George Kennan đã tiên tri chính xác về quan hệ Nga-Ukraine như thế nào?
Đối với nhiều thế hệ quan chức ngoại giao Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, George Kennan (sinh ngày 16/2/1904 và mất ngày 17/3/2005) được coi là nhà ngoại giao kỳ cựu và vĩ đại nhất. George Kennan được coi là cha đẻ của một trong những chiến lược lớn nhất, dài nhất, tốn kém nhất và được thực thi liên tục bởi nhiều đời Tổng thống Mỹ trong suốt 45 năm, từ năm 1946-1990, đó là Chiến lược Kiềm chế (Containment Strategy – hay còn gọi là Chiến lược Ngăn chặn).
George Kennan gia nhập Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1926 ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton. Kennan đã chọn “nghiệp” nghiên cứu về Liên Xô, làm việc tại nhiều phái đoàn ngoại giao Mỹ ở châu Âu, đọc thông viết thạo tiếng Nga, hiểu được tâm lý, văn hóa Nga và nhanh chóng trở thành chuyên gia hàng đầu về Nga, Liên Xô của Bộ Ngoại giao Mỹ nói riêng và nước Mỹ nói chung.
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quan hệ giữa Liên Xô với Mỹ và Anh là quan hệ đồng minh và ba nước này là nòng cốt của phe Đồng minh chống lại Khối trục Phát-xít (gồm Nhật, Italia và Đức). Thực ra đây là một liên minh có tính tình thế với mục đích đánh bại các nước Phát-xít vì sự tồn tại của chính mình, chứ kỳ thực các lợi ích, giá trị chung để gắn kết quan hệ liên minh 3 nước không nhiều.
Do đó, sau khi kẻ thù chung là phe Phát-xít bị đại bại, các nghi ngờ về ý đồ chiến lược cũng như sự rạn nứt liên minh giữa Liên Xô với Mỹ, Anh và Phương Tây là đương nhiên. Lúc này cả hai phe do Mỹ và Liên Xô cầm đầu đều có nhu cầu tập hợp đồng minh, bảo vệ khu vực ảnh hưởng đã được phân chia theo các Hiệp định Yalta và Postdam, đồng thời cạnh tranh quyết liệt về quyền lực và ảnh hưởng tại các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, do quan hệ đồng minh và hợp tác Mỹ-Anh-Xô được xây dựng và củng cố trong suốt cuộc chiến, nên người dân các nước này có thái độ hữu nghị và tình cảm tương đối tốt với nhau. Trong bối cảnh mới khi không còn coi nhau là “bạn”, là “đồng minh”, và vì cuộc chiến sinh tồn mới nên cả hai phía đều phải tìm các lý do “hợp lý” để có thể coi nhau như những kẻ thù không đội trời chung.
Đặc biệt nước Mỹ cần tìm một “con ngáo ộp” đủ lớn, đủ mạnh để tập hợp lực lượng đồng minh, củng cố sự thống nhất và đoàn kết cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm thiết lập một trật tự mới do Mỹ lãnh đạo. Trong bối cảnh đó Mỹ rất cần có một sự đánh giá mới về Liên Xô nhằm xây dựng chiến lược mới.
Ngày 3/2/1946, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Bức điện mật số 284 cho Sứ quán Mỹ tại Moscow, yêu cầu phân tích và đánh giá 5 điểm sau về Liên Xô:
- Các nét cơ bản về Tầm nhìn của Liên Xô thời hậu chiến;
- Cơ sở của Tầm nhìn này là gì;
- Khả năng hiên thực hóa chính sách này trong các tuyên bố, văn kiện chính thức;
- Các tiếp xúc hoặc đánh giá bên ngoài về việc thực hiện chính sách này;
- Cách thức đối phó của Mỹ.
Khi đó George Kennan là Đại biện lâm thời của Mỹ tại Moscow (do Đại sứ vắng mặt) và đây là lúc Kennan thể hiện dấu ấn và khả năng của mình. Ngày 22/2/1946, George Kennan đích thân thảo một bức điện dài (gần 20 trang). Đây là một điều rất không bình thường. Vì do lý do bảo mật nên giữa Bộ Ngoại giao các nước và các Sứ quán bên ngoài hiếm khi trao đổi các bức điện dài như vậy. Và cũng chính vì lý do này nên bức điện trả lời của George Kennan được gọi là The Long Telegram (Bức điện tín dài).
Trong bức điện này, George Kennan không chỉ trả lời cặn kẽ các câu hỏi trên, mà còn phân tích một cách toàn diện về các vấn đề sau: (i) Tư duy đối ngoại của Nga/Liên Xô; (ii) Tại sao Nga/Liên Xô lại có tư duy này; (iii) Tư duy này được thể hiện ra sao trên thực tế và Liên Xô sẽ hành động như thế nào; (iv) Chiến lược mới mà Liên Xô sẽ áp dụng có các tác động và hệ quả ra sao đối với Mỹ và đồng minh; (v) Mỹ cần có các chiến lược gì để đối phó với Liên Xô.
Cụ thể, George Kennan cho rằng:
Một, tư duy đối ngoại của Liên Xô xuất phát từ truyền thống tư duy lâu đời của người Nga hình thành từ hình thể địa lý đất nước, truyền thống văn hóa và tâm lý, đó là luôn ở trong trạng thái bất an, cho rằng các đế quốc châu Âu luôn tìm cách làm suy yếu nước Nga. Ý thức hệ không tác động nhiều đến tư duy này.
Hai, người Nga không có văn hóa thỏa hiệp chính trị kiểu Mỹ-Anh, do đó không thể chung sống theo kiểu “cùng tồn tại hòa bình” với Mỹ và Anh, mà chỉ có kiểu đấu tranh “một mất, một còn”. Do đó, Mỹ và phương Tây sẽ không thể chung sống hòa bình với Liên Xô, mà quan hệ sẽ là đối đấu cho đến khi một trong hai bên bị sụp đổ. Cuộc đấu này sẽ kéo dài và Liên Xô rất kiên trì, do đó Mỹ cần phải chuẩn bị một chiến lược dài hơi.
Ba, để đối phó với Liên Xô, Kennan cho rằng Mỹ cần xây dựng một chiến lược mới, đó là Chiến lược Kiềm chế nhằm kiềm chế Liên Xô một cách toàn diện. Kennan cũng cho rằng Mỹ cần phải củng cố trận địa của mình là 3 trung tâm gồm Mỹ, Nhật, và châu Âu. Kennan dự đoán sự cạnh tranh ảnh hưởng diễn ra khốc liệt nhất tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Phân tích này là một trong các nguyên nhân đưa đến sự ra đời của Kế hoạch Marshall giúp phục hồi kinh tế Nhật và châu Âu sau chiến tranh.
Bốn, Kennan cho rằng việc kiềm chế chỉ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Theo Kennan, Liên Xô cũng có điểm yếu về tâm lý là “ngại” đối đầu trực diện, do đó nếu Mỹ và phương Tây thi hành chính sách kiềm chế một cách kiên định không ngại va chạm và kiên quyết giành giật ảnh hưởng với Liên Xô thì Liên Xô sẽ phải chùn bước.
Bức điện sau khi gửi đã gây “chấn động” trong giới ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn nội dung vẫn chưa được phản ánh đầy đủ lên giới lãnh đạo cấp cao. Thất vọng nhưng không bỏ cuộc, George Kennan lấy phần lớn nội dung trong bức điện gửi ngày 22/3/1946 sửa lại thành bài báo ký bút danh “X” và đăng trên Tạp chí Foreign Affairs số tháng 7/1947. Từ đây, bài báo đã gây lên một cơn “địa chấn” trong giới nghiên cứu chiến lược và hoạch định chính sách Mỹ và giúp định hình ra Chiến lược Kiềm chế của Mỹ sau này.
Mặc dù được coi là cha đẻ của Chiến lược kiềm chế, nhưng điều trớ trên là chính Kennan đã có lúc bị những kẻ “Diều hâu” (the Hawks) chỉ trích là “Bồ câu” (the Dove) do: (i) quá “mềm yếu” với Liên Xô; (ii) không chủ trương đối đầu về quân sự, mà chỉ chủ yếu đối đầu về ngoại giao, chính trị và kinh tế; (iii) Chiến lược Kiềm chế của Kennan chủ yếu mang tính phòng thủ.
Sau đó Chiến lược Kiềm chế của Kennan bị giới “Diều hâu” trong chính giới Mỹ bắt cóc, và được Paul Nitze, người thay Kennan làm Vụ trưởng Chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao bổ sung thêm yếu tố kiềm chế quân sự, còn Ngoại trưởng khét tiếng “diều hâu” John Foster Dulles dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower thì “bác bỏ” Chiến lược kiềm chế của Kennan, mà đòi chuyển sang Chiến lược đẩy lui Chủ nghĩa cộng sản (Rollback). Còn bản thân Kennan vẫn không thay đổi lập trường “bồ câu”, chỉ trích mạnh mẽ sự can thiệp quân sự của Mỹ tại Triều Tiên và Afghanistan.
Cho đến nay, sau khi Liên Xô và khối Đông Âu đã sụp đổ gần một phần tư thế kỷ, nhìn lại chính sách của Mỹ và phương Tây hiện nay đối với Nga rõ ràng có lý do để tin rằng các đánh giá của Mỹ và phương Tây về Nga không có nhiều thay đổi và dường như Chiến lược kiềm chế đang “đội mồ” sống dậy trở lại.
TS. Hoàng Anh Tuấn là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không phải quan điểm của cơ quan nơi tác giả công tác.
George Kennan đã tiên tri chính xác về quan hệ Nga-Ukraine như thế nào?
Nguồn: Frank Costigliola, “Kennan’s Warning on Ukraine,” Foreign Affairs, 27/01/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Tham vọng, bất ổn, và những hiểm họa của nền độc lập
George Kennan, nhà ngoại giao xuất chúng và nhà quan sát quan hệ quốc tế người Mỹ, đã trở nên nổi tiếng nhờ dự báo về sự sụp đổ của Liên Xô. Một dự báo ít được biết đến hơn của ông là lời cảnh báo năm 1948, rằng sẽ không có chính phủ Nga nào chấp nhận nền độc lập của Ukraine. Đoán trước được bế tắc giữa Moscow và Kyiv, vào thời điểm đó, Kennan đã đưa ra những gợi ý chi tiết về cách Washington nên giải quyết cuộc xung đột giữa một Ukraine độc lập với Nga. Ông trở lại với chủ đề này nửa thế kỷ sau đó. Kennan, khi ấy đang trong độ tuổi 90, đã cảnh báo rằng việc NATO mở rộng về phía đông sẽ hủy hoại nền dân chủ ở Nga và châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh khác.
Kennan có lẽ biết rõ về nước Nga hơn bất kỳ ai từng phục vụ trong chính phủ Mỹ. Ngay từ trước khi đến Moscow vào năm 1933 với tư cách là một phụ tá 29 tuổi của đại sứ Mỹ đầu tiên tại Liên Xô, ông đã thông thạo tiếng Nga ở trình độ như người bản xứ. Ở Nga, Kennan đắm mình trong báo chí, công văn, văn học, các chương trình phát thanh, sân khấu, và phim ảnh. Ông tiệc tùng đến kiệt sức trong những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng với các nghệ sĩ, trí thức, và quan chức Nga cấp thấp. Ăn mặc như người Nga chính hiệu, Kennan đã nghe lỏm những cư dân Moscow trên xe điện hoặc ở rạp hát. Ông còn có những chuyến đi leo núi hoặc trượt tuyết ở vùng nông thôn để thăm những viên ngọc quý của kiến trúc Nga thời kỳ đầu. Thái độ khinh bỉ của ông đối với chế độ độc tài Joseph Stalin, đặc biệt là sau khi cuộc thanh trừng đẫm máu năm 1935-1938 nổ ra, cũng là bởi mong muốn được gần gũi với người dân Nga và nền văn hóa của họ. Năm 1946, sau khi gửi cho Bộ Ngoại giao Mỹ Bức điện Dài nổi tiếng, cảnh báo về mối đe dọa từ Liên Xô, Kennan được mời về Washington. Một năm sau, ông nhận được sự chú ý của cả nước nhờ bài báo trên tạp chí Foreign Affairs kêu gọi ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô.
Kennan là người có một không hai. Khi Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Dean Acheson nói với một đồng nghiệp rằng Kennan được dự kiến sẽ đứng đầu Ban Hoạch định Chính sách mới được thành lập, người đồng nghiệp đó trả lời rằng “một người như Kennan sẽ rất phù hợp với công việc đó.” Acheson đáp, “Một người như Kennan? Làm gì có ai như Kennan.” Làm việc trong văn phòng ngay cạnh văn phòng bộ trưởng ngoại giao, Kennan đã giúp xây dựng Kế hoạch Marshall và nhiều sáng kiến lớn khác của thế kỷ trước.
Vận may của Kennan tàn dần sau năm 1949, khi ông phản đối xu hướng quân sự hóa trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhưng ông vẫn được tôn sùng như một chuyên gia về Nga. Chính quyền Truman đã xin lời khuyên của ông khi họ sợ kích động Nga tham gia Chiến tranh Triều Tiên. Chính quyền Eisenhower tìm đến ông sau cái chết của Stalin, còn chính quyền Kennedy là trong Khủng hoảng Berlin năm 1961. Bất chấp sự phản đối được công khai trên truyền hình của ông đối với Chiến tranh Việt Nam và cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, Kennan vẫn được các quan chức trong Bộ Ngoại giao và CIA hỏi ý kiến vào những năm 1990. Năm 2003, ông tổ chức một cuộc họp báo phản đối cuộc xâm lược Iraq. Dù là một nhân vật tinh hoa bị ảnh hưởng bởi những định kiến xấu mà ông từng tiếp xúc vào đầu thế kỷ 20, Kennan vẫn là một nhà phân tích chính sách đối ngoại sáng suốt cho đến khi ông qua đời vào năm 2005.
Về góc độ chuyên môn, chúng ta nên xem xét cả sự hoài nghi của Kennan về nền độc lập của Ukraine và đề xuất của ông về cách Washington nên phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga chống lại một Ukraine độc lập.
SỰ NGỜ VỰC VỀ UKRAINE
Trong một bài viết về chính sách có tựa đề “Các mục tiêu của Mỹ đối với Nga” (U.S. Objectives with Respect to Russia) được hoàn thành vào tháng 8/1948, Kennan đã trình bày các mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ trong trường hợp người Nga xâm lược Ukraine. Ông nhận ra rằng người Ukraine “căm ghét sự thống trị của Nga; và các tổ chức dân tộc chủ nghĩa của họ đã hoạt động tích cực và công khai ở nước ngoài.” Do đó, sẽ “dễ dàng đi đến kết luận” rằng Ukraine nên được độc lập. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng Mỹ không nên khuyến khích sự chia rẽ đó.
Kennan đã đánh giá quá thấp ý chí tự quyết của người Ukraine. Tuy nhiên, hai vấn đề được ông chỉ ra từ 75 năm trước vẫn tồn tại cho đến ngày nay, đặc biệt là trong tâm trí của giới lãnh đạo Nga. Kennan hoài nghi về việc có thể dễ dàng phân biệt người Nga và người Ukraine về mặt sắc tộc. Ông viết trong một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao rằng “không có ranh giới phân chia rõ ràng giữa Nga và Ukraine, và sẽ không thể thiết lập một ranh giới như vậy.” Thứ hai, nền kinh tế Nga và Ukraine gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc thành lập một Ukraine độc lập “sẽ là thiếu thực tế và có tính hủy diệt giống như một nỗ lực nhằm tách Vành đai Ngô, bao gồm cả khu vực công nghiệp Ngũ Đại Hồ, ra khỏi nền kinh tế Mỹ.”
Bài viết “U.S. Objectives with Respect to Russia” của Kennan.
Kể từ năm 1991, người Ukraine đã cố gắng thiết lập một đường phân chia lãnh thổ và sắc tộc trong khi củng cố nền kinh tế độc lập khỏi gã khổng lồ Nga. Moscow đã làm suy yếu những nỗ lực này bằng cách kích động bất mãn ở các khu vực nói tiếng Nga tại miền đông Ukraine, thúc đẩy các phong trào đòi độc lập, và hiện tại đã chính thức sáp nhập bốn khu vực ly khai. Sau nhiều năm gây áp lực bằng chính trị và kinh tế và giờ đây là bằng sự tàn bạo về quân sự, người Nga đã cố gắng ngăn cản Ukraine độc lập về kinh tế bằng cách hủy hoại các đường ống dẫn khí đốt, ngành xuất khẩu ngũ cốc và vận tải của nước này.
Ngay cả ở giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Kennan vẫn nhấn mạnh rằng “chúng ta không thể thờ ơ với cảm xúc của người Đại Nga.” Bởi người Nga vẫn là “nhân tố sắc tộc mạnh nhất” trong khu vực, nên bất kỳ “chính sách dài hạn khả thi nào của Mỹ cũng phải dựa trên sự chấp nhận và hợp tác của họ”. Một lần nữa, Kennan so sánh quan điểm của Nga về Ukraine với quan điểm của Mỹ về miền Trung Tây. “Cuối cùng thì,” một Ukraine độc lập, riêng biệt chỉ có thể “được duy trì bằng vũ lực.” Vì tất cả những lý do này, một chiến thắng của người Mỹ không nên tìm cách áp đặt nền độc lập của Ukraine đối với một nước Nga đang suy yếu.
Kennan khuyên Bộ Ngoại giao Mỹ rằng nếu người Ukraine tự mình giành được độc lập, thì Washington không nên can thiệp, chí ít là trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, điều gần như không thể tránh khỏi là một Ukraine độc lập “cuối cùng sẽ bị Nga thách thức.” Nếu trong cuộc xung đột đó “xuất hiện một bế tắc không mong muốn,” thì Mỹ nên thúc đẩy “việc hòa giải những khác biệt dựa trên đường lối của một chủ nghĩa liên bang hợp lý.”
Bất chấp những thăng trầm trong 75 năm qua, lời khuyên của Kennan vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay. Một liên bang cho phép quyền tự trị khu vực ở miền đông Ukraine và thậm chí là ở Crimea có thể giúp cả hai bên cùng tồn tại. Nhiều nhà phân tích có xu hướng miêu tả cuộc xung đột hiện tại là “cuộc chiến của Putin,” nhưng Kennan tin rằng bất kỳ nhà lãnh đạo cứng rắn nào của Nga cuối cùng cũng sẽ phản đối việc Ukraine giành độc lập. Cuối cùng, thực tế về nhân khẩu học và địa lý cho thấy rằng, về lâu dài, Nga vẫn sẽ là cường quốc chính ở nơi thường là “vùng đất đẫm máu” đầy bi kịch này. Vì sự ổn định khu vực và vì an ninh lâu dài của nước Mỹ, Washington cần duy trì một sự đồng cảm kiên định và sáng suốt đối với lợi ích của người Nga cũng như của người Ukraine và các quốc gia khác.
NHÀ TIÊN TRI BỊ PHỚT LỜ
Khác với Kennan, nhiều nhà Kremlin học đã không dự đoán được sự sụp đổ của Liên Xô. Ông được ca ngợi như một nhà tiên tri vào cuối Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận về việc mở rộng NATO diễn ra sau đó, ông chỉ được vinh danh chứ không thực sự được lắng nghe. Nghịch lý này được minh họa vào năm 1995, khi cố vấn về Nga của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Strobe Talbott, tìm cách tỏ lòng kính trọng với Kennan, người mà ông vô cùng ngưỡng mộ. Talbott đã mời Kennan bay cùng tổng thống tới Moscow để dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng ở Châu Âu (Ngày 9/5, ngày Đức Quốc Xã đầu hàng). Hồi năm 1945, Kennan, quan chức cấp cao của Mỹ tại Moscow, đã nồng nhiệt chào đón những người Nga vào tòa đại sứ quán. Tuy nhiên, vào năm 1995, người đàn ông 91 tuổi đã từ chối lời mời vì lý do sức khỏe yếu, mà tốt hơn hết, ông nên từ chối lời mời.
Kennan có lẽ sẽ cảm thấy mình bị lợi dụng nếu ông biết được toàn bộ chương trình của chuyến đi. Trong một bản ghi nhớ gửi cho Clinton, Talbott đã mô tả ngày sau lễ kỷ niệm là “Ngày 10/5: Khoảnh khắc của Sự thật.” Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Clinton đã làm theo gợi ý của Talbott và gây áp lực buộc người Nga phải chấp nhận cả sự mở rộng của NATO lẫn việc Moscow tham gia vào Đối tác vì Hòa bình (Partnership for Peace), một dàn xếp được mô tả đúng nhất là “NATO bản nhẹ” được tạo ra để xoa dịu những lo ngại của Nga. Talbott thừa nhận với Clinton rằng “hầu như tất cả những nhân vật quan trọng ở Nga, thuộc mọi thành phần chính trị, đều phản đối sâu sắc, hoặc chí ít cũng lo lắng sâu sắc, về việc mở rộng NATO”.
Năm 1997, Kennan ngày càng lo lắng trước quyết định của Washington khi để NATO không chỉ kết nạp Cộng hòa Czech, Hungary, và Ba Lan, mà còn bắt đầu hợp tác quân sự và hải quân với Ukraine. Đường phân chia đông-tây mới đã buộc Ukraine và các quốc gia khác phải chọn phe. Kennan cảnh báo Talbott trong một bức thư riêng: “Không ở đâu mà sự lựa chọn này lại nghiêm trọng và hàm chứa những hậu quả định mệnh như trong trường hợp của Ukraine.”
Bức thư gửi Talbott của Kennan
Ông đặc biệt lo lắng về Sea Breeze, một cuộc tập trận hải quân chung giữa Ukraine và NATO, kích động nỗi lo thường trực của Nga về các tàu chiến nước ngoài hiện diện trong vùng nước hẹp ở Biển Đen. Dù được mời tham gia tập trận nhưng người Nga đã giận dữ từ chối. Tranh chấp đang diễn ra vào thời điểm đó giữa Kyiv và Moscow về căn cứ hải quân Sevastopol ở Crimea chỉ làm căng thẳng gia tăng. Kennan hỏi Talbott, làm sao mà cuộc tập trận hải quân này có thể phù hợp với nỗ lực của Washington “nhằm thuyết phục Nga tin rằng việc mở rộng NATO về phía biên giới Nga ở Đông Âu không có ý nghĩa gì về quân sự?”
Dù tôn trọng những nghi ngờ của Kennan, Talbott vẫn giữ vững lập trường. Ông cho rằng sự sa sút về kinh tế của Nga có nghĩa là nước này sẽ phải tự điều chỉnh theo cách của phương Tây. Talbott viết cho Kennan rằng “Nga sẽ phải thoát ra khỏi thói quen suy nghĩ và hành xử đã ăn sâu trong tâm trí họ” bằng cách hợp tác thay vì thống trị các nước láng giềng. Người Nga phải điều chỉnh và chấp nhận sức mạnh của Mỹ trên biên giới của mình. Chính quyền Clinton dự định “không ngừng hợp tác với Ukraine, nhưng sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để gắn kết với Nga.”
Bên cạnh dòng chữ mà Talbott nhắc lại “kế hoạch tập trận năm nay ở Trung Á cũng như vùng Baltic,” Kennan, 93 tuổi, bực tức viết hai dấu chấm than. Moscow một lần nữa từ chối tham gia các cuộc tập trận quân sự do phương Tây dẫn đầu, vốn nằm ở những khu vực thuộc quyền kiểm soát của họ chỉ vài năm trước đó.
Các dự đoán thường sai lầm một cách thảm hại. Kennan đã đánh giá thấp mức độ của chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Nhưng những dự đoán năm 1948 của ông về sự kiên định của Nga trong vấn đề Ukraine, và những lời cảnh báo hồi thập niên 1990 của ông về sự vô cảm và tham vọng của Mỹ vẫn đúng cho đến ngày nay. Đề xuất của ông về một hệ thống liên bang và quyền tự trị khu vực ở các lãnh thổ đang tranh chấp vẫn đầy hứa hẹn, dù chúng đang ngày càng khó trở thành hiện thực.
Vấn đề quan trọng nhất ở đây là điều mà nhà sử học Paul Kennedy của Đại học Yale gọi là sự dàn trải sức mạnh quá mức của đế quốc (imperial overstretch). Quay trở lại Thế chiến II, Kennan đã dành thời gian trên những chuyến bay đường dài bằng những chiếc máy bay chở hàng lạnh cóng băng qua Đại Tây Dương để đọc sách của Edward Gibbon về cách Đế chế La Mã suy tàn và sau đó sụp đổ. Kennan luôn hoài nghi về khả năng tồn tại lâu dài của ngay cả những quốc gia hùng mạnh nhất đang duy trì lực lượng quân sự đóng ở nước ngoài. Do đó, ông đã đánh giá thấp tác dụng duy trì ổn định của việc quân đội Mỹ đóng tại Tây Âu trong Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, biên giới quân sự của Mỹ đã tiến xa hơn nhiều về phía đông. Dù cuộc chiến tàn khốc của Nga ở Ukraine có kết thúc như thế nào, Mỹ cũng đã cam kết duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ngay trước sân nhà của Nga. Nếu còn sống đến ngày nay, Kennan sẽ lên tiếng về mối nguy hiểm khi dồn người Nga vào đường cùng đến mức họ phải phản kháng. Ông cũng sẽ chỉ ra nhiều vấn đề trong nước của Mỹ và tự hỏi làm thế nào sự hiện diện quân sự ở Đông Âu lại phù hợp với lợi ích đối nội và đối ngoại lâu dài của người dân Mỹ.
Frank Costigliola là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Connecticut và là tác giả cuốn “Kennan: A Life between Worlds.”