Tin Tổng Hợp – 18/02/23: 8 kịch bản chiến tranh Ukraine; TC lại kêu gọi đối thoại về Ukraine; Động đất Thổ Nhĩ Kỳ: ai chịu trách nhiệm khi nhà sập; VinFast thu hồi xe điện do lỗi phanh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 18/02/23: 8 kịch bản chiến tranh Ukraine; TC lại kêu gọi đối thoại về Ukraine; Động đất Thổ Nhĩ Kỳ: ai chịu trách nhiệm khi nhà sập; VinFast thu hồi xe điện do lỗi phanh

Một năm chiến tranh Ukraina: Nước Nga và nghịch lý mang tên Vladimir Putin

18/02/2023 – Thùy Dương – Báo L’Express ra số đặc biệt «Một năm chiến tranh»: Trên nền trang nhất màu cờ Ukraina xanh – vàng, với hình bàn tay nắm chặt và cánh tay giơ cao, là hàng tựa ngắn ngọn «Ukraina phải chiến thắng». L’Obs tự nhủ «Kỷ nguyên chiến tranh: Sau 1 năm, cuộc xung đột Ukraina đi về đâu?». Le Point trên trang nhất cũng đặt câu hỏi «Ukraina: Điều tồi tệ sắp xảy ra?» và nhận định vũ khí có thể làm thay đổi tất cả.

8 kịch bản chiến tranh

Khác với L’Express và L’Obs, không dành số đặc biệt với 40-50 trang mỗi báo cho hồ sơ chiến tranh Ukraina, Le Point quan tâm đến nhiều chủ đề dàn trải: cải tổ hưu trí ở Pháp, thành tích của tổng thống Biden đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, «một Putin mà chúng ta không muốn thấy», hiện tượng chemsex – sử dụng ma túy trong khi quan hệ tình dục, xu hướng không muốn đi máy bay ở giới trẻ …

Tuy nhiên, chiến tranh Ukraina cũng vẫn là một đề tài được đề cập đến như trong gần 1 năm qua. Đối với Le Point, chiến tranh chưa bao giờ là một môn khoa học chính xác. Bước sang năm thứ hai, cuộc chiến sẽ ra sao? Le Point giới thiệu 8 kịch bản chiến tranh theo quan điểm của nhà báo chuyên về quân sự, Jean Guisnel.

Kịch bản 1: Nga chiến thắng. Đó là kịch bản tồi tệ nhất dành cho Ukraina và khoảng 40 nước châu Âu và Mỹ. Putin chưa từng công khai các mục tiêu cuộc chiến mà ông đơn phương phát động, thế nhưng trong các bài phát biểu, ông ta vẫn xác định các mục tiêu của mình, chẳng hạn «phi quân sự hóa và phi hạt nhân hóa Ukraina để người dân Ukraina sau khi thoát khỏi ách áp bức này có thể tự do lựa chọn tương lai», «bảo đảm an ninh cho người dân của chúng tôi», giành chiến thắng cho «nước Nga lịch sử vĩ đại» và «quốc gia Ukraina không tồn tại». Binh sĩ được huấn luyện kém, trang bị kém, chỉ huy yếu kém, thiếu hụt về chiến thuật, quân đội Nga cho đến nay vẫn chưa chinh phục được Kiev.

Nhưng trái lại, Nga cũng có nhiều ưu thế về chiến lược, cơ sở công nghiệp, vũ khí tầm xa, cộng thêm vào đó là sự coi thường sinh mạng binh sĩ. Quân đội Nga cũng không từ thủ đoạn tàn ác tấn công các cơ sở hạ tầng dân sự. Tất cả những điều đó có thể giúp Putin thành công. Rất nhiều chuyên gia đã đưa ra những giả thuyết trái ngược nhau, dự đoán về khả năng Nga tấn công qua ngả Belarus, mở những cuộc tấn công mới về miền nam Ukraina… Chỉ có điều là không ai biết trong đầu Putin đang nghĩ gì.

Kịch bản 2: Ukraina chiến thắng, giành lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimée, như theo mục tiêu duy nhất của Kiev từ trước tới nay. Theo tương quan lực lượng hiện giờ, hy vọng này có khó cơ hội thành hiện thực. Để quét sạch quân Nga khỏi bờ cõi, Ukraina cần nhiều hơn những gì mà NATO và các đồng minh đang cung cấp. Mặt khác, theo một vị tướng Pháp, Crimée là lằn ranh đỏ thực sự đối với Nga và đó là trường hợp duy nhất dẫn đến nguy cơ Nga dùng vũ khí hạt nhân.

Kịch bản 3: Giống Nam – Bắc Triều Tiên. Đối với cả Matxcơva Kiev, miền đông Ukraina và Crimée là không thể thương lượng được. Không bên nào nhượng bộ bên nào, đôi bên không đi đến thỏa thuận. Không có thỏa ước hòa bình, nhưng cũng sẽ không còn chiến tranh, cho đến khi xung đột lại bùng phát.

Kịch bản 4: Châu Âu buông tay. Trừ Hungary, cả Liên Âu và Anh Quốc đều rất ủng hộ Kiev, bởi họ ý thức đuợc rằng sự an toàn của châu Âu và sự đáng tin cậy của NATO đều phụ thuộc vào đó. Thế nhưng, tại các nước dân chủ đang dấy lên những mối lo ngại về chi phí viện trợ quân sự, giá cả năng lượng, lạm phát và những hệ lụy khác của chiến tranh, đặc biệt là nỗi sợ vũ khí hạt nhân của Nga. Công luận châu Âu quay lưng lại với Ukraina là không phải là điều không thể. Và Kiev cũng hiểu điều đó.

Kịch bản 5: Mỹ buông tay. Nếu chiến tranh kéo dài, sự ủng hộ của công luận đối với chính sách viện trợ của Biden có thể bị xói mòn. Hồi tháng 12/2022, chỉ còn có 48% người Mỹ ủng hộ việc duy trì viện trợ Kiev, tỉ lệ này giảm 10% so với 6 tháng trước đó. Đấy là chưa kể nhiều người Mỹ cho rằng Ukraina không phải nước dân chủ, không đáp ứng các chuẩn mực Mỹ, thậm chí còn là chế độ chuyên chế. Và ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2024?

Kịch bản 6: Tây phương tăng cường viện trợ? Cho tới nay, các vũ khí mà Mỹ, châu Âu, NATO và các đồng minh viện trợ cho Kiev đã giúp ngăn cản đà tiến của quân Nga, nhưng chưa cho thấy là có khả năng đẩy lui quân Nga ra khỏi đường biên giới chính thức của Ukraina. Sau rất nhiều đề xuất, Zelensky cũng chưa thể hy vọng gì thêm về vũ khí, bởi các nước đồng minh vẫn lo ngại các loại vũ khí của họ chạm đến lãnh thổ Nga. Viện trợ đủ mạnh để đảo ngược thế trận, giúp Ukraina giành lại toàn bộ chủ quyền đồng nghĩa với việc phương Tây sẽ phải ồ ạt điều bộ binh và không quân, thiết bị hạng nặng, tên lửa thông thường… Trong tương lai gần, điều này là không tưởng.

Kịch bản 7: Nga làm Tây phương bất ổn. Chỉ cần Nga sử dụng lại các phương pháp thời Chiến Tranh Lạnh, điều phối từ xa các nhóm khủng bố thông qua các cơ quan mật vụ hoặc các chế độ ở Trung Đông, là đủ. Hiện nay, Matxcơva có thể dựa vào Iran, Herbollah hoặc các lực lượng dân quân của Wagner ở các nước châu Phi và Syria. Putin đã cho tiến hành các vụ ám sát chính trị cả trong và ngoài nước. Ông ta có phương tiện tổ chức một cuộc chiến tranh bí mật chống lại các nước dân chủ châu Âu.

Kịch bản 8: Đệ Tam Thế Chiến. Đây sẽ là kịch bản khủng khiếp nhất, chẳng hạn khi NATO tiến quân ủng hộ các nước vùng Baltic hoặc Rumani, bởi chính những nước gần Nga và Ukraina là nơi tình hình dễ có nguy cơ xấu đi nhất.

Kỷ nguyên chiến tranh

Tương tự Le Point, L’Obs cũng có bài nói đến các kịch bản cho một cuộc xung đột dài. Trong số 4 kịch bản được nêu lên, dù là Nga hay Ukraina thắng, dù các cuộc thương lượng được mở ra hay xung đột leo thang, theo L’Obs, điều chắc chắn là về ngắn hạn chưa có một giải pháp nào cho phép chấm dứt chiến tranh Ukraina.

Một năm chiến tranh Ukraina đối với L’Obs dài bằng nhiều thế kỷ, tàn phá đất nước Ukraina và làm đảo lộn thế giới. Trong khi đó, phe bên kia, nước Nga, theo L’Obs, vẫn chưa bị suy yếu. Bất chấp hàng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, kinh tế Nga vẫn chưa bị «tàn phá», GDP năm 2022 chỉ giảm bớt 2,2%, theo số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Kho đạn pháo của Nga dường như vô tận.

Và cuộc khủng hoảng Ukraina cho thấy phương Tây đã đánh mất quyền bá chủ đến mức nào. Phần lớn các nước châu Phi và châu Mỹ Latinh vẫn từ chối lên án Matxcơva. Ngoài Nga, ba cường quốc khác hiện giờ đang tìm cách áp đặt một trò chơi trên thế giới và tạo thành một mối đe dọa mới đối với an ninh quốc tế. Đó là Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. L’Obs lưu ý thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của chiến tranh.

Cũ và mới: Hai mặt của cùng một cuộc chiến

Nhìn sang L’Express, bên cạnh lời kêu gọi «Đừng để Ukraina sụp đổ» và hàng loạt bài nói về «Tăng cường trừng phạt phát huy tác dụng chống Nga», «Lời hứa của Liên Âu», «Nước Pháp trong cuộc chiến», «Trên mạng xã hội, ưu thế thuộc về Kiev», «Ukraina của ngày mai: một đất nước cần được xây dựng lại», «Cuộc vây dồn để chặn nguồn tiền của Nga đã bắt đầu», «Chiến tranh đã làm NATO hồi sinh ra sao?»… L’Express phân tích hai mặt mới – cũ trong chiến tranh Ukraina. Như chúng ta đã thấy, công nghệ cao, cả trong dân sự và quân sự, giữ một vai trò quyết định trong chiến tranh. Ukraina đã biết cách khai thác sức mạnh của các công cụ công nghệ số, cả của nước ngoài và trong nước để đối phó với các lực lượng Nga, vốn mạnh hơn nhưng lại ít khéo léo hơn.

Chiến tranh Ukraina đã cho thế giới thấy các phương tiện công nghệ số, đặc biệt các thiết bị thu thập và xử lý thông tin quan trọng đến thế nào. Cũng không thể không nói tới drone. L’Express trích dẫn một số chuyên gia quốc phòng, theo đó, để tồn tại trong những cuộc xung đột kiểu này, mọi đơn vị bộ binh đều cần được trang bị drone. Vấn đề là phải có số lượng lớn, bởi trung bình các drone chỉ có thể bay 3-6 chuyến. Thách thức cho các cuộc xung đột trong tương lai là phải tìm ra các giải pháp công nghiệp mới để chế tạo drone số lượng lớn và giá rẻ.

Tuy nhiên, trong bài viết «Một cuộc xung đột cũ và mới», L’Express nhấn mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ của kết nối mạng, vệ tinh, drone, thì cách tốt nhất để lính bộ binh được an toàn trước đạn pháo của quân thù là họ phải biết cách đào hào trú ẩn. Đó là kinh nghiệm căn bản và sẽ không bao giờ thay đổi. Chiến tranh Ukraina cho thấy binh lính Nga và Ukraina, bất kể thời tiết, bùn lầy hay mưa tuyết, đều phải bám trụ nhiều tuần lễ, không được tắm giặt, trang phục bốc mùi hôi hám… Chính vì thế, khi huấn luyện, cần tập luyện lại cho binh lính quen với cách chống chọi với những điều kiện gian khổ, không đạn dược, không tiếp viện, không bác sĩ, không được chữa trị khi bị thương … Chiến trường không giống như ở các căn cứ quân sự của Mỹ, với các nhà hàng McDo, tiệm pizza, quán xá, binh sĩ chỉ bị thương nhẹ là sẽ được trực thăng giải cứu rồi được đưa ngay về Mỹ.

Không phải Trump mà là Biden đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại?

Liên quan tới Mỹ, cây bút xã luận Nicolas Baverez của Le Point trong bài «Joe Biden: ‘Nước Mỹ vĩ đại trở lại’» nhận định cuộc chiến Ukraina đã làm thay đổi mọi chuyện, đưa Hoa Kỳ trở thành nước đại thắng trong trật tự thế giới mới với đặc trưng là sự đối đầu giữa các nền dân chủ và chế độ độc tài, cũng như với sự bùng nổ về toàn cầu hóa. Đối mặt với các cú sốc – đại dịch Covid-19, chiến tranh Ukraina, sự gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, biến đổi khí hậu, Joe Biden đã biết xác định đáp án và thực hiện hiệu quả, gióng hồi chuông để nước Mỹ tỉnh giấc.

Trong khi châu Âu bị tê liệt trước cuộc tấn công hung hãn của Nga, cuộc chiến đánh dấu sự chấm dứt ảo tưởng của châu Âu về nền hòa bình vĩnh cửu và chứng tỏ châu Âu dễ bị tổn thương, Mỹ đã triển khai một chiến lược hợp lý và khôn ngoan. Viện trợ tài chính và quân sự (25 tỷ đô la) cho Kiev và sự hỗ trợ về tình báo cho quân đội Ukraina đã góp phần làm thất bại ý đồ của Vladimir Putin, đẩy Matxcơva vào «ngõ cụt» quân sự và chính trị, mà vẫn kiểm soát được nguy cơ xung đột leo thang.

Dù kết quả thế nào, thì theo cây bút xã luận của Le Point, Nga cũng sẽ bị suy yếu sau cuộc xung đột. Và đó cũng là một tín hiệu gửi tới Trung Quốc, đi cùng với việc thể hiện thái độ cứng rắn, quyết tâm của Mỹ bảo vệ Đài Loan và trong việc đưa ra các quyết định, như vụ bắn phá khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Hoa Kỳ hiện giờ thực sự đang có cơ hội để duy trì vị trí dẫn đầu về kinh tế và công nghệ vào năm 2050. Tuy nhiên, cây bút xã luận Nicolas Baverez lưu ý sự phục hồi của Hoa Kỳ vẫn rất mong manh vì khủng hoảng nội bộ gây chia rẽ xã hội và đe dọa nền dân chủ, với sự bùng nổ bạo lực do bất bình đẳng ngày càng tăng …

Joe Biden đã khôi phục quyền lực và uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, cho thấy phương Tây không hẳn đã suy thoái, Hoa Kỳ vẫn có thể duy trì vai trò lãnh đạo phương Tây khi phải đối mặt với Trung Quốc, nhưng đáng tiếc là ngay trong nước, Biden vẫn chưa đoàn kết được người Mỹ.

Châu Âu: Bên đại bại trong chiến tranh Ukraina

Cũng sử gia, cây bút xã luận Nicolas Baverez, khi trả lời phỏng vấn của báo L’Express, đã khẳng định: «Châu Âu là bên đại bại nhất trong cuộc chiến tranh này».

Đối với Nicolas Baverez, cuộc chiến Putin phát động không chỉ là chiến tranh cường độ cao ở Ukraina mà còn là cuộc chiến tổng hợp chống lại châu Âu. Và châu Âu rất dễ bị tổn thương, bởi đang ở tuyến đầu chống lại nước Nga của Vladimir Putin. Về kinh tế, cú sốc năng lượng gây ra thiệt hại 3 – 3,5% GDP của châu Âu, tương đương với cú sốc dầu mỏ hồi những năm 1970. Về tài chính, nhiều nước lâm cảnh nợ nần quá nhiều, trong đó có Pháp, với mức nợ hơn 3.000 tỷ euro.

Về xã hội, tầng lớp trung lưu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát và giá năng lượng tăng bùng phát, khiến mức sống suy giảm và tạo cơ hội cho chủ nghĩa dân túy phát triển. Về mặt quân sự, châu Âu như bị Nga tước vũ khí và không còn cách nào khác ngoài việc trông cậy vào Mỹ, trong khi phải tiếp nhận hơn 8 triệu người tị nạn Ukraina.

Mô hình dựa trên sự lệ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga, hàng hóa thiết yếu của Trung Quốc, công nghệ và sự bảo đảm an ninh của Mỹ, đã lỗi thời. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, châu Âu nghĩ rằng chiến tranh là không thể, hòa bình là vĩnh viễn, thế nhưng tất cả đã sụp đổ vào ngày 24/02/2022, khi Putin điều quân xâm lược Ukraina.

Giờ đây, vấn đề cơ bản đối với châu Âu là phải xác định lại mình với tư cách là một diễn viên chứ không phải chỉ là khán giả của lịch sử thế kỷ 21, cả về chính trị và kinh tế. Châu Âu phải tập trung nỗ lực vào một số lĩnh vực chiến lược để bảo đảm chủ quyền về năng lượng, y tế, nông nghiệp, công nghệ và vũ khí, đồng thời phải biết khai thác giá trị và bảo vệ ưu thế của mình: thị trường rộng lớn, đồng euro, và Nhà nước pháp quyền châu Âu.

Putin: Gây chiến để củng cố vị thế trong nước?

Về nước Nga, báo L’Obs nói đến «Ảnh hưởng của hệ thống Putin». Nghịch lý là cuộc tấn công xâm lược Ukraina lại giúp cho ông chủ điện Kremlin củng cố chế độ độc tài. Trên chiến trường Ukraina, mọi chuyện diễn ra với quân Nga tệ hơn Putin có thể tưởng tượng rất nhiều. Thế nhưng, ngay trong nước, ông ta lại gặt hái một thành công lớn : Mặc dù đã đột ngột đẩy nước Nga chìm trong cảnh bất định, trong khi chính Putin từng là biểu tượng cho 23 năm ổn định của đất nước, thế nhưng ông ta vẫn bảo toàn được vị trí.

Putin đã biết sử dụng cuộc chiến để củng cố vị thế trước giới tinh hoa đang bị tê liệt vì cú sốc khủng hoảng, bằng cách áp đặt một kiểu thiết quân luật chính trị. Trong lúc đang có chiến tranh, đất nước đang phải chịu đựng, làm sao có thể đặt vấn đề về việc thay lãnh đạo quốc gia. Và thế là Putin vẫn là giải pháp duy nhất, là người duy nhất có thể xử lý cuộc khủng hoảng do chính ông ta gây ra.

Trong phe đối lập hoặc trong giới quan sát Nga, một số người cho rằng đó chính là một trong những mục tiêu được giấu kín của Putin. Ông ta muốn dùng cuộc xâm lược Ukraina để củng cố quyền lực và duy trì vị thế trong nước. Nhiều báo cáo cho thấy sự bất mãn lan rộng ở giới doanh nhân, ngoại giao, các nhà kỹ trị ở điện Kremlin…, nhưng chưa bao giờ trở thành mối đe dọa lớn đối với Putin.

L’Obs trích dẫn nhiều nhà quan sát cho thấy chưa ghi nhận tín hiệu gì cho thấy trong ngắn hạn sẽ có đảo chính hay sự thay đổi chế độ ở Matxcơva. Vũ lực, trấn áp tuyệt đối vẫn là bệ đỡ cho Putin. Các lực lượng an ninh: mật vụ, cảnh sát, hiến binh… vẫn trung thành với tổng thống Nga. Ông ta nuôi những đội quân nhiều chưa từng có này với nguồn ngân sách và chế độ lương nhiều ưu đãi. Vì thế, họ chẳng có lợi lộc gì nếu Putin bị lật đổ.

Trung Quốc: «Cuộc cạnh tranh chiến lược» của Mỹ không có tương lai

Khác với nhiều báo khác, tuần này trên Courrier International không có nhiều chỗ cho chiến tranh Ukraina. Trái lại, ChatGPT, vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là hai hồ sơ lớn thu hút nhiều sự chú ý của tuần báo Pháp Courrier International.

Về quan hệ Mỹ-Trung, Courrier Intrnational tổng hợp các bài viết trên nhiều tờ báo quốc tế về « cuộc chiến vật thể bay lạ». Courrier Intrnationnal cũng giới thiệu một bài viết của Chu Phong (Zhu Feng), giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, trên Hoàn Cầu Thời Báo. Theo tác giả, Mỹ đang tập hợp các đồng minh quanh chiến lược chống lại Trung Quốc, thế nhưng, Bắc Kinh từ chối đối đầu trực tiếp và không tham gia trò chơi này. Đối với Trung Quốc, Mỹ đang tìm cách áp đặt cuộc cạnh tranh chiến lược không chỉ với Bắc Kinh mà còn với cả thế giới.

Hồi năm 2019, trong báo cáo đầu tiên bộ về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, bộ Quốc Phòng Mỹ định nghĩa cạnh tranh chiến lược là cuộc đối đầu địa chiến lược giữa các Nhà nước tự do và các Nhà nước chuyền quyền có những mục tiêu hoàn toàn khác nhau về việc xây dựng trật tự thế giới. Nhà nghiên cứu Trung Quốc khẳng định Trung Quốc không phải đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ và Bắc Kinh bác bỏ khái niệm của Mỹ – Nhật về cạnh tranh chiến lược. Theo tác giả Chu Phong, thế giới sẽ không chấp nhận việc Mỹ đặt những đòi hỏi địa chính trị mà ông tac xem là bướng bỉnh, nhỏ mọn lên trên những vấn đề kinh tế chính trị hiện nay của thế giới.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230218-m%E1%BB%99t-n%C4%83m-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-nga-v%C3%A0-ngh%E1%BB%8Bch-l%C3%BD-mang-t%C3%AAn-vladimir-putin

VinFast thu hồi gần 2.800 xe điện tại Việt Nam do lỗi phanh

RFA – 18-02-2023

VinFast thu hồi gần 2.800 xe điện tại Việt Nam do lỗi phanh

Ảnh minh họa: Xe điện VinFast mẫu VF-8 tại một cửa hàng tại Santa Monica, California hôm 18/7/2022 – AFP

VinFast vào ngày 18/2 thông báo thu hồi gần 2800 xe điện đã bán ra tại thị trường Việt Nam vì bị lỗi hệ thống phanh. Số xe này gồm hai phiên bản VF8 Eco và VF8 Plus sản xuất tại nhà máy VinFast ở Hải Phòng từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023.

Thông báo của VinFast nêu rõ “Do lỗi lắp ráp linh kiện, bu lông kết nối bộ kẹp phanh cầu trước với khớp nối chịu lực siết không chặt, có thể bị lỏng khi xe vận hành, dẫn đến nguy cơ có khả năng làm giảm tác dụng của phanh phía trước”.

VinFast cho biết đã báo cáo sự vụ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam và chờ cơ quan này phê duyệt kế hoạch triệu hồi xe bị lỗi. Dự kiến bắt đầu từ ngày 19/2, chủ những xe bị lỗi có thể đến các cơ sở trưng bày, xưởng dịch vụ của VinFast để được kiểm tra và khắc phục.

Vào tháng 12/2022, VinFast đã giao hơn 4 ngàn xe điện cho khách hàng nội địa; hơn phân nửa của số này là dòng xe VF8.

VinFast bắt đầu hoạt động từ năm 2019 và cho biết đang có kế hoạch mở rộng sang thị trường Hoa Kỳ. Vào tháng 11 năm ngoái, VinFast chuyển 999 xe điện sang Mỹ và theo kế hoạch sẽ giao cho khách hàng tại thị trường này vào cuối tháng hai.

Vào ngày 13/2 Bloomberg loan tin dẫn lời bà Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch VinFast, một chi nhánh của Tập đoàn VinGroup rằng tỷ phú Phạm Nhật Vượng chưa có kế hoạch đầu tư thêm tiền vào dự án chế tạo xe hơi điện cho VinFast. Thông tin được đưa ra vào khi kế hoạch xây dựng nhà máy của VinFast tại Hoa Kỳ bị chậm theo kế hoạch và công ty tiến hành biện pháp cắt giảm nhân sự tại thị trường Mỹ

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-ev-maker-vinfast-recalls-nearly-2800-units-domestically-02182023070339.html

Nhà ngoại giao hàng đầu TQ nhắc lại lời kêu gọi đối thoại về khủng hoảng Ukraine

18/02/2023 – Reuters

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Munich, Đức, ngày 18 tháng 2 năm 2023.
Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Munich, Đức, ngày 18 tháng 2 năm 2023.

Trung Quốc “không bàng quan cũng không đổ thêm dầu vào lửa” liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và tiếp tục kêu gọi hòa bình và đối thoại, nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày thứ Bảy.

“Tôi đề nghị mọi người bắt đầu suy nghĩ một cách bình tĩnh, đặc biệt là những người bạn ở Châu Âu, về những nỗ lực mà chúng ta có thể thực hiện để dừng cuộc chiến này,” ông Vương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói.

Ông Vương cũng nói có “một số thế lực dường như không muốn các cuộc
đàm phán thành công, hoặc muốn chiến tranh sớm kết thúc,” mà không nói
rõ ông đang đề cập đến ai.

Trung Quốc sẽ đưa ra quan điểm của mình về việc giải quyết cuộc khủng
hoảng Ukraine trong một văn bản nêu rõ sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả
các quốc gia phải được tôn trọng, ông Vương nói.

Khi được yêu cầu trấn an cử tọa rằng leo thang quân sự sẽ không xảy ra ở eo biển Đài Loan, ông Vương nói rằng “các lực lượng độc lập” của Đài Loan không tương thích với hòa bình.

Trung Quốc tuyên bố đảo Đài Loan được cai trị dân chủ thuộc chủ quyền của họ.

“Nếu chúng ta muốn duy trì hòa bình xuyên Eo biển Đài Loan, chúng ta phải kiên quyết phản đối Đài Loan độc lập, và chúng ta phải kiên quyết duy trì chính sách một Trung Quốc.”

https://www.voatiengviet.com/a/nha-ngoai-giao-hang-dau-trung-quoc-nhac-lai-loi-keu-goi-doi-thoai-ve-khung-hoang-ukraine/6968788.html

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ: Chủ thầu hay chính quyền chịu trách nhiệm khi nhà sập?

8/02/2023 – Các cuộc oanh kích vấn tiếp diễn tại Ukraina. Gần 1 năm sau khi Nga xâm lược Ukraina, có những người nông dân đã mất tất cả. Thảm họa của vụ động đất chết chóc ở Thổ Nhĩ Kỳ – Syria và trách nhiệm của các nhà thầu xây dựng kém chất lượng. Tại Bắc Mỹ, chính quyền Quebec tố cáo New York gửi người tị nạn đến Canada. Trung Quốc quét tham nhũng trong bóng đá. Trên đây là những sự kiện đáng chú ý trong tuần vừa qua.   

Tại Kherson, lực lượng Nga đã rút lui về phía bên kia bờ sông Dniepr, vẫn tiếp tục oanh tạc khu vực mà quân Ukraina đã chiếm lại được từ 4 tháng qua. Vào đầu tuần này, hôm 13/02, các cuộc tấn công của Nga đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng. Theo AFP, quan chức Ukraina cho biết các vụ oanh kích đã làm hư hại nặng các tòa nhà tại một số khu dân cư và trang trại ở làng Beryslav. Các chuyến tàu từ Kiev và Lviv đến Kherson đã bị ngừng hoạt động do thiệt hại từ các vụ giao tranh, khiến Kherson bị cô lập, trong bối cảnh gần đến ngày tròn 1 năm Nga xâm lược Ukraina.  

Kherson cũng là một vùng canh tác lương thực lớn của Ukraina. Khu vực nông nghiệp này đã phải hứng chịu nhiều bom đạn trong thời gian qua. Vì chiến tranh, có những người nông dân đã mất đi tất cả, như trường hợp của ông Andrii Povod.

Kherson, đặc phái viên RFI Anastasia Becchio et Boris Vichith cho biết thêm tình hình:  

«Một bãi chiến trường với các loại phương tiện chiến đấu bộ binh và những chiếc xe kéo đã cháy thành than, ngay dưới nhà kho chứa ngũ cốc. Đó là tình trạng của trang trại gia đình ông Andrii Povod. 5000 tấn ngũ cốc cũng như máy móc nông nghiệp đã bị đánh cắp hoặc phá hủy. Những cánh đồng thì bị rải mìn. Nhưng trước khi dọn dẹp, rà phá mìn thì vẫn cần phải đợi cho đến các vụ oanh tạc chấm dứt. Ông Andrii Povod giải thích: «Chúng tôi có thể bắt đầu gieo hạt trở lại vào mùa thu, với hy vọng là họ đánh đuổi được quân Nga ở phía tả ngạn. Như vậy thì mới bảo đảm được mùa vụ. Bởi vì ngày hôm qua, các trái pháo vẫn rơi xuống cánh đồng ở phía bên kia. Nếu chúng tôi bắt đầu rà phá mìn ngay hôm nay, thì thực chẳng giải quyết được gì cả vì các cuộc đọ súng vẫn tiếp tục.»  

Lính Nga đã rời khỏi khu vực này cách nay 4 tháng nhưng vẫn ở phía tả ngạn sông Dniepr và khiến mọi người lo ngại sẽ có một cuộc tấn công lớn vào những tuần sắp tới. Tuy nhiên, ông Andrii Povod vẫn giữ vững niềm tin. «Họ sẽ không đến được tận đây, tôi tin chắc là vậy. Đầu tiên là bởi vì các cây cầu đã bị phá hủy. Nếu như họ muốn xâm lược khu vực này một lần nữa, họ sẽ phải chiếm được cả vùng Zaporijia. Tôi không nghĩ rằng họ có thể làm được điều này. Dĩ nhiên là mọi thứ đều có thể xảy ra nhưng tôi không tin vào điều đó».  

Trong lúc chờ đợi một ngày nào đó có thể tiếp tục canh tác trên cánh đồng của mình, ông Andrii chuẩn bị hồ sơ để nộp lên tòa án châu Âu về quyền con người.»  

Thổ Nhĩ Kỳ: sự phẫn nộ của người dân trước các công trình kém chất lượng  

Hậu quả của trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 06/02, vẫn tiếp tục là chủ đề thu hút sự chú ý của công luận trong tuần vừa qua. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến lúc “tính sổ”, xử lý những nhà thầu xây dựng các công trình kém chất lượng, khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Nhiều vụ bắt giữ đã được tiến hành trong những ngày gần đây, trong số đó có vụ bắt giữ nhà kinh doanh Mehmet Yasar, chịu trách nhiệm về công trình xây dựng chung cư Renaissance ở thành phố Antioche, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tòa nhà này đã sụp đổ gần như hoàn toàn, hầu hết dân cư đều bỏ mạng sau vụ động đất.

Thông tín viên RFI Olivier Pierre có mặt tại đây, cho biết thêm tình hình.   

« Những căn hộ sang trọng ở chung cư Renaissance, giờ chỉ còn là đống gạch vụn mà các máy xúc đang thu dọn. Đối mặt với cảnh đáng buồn này, bà Zerrine Tourtakaya lau nước mắt lăn trên má và nói: “Cháu gái tôi và đứa con của cháu sống tại chung cư này. Họ nói với chúng tôi rằng đây là chung cư vững chãi nhất ở Antioch, và họ tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn và không phải lo lắng”.  

Chung cư Renaissance gồm 250 căn hộ với khoảng 1000 dân sinh sống, được trang bị những thiết bị chất lượng cao và có cả 1 bể bơi. Ông Aslan Kulitch đã mất đi 4 người thân của mình tại đây. Ông cho biết: “Vấn đề nằm ở chỗ chủ thầu muốn xây nhiều căn hộ nhất có thể. Ông ta đã bị bắt để khiến chúng tôi yên lòng, nhưng tôi vẫn rất tức giận đối với chính quyền”. 

Một người đàn ông khác nói thêm: “Người phải chịu trách nhiệm là người đã duyệt dự án xây dựng này, ký văn bản, chứ không phải chủ thầu! Trong quảng cáo, họ nói rằng có khả năng chống lại động đất ở 8 độ Richter. Mọi người nhìn xem, quảng cáo như vậy là không đúng”.  

Không chỉ các nhà thầu xây dựng, chính quyền địa phương cũng là đối tượng bị chỉ trích của người dân.   

Tuy nhiên, tại thành phố nhỏ Erzin, cách Antioche một tiếng rưỡi xe hơi, nằm ở gần tâm chấn của vụ động đất, lại không ghi nhận thiệt hại nào. Người dân này bảo đảm rằng đó là nhờ vào sự cảnh giác của thị trưởng. 

«Không quan trọng là ai, thị trưởng không cấp phép xây dựng mà không đọc hồ sơ. Ông ấy chống lại kiểu tiền hối lộ, như là những gì xảy ra khắp nơi trên đất nước chúng tôi». 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chung cư Renaissance kể từ nay trở thành một biểu tượng tham nhũng, hối lộ của chính quyền địa phương, từ phía các nhà thầu bất động sản».  

Phụ nữ Tây Ban Nha được nghỉ việc khi đến kỳ kinh nguyệt 

Vẫn về thời sự châu Âu, hôm 16/02 vừa qua, Quốc Hội Tây Ban Nha đã bỏ phiếu, thông qua một luật, tạo ra một kỳ nghỉ «kinh nguyệt» cho các phụ nữ phải chịu đựng kỳ kinh nguyệt đau đớn. Theo AFP, Tây Ban Nhà là nước đầu tiên tại châu Âu đưa biện pháp này vào bộ luật, tương tự như Nhật Bản, Indonesia, hay Zambie. Theo văn bản luật, phụ nữ có thể xin nghỉ phép trong trường hợp có kỳ kinh nguyệt đau đớn, ví dụ như là mắc bệnh lạc nội mạc tử cung, sẽ được coi như là một trường hợp đặc biệt «mất khả năng lao động tạm thời». Luật cũng cho phép trẻ vị thành niên, 16 đến 17 tuổi, có quyền phá thai mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, đồng thời tăng cường giáo dục giới tính tại trường học. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia đi đầu về quyền của phụ nữ tại châu Âu, nhất là từ khi nước này thông qua một luật về bạo lực giới vào năm 2004.    

Bắc Mỹ: Quebec cáo buộc New York gửi người tị nạn vào tỉnh này  

Nhìn sang châu Mỹ, gần đây, tỉnh Quebec Canada phải đối mặt với số lượng người xin tị nạn lớn xin vào địa phận của mình, chính quyền Quebec đang cố gắng lấp những lỗ hổng ở biên giới chung với Hoa Kỳ. Mỗi ngày, hàng chục người đi qua đường Roxham, tuyến đường nối Canada với Hoa Kỳ, vốn đã bị cấm lưu thông. Trên thực tế, theo thông tín viên RFI Pascale Guericolas, những người tị nạn từ Hoa Kỳ có thể đến được Canada, một phần là nhờ vào Thành phố New York, đã tạo điều kiện, mua cho họ vé xe khách đến Canada. Lãnh đạo vùng Quebec François Legault lên án hành động này và bày tỏ sự bất bình trước đại sứ Hoa Kỳ tại Canada.

Từ Quebec, thông tín viên Pascale Guericolas cho biết thêm thông tin:   

«Từ nhiều tháng qua, Québec đã nhận được một nửa số người xin tị nạn đến từ Hoa Kỳ, trong khi đó, đây là tỉnh mà chưa đến một phần tư dân sinh sống là người Canada. Phần lớn những người tị nạn chọn con đường Roxham, về lý thuyết là đã bị đóng. Trên thực tế, có một loại thỏa thuận giữa Canada và Hoa Kỳ, ngăn cản họ đến các trạm kiểm soát biên giới chính thức. Lãnh đạo vùng Quebec François Legault đã yêu cầu Hoa Kỳ cấm đi lại tại điểm lưu thông không chính thức này, bởi vì các dịch vụ tiếp đón của Quebec đã quá tải vì nhiều đơn xin tị nạn. Ông François Legault giải thích:  

«Chúng tôi đang nói về nhà ở, y tế và giáo dục. Việc đón tiếp ở Montréal đã vượt quá khả năng của chúng tôi. Những người mới đây đến từ Roxham cần phải nhanh chóng được chuyển đến các vùng khác.»  

Trong vài ngày tới, những người xin tị nạn tại điểm này có thể sẽ được chuyển đến Ontario thay vì Montréal. Chính quyền Quebec yêu cầu xem xét lại thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Canada. Đó là việc ngăn cản những người tị nạn đến Canada nếu họ đang ở trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Các luật sư về luật nhập cư hy vọng rằng những người tị nạn có thể làm đơn xin tị nạn ở Canada tại tất cả các trạm kiểm soát biên giới chính thức.»  

Chiến dịch chống tảo hôn «bạo lực» ở Ấn Độ  

Tại châu Á, chính quyền tại bang Assam của Ấn Độ, gần đây đã tiến hành một chiến dịch lớn, chống lại tình trạng tảo hôn ở nước này. Trong vòng 3 ngày, khoảng 4000 người, có thể là chồng hoặc người thân của những cô dâu trẻ vị thành niên đã bị bắt giữ. Tại khu vực nằm ở phía đông bắc Ấn Độ này, cứ 3 người phụ nữ thì có 1 người kết hôn trước tuổi 18, tuổi hợp pháp để kết hôn. Chính phủ Ấn Độ đã quyết định giải quyết triệt để vấn nạn này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hành động của chính quyền không hiệu quả.

Thông tín viên RFI tại Ấn Độ, Sébastien Farcis, cho biết thêm thông tin: 

«Từ cuối tuần trước, hàng trăm phụ nữ trẻ đã xông vào đồn cảnh sát tại nhiều quận ở Assam, với mục đích giải phóng chồng hoặc bố mẹ của họ. Những người này đã bị bắt vì đã cưới hoặc cho phép những cô gái tuổi vị thành niên này kết hôn. Các cuộc hôn nhân như vậy thường là đã được tổ chức từ nhiều năm trước đó. Những cô gái trẻ, hiện nay đã đến tuổi trưởng thành, một số bế con trên tay. Họ rơi vào cảnh tuyệt vọng vì trong các gia đình nghèo, các ông chồng hoặc các ông bố là những người duy nhất mang chút tiền về nhà.

Cô Nilanju Dutta, làm công tác xã hội, chuyên phụ trách về vấn đề giới tính ở bang Assam, cho biết: «Không ai ủng hộ tảo hôn, nhưng đó không phải là cách để ngăn cản họ. Cần phải giải quyết những nguyên nhân dẫn đến tảo hôn, như là nghèo đói, thiếu trình độ giáo dục, và nếu được thì can thiệp ngay trong lễ cưới. Nhưng với cuộc đàn áp này, bang Assam đã hủy hoại những gia đình đã được xây dựng và những người phụ này lại nhận trừng phạt một lần nữa. Bang Assam khẳng định biết điều gì là tốt cho những người phụ nữ đó nhưng lại không hỏi ý kiến họ.»  

Lãnh đạo của vùng đã gạt bỏ các chỉ trích và cam kết sẽ thực hiện hàng ngàn vụ bắt giữ khác, với mục đích nhanh chóng kết thúc các vụ tảo hôn. Tuy nhiên, để đạt được mục đích này, cả một thế hệ phải chịu đau khổ.»  

Thông tín viên Sébastien Farcis cũng cho biết, tòa phúc thẩm của bang Assam vừa lên án cuộc đàn áp này và chấp thuận yêu cầu bảo vệ của 9 người đàn ông khỏi lệnh bắt giữ. Những người này bị buộc tội kết hôn với trẻ vị thành niên khi vợ của họ khoảng 14 tuổi. Cảnh sát đã viện dẫn một đạo luật nghiêm khắc: trừng phạt những kẻ hiếp dâm trẻ em, với bản án lên đến 20 năm tù.  

Trung Quốc càn quét tham nhũng trong bóng đá   

Tại Trung Quốc, trong tuần vừa qua, một sự kiện đáng chú ý đó là vụ bắt giữ lãnh đạo của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA), ông Trần Tuất Nguyên (Chen Xuyuan). Theo báo chí Hoa Lục, ông Trần bị điều tra vì đã vi phạm nghiêm trọng các quy định và luật pháp. Một cuộc điều tra tương tự được thực hiện nhắm vào huấn luyện viên của đội tuyển quốc gia Trung Quốc, ông Lí Thiết (Li Tie) vào năm ngoái. 

Hãng tin AFP trích dẫn nhận định của một chuyên gia về thể thao ở Bắc Kinh, ông William Bi, cho rằng đây là một «cuộc điều tra tham những lớn nhất từ trước đến nay trong bóng đá Trung Quốc». 

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin: 

«Không có gì là tích cực trong bóng đá Trung Quốc. Tại Cúp Bóng Đá Thế Giới ở Qatar vào năm ngoái, đội tuyển Trung Quốc không được vào vòng trong, trái tim của những người hâm mộ xen lẫn cảm xúc tức giận và khó chịu. Một tài xế xe công nghệ ở Bắc Kinh, là người hâm mộ câu Câu lạc bộ (CLB) Bắc Kinh Quốc An (Beijing Guoan), CLB bóng đá của thủ đô Trung Quốc, ông cho biết không mong đợi gì từ đội bóng quốc gia nữa. Ông nói : « Tôi không tin vào đội bóng Trung Quốc. Tôi cho rằng Nhật Bản là đội bóng xuất sắc nhất của châu Á. Môi trường bóng đá Trung Hoa thật đen tối và toàn là tiền bẩn.»

Tiền bẩn là một trong những ung nhọt của các CLB bóng đá ở Trung Quốc. Ông Trần Tuất Nguyên là lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Trung Quốc, Lí Thiết là cựu HLV của đội tuyển quốc gia nam, bị tình nghi vì đã “vi phạm nghiêm trọng quy định và luật lệ”, thường là những từ được sử dụng trong các bê bối về tham nhũng.  

Theo phát biểu của Đỗ Triệu Tài (Du Zhaocai), phó chủ tịch ban hành chính về thể thao Trung Quốc vào năm ngoái, những vấn đề khác của thể thao Trung Quốc, còn là gian lận, các trận đấu giả, hay liên quan đến doping.  

Các vụ chuyển nhượng cầu thủ quốc tế với giá khổng lồ đã chấm dứt trong đại dịch. Ngân sách của các CLB trống rỗng. Vụ càn quét tham nhũng vào mùa xuân này được thực hiện theo yêu cầu của các cổ động viên ngồi ở hàng ghế đầu dành cho những người như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại nơi mà cách nay 10 năm, ông Tập đã tự nhận mình là một người hâm mộ bóng đá, mong muốn đăng cai và giành được Cúp bóng đá thế giới tại chính sân nhà ở Hoa lục.»  

Chi Phương

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20230218-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BA%A5t-%E1%BB%9F-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3-ch%E1%BB%A7-th%E1%BA%A7u-hay-ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-ch%E1%BB%8Bu-tr%C3%A1ch-nhi%E1%BB%87m-khi-nh%C3%A0-s%E1%BA%ADp

(AFP) – Quan chức cao cấp nhất của chính phủ Mỹ thăm Đài Loan, tính từ năm 2019. ÔngMichael Chase, phụ trách quan hệ với Trung Quốc của Lầu Năm Góc, đến Đài Loan hôm qua, 17/02, theo Financial Times. Bắc Kinh một lần nữa khẳng định «kiên quyết phản đối mọi tiếp xúc, chính thức và quân sự, giữa Mỹ và Đài Loan». Theo FT, chuyến công du của giới chức quốc phòng Mỹ là chuyến công du của một quan chức cao cấp nhất trong chính phủ kể từ năm 2019, tức không bao gồm các lãnh đạo dân cử, như trường hợp chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosy hồi năm ngoái.

(NHK) – Nghị sĩ quốc tế kêu gọi Nhật mạnh mẽ hơn trong đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền. Nhóm dân biểu quốc tế thuộc Liên minh liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC – Inter-Parliamentary Alliance on China) đã đưa ra tuyên bố hôm qua 17/02 trong một hội nghị tại Tokyo. Tuyên bố được đưa ra với sự phối hợp của nghị sĩ Nagashima Akihisa, đảng dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật. Tuyên bố yêu cầu chính quyền Nhật ra luật tương tự như luật Magnitsky, Mỹ, cho phép gia tăng trừng phạt các giới chức xâm phạm nhân quyền. Liên minh liên minh nghị viện về Trung Quốc là một tổ chức bao gồm các nghị sĩ nhiều Nghị Viện thế giới không phân biệt đảng phái, có sứ mạng đề xuất «các tiếp cận chiến lược về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc».

(AFP) – Tổng thống Philippines tuyên bố không nhượng một tấc đất cho Bắc Kinh. Phát biểu hôm 18/02/2023 tại một trường quân sự, tổng thống Marcos Jr. tỏ ra cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Tuy nhiên, về sự cố hôm đầu tuần, tổng thống Marcos Jr. nhận định vụ Trung Quốc chiếu tia laser vào tàu tuần duyên Philippines trong vùng biển có tranh chấp chủ quyền «chưa đủ nghiêm trọng để khởi động hiệp ước hỗ tương về quân sự» gắn kết Manila với Hoa Kỳ.

(AP/ Yonhap) – Seoul khẳng định Bắc Triều Tiên bắn tên lửa tầm xa. Một ngày sau khi Mỹ Hàn thông báo tập trận chung, hôm nay 18/02/2023 Bình Nhưỡng cho bắn tên lửa ra biển. Theo Lãnh đạo quân đội Hàn Quốc vật thể được bắn đi vào lúc 5 giờ 22 phút chiều nay có thể là «loại tên lửa tầm xa». Vẫn theo các nguồn tin trên, tên lửa được bắn đi từ khu vực gần phi trường qốc tế Sunan, ngoại thành thủ đô Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn về an ninh. Nhật Bản cho biết «theo dõi chặt chẽ vụ việc và phối hợp với Mỹ-Hàn» trước hành động mà chính quyền Tokyo xem là một «sự khiêu khích nhắm vào trật tự thế giới». Theo tin mới nhất, Nhật Bản ghi nhận «rất có thể Bắc Triều Tiên sáng nay đã bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa».

(AFP) – NATO cần tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, Jens Stoltenberg, ngày 18/02/2023 kêu gọi «tránh phạm phải sai lầm với Trung Quốc như kinh nghiệm đã thấy với Nga». Châu Âu đã quá lệ thuộc vào năng lượng của Nga và chiến tranh Ukraina cho thấy «mối nguy hiểm khi tin tưởng quá nhiều vào một chế độc đoán». Vào lúc phương Tây lệ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc, vào các chuỗi cung ứng mà Trung Quốc là một mắt xích quan trọng, lãnh đạo NATO báo động đây không đơn thuần là một vấn đề kinh tế, mà còn liên quan đến cả «chính trị và an ninh». Tuyên bố này được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị an ninh quốc tế, với 150 lãnh đạo trên thế giới tham dự, trong đó có lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị.

AFP) – Tổng thống Biden công du Ba Lan trong hai ngày 21 và 22/02/2023. Tại Vacxava, nguyên thủ Mỹ đọc một bài diễn văn với một thông điệp “mạnh mẽ gửi đến Vladimir Putin” đánh dấu 1 năm Nga xâm lược Ukraina. Theo chương trình nghị sự, tại thủ đô Ba Lan, ông Biden sẽ hội kiến đồng cấp Andrzei Duda và sẽ có một buổi làm việc với lãnh đạo các 9 nước trong khối đông Âu và trong vùng Baltic (Bulgari, CH Séc, Estonia, Hungary, Litva, Latvi, Ba Lan, Rumani, Slovakia), thành viên NATO. Ông Biden sẽ điện đàm với lãnh đạo Pháp, Ý và Anh Quốc, trước khi tiếp thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng vào đầu tháng 3/2023.

(Reuters) – Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc đòi mở điều tra về vụ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream bị phá hoại. Gần một năm kỷ niệm ngày Nga đưa quân xâm lược Ukraina, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitri Polianski hôm 17/02/2023 một mặt lên án phương Tây muốn “tiêu hủy nước Nga”, mặt khác đòi mở điều tra về nguồn gốc vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream ở biển Baltic hồi tháng 9/2022.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230218-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p