Họa sĩ Nhật Leiji Matsumoto qua đời ở tuổi 85

Cac Bai Khac

No sub-categories

Họa sĩ Nhật Leiji Matsumoto qua đời ở tuổi 85

21/02/2023 – Tuấn Thảo – Tại Pháp, có cả một thế hệ khán giả trẻ tuổi khám phá truyện tranh manga của Nhật vào những năm 1980 thông qua hai loạt phim hoạt hình ”Chuyến tàu ngân hà 999” (Galaxy Express 999) và nhất là ”Thuyền trưởng Albator” (Captain Harlock, trong tiếng Anh). Họa sĩ người Nhật Leiji Matsumoto, tác giả của hai bộ truyện manga cực kỳ nổi tiếng này, đã từ trần trong tuần qua, hưởng thọ 85 tuổi.

Theo trang thông tin Jeux Actu của Pháp, chuyên về game điện tử, phim hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản, họa sĩ Leiji Matsumoto thật ra đã qua đời vì chứng suy tim tại một bệnh viện Tokyo hôm 13/02 vừa qua, nhưng mãi đến một tuần sau, tin này mới được hãng phim của ông là Studio Leijisha thông báo. Sinh thời, Leiji Matsumoto đã sáng tác khoảng 50 bộ truyện đủ loại, trong số này, có nhiều tác phẩm của ông từng được chuyển thể thành phim anime nhiều tập dành cho màn ảnh nhỏ, cũng như phim hoạt hình trên màn ảnh lớn. Nhờ vậy, từ đầu những năm 1980, ông trở nên nổi tiếng cả trong lẫn ngoài nước.

Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, thân phụ là sĩ quan ngành không quân, ông Leiji Matsumoto (1938-2023) học vẽ từ năm 9 tuổi. Có lẽ là do ảnh hưởng từ người cha, cho nên từ khi còn nhỏ ông nuôi mộng trở thành phi công như bố và đam mê theo dõi tất cả những gì liên quan đến lãnh vực hàng không, không gian. Vào đầu những năm 1970, giới độc giả ở Nhật Bản khám phá thể loại khoa học viễn tưởng, sau khi nhiều quyển truyện ăn khách của Mỹ được dịch sang tiếng Nhật. Đi theo trào lưu này, nhà xuất bản Hayakawa Shobo mua lại bản quyền một số tiểu thuyết của tác giả người Mỹ Catherine Lucille Moore. Để minh họa cho các tựa sách dịch, nhà xuất bản mới nhờ đến sự hợp tác của họa sĩ Leiji Matsumoto, vào nghề vẽ truyện tranh (mangaka) từ hơn một thập niên trước.

Nguồn cảm hứng đầu tiên của họa sĩ người Nhật

Trong số các nhân vật trong tiểu thuyết của C.L Moore, họa sĩ Leiji Matsumoto đặc biệt chú ý tới Northwest Smith, một kiểu anh hùng dị biệt, một nhân vật hào phóng, trượng phu nghĩa hiệp nhưng lại ghét khuôn phép trật tự, cũng như không thích mọi hình thức kỷ luật. Gợi hứng từ nhân vật này, họa sĩ Nhật cho ra đời nhân vật Captain Harlock mà người Pháp quen gọi là thuyền trưởng Albator. Còn được mệnh danh là ”hải tặc không gian”, Captain Harlock chuyên lái thuyền vũ trụ Arcadia (Atlantis trong tiếng Pháp) trong các chuyến thám hiểm phiêu lưu, bay từ hành tinh xa đến các thế giới lạ, một kẻ sống ngoài vòng pháp luật nhưng với tâm hồn cao cả, sống tự do và hành động theo ý mình chứ không thể bị sai khiến.

Tuổi trẻ tài cao. Leiji Matsumoto đã cho xuất bản bộ truyện tranh đầu tay vào năm 1954, ông lúc ấy mới 16 tuổi. Tại Pháp, ông chủ yếu được biết đến nhờ các tác phẩm khoa học viễn tưởng, nhưng đó chỉ là một phần trong công việc sáng tác của ông. Tại Nhật Bản, Leiji Matsumoto là một trong những họa sĩ theo phong trào hiện thực, phản ánh xã hội và tuổi trẻ thành thị (chủ yếu là ở Tokyo) đôi khi với nhãn quan thực tế, có lúc với góc nhìn trào phúng, châm biếm. Điển hình là bộ truyện tranh hài hước ”Otoko Oidon” kể lại câu chuyện của một thanh niên con nhà nghèo, vất vả chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học Tokyo.

Vào năm 1969, bộ truyện manga đề tựa ”Dai Kaizoku Captain Harlock” lần đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện chính thức của nhân vật thuyền trưởng Harlock/Albator. Tài năng của ông lọt vào mắt các nhà sản xuất, do vậy vào năm 1977, hãng phim Toei nổi tiếng của Nhật Bản đã đề nghị Leiji Matsumoto chuyển thể bộ truyện tranh thành phim hoạt hình, trong đó nhân vật chính là hải tặc không gian Harlock/Albator, với vết sẹo trên mí mắt. Ngay từ những tập đầu tiên phát hành vào năm 1978, loạt phim này đã gặt hái được nhiều thành công ở Nhật Bản, sau đó phim ăn khách trên đài truyền hình Pháp, cũng như tại nhiều quốc gia khác. Đợt phim đầu tiên vào năm 1978 gồm 42 tập, đợt thứ nhì vào năm 1984 có 22 tập.

Albator/ Harlock : Đổi cách gọi tên để tránh nhầm lẫn

Theo tạp chí Coyote Magazine chuyên về truyện tranh châu Âu và manga Nhật Bản, khi được phát sóng truyền hình lần đầu tiên trên kênh 2 của Pháp, loạt phim Harlock/Albator 78 tạo thêm cơn sốt cho thể loại khoa học viễn tưởng, cũng như các trận chiến không gian trong phim ”Star Wars” của đạo diễn Mỹ George Lucas trở thành hiện tượng trên màn ảnh lớn thời bấy giờ.

Một yếu tố khá thú vị là nhạc phim hoạt hình tiếng Pháp do nam ca sĩ Éric Charden (thuộc ban song ca Stone & Charden) sáng tác và ghi âm. Sau khi thành công vượt bực với nhạc phẩm ”L’avventura” (Kiếp lãng du), Éric Charden còn khá nổi tiếng ở Pháp nhờ sáng tác nhiều bài hát chủ đề cho phim hoạt hình thiếu nhi. Dường như chỉ có ở Pháp, tên của nhân vật Harlock mới được đổi thành Albator. Sở dĩ các nhà sản xuất Pháp làm như vậy là vì tên gọi nhân vật ”Thuyền trưởng Harlock” quá gần với ”Thuyền trưởng Haddock”, một trong những nhân vật quan trọng trong bộ truyện phóng viên Tintin.

Giai thoại kể rằng, tác giả Charden tìm ra tên gọi tiếng Pháp trong lúc anh đang xem một trận đấu rugby (bóng bầu dục). Một trong vận động viên Pháp nổi tiếng lúc ấy là Jean-Claude Ballatore, có tốc độ phóng thân theo quả bóng nhanh như cánh chim hải âu. Tác giả kết hợp hình tượng của hải âu (Albatros) với tên vận động viên (Ballatore) để tạo thành tên gọi ”Albator”.

Sau thành công của Harlock/ Albator, họa sĩ Leiji Matsumoto tiếp tục ăn khách nhờ chuyển thể tác phẩm ”Chuyến tàu ngân hà 999” (Galaxy Express 999) từ truyện tranh thành phim hoạt hình. Cũng như hai bộ phim ”The Mystery of Atlantis” (1978) và ”The Atlantis of My Youth” (1982) dựng cho màn ảnh lớn, thu hút đông đảo khán giả Nhật vào rạp. Atlantis là tên gọi tiếng Pháp cho phi thuyền vũ trụ Arcadia.

Từ hải tặc Harlock đến bộ đôi Daft Punk

Vào đầu những năm 2000, ban nhạc điện tử Pháp Daft Punk, do rất hâm mộ loạt phim Harlock/Alvbator, đã mời họa sĩ Matsumoto thực hiện 5 đoạn phim hoạt hình ngắn để minh họa cho các video clip âm nhạc nhân ngày phát hành album ”Discovery” của nhóm này vào năm 2001. Năm đoạn phim này sau đó được tập hợp lại thành một bộ phim dài mang tựa đề ”Interstellar 5555”. Nhờ vào sự hợp tác này, cả một thế hệ độc giả trẻ tuổi vào đầu những năm 2000 khám phá lại các bộ truyện của họa sĩ Leiji Matsumoto. Tầm nhìn xa cũng như tài nghệ sáng tác của ông một lần nữa xứng đáng được công nhận.

Cũng trong thập niên này,  họa sĩ Nhật là khách mời thường xuyên của nhiều sự kiện lớn tại Pháp kể cả triển lãm Japan Expo, liên hoan truyện tranh Angoulême hay liên hoan phim hoạt hình Annecy. Nhân dịp này, ông cho biết ông yêu chuộng văn hóa Pháp từ khi còn trẻ, đặc biệt là trường phái lãng mạn qua văn chương, hội họa và điện ảnh Pháp. Một trong những tác phẩm từng gây ấn tượng sâu sắc với ông vào năm 15 tuổi, là bộ phim của đạo diễn Julien Duvivier mang tựa đề ”Marianne de Ma Jeunesse” (1955). Các diễn viên trong phim Pháp sau đó đã ảnh hưởng cách vẽ manga của ông, đặc biệt là trong lối phác họa vóc dáng thon thả, thanh lịch của các nhân vật nữ.

Theo nhận định của giới phê bình, làng sáng tác truyện tranh không thiếu gì về mặt các tài năng, nhưng lại có ít họa sĩ có đủ tầm vóc để lưu lại một dấu ấn sâu sắc. Hễ nhắc đến tên họ là độc giả nghĩ tới ngay những gương mặt tiên phong, góp phần thay đổi cục diện của manga. Leiji Matsumoto nằm trong số này, bên cạnh các bậc thầy như Tezuka Osamu (Astro Boy và Sư tử trắng Kimba), Fujiko Fujio (Ninja Hattori) hay Go Nagai (người máy Grendizer/ Goldorak). Trên vòm trời manga, một ngôi sao sáng vừa chợt tắt, nhưng thuyền Matsumoto lại bay mãi giữa lòng thiên hà.

https://www.rfi.fr/vi/v%C4%83n-h%C3%B3a/20230221-h%E1%BB%8Da-s%C4%A9-nh%E1%BA%ADt-leiji-matsumoto-qua-%C4%91%E1%BB%9Di-%E1%BB%9F-tu%E1%BB%95i-85