chung. Cuộc họp này diễn ra sau một cuộc đàm phán tương tự giữa Manila và Washington. Quan hệ hợp tác quân sự giữa Manila và Canberra đã có từ năm 1922, hai nước vẫn duy trì Thỏa thuận Thăm Viếng Quân Sự.
(AFP) – Pháp đối mặt với nguy cơ hạn hán lớn. Trên đài Franceinfo, bộ trưởng Chuyển Đổi Năng Lượng Pháp, ông Christophe Béchu, hôm nay, 22/02/2023, nhìn nhận Pháp đang trong tình trạng báo động khi trải qua một mùa đông rất khô hạn, 32 ngày liên tiếp không mưa, gây nguy hiểm cho việc bổ sung mạch nước ngầm, vốn dĩ đã bị cạn kiệt do đợt khô hạn lịch sử năm 2022. Bộ trưởng báo động người dân Pháp ngay từ tháng Ba có thể phải đối mặt với những biện pháp hạn chế nguồn cung nước.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230222-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
(AFP) – Nga thông báo ngưng tham gia thỏa thuận New Start.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay, 21/02/2023, đe dọa tiến hành
nhiều vụ thử hạt nhân mới nếu Hoa Kỳ thực hiện đầu tiên. Thỏa thuận New
Start được ký kết năm 2010 là thỏa thuận song phương sau cùng gắn kết
hai cường quốc. Đầu tháng 8/2022, Nga đã từng thông báo đình chỉ các
cuộc thanh sát của Mỹ được dự kiến tại các địa điểm quân sự trong khuôn
khổ hiệp ước, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ cản trở các hoạt động thanh sát
của Nga tại Mỹ.
(RFI) – Tập đoàn Wagner phát triển ở Trung Phi. Dựa vào vào công điện của chính phủ Mỹ và các tài liệu nội bộ của mạng lưới của người sáng lập tập đoàn Yvegueni Prigozhin, nhiều cơ quan truyền thông, trong đó có Insider, Politico và Die Welt, đã đăng nhiều bài viết về tập đoàn bán quân sự. Một ví dụ được RFI nêu ngày 20/02/2023 là lệnh cấm drone bay trên lãnh thổ Trung Phi được ban hành vào tháng Hai được cho là để bảo vệ hoạt động của Wagner ở khu mỏ khai thác vàng Ndassima. Ngoài ra, các cuộc biểu tình tự phát phản đối phái bộ gìn giữ hòa bình Minusca của Liên Hiệp Quốc tại Trung Phi dường như được Wagner trả tiền thuê thêm người biểu tình để tăng quy mô, theo một số hóa đơn của tập đoàn Nga được cơ quan truyền thông địa Phương Ndjoni Sango đăng tải.
(AFP) – HIV: Thêm một ca chữa bệnh thành công nhờ ghép tủy. Nature Medicine, một nguyệt san khoa học, hôm 20/02/2023 loan báo « bệnh nhân Dusseldorf » không còn mang mầm virus HIV trong cơ thể sau một cuộc phẫu thuật ghép tủy. Tính đến hôm nay, chỉ mới có 2 ca bệnh tương tự được chữa trị thành công : Một bệnh nhân ở Berlin năm 2009 và một bệnh nhân ở Luân Đôn năm 2019. Bệnh nhân thứ 3 này được ghép tủy gốc để chữa bệnh bệnh bạch cầu, và đã có thể ngưng điều trị kháng virus chống HIV, theo như mô tả từ Hiệp hội IciStem Quốc tế, với sự tham dự của Viện Pasteur Pháp.
(AFP) – Phán quyết lịch sử của một tòa án Hàn Quốc: thừa nhận quyền kết hôn đồng giới. Lần đầu tiên, một tòa án phúc thẩm của Hàn Quốc công nhận quyền của một cặp đồng giới. Các nhà tranh đấu cho quyền của người LGBT+ ca ngợi phán quyết hôm thứ Ba này (21/02/2023) là một chiến thắng quan trọng. Vụ kiện do So Seong-wook và Kim Yong-min, hai người đàn ông đã kết hôn vào năm 2019, khởi xướng. Ông So đã kiện Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHIS) vì đã ngừng chi trả cho người chung sống với ông. NHIS ngừng chi trả sau khi phát hiện đây là một cặp đồng tính. Vụ kiện hiện đã được chuyển lên Tòa án tối cao.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230221-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p