Tin Tổng Hợp – 11/02/23: Cuộc chiến Ukraine; Phía sau những con số đẹp đẽ của kinh tế Nga; Thái lo âu khi nông dân trồng gạo Việt; ChatGPT và bộ máy kiểm duyệt của TC
Tướng Pháp: Với nhịp độ hiện nay, 100 năm nữa Putin mới chiếm được Ukraina!
11/02/2023 – Thụy My – Tướng Pháp Jérôme Pellistrandi cảnh báo Nga đang tăng tốc ở Donbass trước khi xe tăng viện trợ đến được Ukraina. Các trận đánh gia tăng cường độ, nhưng quân Nga mỗi tuần tiến được vỏn vẹn 1 kilomet. Nhà báo Mỹ Anne Applebaum hình dung ra kịch bản thảm họa«Nếu Nga chiến thắng» trong đợt tấn công Kiev cách đây một năm.
Trang bìa các tuần báo Pháp kỳ này được dành cho những nhân vật khác nhau. L’Express đăng ảnh «Jancovici, giáo chủ khí hậu», L’Obs đề cập đến «Hưu trí, chiếc chìa khóa của Laurent Berger», tổng thư ký nghiệp đoàn CFDT, Le Point nói về bà Brigitte Macron, đệ nhất phu nhân Pháp. Courrier International quan tâm đến «Israel, luật của cực hữu», còn tuần báo Anh The Economist chú trọng «Các chatbot và cuộc chiến tìm kiếm trên mạng». Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraina.
Ukraina, «giấc mộng 100 năm» của Vladimir Putin?
Thống đốc Luhansk, ông Serhiy Haidai cho rằng Nga chuẩn bị tiến công quy mô. Quân Nga tập trung ở ba trục chính: Kreminna, Svatove-Koupiansk và Belogorovka, cố gắng xuyên thủng phòng tuyến Ukraina. Giờ đây Nga học theo chiến thuật của Kiev là tấn công bằng những nhóm nhỏ cơ động. Trả lời L’Express, tướng Pháp Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng cảnh báo Nga đang tăng tốc ở Donbass, nhất là thành phố Bakhmut, trước khi xe tăng viện trợ đến được Ukraina.
Thực tế Bakhmut không có giá trị chiến lược lớn, nhưng chỉ vì Putin muốn có bằng được một chiến thắng. Tân binh Nga được đưa đến ồ ạt nhằm làm thay đổi cán cân lực lượng, nhưng Nga chỉ gặm nhấm một ít đất đai chứ không làm được những cú đột phá. Nga chiếm được làng Soledar đã trở thành bình địa, với cái giá rất đắt. Cũng như Stalin, Putin không coi trọng sinh mạng người lính. Dân số cũng là vũ khí, và Putin biết rằng ông ta có rất nhiều người.
Các trận đánh gia tăng cường độ, nhưng quân Nga mỗi tuần tiến được có 1 kilomet. Tướng Pháp Pellistrandi đánh giá với nhịp độ này, phải mất 100 năm nữa Putin mới chiếm được Ukraina, chưa kể bị phản công! Về phía Ukraina, có nguy cơ lại rơi vào thế thủ nếu Nga dồn sức tổng tấn công trước mùa xuân. Cũng không loại trừ khả năng Matxcơva tiến đánh từ Belarus. Hiện tổng thống Alexandre Loukachenko vẫn chưa muốn cho mượn đường, nhưng nếu nhượng bộ Putin và quân Nga lại bị thua, ông ta sẽ là người đầu tiên phải ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế.
Không muốn viện trợ vì sợ Kiev sớm thất thủ
Anne Applebaum, nhà báo Mỹ chuyên về Đông Âu và Trung Âu từng được giải thưởng Pulitzer, trên L’Express hình dung ra kịch bản thảm họa «Nếu Nga chiến thắng» trong đợt tấn công Kiev cách đây một năm.
Đến ngày 24/02/2023 sẽ đúng 12 tháng, 52 tuần lễ, 365 ngày quân đội Ukraina phải chiến đấu. Các quân nhân và người tình nguyện đã cứu được thủ đô, bảo vệ được phần lớn lãnh thổ, đẩy lùi quân Nga khỏi những vùng đất đã chiếm được trong những ngày đầu. Tổng thống Volodymyr Zelensky trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, Ukraina được nể phục trong cuộc kháng chiến vệ quốc. Nhưng cần phải nhắc nhở rằng tháng Hai năm ngoái, ít ai nghĩ rằng Kiev có thể đứng vững, ông Zelensky sống sót và Ukraina tiếp tục là một quốc gia có chủ quyền.
Trước đó, một số chuyên gia Mỹ khuyến cáo không viện trợ quân sự cho Ukraina vì chiến tranh sẽ kết thúc sớm, Nga nhanh chóng chiếm được nước láng giềng và người Ukraina thậm chí không có dịp dùng vũ khí được gởi đến. Số khác ở châu Âu và Hoa Kỳ lặp lại tuyên truyền của Nga, tự hỏi Ukraina có đáng hiện hữu hay được bảo vệ. Một số chính khách phương Tây đến nay vẫn tiếp tục có cách nghĩ này. Chuyện gì sẽ diễn ra nếu xu hướng này thắng thế, nếu một tổng thống ít quan tâm đến châu Âu được bầu lên ở Nhà Trắng ? Nếu một tổng thống khác không bảo vệ chính nghĩa của đất nước mình một cách thuyết phục như thế, hay chẳng muốn chiến đấu, được bầu lên ở Ukraina ? Hãy hình dung về một thế giới không có lòng can đảm của người Ukraina hay vũ khí phương Tây, và sự đoàn kết của các nền dân chủ.
Nếu Nga chiếm được Ukraina từ những ngày đầu…
Nếu không kháng cự, Kiev bị chiếm chỉ trong vài ngày. Zelensky và vợ con sẽ bị sát hại bởi một trong những đội đặc nhiệm sát thủ. Các cộng sự của Putin vốn đã chọn trước những căn hộ cho mình tại thủ đô Kiev, sẽ nắm lấy những chức vụ trong Nhà nước Ukraina. Từng thành phố một, quân Nga sẽ tiễu trừ tàn quân Ukraina cho đến khi chiếm trọn cả nước, đến tận biên giới Ba Lan. Bộ tham mưu Nga hồi đầu nghĩ rằng tất cả chỉ mất sáu tuần.
Ukraina ngày nay sẽ đầy những trại tập trung cải tạo, phòng tra tấn và nhà tù, như đã phát hiện ở Bucha, Izyum, Kherson và tất cả những vùng tạm chiếm đã được quân đội Ukraina giải phóng. Cả một thế hệ nhà văn, nghệ sĩ, chính khách, nhà báo, lãnh đạo xã hội dân sự Ukraina – Nga đã chuẩn bị danh sách với đầy đủ tên tuổi – bị chôn trong các hố tập thể. Sách vở Ukraina bị loại ra khỏi tất cả trường học và thư viện, tiếng Ukraina bị cấm ở những nơi công cộng. Thêm hàng trăm ngàn trẻ em bị tách khỏi gia đình đưa sang Nga, hoặc trở thành nạn nhân buôn người.
Lính Nga phấn khởi trước chiến thắng, đặt đồn bót, đào giao thông hào gần biên giới Ba Lan. NATO rơi vào hỗn loạn, buộc lòng phải chi ra nhiều tỉ đô la để chuẩn bị cho Vacxava, Vilnius, Berlin chống xâm lăng. Bên trong Ukraina bị chiếm đóng, nam thanh niên bị buộc phải gia nhập quân đội Nga để chinh phục tiếp những nước khác. Hàng triệu người Ukraina sống trong những trại tị nạn trên khắp châu Âu, không có hy vọng trở về. Làn sóng thương cảm trong những ngày đầu đã lắng xuống, tiền bạc đã cạn. Kinh tế Moldova sụp đổ, một chính quyền thân Nga chuẩn bị sáp nhập vào một liên bang mới Nga-Belarus-Ukraina – như một tuyên truyền quá sớm của Nga vào ngày 26/02.
…Nguy cơ luật rừng thống trị thế giới
Thảm họa này không giới hạn ở châu Âu. Bắc Kinh chuẩn bị xâm lăng Đài Loan vì cho rằng Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến lâu dài với nước Nga hung hăng, sẽ không cứu vớt hòn đảo ở Thái Bình Dương. Các giáo sĩ Iran loan báo đã có bom nguyên tử. Từ Venezuela tới Zimbabwe, các chế độ độc tài gia tăng đàn áp, từ nay bất chấp các luật lệ cũ như Công ước về nhân quyền và diệt chủng, cấm dùng vũ lực thay đổi đường biên giới. Thế giới dân chủ chao đảo.
May thay, tất cả những điều trên đã không diễn ra. Bởi vì Zelensky vẫn ở lại Kiev, «cần đạn dược chứ không cần taxi». Bởi vì các chiến binh Ukraina chiến đấu can trường, được người dân ủng hộ, mọi tầng lớp dân cư đều rất sáng tạo trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Sự ngoan cường của dân tộc này khiến người Mỹ gác lại «America First», châu Âu hỗ trợ về quân sự và nhân đạo.
Nhờ đó Kiev vẫn ngẩng cao đầu, người Ukraina vẫn kiểm soát phần lớn đất nước, huyền thoại về quân đội thứ nhì thế giới tan vỡ, các nước dân chủ thêm mạnh mẽ. Khi thăm Washington, tổng thống Ukraina đã cảm ơn Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng theo tác giả, thực ra chính phương Tây phải cảm ơn quốc gia dũng cảm này.
Cuộc chiến Ukraina trên mạng xã hội: Óc sáng tạo đấu với tin giả
Về mặt truyền thông, Kiev chiến thắng giòn giã trước hệ thống «fake news» của Nga trên mạng xã hội.Khác với thời trước, cuộc chiến thông tin năm 2023 phức tạp hơn bao giờ hết. Mạng xã hội giúp mỗi bên chạm đến một lượng công chúng đông đảo chưa từng thấy, cả trong nước lẫn trên thế giới. Nhưng số lượng bài đăng trên internet (1,7 triệu bài mỗi phút trên Facebook, 350.000 tweet…) khiến những chủ đề nghiêm túc nhanh chóng bị những «trend» linh tinh trên TikTok làm chìm khuất.
Ukraina bèn tập trung cho cuộc chiến truyền thông, bình luận liên tục về những bước tiến và thiệt hại của địch để làm nản lòng đối thủ. Họ kêu gọi các Nhà nước (và cả những tập đoàn như Microsoft, Space X…) hỗ trợ mạnh hơn, dân chúng đăng tải hình ảnh, video về thực tế cuộc chiến – những mạng sống bị cướp đi, thành phố điêu tàn…Lần đầu tiên một cuộc chiến tranh được phô bày rộng rãi đến thế trên mạng.
Những video, hình ảnh, bình luận đầy sáng tạo với óc hài hước tế nhị của phía Ukraina thu hút được rất nhiều chú ý: chỉ hai giây là hiểu ý (và có thể bật cười). Trong đó một phần do một bộ phận chuyên môn phụ trách. Một năm sau cuộc xâm lăng, các bài viết về Ukraina trên internet vẫn lên đến 4,4 triệu mỗi tuần. Kết quả theo Backbone Consulting: 2/3 người được hỏi tại 13 nước tiếp tục muốn trừng phạt Nga về dầu khí, 57% muốn hỗ trợ Ukraina cho đến khi quân Nga phải thu quân.
Vì sao Pháp chưa muốn chuyển giao xe tăng Leclerc cho Ukraina?
Liên quan đến Pháp, L’Express có bài điều tra «Xe tăng Leclerc: Chuyện kể về một thất bại kỹ nghệ và quân sự». Trong khi phương Tây đề nghị «120 đến 140» xe tăng hạng nặng cho Ukraina, Pháp vẫn chưa dứt khoát chuyển giao xe tăng Leclerc như tổng thống Zelensky đã đòi hỏi. Tuy Élysée khẳng định «không loại trừ khả năng này» nhưng hiện vẫn là zero Leclerc. Những lý do được đưa ra là thời gian huấn luyện lâu, rắc rối trong bảo dưỡng… Theo tuần báo, đó không phải là lý do duy nhất. Pháp hiện có 200 chiếc Leclerc đang hoạt động, một số ở Rumani, số khác phải cải tiến. Nhưng nhất là dây chuyền sản xuất ở Roanne đã đóng cửa từ năm 2008, như vậy chiếc xe tăng tân tiến này sắp tuyệt chủng.
Vào cuối thập niên 70, quân đội Pháp ấn định mục tiêu sản xuất 1.500 chiếc Leclerc tại 14 địa điểm, một số nhà máy có đến trên 1.000 công nhân. Nhưng rồi bức tường Berlin sụp đổ, viễn cảnh chiến tranh ở châu Âu rời xa, ngân sách quốc phòng ngày càng bị cắt giảm. Thị trường xuất khẩu đã tràn ngập xe tăng Leopard của Đức. Trong số 800 chiếc xuất xưởng, Paris bán được phân nửa cho Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, số còn lại quân đội Pháp sử dụng. Dù nay đã được tăng ngân sách, nhưng khó thể đầu tư nhiều tỉ euro trong ba, bốn năm để gầy dựng lại dây chuyền sản xuất.
Kinh tế Nga: Phía sau những con số đẹp đẽ, thuốc độc đang ngấm dần
Trên lãnh vực kinh tế, L’Obs trong bài «Phía sau những con số “khả quan” của Nga» nhận định, thực ra Matxcơva không giỏi chống chọi như người ta tưởng. Cuối tháng Giêng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết dù bị trừng phạt, tổng sản phẩm nội địa (GDP) Nga chỉ giảm 2,2% trong năm 2022. Dự báo cho hai năm tới cũng đáng ngạc nhiên: tăng 0,3% năm 2023 và 2,1% vào năm 2024. Dầu thô của Nga tuy bị trừng phạt nhưng vẫn xuất sang châu Á, khí đốt giảm sản lượng nhưng bù lại giá cả tăng lên.
Theo L’Obs, không thể dự báo chính xác trong thời chiến. Một mặt, dữ liệu của Nga hoặc dối trá hoặc không đầy đủ. Chẳng hạn tỉ lệ thất nghiệp dưới 4 % che giấu tình trạng bùng nổ xin nghỉ không lương, chưa kể hàng trăm ngàn người Nga đã chạy ra nước ngoài để khỏi đi lính. Nhất là nền kinh tế dựa trên một động cơ đặc thù là chiến tranh. Năm 2022, kỹ nghệ vũ khí hoạt động hết tốc lực để cho ra xe tăng, súng trường, quân phục… những thứ đang nằm bẹp dí hay cháy thành than trên những cánh đồng Ukraina.
Kế tiếp, cấm vận là thứ thuốc độc chỉ ngấm từ từ. Năm 2022, đối với những mặt hàng bị cấm nhất là chất bán dẫn, Nga có thể mua từ Ấn Độ, Trung Quốc hay qua các trung gian khác (Armenia nhập smartphone gấp 10 lần), gắn chip máy giặt vào hỏa tiễn, xe hơi bán ra không có gối hơi… một sự giảm sút chất lượng không thể hiện trong GDP. Kiểu xoay sở này có những giới hạn của nó. Với cả trăm ngàn người lao động bỏ mạng trên chiến trường, hàng trăm ngàn người lưu vong trong đó có không ít kỹ sư, kỹ thuật viên, sản lượng xe hơi giảm đến 80 %…bức tranh kinh tế Nga khá ảm đạm.
Thái Lan lo âu khi nông dân Thái trồng gạo Việt
Tại Đông Nam Á, Courrier International dịch bài viết của Nikkei Asia phàn nàn «Gạo Thái không còn là gạo Thái». Ở quốc gia xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, giống gạo Việt Nam nhập vào không theo con đường chính ngạch, dễ trồng với chi phí thấp hơn, đang đe dọa ngành lúa gạo Thái Lan.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trên 1 triệu «rai» (160.000 hecta) ở miền trung nước Thái đang trồng giống lúa Việt Nam. Không ai phân biệt được gạo Thái và gạo Việt. Khuynh hướng này đặt lại vấn đề toàn bộ chiến lược tiếp thị cho xuất khẩu gạo, một sản phẩm từ nhiều năm vẫn được quảng cáo là thuần chủng và phẩm chất hàng đầu. Thái Lan có luật rất nghiêm khắc về bảo vệ đa dạng thực vật, cấm nhập những loại gạo khác vào vương quốc.
Nhưng một nhà nông ở tỉnh Nakhon Sawan nhận xét, giống gạo Việt Nam rất tốt: dễ trồng, chống được sâu rầy, chất lượng ngon đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể đó là giống Jasmin 85, gặt được sau 90 ngày và có thể trồng nhiều vụ, nhất là miền trung có hệ thống tưới tiêu đầy đủ. Gạo Thái như giống Hom Mali thơm hơn nhưng 120 ngày mới chín, chỉ trồng được ở một số cánh đồng vùng đông bắc và mỗi năm chỉ một vụ. Năng suất ở Thái Lan chỉ 300-400 ký một «rai» (0,16 hecta), so với 800 ký tại Việt Nam và Ấn Độ.
Khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc: Thất bại mới của Tập Cận Bình
Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Point và The Economist cùng rút ra «Bài học về khinh khí cầu gián điệp». Theo Le Point, vụ này là thất bại mới của Tập Cận Bình. Chiếc khinh khí cầu xuất hiện trên bầu trời nước Mỹ, ngỡ rằng mang lại lợi thế cạnh tranh cho Bắc Kinh, nhưng đã bị bắn rơi ngoạn mục trước mắt mọi người, phô bày hoạt động do thám của Bắc Kinh. Hình ảnh Trung Quốc càng thêm tệ hại đối với người Mỹ, vốn rất nhạy cảm trước mọi mối đe dọa lãnh thổ từ sau vụ Trân Châu Cảng (1941) và Al Qaida tấn công vào trung tâm nước Mỹ (2001).
Trong khi ông Tập đang ở thế bất lợi sau các cuộc biểu tình chống zero Covid, tăng trưởng kinh tế chỉ 3%, dân số giảm mất 850.000 người. Trừng phạt của Mỹ về chip bán dẫn dội gáo nước lạnh cho hy vọng tiến nhanh về công nghệ, đối tác Putin sa lầy ở Ukraina. Tập Cận Bình cố gắng cho thấy Bắc Kinh đã thay đổi sau ba năm phong tỏa, trải thảm đỏ cho thủ tướng Đức và đang chờ đợi tổng thống Pháp, thủ tướng Ý nhằm chứng tỏ vị thế quốc tế.
Washington Post cho biết, hoạt động gián điệp trên đây được điều hành từ đảo Hải Nam, các khinh khí cầu dùng để thu thập tin tức quân sự từ Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ. The Economist nói về một cuộc chiến tranh lạnh mới, cho rằng tình trạng căng thẳng Mỹ-Trung có kéo dài hay không tùy thuộc vào thông tin các viên chức Mỹ có được từ những mảnh vỡ của khí cầu được người nhái của Hải quân Mỹ thu thập, và những gì họ quyết định tiết lộ.
Vì sao lại gởi khinh khí cầu gián điệp vào thời điểm ngoại trưởng Mỹ sắp sang Trung Quốc ? Khiêu khích để làm bẽ mặt chính quyền Biden, đòn phá rối của phe cực đoan ở Bắc Kinh, trắc nghiệm khả năng phát hiện của Washington, hay chỉ đơn giản là tính toán sai thời điểm ? Dù sao đi nữa, sự kiện đã củng cố lý lẽ của những người tin rằng Trung Quốc không muốn hợp tác mà chỉ thích thống trị. Ngược lại, những chính khách ở Berlin, Paris hay Bruxelles muốn lôi kéo Bắc Kinh về phía tự do đã phải trả giá ; không còn hy vọng phê chuẩn hiệp định đầu tư.
ChatGPT và bộ máy kiểm duyệt của Bắc Kinh
Các tuần báo cũng đề cập đến công cụ trí thông minh nhân tạo (AI) ChatGPT đang làm mưa làm gió, và sắp có những cỗ máy khác ra đời để cạnh tranh. Các tập đoàn Alibaba, Baidu, Wangyi, Jingdong của Trung Quốc đều loan báo sẽ cho ra sản phẩm tương tự. Courrier International nhận thấy nhiều người lo ngại công nghệ này sẽ vấp phải bức tường kiểm duyệt.
Trang web China Digital Times ở Mỹ ghi nhận, khi đặt câu hỏi «Tập Cận Bình có phải là nhà độc tài không?» bằng chữ giản thể (sử dụng ở Hoa lục), ChatGPT trả lời «Không. Tập Cận Bình không phải là nhà độc tài. Trung Quốc là Nhà nước đa đảng, tôn trọng Hiến Pháp và pháp luật». Nhưng nếu câu hỏi viết bằng chữ phồn thể (phổ biến tại Đài Loan, Hồng Kông, Macao), câu trả lời khác hẳn. «Vâng, Tập Cận Bình là người thống trị Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng Trung Quốc là hệ thống chính trị độc tài ở một mức nào đó». Điều thú vị là sau đó ChatGPT đã nhanh chóng học hỏi, phối hợp hai loại ý kiến này trong một câu «ba phải» hơn.
Nhà nghiên cứu Philip J. Cunningham cho biết tại Hoa lục, người ta huấn luyện cho trí thông minh nhân tạo không chỉ trích Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Quốc. Cựu nhà báo Vương Chí An (Wang Zhi’an) viết trên Twitter, ông nóng lòng chờ cỗ máy của Baidu ra đời. Những câu hỏi đầu tiên sẽ là «Có bao nhiêu người đã chết trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989, và trong số đó sinh viên chiếm bao nhiêu?». Hay «Tập Cận Bình sẽ trị vì đến bao giờ?
(AFP) – Nhà báo chống chiến tranh Ukraina: Trốn khỏi nước Nga “giống như vượt bức tường Berlin”. Trong cuộc họp báo hôm qua, 10/02/2023, tại trụ sở tổ chức Phóng viên không biên giới ở Paris, nữ phóng viên Nga Marina Ovsyannikova đã tiết lộ về cuộc đào thoát bí mật của cô vào đầu tháng 10/2022, với sự trợ giúp của tổ chức phi chính phủ này. Nhà báo Ovsyannikova đã gây tiếng vang lớn khi xông vào giơ tấm bảng phản đối chiến tranh xâm lược Ukraina ngay giữa một chương trình trực tiếp trên đài truyền hình nhà nước Nga. Vào tháng 8 năm ngoái, cô đã bị buộc tội “phát tán thông tin sai lạc về quân đội Nga” và có nguy cơ lãnh án 10 năm tù.
(AFP) – Mỹ: Nga có thể đã mất phân nửa số xe tăng hạng nặng ở Ukraina. Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến hôm qua, 10/02/2023, một quan chức Lầu Năm Góc, bà Celeste Wallander, khẳng định rất có thể là phân nửa số xe tăng hạng nặng của Nga đã bị quân Ukraina phá hủy hoặc bị thu giữ. Tuy nhiên, bà Wallander không đưa ra con số chính xác về xe tăng mà quân Nga bị mất kể từ khi xâm lược Ukraina tháng 2/0222. Thẩm định nói trên được đưa vào lúc Kiev sắp tiếp nhận các xe tăng hạng nặng của các đồng minh phương Tây.
(AFP) – Tổng thống Mỹ sẽ thăm Ba Lan, trong bối cảnh gần tròn 1 năm Nga xâm lược Ukraina. Hôm qua, 10/02/2023, phát ngôn viên của Nhà Trắng, Karine Jean-Pierre, thông báo tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Ba Lan từ 20 đến 22/02, ngay trước ngày đánh dấu một năm tổng thống Nga Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước láng giềng. Trong chuyến đi này, ông Biden sẽ gặp đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda và sẽ có một bài phát biểu.
(AFP) – Biểu tình phản đối tiếp nhận người tị nạn ở Anh Quốc. Hàng trăm người biểu tình cực hữu tập trung trước một khách sạn được trưng dụng để tiếp đón những người tị nạn gần Liperpool ngày hôm qua, 10/02/23. Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các vụ đụng độ bạo lực xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát. Ba người đã bị bắt giữ. Cuộc biểu tình nổ ra sau khi thông tin về việc người tị nạn được «nuông chiều» ở trong khách sạn lan truyền trên mạng xã hội. Vào năm 2022, hơn 45.000 di dân quốc tế đã vượt biển Manche đến Anh Quốc xin tị nạn.
(AFP) – Hoa Kỳ: Phát hiện thêm một tài liệu mật ở nhà riêng của cựu phó tổng thống Mike Pence. Ngày hôm qua, 10/02/23, Cục Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) đã tìm thấy một tài liệu mới, được xếp vào loại bảo mật, tại nhà riêng của cựu phó tổng thống Mike Pence ở bang Indiana. Trước đó, vào cuối tháng Giêng, nhiều tài liệu mật khác cũng đã được tìm thấy tại nhà của ông Pence. Các luật sư của Mike Pence cho biết một số lượng nhỏ tài liệu mật đã «vô tình được đóng hộp và vận chuyển» đến nhà của ông, sau khi nhiệm kỳ phó tổng thống của ông kết thúc.
(AFP) – Brazil và Hoa Kỳ cam kết bảo vệ nền dân chủ. Trong thông cáo ngày 10/02/2023, sau cuộc gặp giữa tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và tổng thống Brazil Lula, hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường các thể chế dân chủ và thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền. Joe Biden nhận định nền dân chủ đã bị thách thức ở cả hai nước. Hai lãnh đạo so sánh những sự kiện xảy ra tại hai nước châu Mỹ. Tại Hoa Kỳ, đó là vụ tấn công của những người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump tại đồi Capitol ở Washington hồi tháng 01/2021. Về phía Brazil, đó là vụ tấn công của phe ủng hộ cựu tổng thống Bolsonaro vào các thể chế chính trị ở thủ đô Brazilia vào tháng Giêng.
(NHK) – Quan chức cấp cao đảng Cộng Sản Trung Quốc gặp đại diện đảng đối lập Đài Loan. Một trong những chính khách quan trọng trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, ông Vương Hỗ Ninh, đã gặp ông Hạ Lập Ngôn, phó chủ tịch Quốc Dân Đảng, đảng đối lập Đài Loan, tại Bắc Kinh hôm 10/02/23. Truyền thông Trung Quốc cho biết ông Vương Hỗ Ninh đã kêu gọi Quốc Dân Đảng hợp tác với đảng Cộng Sản Trung Quốc chống nền độc lập của Đài Loan và sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài, duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Về phần mình, Quốc Dân Đảng hy vọng cuộc đối thoại sẽ giúp làm giảm căng thẳng giữa Đài Loan và Hoa Lục, có thể là bàn đạp để họ trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
(AFP) – Liên Hiệp Quốc muốn quốc tế can thiệp vào Haiti. Hôm qua, 10/02/2023, trong cuộc họp báo tại Port-au-Prince, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cấp tốc triển khai một lực lượng yểm trợ đặc biệt ở Haiti, nơi mà các băng đảng đang rất lộng hành.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230211-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p