Tin Tổng Hợp – 10/02/23: Mỹ bắn hạ một vật thể bay ở Alaska; Quân đội TC dính líu đến vụ khinh khí cầu; Mỹ sẽ cấm xuất khẩu công nghệ cho các thực thể TC liên hệ tới khinh khí cầu; Đô trưởng Paris không muốn vận động viên Nga tham gia Olympic Paris 2024

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 10/02/23: Mỹ bắn hạ một vật thể bay ở Alaska; Quân đội TC dính líu đến vụ khinh khí cầu; Mỹ sẽ cấm xuất khẩu công nghệ cho các thực thể TC liên hệ tới khinh khí cầu; Đô trưởng Paris không muốn vận động viên Nga tham gia Olympic Paris 2024

Mỹ bắn hạ một vật thể bay ở Alaska

10/02/2023 – Reuters – Một máy bay chiến đấu của Mỹ ngày 10/2 bắn hạ một vật thể tầm cao có kích thước bằng một chiếc ô tô nhỏ bay trên bầu trời tiểu bang Alaska, theo lệnh của Tổng thống Joe Biden, Tòa Bạch Ốc loan báo cùng ngày.

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc John Kirby nói với các phóng viên rằng nhiều thông tin chi tiết về vật thể này vẫn chưa được biết nhưng Mỹ dự kiến sẽ trục vớt sau khi nó rơi xuống lãnh hải của Mỹ.

Ông Kirby nói không rõ vật thể này đến từ đâu. “Chúng tôi không biết ai sở hữu vật thể này,” ông nói.

Ông cho hay vật thể bay ở độ cao trên 12.000 mét đã rơi xuống vùng cực đông bắc của Alaska gần biên giới Canada. Ông cho biết đánh giá của phi công Mỹ là không có người trên đó.

Mỹ hôm 4/2 đã bắn hạ ngoài khơi bờ biển South Carolina một khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc bay qua lãnh thổ của Mỹ. Các quan chức Mỹ đang thu hồi các mảnh vỡ từ khinh khí cầu cao 60 mét và các thiết bị điện tử mà nó chở theo.

Ông Kirby cẩn thận không mô tả vật thể mới này là khinh khí cầu.

Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 10 tháng 2 năm 2023.
Điều phối viên Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 10 tháng 2 năm 2023.

Ông cho biết Mỹ phát hiện ra vật thể này và đường đi của nó vào tối ngày 9/2. Ông nói rằng, không giống như khinh khí cầu trước đó, vật thể này dường như không có khả năng cơ động, chỉ tùy thuộc vào sức gió.

Ông Biden đã ra lệnh bắn hạ nó sáng ngày 10/2.

Máy bay chiến đấu trực thuộc Bộ Tư lệnh phía Bắc đã bắn hạ vật thể này, một quan chức Mỹ cho biết. Quan chức này nói vùng lãnh hải nơi vật thể rơi xuống bị đóng băng,

“Vật thể chưa rõ là gì bay ở độ cao 40.000 feet (trên 12.000 mét) và đề ra mối đe dọa đáng quan tâm đối với sự an toàn của phi hành dân sự,” quan chức này nói.

Quan chức này cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy có mối đe dọa quân sự đối với người dân trên mặt đất và chưa rõ nó có mang theo thiết bị do thám hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/my-ban-ha-mot-vat-the-bay-o-alaska/6958130.html

Washington: Quân đội Trung Quốc có thể dính líu đến vụ khinh khí cầu dọ thám Mỹ

10/02/2023 – Thanh Hà

Một quan chức cấp cao trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định, khinh khí cầu Trung Quốc «lạc» vào không phận Mỹ có mang theo thiết bị dọ thám để thu thập thông tin tình báo. Và công ty chế tạo khinh khí cầu có «liên hệ trực tiếp với quân đội Trung Quốc».

Do tính nhạy cảm của hồ sơ, hãng tin Associated Press ngày 09/02/2023 cho biết, quan chức cao cấp trong bộ Ngoại Giao Mỹ được xin được giấu tên, khẳng định, khinh khí cầu Trung Quốc lần này đã thâm nhập không phận Hoa Kỳ từ cuối tháng Giêng. Căn cứ vào một số hình ảnh thu thập được từ máy bay dọ thám của Mỹ U2, khinh khí cầu Trung Quốc «được trang bị để dọ thám, thu thập thông tình báo, xác định vị trí các tín hiệu trao đổi thông tin» nhậy cảm của Hoa Kỳ.

Từ thủ đô Washington thông tín viên RFI Guillaume Naudin cho biết thêm:

«Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp tục khẳng định đây chỉ là một quả cầu đo đạc khí tượng bay lạc vào lãnh thổ nước Mỹ. Theo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, khinh khí cầu bị bắn hạ hôm Thứ Bảy tuần trước bằng tên lửa phóng đi từ chiến đấu cơ F-22, ngoài khơi Đại Tây Dương, có mang theo trang thiết bị để thu thập thông tin. Đặc biệt là có những thiết bị thu bắt sóng các kênh thông tin khác nhau.

Các máy bay dọ thám U2 của Mỹ đã áp sát khinh khí cầu Trung Quốc trước khi quả cầu này bị bắn hạ. Theo các quan sát của máy bay U2, khinh khí cầu mang theo nhiều tấm pin mặt trời để cung cấp điện cho các hệ thống thu thập thông tin. Những mảnh vỡ đầu tiên bắt đầu được xem xét, phân tích. Bộ Ngoại Giao Mỹ xác định thiết bị dọ thám do một tập đoàn Trung Quốc chế tạo và tập đoàn này được biết là thân cận với quân đội Trung Quốc. Dường như đây là một chương trình được thực hiện từ nhiều năm qua. Trung Quốc thả khinh khí cầu dọ thám khoảng 40 quốc gia ở khắp 5 châu.

Hạ Viện Mỹ thông qua một nghị quyết nhất trí lên án các hành vi của Trung Quốc. Thái độ đoàn kết hiếm hoi giữa hai đảng không che giấu được những bất đồng chính trị. Bầu không khí dường như đã rất căng thẳng trong một cuộc họp kín tại Hạ Viện : Các thành viên của đảng Cộng Hòa trong tiểu ban đối ngoại của Thượng Viện đã nêu lên câu hỏi tại sao quân đội đã đợi quả bóng Trung Quốc bay ngang toàn lãnh thổ trước khi bắn hạ ».

Bắc Kinh phẫn nộ: đường dây nóng giữa bộ Quốc Phòng Mỹ -Trung Quốc bị tê liệt

Về phản ứng của Trung Quốc, cuộc họp báo sáng nay 10/02/2023 phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mao Ninh tuyên bố nghị quyết của Hạ Viện Hoa Kỳ lên án Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Mỹ là một hành vi hoàn toàn mang tính «chính trị». Trước đó phát ngôn viên bộ Quốc Phòng, Đàm Khắc Phi (Tan Kefei) giải thích bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc từ chối điện đàm với đồng cấp Mỹ hôm 04/02/2023 do Washington «không tạo điều kiện thỏa đáng» để đối thoại và trao đổi thông tin.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230210-washington-qu%C3%A2n-%C4%91%E1%BB%99i-trung-qu%E1%BB%91c-c%C3%B3-th%E1%BB%83-d%C3%ADnh-l%C3%ADu-%C4%91%E1%BA%BFn-v%E1%BB%A5-khinh-kh%C3%AD-c%E1%BA%A7u-d%E1%BB%8D-th%C3%A1m-m%E1%BB%B9

Mỹ sẽ cấm xuất khẩu công nghệ cho các thực thể TQ liên quan tới khinh khí cầu

11/02/2023 – Reuters

Bức ảnh chụp vào ngày 1 tháng 2 năm 2023 và được công bố vào ngày 2 tháng 2 năm 2023, cho thấy một khinh khí cầu nghi là gián điệp của Trung Quốc trên bầu trời Billings, bang Montana, Mỹ.
Bức ảnh chụp vào ngày 1 tháng 2 năm 2023 và được công bố vào ngày 2 tháng 2 năm 2023, cho thấy một khinh khí cầu nghi là gián điệp của Trung Quốc trên bầu trời Billings, bang Montana, Mỹ.

Chính quyền Biden có kế hoạch cấm hẳn chuyện đầu tư vào một số công ty công nghệ Trung Quốc và tăng cường giám sát những công ty khác, ba nguồn tin cho biết, một phần trong kế hoạch trấn áp hàng tỉ đô la mà các công ty Mỹ đã đổ vào các lĩnh vực nhạy cảm của Trung Quốc.

Hai trong số các nguồn tin cho biết lệnh cấm này dự kiến sẽ áp dụng với một số khoản đầu tư liên hệ tới sản xuất chip. Các quy định sắp tới sẽ tuân theo các hạn chế mới mà Mỹ đặt ra đối với việc xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI), công cụ sản xuất chip và siêu máy tính cùng các công nghệ khác của Mỹ sang Trung Quốc vào tháng 10, các nguồn tin cũng cho biết.

Kế hoạch này sẽ được trình bày trong một sắc lệnh hành pháp mà Tòa Bạch Ốc dự kiến sẽ công bố trong những tháng tới. Những người có quan điểm cứng rắn về Trung Quốc ở Washington đổ lỗi cho các nhà đầu tư Mỹ chuyển vốn và kiến thức cho các công ty công nghệ Trung Quốc có thể giúp nâng cao khả năng quân sự của Bắc Kinh.

Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận và đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không hồi đáp tức thì yêu cầu bình luận.

Mối quan hệ với Trung Quốc đã trở nên xấu đi sau khi một trong những khinh khí cầu do thám của nước này bị phát hiện bay qua lãnh thổ của Mỹ, khiến những người theo dõi tình hình Trung Quốc cho rằng Washington sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Bắc Kinh trong ngắn hạn. Điều đó có thể bao gồm lệnh cấm đầu tư ra nước ngoài vốn đã được trông đợi lâu nay.

Một nguồn tin cho biết chính quyền Biden sẽ cho ngành công nghiệp chip cơ hội nêu ý kiến về những quy định được đề xuất này trước khi kế hoạch bắt đầu có hiệu lực, một nguồn tin nói với Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/my-se-cam-xuat-khau-cong-nghe-cho-cac-thuc-the-trung-quoc-lien-quan-toi-khinh-khi-cau/6958138.html

Đô trưởng Paris tái khẳng định không muốn vận động viên Nga tham gia Olympic Paris 2024

10/02/2023 – Thùy Dương

Trong khi tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sang Pháp và được đồng nhiệm Emmanuel Macron tiếp đón tại điện Elysée, đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, thứ Năm 09/02/2023 đến Ukraina, gặp gỡ đô trưởng Kiev, Vitaly Klitschko, và có bài phát biểu trước Hội đồng thành phố Kiev.

Đô trưởng Paris Anne Hidalgo đề cập đến viện trợ nhân đạo, cấp máy phát điện cho Kiev. Tuy nhiên, có một chủ đề khác thu hút nhiều sự chú ý của công luận Ukraina là bà Hidalgo tái khẳng định không muốn các vận động viên Nga tham gia Thế Vận Hội Paris 2024.

Là đô trưởng thành phố đăng cai Olympic 2024, bà Hidalgo là đại diện của Paris trong ban tổ chức Thế Vận Hội. Hồi cuối tháng 01/2023, bà đã ủng hộ việc vận động viên Nga – Belarus được thi đấu tại Thế Vận Hội, nhưng không đại diện cho nước họ. Giờ đây, đô trưởng Paris đã thay đổi ý kiến.

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan gửi về bài tường trình:

Đây là lần thứ hai đô trưởng Paris Anne Hidalgo đến thăm Kiev, kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraina. Đô trưởng Hidalgo đi cùng với một phái đoàn của thành phố Paris và viện trợ nhân đạo và thông báo thành lập một nhóm chuyên trách phối hợp giữa chính quyền các thành phố Paris, Bruxelles và Vacxava, để thúc đẩy các nỗ lực và đầu tư nhằm tái thiết thành phố Kiev nói riêng và đất nước Ukraina nói chung.

Đối diện với đồng nhiệm Kiev, Vitaly Klitschko, đô trưởng Anne Hidalgo gửi đi một thông điệp rất cụ thể. Bà nói: «Tôi không mong muốn, tôi không muốn đón phái đoàn Nga chừng nào chiến tranh còn tiếp diễn, chừng nào Nga vẫn còn tấn công Ukraina. Tôi không muốn có một phái đoàn Nga tại Thế Vận Hội Olympic và Paralympic tại Paris, kể cả dưới cờ hiệu trung lập, không đại diện cho đất nước, như đã từng được đề cập đến, bởi vì không tồn tại cờ hiệu trung lập».

Đô trưởng Paris nhấn mạnh: «Đây không phải vấn đề liên quan đến doping, mà là về chiến tranh và cuộc xâm lược một dân tộc chỉ muốn có quyền tự quyết. Đó là lý do tôi không muốn phái đoàn Nga đến Thế Vận Hội Olympic và Paralympic ở Paris chừng nào cuộc chiến vẫn tiếp diễn».

Các phát biểu của đô trưởng Paris dĩ nhiên đã được đô trưởng Kiev và các thành viên Hội đồng thành phố hưởng ứng. Cho dù quyết định cuối cùng về sự tham gia thi đấu của các vận động viên Nga vẫn thuộc về Ủy ban Olympic, nhưng người dân Kiev đánh giá cao việc đô trưởng Paris, vốn được mệnh danh là kinh đô ánh sáng, bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu của người dân Kiev.

Theo AFP, tại hội nghị trực tuyến quy tụ bộ trưởng thể thao của nhiều nước, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm nay phát biểu về sự tham gia thi đấu của các vận động viên Nga tại Olympic 2024. Hội nghị do Luân Đôn tổ chức. Anh Quốc đã nhiều lần đề nghị cấm các vận động viên Nga và Belarus thi đấu tại các kỳ Thế Vận Hội.

Bộ trưởng Thể Thao Ba Lan cách nay vài này hy vọng trong hội nghi hôm nay có khoảng 40 nước phản đối việc để phái đoàn Nga và Belarus tham gia Olympic. Theo bước Ukraina, một số nước dọa tẩy chay Olympic nếu Ủy ban Olympic quốc tế (CIO) cho phép vận động viên Nga và Belarus thi đấu. Về phía CIO, trong thư gửi Ủy ban Olympic Ukraina, chủ tịch Thomas Bach tố cáo lời dọa tẩy chay của Ukraina «đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của phong trào Olympic».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230210-%C4%91%C3%B4-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-paris-t%C3%A1i-kh%E1%BA%B3ng-%C4%91%E1%BB%8Bnh-kh%C3%B4ng-mu%E1%BB%91n-v%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-vi%C3%AAn-nga-tham-gia-olympic-paris-2024

Intel cân nhắc đẩy mạnh đầu tư nhà máy đóng gói chip tại Việt Nam

10/02/2023 – Reuters

Logo của Tập đoàn Intel tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn, Việt Nam.
Logo của Tập đoàn Intel tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn, Việt Nam.

Tập đoàn Intel đang xem xét tăng đáng kể khoản đầu tư 1,5 tỷ đô la hiện tại vào Việt Nam để mở rộng nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại quốc gia Đông Nam Á này, hai nguồn tin am tường nói với Reuters.

Động thái tiềm năng, mà theo một nguồn tin cho biết có thể trị giá khoảng 1 tỷ USD, báo hiệu vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về chất bán dẫn, khi các công ty nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan vì những rủi ro chính trị và căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.

Một trong những nguồn tin cho biết khoản đầu tư này có thể sẽ được thực hiện “trong những năm tới” và thậm chí có thể lớn hơn 1 tỷ USD, trong khi nguồn tin thứ hai cho biết Intel cũng đang cân nhắc đầu tư thay thế vào Singapore và Malaysia, những nơi có thể được ưu tiên hơn so với Việt Nam.

Cả hai nguồn tin đều yêu cầu giấu tên vì kế hoạch vẫn chưa được công khai.

Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư khả thi, Intel nói với Reuters rằng “Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa công bố bất kỳ khoản đầu tư mới nào”.

Các quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và chính quyền thành
phố Hồ Chí Minh, nơi Intel có nhà máy hiện tại, không đưa ra bình luận
ngay với hãng thông tấn Anh.

Một tuyên bố trên cổng thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam đã
được chỉnh sửa lại vào hôm thứ Tư và bỏ đi phần đề cập đến nỗ lực của
thành phố Hồ Chí Minh nhằm thu hút thêm 3,3 tỷ đô la đầu tư từ Intel.

Nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại trung tâm thương mại phía nam Việt Nam là nhà máy lớn nhất thế giới của Intel. Công ty ước tính đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ đô la cho đến nay.

Tập đoàn khổng lồ của Mỹ về chip đã có thêm đất để đặt nhà máy. Việc mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp cho tập đoàn này giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn cung do phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia hoặc một nhà máy, một trong những nguồn tin nói với Reuters, viện dẫn thông tin từ các cuộc đàm phán nội bộ.

Một trong những nguồn tin cho biết Intel đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đảm bảo rằng việc mở rộng hơn nữa ra nước ngoài sẽ không bị coi là một động thái đối chọi với Washington, vốn đang thúc đẩy cho việc sản xuất chip trong nước Mỹ.

Tích cực đẩy mạnh

Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh mở rộng ngành sản xuất chip, thu hút các công ty nước ngoài trong cả ba phân khúc chính là lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, nhà máy sản xuất chất bán dẫn và thiết kế, theo lời các quan chức.

Một giám đốc điều hành ngành công nghiệp Hoa Kỳ nói với Reuters rằng quốc gia này có tiềm năng lớn để phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực lắp ráp và thiết kế chip, trong khi ông cho rằng việc phát triển các nhà máy sản xuất chip là một khả năng xa vời, ngoại trừ xây dựng các nhà máy chế tạo rẻ tiền để sản xuất loại chip kém tinh vi hơn. Tuy nhiên, những con chip loại lớn hơn vẫn đang có nhu cầu cao, chẳng hạn như chip dùng cho ô tô.

Giám đốc điều hành này cho biết cơ hội lớn nhất của Việt Nam là trong lĩnh vực lắp ráp chip để đáp ứng nhu cầu của ngành nhằm giảm “sự tập trung quá mức” vào năng lực sản xuất ở Trung Quốc và Đài Loan, chiếm đến 60% công suất toàn cầu trong phân khúc này.

Theo vị giám đốc điều hành này, việc thiết kế chip đòi hỏi ít vốn hơn và nhiều công nhân có tay nghề cao hơn, và Việt Nam cũng đang thâm nhập vào lĩnh vực này, với tập đoàn khổng lồ Synopsys của Hoa Kỳ đang hoạt động tại đây và với các công ty địa phương đang mở rộng nhanh chóng, bao gồm cả FPT và Viettel thuộc sở hữu nhà nước.

Tập đoàn khổng lồ về chip và điện tử Samsung cũng đã mở một cơ sở nghiên cứu tại Hà Nội vào cuối năm ngoái và có một nhà máy đóng gói chất bán dẫn tại Việt Nam.

Sau tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu do đại dịch COVID-19, vào cuối năm 2021, Intel đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 7 tỷ đô la để xây dựng một nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip mới ở Malaysia. Cơ sở này dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024.

Intel cũng có các cơ sở thử nghiệm và đóng gói ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/6957205.html

(Reuters) – Intel đang cân nhắc việc tăng đầu tư vào nhà máy tại Việt Nam. Theo hai nguồn thạo tin ngày 10/02/2023, tập đoàn chip điện tử Mỹ Intel đang xem xét việc tăng đáng kể khoản đầu tư 1,5 tỷ đô la hiện có tại Việt Nam để mở rộng nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip tại Việt Nam. Nguồn tin thứ nhất cho biết khoản tăng có thể vượt mức 1 tỷ đô la, có thể sẽ được thực hiện “trong những năm tới”, một dấu hiệu công nhận vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu về linh kiện bán dẫn. Nguồn tin thứ hai cho biết Intel cũng đang cân nhắc khả năng đầu tư vào Singapore và Malaysia, những nơi có thể được ưu tiên hơn Việt Nam.

(AFP) – Cựu phó tổng thống Mike Pence bị triệu mời ra làm chứng về vụ tấn công điện Capitol ngày 06/01/2021. Truyền thông Mỹ hôm 09/02/2023 cho biết ông Pence được mời với tư cách là một «nhân chứng» trong sự kiện nói trên và nhắc lại cựu tổng thống Donald Trump từng gây áp lực với ông Mike Pence, đòi phó tổng thống Mỹ không công nhận kết quả bầu cử hồi tháng 11/2020.

(Reuters) – Nga chuẩn bị cắt giảm nửa triệu thùng dầu mỗi ngày. Kể từ tháng 3/2023 Matxcơva sẽ giảm 500.000 thùng dầu/ngày. Khối lượng này tương đương với 5% sản xuất của Nga. Phó thủ tướng Nga Alexandre Novak thông báo như trên hôm 10/2/23. Lý do là từ ngày 5/2/23 phương Tây cấm mua vào dầu hỏa của Nga và áp đặt giá trần dầu hỏa, dầu diesel của Nga. Các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa trong nhóm OPEC+ không được thông báo trước về biện pháp này.

(AFP) – Seoul và Bắc Kinh khép lại căng thẳng vì các biện pháp chống Covid. Hàn Quốc thông báo kể từ ngày mai 11/02/2023 sẽ cấp visa trở lại cho công dân Trung Quốc. Seoul giải thích, tỷ lệ hành khách Trung Quốc vào Hàn Quốc nhiễm Covid đang từ 20% khi lệnh ngừng cấp visa cho công dân Trung Quốc được ban hành. Nhưng tuần trước, tỷ lệ dương tính với Covid của các du khách Trung Quốc đã rơi xuống còn 1,4 %. Do vậy dỡ bỏ các biện pháp giới hạn sự hiện diện của du khách Trung Quốc vào xứ Hàn là «hợp lý».

(AFP) – Một người giúp việc Indonesia tại Hồng Kông được bồi thường 100.000 euro vì bị chủ bạo hành. Một tòa án Hồng Kông hôm 10/02/2023 ra phán quyết, bồi thường cho bà Kartika Puspitasari, 40 tuổi, người Indonesia số tiền nói trên. Lý do bà bị chủ nhà hành hạ thể xác, sỉ nhục và bóc lột trong hai năm liên tiếp. Hồng Kông là nơi đón nhận 340.000 người giúp việc nước ngoài. Chủ yếu là người Philippines và Indonesia.

(Le Figaro) – Trung Quốc có ý đồ tấn công Đai Loan, nhưng không chắc là trước năm 2030.Ely Ratner, chuyên gia về các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ, nhận định như trên hôm 09/02/2023 trước Ủy ban đối ngoại của Thượng Viện Mỹ. Bắc Kinh vẫn coi đảo Đài Loan, với 24 triệu dân, là một tỉnh của Trung Quốc chưa được thống nhất từ sau nội chiến 1949.

(AFP) – Thương lượng giữa Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) với Pakistan về tài trợ kinh tế đã đạt những tiến triển đáng kể. Thông báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được đưa ra hôm nay 10/02/2023 sau khi chuyến thăm của một nhóm quan chức FMI đến Pakistan kết thúc vào hôm qua 09/02. Đôi bên đã thảo luận về các biện pháp chính trị để Pakistan điều chỉnh các bất cân đối bên trong và ngoài nước, điều kiện để FMI giải ngân một khoản cho vay mới. FMI cho Pakistan vay 6,5 tỉ đô la nhưng cho đến nay mới giải ngân ½ khoản tiền này.

(RFI) – Moldova cho biết đã xác định được một số hoạt động “gây bất ổn” của Nga. Sau khi tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố đã ngăn chặn được một kế hoạch của Nga liên quan đến Moldova, tình báo Moldova ngày 09/02/2023 khẳng định rằng chính họ đã phát hiện ra các hoạt động “gây bất ổn”. Trong một thông cáo, cơ quan tình báo SIS của Moldova nói rõ: “Dựa trên thông tin do đối tác Ukraina cung cấp và dữ liệu nội bộ, chúng tôi xác nhận rằng chúng tôi đã xác định được các hoạt động làm suy yếu và gây bất ổn cho Moldova”.

(AFP) – Nicaragua: Hơn 200 tù nhân chính trị được trả tự do và trục xuất qua Mỹ. Trong một động thái bất ngờ có thể khởi động lại đối thoại với Washington, chính quyền Nicaragua của tổng thống Daniel Ortega ngày 09/02/2023 đã thả 222 tù nhân chính trị, trong đó có một người Mỹ cùng 2 phụ nữ Pháp, và trục xuất ngay những người này qua Hoa Kỳ. Quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán kín đáo và chỉ được công bố khi cả nhóm đang trên đường đến Mỹ.

(AFP) – Nhà soạn nhạc huyền thoại Mỹ Burt Bacharach qua đời, thọ 94 tuổi. Tác giả các ca khúc nổi tiếng như “I say a little Prayer for You” hay “Raindrops keep Fallin’ on My Head” trong những năm 1960, 1970, đã qua đời ngày 8/2/23 ở Los Angeles. Lúc sinh thời, Burt Bacharach từng cộng tác với các ngôi sao sang chói từ Marlene Dietrich, Dionne Warwick, Aretha Franklin cho đến Dusty Springfield hay Tom Jones. Ông cũng đã đoạt được rất nhiều giải thưởng danh giá, như ba giải Oscar, một giải Emmy, tám giải Grammy trong đó có giải thành tựu trọn đời và hai giải Quả Cầu Vàng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230210-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p