Tin Tổng Hợp – 20/02/23: QH Canada ca ngợi Pháp Luân Công; Biển Đông: Mỹ-Phi thảo luận tuần tra chung & Thỏa thuận VN-Indonesia; Vương Nghị sẽ đi Nga bàn về Ukraine; Tướng ca csvn từng chỉ huy vụ Tiên Lãng bị bắt

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 20/02/23: QH Canada ca ngợi Pháp Luân Công; Biển Đông: Mỹ-Phi thảo luận tuần tra chung & Thỏa thuận VN-Indonesia; Vương Nghị sẽ đi Nga bàn về Ukraine; Tướng ca csvn từng chỉ huy vụ Tiên Lãng bị bắt

Bắc Hàn bắn hai tên lửa và cảnh cáo Hoa Kỳ, Nam Hàn

20/02/2023 – Trần Công – Hôm nay, 20/02/2023, Bắc Hàn đã bắn hai tên lửa mà họ mô tả là có khả năng “tấn công hạt nhân chiến thuật” có thể phá hủy hoàn toàn các căn cứ không quân của kẻ thù. Theo hãng tin chính thức KCNA, vụ bắn tên lửa hôm nay nhằm đáp lại các cuộc tập trận chung trên không của liên quân Mỹ-Hàn hôm Chủ Nhật. 

Nam Hàn xem vụ bắn tên lửa này là “một hành động khiêu khích nghiêm trọng, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên.” Trong khi đó, Kim Yo Yong, em gái của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, sáng nay dọa sẽ biến vùng Thái Bình Dương thành một “ trường bắn” nếu Hoa Kỳ tiếp tục triển khai các phương tiện chiến lược trong khu vực.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình:

Theo thông tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ- Hàn, Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ có một cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày vào tháng 3 tới. Cuộc tập trận này sẽ có quy mô lẫn phạm vi  lớn hơn, với kịch bản bao gồm cả những kinh nghiệm được đúc kết từ chiến tranh Nga- Ukraina và các hành động đe dọa của Bắc Triều Tiên trong tương lai.

Sau khi thông tin nói trên được đưa ra, Bình Nhưỡng đã có hàng loạt hành động gây hấn bao gồm vụ bắn tên lửa xuyên lục địa Hwasong-15 vào ngày 18/02, nhằm chứng minh tuyên bố  của chủ tịch Kim Jong-Un về việc “hoàn thiện lực lượng hạt nhân”. Tiếp theo đó, Bình Nhưỡng bắn thêm hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về hướng biển Nhật Bản vào sáng hôm nay 20/02/2023. Bình Nhưỡng tuyên bố đã sử dụng các dàn phóng tên lửa đa nòng rất lớn và đó là những phương tiện “tấn công hạt nhân chiến thuật” đủ mạnh để “biến thành tro bụi” các căn cứ không quân của kẻ thù.

Tuy nhiên thông tin này được cho là không xác thực. Quân đội Mỹ và Hàn Quốc nhận định rằng Bình Nhưỡng cần thêm thời gian để tối ưu hóa các thiết bị cũng như bảo đảm khả năng quay lại khí quyển của tên lửa liên lục địa.

Đáp trả hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, liên quân Mỹ-Hàn đã điều các máy bay chiến đấu F-35A và F-15K của không quân Hàn Quốc và các máy bay chiến đấu F-16 của không quân Mỹ hộ tống máy bay ném bom chiến lược B-1B  tiến vào vùng nhận dạng phòng không Hàn Quốc.

Sau khi vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên hôm nay, phía Nhật Bản đã lên tiếng phản đối vì tên lửa này đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Về phần mình, Bắc Kinh cho biết “không có sự thay đổi nào trong quan điểm của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên”, sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Triều Tiên.

Theo lời của phát ngôn viên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, hôm qua, ông đã lên án Bắc Hàn về vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ bảy qua, kêu gọi Bình Nhưỡng ngưng “những hành động khiêu khích” này. Hôm nay, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc sẽ họp khẩn ở New York về tình hình bán đảo Triều Tiên.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230220-m%E1%BB%B9-h%C3%A0n-th%C3%B4ng-b%C3%A1o-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-chung-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-li%C3%AAn-t%E1%BB%A5c-b%E1%BA%AFn-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-%C4%91%C3%A1p-tr%E1%BA%A3-m%E1%BA%A1nh

Mỹ-Phillpines thảo luận tuần tra chung trên Biển Đông

20/02/2023 – Reuters

Lực lượng tuần dương Philippines diễn tập chống cướp biển
Lực lượng tuần dương Philippines diễn tập chống cướp biển

Philippines và Mỹ đang thảo luận về khả năng tiến hành các cuộc tuần tra chung của lực lượng tuần dương hai nước, bao gồm cả ở Biển Đông, một quan chức Manila hôm 20/2 cho biết.

Với các tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên vùng hàng hải chiến lược, Philippines đã gia tăng giọng điệu trước điều mà họ cho là ‘các hoạt động gây hấn’ của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn cũng trở thành điểm nóng trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về hoạt động hải quân.

Jay Tarriela, người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên Philippines (PCG) về các vấn đề Biển Đông, nói với kênh CNN Philippines rằng các cuộc đàm phán với Mỹ đã đi xa hơn giai đoạn ban đầu và khả năng thực hiện các cuộc tuần tra chung là rất cao.

Ông Tarriela không nói rõ chi tiết về quy mô hoặc thời gian của các cuộc tuần tra được đề xuất, vốn xảy ra sau khi Lầu Năm Góc trong tháng này nói Mỹ và Philippines đã ‘đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông’.

“Đã có lộ trình khả thi rõ ràng vì Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã hỗ trợ tuần tra chung với hải quân Philippines và hải quân Mỹ, do đó chắc chắn các cuộc tuần tra chung sẽ diễn ra giữa lực lượng tuần duyên của cả hai nước,” ông Tarriela nói.

“Cũng có khả năng cuộc tuần tra chung này sẽ được tiến hành ở Biển Đông để ủng hộ quyền tự do hàng hải của chính phủ Mỹ,” ông nói.

Ông Rommel Jude Ong, cựu phó tư lệnh Hải quân Philippines, nói với
Reuters hôm 20/2 rằng ý tưởng triển khai lực lượng tuần duyên ở Biển
Đông thay vì hải quân sẽ ‘giảm thiểu những tính toán sai và ngăn Trung
Quốc tìm cớ leo thang căng thẳng’ ở vùng biển này.

https://www.voatiengviet.com/a/my-phillpines-thao-luan-tuan-tra-chung-tren-bien-dong/6970801.html

Thỏa thuận Việt Nam – Indonesia: Một hướng giải quyết tranh chấp Biển Đông?

20/02/2023 – Sau 12 năm đàm phán, ngày 23/12/2022, Indonesia và Việt Nam đã giải quyết được tranh chấp trên biển, cụ thể là đã kết thúc đàm phán về việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước tại khu vực quần đảo Natuna ở Biển Đông. Thỏa thuận giữa Hà Nội và Jakarta sẽ chấm dứt những căng thẳng lâu nay giữa hai nước, nhưng chắc là sẽ khiến Trung Quốc giận dữ, vì Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền đối với một phần khu vực mà Indonesia và Việt Nam tranh chấp. 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã công bố thỏa thuận này trong chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày của ông Phúc tại Indonesia tháng 12 năm ngoái.

Căng thẳng do đánh bắt cá

Trong những năm gần đây, Việt Nam và Indonesia thường xuyên gặp căng thẳng tại vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên nhau. Lực lượng tuần duyên Indonesia đã tịch thu và phá hủy hàng chục tàu thuyền Việt Nam trong vùng biển tranh chấp, đặc biệt là xung quanh quần đảo Natuna. Năm 2017, một tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị cáo buộc đã ngăn chặn một nỗ lực của Indonesia nhằm hộ tống các tàu Việt Nam ra khỏi khu vực tranh chấp. Trong vụ này, một sĩ quan Indonesia bị lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam bắt giữ.

Tháng 4/2019, một tàu Indonesia va chạm với 2 tàu Kiểm ngư Việt Nam. Năm 2019, Indonesia đã phá hủy 38 tàu treo cờ Việt Nam bị cáo buộc đánh bắt trái phép. Đến tháng 3 năm 2021, Cảnh sát biển Indonesia lại bắt giữ hai tàu đánh cá Việt Nam. Ngoài nguồn thủy sản dồi dào, khu vực tranh chấp ranh giới giữa hai nước cũng được coi là giàu tài nguyên thiên nhiên.

Thỏa thuận nói trên như vậy là sẽ góp phần chấm dứt nhiều năm đụng độ giữa hai nước trong khu vực tranh chấp, đặc biệt là về nạn đánh bắt cá trái phép. Trả lời RFI Việt ngữ ngày 05/01/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thuộc Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:

“Sau khi hiệp định có hiệu lực thì tình trạng này bắt đầu mới giảm bớt được. Trong thời gian qua, một số ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt vì bị cho là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, nhưng các ngư dân Việt Nam khẳng định là họ đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam, chứ không phải của Indonesia. Nhưng điều này rất khó nói và khó tranh luận. Một trong những yếu tố dẫn đến việc Việt Nam vi phạm thẻ vàng về IUU Fishing (đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), đó là có những khu vực mà rất nhiều tàu cá của Việt Nam  bị cáo buộc xâm phạm vùng biển của những quốc gia khác, trong đó có Indonesia.

Sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực thì chuyện tranh cãi về việc ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Indonesia sẽ rõ ràng hơn, vì chắc chắn là khi phân định thì sẽ phân định rõ nơi nào thuộc đặc quyền kinh tế của Indonesia, nơi nào là của Việt Nam, nơi nào là vùng đánh cá chung của cả hai bên.”

Gợi ý cho những tranh chấp khác?

Trước mắt, các nhà phân tích tin rằng thỏa thuận giữa Indonesia với Việt Nam sẽ mở đường cho nhiều nước láng giềng của Trung Quốc giải quyết các yêu sách chủ quyền chồng lấn lên nhau ở Biển Đông. Ví dụ, Việt Nam cũng có tranh chấp tương tự với cả Philippines và Malaysia. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:

“Nó sẽ là gợi ý tốt cho Việt Nam và các các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp tương tự trên khu vực Biển Đông, bởi vì cơ sở của nó là luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, có các án lệ quốc tế liên quan đến phân định biển… Thực tiễn quốc tế mới là cơ sở để các quốc gia giải quyết vấn đề này.

Việt Nam cũng có những vùng chồng lấn tương tự với vùng biển của Philippines và Malaysia, tuy nhiên, tình huống cụ thể với mỗi bên có rất nhiều điểm khác biệt. Trong quần đảo Trường Sa, có một số thực thể mà cả Việt Nam, Malaysia đều khẳng định chủ quyền. Những thực thể đó có những vùng biển xung quanh mà cả ba quốc gia đều cho là của mình. Giải quyết vấn đề này sẽ rất khó khăn, nhưng rõ ràng việc Việt Nam và Indonesia kết thúc được hiệp định này cho thấy, thứ nhất là các quốc gia ASEAN trong khu vực Biển Đông có những tranh chấp về chồng lấn như vậy hoàn toàn có thể giải quyết được tranh chấp này trong hòa bình và dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 40 năm Công ước này được ký kết.

Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp đầy phức tạp. Nếu các quốc gia ASEAN có tranh chấp Biển Đông mà giải quyết được những vấn đề khúc mắc của riêng mình, thì đó cũng là một điều tốt để cho vấn đề Biển Đông có thể được giải quyết tốt hơn. Nếu tất cả các quốc gia có tranh chấp chồng lấn như vậy mà giải quyết ổn thỏa được các vấn đề đó, thì chỉ còn lại vấn đề quan trọng nhất là đối với Trung Quốc. Điều đó cũng sẽ tạo một sức ép không nhỏ đối với Trung Quốc.”

Trong một bài viết trên trang Forbes ngày 27/12/2022, giáo sư Jill Goldenziel, Đại học Quốc Phòng Hoa Kỳ, cũng lưu ý rằng Việt Nam và Indonesia đã quyết định giải quyết tranh chấp ranh giới của họ dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), qua đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với vùng Biển Đông. Do đó, thỏa thuận này là một bước quan trọng hướng tới một mặt trận thống nhất giữa các nước láng giềng của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Việc lựa chọn UNCLOS làm cơ sở giải quyết tranh chấp ranh giới cũng ngầm thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016 về vụ kiện của Philippines, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phản ứng của Trung Quốc?

Gs. Goldenziel cũng nhấn mạnh là các chi tiết của thỏa thuận giữa Hà Nội và Jakarta vẫn chưa được công khai, bởi vì nếu làm như vậy, Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp ngoại giao, hoặc thậm chí quân sự mạnh mẽ. Cho tới nay, bất cứ khi nào một quốc gia láng giềng chính thức bày tỏ sự ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, Trung Quốc đều phản đối mạnh mẽ. Thỏa thuận Indonesia-Việt Nam được thông qua vào thời điểm Trung Quốc ngày càng hung hăng, khẳng định các yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông. Tại khu vực ranh giới giữa Indonesia và Việt Nam,Trung Quốc có thể triển khai lực lượng dân quân biển có vũ trang, đội lốt tàu cá, để xác quyết chủ quyền đối với khu vực.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt nêu lên hai lý do khác:

“Trường hợp thứ nhất, thông thường, nếu một hiệp định đã được hoàn tất, thì theo trình tự, còn một bước nữa là Quốc Hội mỗi bên thông qua, thì nó mới chính thức có hiệu lực. Hiện nay vẫn chưa có lịch trình của cả hai bên, đặc biệt là bên phía Việt Nam, để thông qua văn bản này. Như thế là phải mất thêm một thời gian nữa. Trong thời gian đó hai bên sẽ đều giữ kín thông tin.

Khả năng thứ hai là hai bên đã kết thúc đàm phán, tức là đã đồng ý với nhau một số nguyên tắc cơ bản, nhưng còn những vấn đề cụ thể của hiệp định thì vẫn chưa hoàn tất. Thậm chí là có những vấn đề kèm theo hiệp định đó, ví dụ như những phụ lục hay những hiệp định kèm theo thì vẫn chưa xong. Cho nên, đó chỉ mới là bước đầu, chưa thật sự hoàn tất, chính vì vậy hai bên vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể trong lúc này.”

Giáo sư Goldenziel, tác giả bài viết trên trang Forbes ngày 27/12/2022, cho rằng thỏa thuận Indonesia-Việt Nam có thể  là khuôn mẫu cho các nỗ lực phối hợp nhằm chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc, và là một bước tiến tới một mặt trận Đông Nam Á thống nhất chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng có cùng nhận định:

“Có ý kiến cho rằng Trung Quốc cũng không hài lòng về chuyện này, bởi vì cái quan trọng nhất là Trung Quốc vẫn muốn đàm phán với ASEAN về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là về COC (Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông). Nhiều người cho rằng Trung Quốc vẫn muốn ngăn cản và chia rẽ các nước ASEAN. Chính vì vậy mà Trung Quốc sẽ tìm cách can thiệp vào hiệp định này. Cũng có người cho rằng, hiệp định dù có được ký kết thì cũng phải được Quốc Hội phê chuẩn. Đối với Quốc Hội Việt Nam thì chắc là không khó khăn lắm trong việc thông qua, khi mà chính phủ đã quyết định. Nhưng đối với Indonesia lại là chuyện khác. Ngay cả tại Indonesia cũng có những nhóm thân Trung Quốc hoặc không thân Trung Quốc, vì thế Trung Quốc cũng có thể tác động bằng cách này hay cách khác. Chỉ sau khi Quốc Hội Indonesia phê chuẩn thì lúc đó mới là chắc chắn. Khả năng là có thể xảy ra, bởi vì Trung Quốc sẽ tìm cách vận động khiến cho Quốc Hội có những tiếng nói khác biệt, dẫn tới việc phê chuẩn bị chậm trễ, hoặc kéo dài hoặc là chưa biết có được thông qua hay không.”

Sự hỗ trợ của Mỹ

Trong bài viết nói trên, giáo sư Goldenziel còn cho rằng thỏa thuận về biên giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia có thể góp phần giúp Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc trong khu vực. Theo giáo sư Goldenziel, Hoa Kỳ nên làm việc với Indonesia và Việt Nam để tăng cường thỏa thuận, nhằm hỗ trợ chiến lược quốc gia của Hoa Kỳ trong việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU Fishing), đồng thời khẳng định luật pháp ở Biển Đông.

Tác giả bài viết khẳng định: “Hoa Kỳ sẵn sàng hành động để hỗ trợ Indonesia và Việt Nam giúp cho thỏa thuận thành công. Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong Đạo luật An Toàn Hàng hải của Hoa Kỳ, một phần trong Chiến lược Quốc gia của Hoa Kỳ về Chống Khai thác IUU. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã bày tỏ sẵn sàng hành động chặt chẽ với Hoa Kỳ để chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

Hoa Kỳ nên làm việc với Việt Nam và Indonesia để củng cố thỏa thuận của họ bằng cách cung cấp đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai quốc gia để chống lại việc đánh bắt IUU và khẳng định các quyền hàng hải chống lại Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng có thể giúp tiến hành các chiến dịch thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức về ranh giới biển mới và các quyền hợp pháp của cả hai quốc gia đối với khu vực. Ngoài ra, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cả hai quốc gia lập hồ sơ và công khai các vi phạm đánh bắt IUU của Trung Quốc trong khu vực biên giới và thực hiện hành động pháp lý bất cứ khi nào thích hợp.”

Thanh Phương

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20230220-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-vi%E1%BB%87t-nam-indonesia-m%E1%BB%99t-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-tranh-ch%E1%BA%A5p-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

Tướng công an từng chỉ huy vụ cưỡng chế Tiên Lãng bị bắt

20/02/2023 – VOA Tiếng Việt

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca thời còn là người đứng đầu Công an Hải Phòng
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca thời còn là người đứng đầu Công an Hải Phòng

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công an Hải Phòng, vừa bị Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh, tạm giữ để điều tra hình sự về hành vi ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ trong khuôn khổ một vụ án trốn thuế, báo chí trong nước đưa tin.

Thông tin này được Trung tướng Tô Ân Xô – phát ngôn nhân Bộ Công an – cho biết hôm 19/2. Theo đó, ông Ca bị bắt giữ trong khuôn khổ cuộc điều tra hình sự mở rộng về vụ án ‘Trốn thuế’ và ‘Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ’ tại các tỉnh, thành Quảng Ninh và Hải Phòng, tờ Tuổi Trẻ cho biết.

Nhà riêng của ông Ca ở khu đô thị Ngã năm sân bay Cát Bi, phường Đằng Lâm, quận Hải An cùng căn nhà dưới quê ông ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã bị công an khám xét và ‘nhiều thùng tài liệu đã được lấy đi để phục vụ điều tra’, Tuổi Trẻ tường thuật.

Việc bắt giữ và khám nhà khẩn cấp này được thực hiện ngay trong đêm 18 rạng sáng ngày 19/2.

Tờ Thanh Niên dẫn nguồn tin riêng cho biết ông Ca ‘có quan hệ với giám đốc một doanh nghiệp là người Hải Phòng’. Người giám đốc này đang bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh điều tra về hành vi lập nhiều công ty ma’ nhằm mục đích buôn bán hóa đơn VAT trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.

Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông thì ông Ca ‘không có hành vi trốn thuế’ mà là ‘có có nhận tiền, hứa giúp đỡ chạy án cho một số đối tượng liên quan vụ án trốn thuế’.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca là giám đốc Công an Hải Phòng ở thời điểm địa
phương này xảy ra vụ cưỡng chế đất đai gây chấn động cả nước vào năm
2012 trên đất nuôi tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng.

Trong vụ cưỡng chế đó, ông Ca chỉ đạo một lực lượng công an và dân quân tiến vào khu đất của ông Đoàn Văn Vươn. Anh em ông Vươn và ông Quý đã nổ súng hoa cải và bom tự chế làm bốn công an viên và hai dân quân bị trọng thương.

Ông Ca từng ca ngợi trên báo chí rằng đây là ‘trận đánh đẹp’. Căn nhà nơi hai ông Vươn và ông Quý trú ẩn để kháng cự lực lượng cưỡng chế đã bị ông Ca cho san bằng dù không nằm trong diện tích bị thu hồi.

Vào tháng 2 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận rằng các quyết định thu hồi, cưỡng chế gần 20 hectare đầm tôm của gia đình ông Vươn là ‘trái luật’ và nhiều cán bộ có liên quan đã bị xử lý do chỉ đạo phá nhà ông Vươn.

https://www.voatiengviet.com/a/tuong-cong-an-tung-chi-huy-vu-cuong-che-tien-lang-bi-bat/6970995.html

Quốc hội Canada chiếu phim ‘Trường Xuân’, các chính trị gia ca ngợi Pháp Luân Công đã dũng cảm chống lại cuộc bức hại

Liên Thành – 17/02/2023 – Tối 13/2, Quốc hội Canada đã chiếu bộ phim hoạt hình Trường Xuân được đề cử giải Oscar. Các chính trị gia nói rằng lòng can đảm của các học viên Pháp Luân Công bất chấp nguy hiểm để phơi bày cuộc bức hại của chính quyền Trung Quốc thật đáng khâm phục.

Một cảnh trong phim “Trường Xuân”. (Ảnh qua Yahoo).

Nghị sĩ Canada Garnett Genuis nói: “Đây là một bộ phim tài liệu vĩ đại, và thật tuyệt khi được chiếu tại Quốc hội Canada. Nó thực sự cho thấy cuộc đấu tranh của (người dân) cho tự do và công lý”.

Bộ phim “Trường Xuân” tái hiện cảnh các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc cách đây 21 năm về trước, vào ngày 5/3/2002 đã chèn sóng truyền hình phơi bày cuộc bức hại tàn khốc của chính quyền Trung Quốc, vạch trần những tuyên truyền bịa đặt chống lại Pháp Luân Công.

Ông Alex Neve, cựu Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế Canada bày tỏ: “Bộ phim này không chỉ cho chúng ta thấy sức mạnh và lòng dũng cảm của các học viên Pháp Luân Công được thể hiện trong phim, mà còn nhắc nhở chúng ta rằng, cuối cùng, hành vi vi phạm nhân quyền sẽ phải trả giá ở từng cá nhân.

Các thành viên Nghị viện đánh giá cao niềm tin kiên định và lòng dũng cảm phi thường của các học viên Pháp Luân Công trong thời kỳ nguy nan nhất, đồng thời chỉ ra rằng nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công rất quan trọng đối với mỗi người..

Ảnh trong phim ‘Trường Xuân’: Sau khi sự kiện chèn sóng xảy ra, ĐCSTQ điên cuồng bắt giữ và bức hại các học viên Pháp Luân Công tại địa phương. Đại Hùng cũng từng bị bức hại. (Ảnh chụp màn hình video/Tinh Hoa).

Nghị sĩ Cathay Wagentall ở Saskatchewan nói rằng, bà rất biết ơn khi có cơ hội xem bộ phim “Trường Xuân”: “Bộ phim đã cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin mà tôi không biết, khiến tôi rất xúc động. …tác động biểu hiện nghệ thuật về cảnh ngộ này [của các học viên Pháp Luân Công] là rất lớn, cũng thật vĩ đại và đẹp đẽ”.

“Tín ngưỡng của một người là thứ vô cùng trân quý trong lòng người đó. Cũng giống như các học viên Pháp Luân Công, họ chỉ muốn thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và quyền bày tỏ niềm tin của mình.”

Bà đánh giá cao niềm tin sắt đá của các học viên Pháp Luân Công: “Sự cam kết với niềm tin này rất chân thực”.

Nghị sĩ Canada Judy Sgro nói: “Chân Thiện Nhẫn là rất quan trọng ở bất cứ đâu trên thế giới và ở bất kỳ quốc gia nào. Đây cần phải là giá trị quan của mỗi người”.

Các nghị viên nói rằng cuộc bức hại của chính quyền Trung Quốc vẫn đang leo thang, và chúng ta nên tiếp tục tìm kiếm sự thật và vạch trần những hành động tà ác của chính quyền này.

Nghị sĩ Canada Garnett Genuis cho biết: “Ở Trung Quốc, bạo lực và bức hại tiếp tục leo thang. Mặc dù một số người che giấu thông tin này, nhưng chúng tôi vẫn cần cố gắng hết sức để phơi bày nó”.

Sau buổi chiếu, họa sĩ truyện tranh Đại Hùng, trưởng biên kịch mỹ thuật của phim “Trường Xuân” cảm khái: “Đã 21 năm rồi, đây là một mùa xuân rất dài, nó đến rất chậm, nhưng chúng ta dù thế nào cũng không thể từ bỏ hy vọng trong lòng mình”.

Theo buổi họp báo của Quốc hội Canada, “Trường Xuân” là bộ phim Hoa ngữ đầu tiên đại diện cho Canada tranh giải Oscar cho hạng mục Phim truyện Quốc tế hay nhất, và đây cũng là bộ phim duy nhất đã giành được giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, và Phim hoạt hình hay nhất, Phim tài liệu hay nhất năm 2023. Nó làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng và kịp thời về tự do tôn giáo và tự do ngôn luận ở Trung Quốc.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần kết hợp các bài tập thiền định chậm rãi và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân, Thiện,  Nhẫn. Sau khi được truyền ra vào năm 1992, môn tu luyện này đã trở nên phổ biến, trong đó ước tính vào cuối thập niên đó ở Trung Quốc có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên theo học. Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ cảm thấy ghen tức khi số lượng học viên quá đông, Giang lo sợ về mối đe dọa đối với quyền cai trị của mình, từ đó đã bất chấp sự phản đối của các ủy viên Bộ chính trị phát động cuộc đàn áp. Nhiều chính phủ trên khắp thế giới đã lên án mạnh mẽ cuộc đàn áp này trong những năm gần đây.

https://www.dkn.tv/the-gioi/quoc-hoi-canada-chieu-phim-truong-xuan-cac-chinh-tri-gia-ca-ngoi-phap-luan-cong-da-dung-cam-chong-lai-cuoc-buc-hai.html

Vương Nghị sắp đến Moscow để bàn về cuộc chiến ở Ukraine

20/02/2023 – TheoReuters

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Nghị
Ủy viên Quốc vụ viện TC Vương Nghị

Nhà ngoại giao hàng đầu của TC sẽ sớm đến thăm Moscow, và thậm chí có thể gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong lúc Mỹ nói họ lo ngại Bắc Kinh có thể đang xem xét cấp vũ khí cho Nga.

Việc TC cung cấp vũ khí cho cho Nga có nguy cơ khiến cuộc chiến ở Ukraine leo thang thành cuộc đối đầu giữa một bên là Nga và TC và một bên là Ukraine và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu.

Sau khi tranh cãi về việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu TC, nhà ngoại giao hàng đầu của TC, Vương Nghị, cáo buộc Mỹ vi phạm các chuẩn mực quốc tế bằng hành vi ‘cuồng loạn’.

Vương đề nghị các nước châu Âu ‘suy nghĩ bình tĩnh’ về cách chấm dứt chiến sự và nói rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra ‘lập trường của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine’.

Phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận chuyến thăm dự kiến của Vương tới Moscow nhưng không đưa ra ngày cụ thể của chuyến đi.

“Chúng tôi không loại trừ khả năng sẽ có cuộc gặp giữa ông Vương và tổng thống Putin,” ông Peskov nói trước báo giới. “Chương trình nghị sự là rõ ràng và sâu rộng, vì vậy có rất nhiều chuyện để nói.”

Trước đó, một nguồn tin ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng Vương dự kiến sẽ sớm có mặt tại Moscow và sẽ thảo luận về các ý tưởng của TC về giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Ukraine cũng như các vấn đề song phương.

Phát biểu tại Budapest hôm 20/2, Vương cho biết TC sẵn sàng hợp tác với Hungary và các quốc gia khác để chấm dứt chiến sự.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước đó đã cảnh báo Vương Nghị về hậu quả nếu TC hỗ trợ vật chất cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

TC đã đáp trả Mỹ hôm 20/2.

“Mỹ không có tư cách đưa ra yêu sách với Trung Quốc,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao TC Uông Văn Bân phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hàng ngày ở Bắc Kinh, khi được hỏi về phát biểu của ông Blinken.

“Quan hệ đối tác hợp tác toàn diện của Trung Quốc với Nga dựa trên nguyên tắc không liên kết, không đối đầu và không nhắm vào các bên thứ ba, và là vấn đề nằm trong chủ quyền của hai nước độc lập,” Uông nói.

Theo https://www.voatiengviet.com/a/ong-vuong-nghi-sap-den-moscow-de-ban-ve-cuoc-chien-o-ukraine/6970685.html

(AFP) – G7 sẽ họp trực tuyến với tổng thống Ukraina. Theo thông báo của thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay, 20/2/23, nhóm G7, tức nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới, sẽ họp trực tuyến với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky vào ngày 24/02. Thủ tướng Kishida còn thông báo sẽ cấp thêm 5,5 tỷ đôla viện trợ cho Ukraina. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire thì kêu gọi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF ra đề một chương trình 16 tỷ đôla để hỗ trợ Ukraina trong 4 năm tới.

(AFP) – Hãng gia công giày cho Nike và Adidas sa thải hàng ngàn người. Theo thông báo của Sở Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Pouyuen, một trong những hãng sản xuất giày ở Việt Nam, chuyên gia công cho Nike và Adidas, sẽ sa thải 6.000 công nhân do số đơn đặt hàng trong năm 2023 rất thấp. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu giày dép, quần áo nhiều nhất thế giới, nhưng mức tiêu thụ của các khách hàng phương Tây đang sụt giảm do đời sống đắt đỏ thêm.

(AFP) – Xe tăng hạng nhẹ của Pháp sẽ được giao cho Ukraina vào cuối tuần. Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sebastien Lecornu hôm Chủ Nhật 19/02/2023, đã có thông báo như trên khi trả lời phỏng vấn tờ La Parisien. Đợt giao xe thiết giáp hạng nhẹ AMX-10 lần này sẽ trùng với dịp đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraina.

(AFP) – Hà Lan tố cáo chiến hạm Nga tìm cách lập bản đồ các trạm phong điện. Theo lãnh đạo tình báo Hà Lan, ngày 20/02/2023, tầu chiến của Nga đã đi vào vùng lãnh hải của nước này trong «những tháng gần đây» trước khi bị phát hiện và «được tuần duyên và hải quân nước này hộ tống». Ông Jan Swillens khẳng định các tác nhân của Nga cố gắng tìm hiểu việc cung ứng năng lượng trên biển Bắc được tổ chức như thế nào với ý định gây xáo trộn.    

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230220-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p