Tin Tổng Hợp – 01/02/23: Mỹ muốn tăng số lính tại Phi; Mỹ-Nam Hàn tập trận trên không; Năm 2022 TC tăng kỷ lục số vụ tuần tra ở vùng biển tranh chấp; Chủ tịch Quốc hội Đài Loan thăm Mỹ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 01/02/23: Mỹ muốn tăng số lính tại Phi; Mỹ-Nam Hàn tập trận trên không; Năm 2022 TC tăng kỷ lục số vụ tuần tra ở vùng biển tranh chấp; Chủ tịch Quốc hội Đài Loan thăm Mỹ

Washington muốn tăng số lính Mỹ tại Philippines

01/02/2023 – Minh Anh – Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hôm nay, 01/02/2023, đã đến Manila để thảo luận về việc triển khai nhiều hơn các lực lượng và vũ khí tại các căn cứ quân sự Philippines. Mục tiêu là ngăn chặn các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với Đài Loan và vùng Biển Đông có tranh chấp. 

Bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin là lãnh đạo cao cấp thứ hai của Mỹ đến thăm Philippines, sau chuyến công du Manila của phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 11/2022. Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ và Philippines đã nồng ấm trở lại, sau những căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm Rodrigo Duterte.

Theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA), ký kết năm 2014, quân đội Mỹ được phép tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines, và có thể luân phiên ở lại các căn cứ này vô thời hạn. Tháng 10/2022, Washington đã tìm cách đưa thêm lực lượng và vũ khí tới 5 căn cứ của Philippines, chủ yếu ở khu vực chính phía bắc đảo Luzon, trong khuôn khổ thỏa thuận nói trên. Yêu cầu này nằm trong chương trình nghị sự trong các cuộc gặp của ông Austin tại Philippines, theo như lời đại sứ Philippines tại Washington.

Theo lịch trình do đại sứ Philippines tại Washington, Jose Romualdez, thông báo, bộ trưởng Lloyd Austin sẽ hội đàm với đồng nhiệm Philippines Carlito Galvez Jr, và cố vấn An ninh Quốc gia Eduardo Ano vào ngày mai 02/02. Lãnh đạo quốc phòng Mỹ sẽ có cuộc điện đàm riêng với tổng thống Ferdinand Marcos Jr.

Trong buổi làm việc đầu tiên hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến thăm một nhóm lính đặc nhiệm chống khủng bố của Mỹ, trú đóng ở miền nam Philippines, chuyên cung cấp thông tin tình báo và cố vấn cho quân đội Philippines chống quân nổi dậy Hồi Giáo, cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ.

AP nhắc lại, Philippines là đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của Mỹ tại châu Á. Quốc gia này còn là một mặt trận quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ sau vụ tấn công ngày 11/09/2001.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230201-washington-mu%E1%BB%91n-t%C4%83ng-s%E1%BB%91-l%C3%ADnh-m%E1%BB%B9-t%E1%BA%A1i-philippines

Quân đội Mỹ-Hàn tập trận trên không

02/02/2023 – Reuters – Hoa Kỳ và Nam Hàn tiến hành các cuộc tập trận không quân phối hợp có sự tham gia của máy bay ném bom B-1B cũng như máy bay chiến đấu F-22 và F-35, Bộ Quốc phòng Nam Hàn cho biết hôm 2/2.

Tập trận của không lực Mỹ-Hàn trên bán đảo Triều Tiên.
Tập trận của không lực Mỹ-Hàn trên bán đảo Triều Tiên.

Bộ nói các cuộc tập trận nhằm thúc đẩy khả năng tương tác giữa quân đội đôi bên và là một minh chứng hiệu quả về khả năng của liên minh trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Thông tin này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đến thăm Seoul.

Trong các cuộc đàm phán tuần này, các bộ trương quốc phòng của Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho biết họ sẽ mở rộng các cuộc tập trận và tăng cường kế hoạch răn đe hạt nhân để chống lại sự phát triển vũ khí của Triều Tiên và ngăn chặn chiến tranh.

Ngày 2/2, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tố cáo các cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và các đồng minh đã đẩy tình hình đến một “lằn ranh đỏ cực độ” và đe dọa biến bán đảo này thành một “kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và một khu vực chiến tranh nguy kịch hơn.”

Tuyên bố do hãng thông tấn nhà nước KCNA loan tải nói rằng Bình Nhưỡng không quan tâm đến đối thoại chừng nào Washington còn theo đuổi các chính sách thù địch.

“Tình hình quân sự và chính trị trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực đã đạt đến giới hạn đỏ cực độ do các cuộc diễn tập đối đầu quân sự liều lĩnh và các hành động thù địch của Mỹ và các lực lượng chư hầu của họ”, một phát ngôn viên giấu tên của Bộ cho biết trong tuyên bố.

Tuyên bố trích dẫn chuyến thăm Seoul tuần này của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin. Ngày 31/1, ông Austin và người đồng cấp Hàn Quốc tuyên bố sẽ mở rộng các cuộc tập trận và triển khai thêm “tài sản chiến lược”, chẳng hạn như tàu sân bay và máy bay ném bom tầm xa, để chống lại sự phát triển vũ khí của Triều Tiên và ngăn chặn chiến tranh.

“Đây là một biểu hiện sống động về kịch bản nguy hiểm của Hoa Kỳ sẽ dẫn đến việc biến bán đảo Triều Tiên thành một kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và một khu vực chiến tranh nguy kịch hơn”, tuyên bố của Triều Tiên nói.

Tuyên bố cho biết thêm, Triều Tiên sẽ đáp trả tương xứng với bất kỳ động thái quân sự nào của Mỹ và có các chiến lược đáp trả mạnh mẽ, bao gồm cả “lực lượng hạt nhân áp đảo nhất” nếu cần.

Hơn 28.500 lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc là di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vốn kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình.

Năm ngoái, Triều Tiên đã tiến hành một số vụ thử phi đạn đạn đạo kỷ lục dù bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Người ta cũng quan sát thấy nước này mở lại địa điểm thử vũ khí hạt nhân đã đóng cửa, làm dấy lên dự kiến về một vụ thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.

“Cuộc tập trận không quân phối hợp lần này cho thấy quyết tâm của Mỹ và khả năng cung cấp khả năng răn đe mở rộng mạnh mẽ và đáng tin cậy chống lại các mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Triều Tiên,” Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/quan-doi-my-han-tap-tran-tren-khong/6944335.html

Biển Đông: Trung Quốc tăng kỷ lục số vụ tuần tra ở vùng biển tranh chấp năm 2022

01/02/2023 – Thu Hằng –Trong năm 2022, lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuần tra gần như hàng ngày quanh các thực thể quan trọng ở Biển Đông, nơi có tranh chấp với nhiều nước trong vùng. Trong báo cáo công bố ngày 30/01/2023, tổ chức Sáng kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI) còn cho biết Trung Quốc gia tăng hiện diện trong bối cảnh căng thẳng tại tuyến đường biển với các nước láng giềng Đông Nam Á vẫn rất cao.

Theo AMTI, «sự hiện diện của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông mạnh mẽ hơn bao giờ hết». Nghiên cứu của tổ chức có trụ sở tại Washington dựa trên số liệu của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) do MarineTraffic cung cấp. Ví dụ, Hải cảnh Trung Quốc tuần tra 344 ngày ở bãi cạn Scarborough, 208 ngày ở đảo Thị Tứ, 279 ngày ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), 316 ngày tại cụm bãi cạn Luconia. Đối với Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), ngoài khơi Việt Nam, nổi tiếng về nguồn dầu khí, tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra đến 310 ngày, so với 142 ngày vào năm 2020.

Ngoài ra, cùng với sự hiện diện khắp nơi của lực lượng dân quân biển, Trung Quốc cho thấy quyết tâm khẳng định quyền kiểm soát đối với khảng 80% diện tích Biển Đông nằm trong đường chín đoạn mà nước này tuyên bố chủ quyền. Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 31/01, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định «đội tàu hải cảnh Trung Quốc tuần tra trong các vùng biển nằm trong quyền tài phán của Trung Quốc để duy trì trật tự hàng hải, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Trung Quốc».

Nhà nghiên cứu Greg Poling, phụ trách chương trình Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington, được trang Bloomberg trích dẫn ngày 31/01, cho rằng «với các cuộc tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong những vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam gần như hàng ngày trong năm, điều đó cho thấy rằng căng thẳng vẫn ở mức cao và va chạm với những nước láng giềng thường xuyên xảy ra»

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230201-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-trung-qu%E1%BB%91c-t%C4%83ng-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-s%E1%BB%91-v%E1%BB%A5-tu%E1%BA%A7n-tra-%E1%BB%9F-v%C3%B9ng-bi%E1%BB%83n-tranh-ch%E1%BA%A5p-n%C4%83m-2022

Chủ tịch Quốc hội Đài Loan thăm Mỹ, kêu gọi bảo vệ Đài Loan

02/02/2023 – Reuters – Chủ tịch quốc hội Đài Loan trong một diễn đàn về tự do tôn giáo quốc tế ở Washington ngày 1/2 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nền dân chủ của hòn đảo trước áp lực từ Trung Quốc.

Chủ tịch quốc hội Đài Loan You Si-kun (phải) chào mừng Chủ tịch Thượng viện Công hòa Czech Milos Vystrcil trước khi ông Vystrcil đọc diễn văn tại Quốc hội Đài Loan, ở Đài Bắc ngày 1/9/2020.
Chủ tịch quốc hội Đài Loan You Si-kun (phải) chào mừng Chủ tịch Thượng viện Công hòa Czech Milos Vystrcil trước khi ông Vystrcil đọc diễn văn tại Quốc hội Đài Loan, ở Đài Bắc ngày 1/9/2020.

Phát biểu trước Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ông You Si-kun chỉ trích gay gắt việc Bắc Kinh đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo và mô tả Đài Loan là nền dân chủ duy nhất trong thế giới nói tiếng Hoa.

Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của hòn đảo tự quản nhưng do Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở trung tâm của các tuyến đường biển toàn cầu quan trọng và là nhà sản xuất chất bán dẫn quan trọng.

“Vì vậy, điều rất quan trọng là phải bảo vệ Đài Loan, đặc biệt là nền dân chủ của đảo,” ông nói.

“Nếu Đài Loan rơi vào tầm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì ngọn hải đăng dân chủ sẽ bị phá hủy. Và Trung Quốc có thể xâm chiếm chuỗi đảo thứ nhất, và sẽ gây ra mối đe dọa cho toàn thế giới”, ông You nói, ám chỉ Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc và tham vọng của đảng trong khu vực Thái Bình Dương.

Phát biểu thông qua một phiên dịch viên, ông You cho biết khoảng 50% vận chuyển toàn cầu đã sử dụng eo biển Đài Loan giữa hòn đảo này với Trung Quốc, “vì vậy đảo có ý nghĩa kinh tế rất quan trọng đối với thương mại toàn cầu.”

“Và… Đài Loan đã sản xuất chip bán dẫn tốt nhất và cũng sẽ rất quan trọng đối với thương mại toàn cầu,” ông nói. “Vì vậy, nếu Đài Loan không được bảo vệ cẩn thận, thì sẽ rất nguy hiểm đối với thương mại toàn cầu cũng như hòa bình thế giới.”

Ông You, người thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền của Đài Loan nhưng không
phát biểu thay cho Tổng thống Thái Anh Văn, đang ở Washington trong bối
cảnh có đồn đoán rằng Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng hòa Kevin
McCarthy có thể sớm đến thăm hòn đảo này.

Nói chuyện với các phóng viên sau đó, ông You từ chối cho biết liệu ông có gặp các quan chức Hoa Kỳ hay ông McCarthy trong thời gian ở Hoa Kỳ hay không. Ông cho biết Trung Quốc đã phản ứng thái quá trước những chuyến thăm như vậy của quốc hội, điều mà ông gọi là “rất bình thường”.

Vào tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, một đảng viên Đảng Dân chủ, đã đến thăm Đài Loan và gặp bà Thái Anh Văn, bất chấp những cảnh báo từ Trung Quốc, nước đã tiến hành các cuộc tập trận quanh hòn đảo để đáp trả, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể thực hiện lời đe dọa chiếm đảo bằng vũ lực nếu cần.

Kể từ đó, Đài Loan đã chào đón một làn sóng các nhà lập pháp Hoa Kỳ và những đồn đoán xoay quanh việc liệu ông McCarthy sẽ đến đó vào mùa xuân hay mùa hè này hay không. Ông McCarthy năm ngoái đã bày tỏ mong muốn đến thăm Đài Loan nếu ông trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ, vai trò mà ông đảm nhận vào tháng 1 năm nay sau khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 năm ngoái.

Giống như hầu hết các quốc gia, Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp phải cung cấp cho hòn đảo các phương tiện để tự vệ.

Washington từ lâu mắc kẹt trong chính sách “mơ hồ chiến lược” và không nói rõ liệu họ có đáp trả bằng quân sự trước một cuộc tấn công vào Đài Loan hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden đã nói vào tháng 9 năm ngoái rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược, đây là tuyên bố rõ ràng nhất của ông về vấn đề này.

https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-quoc-hoi-dai-loan-tham-my-keu-goi-bao-ve-dai-loan/6944303.html

(Reuters) – Việt Nam: Một phi công thiệt mạng trong tai nạn máy bay trực thăng. Máy bay Su22 do đại úy phi công Trần Ngọc Duy điều khiển gặp nạn trưa ngày 31/01/2023 trong khi tập huấn tại vùng núi Yên Bái, miền bắc Việt Nam. Phi công được lệnh nhảy dù nhưng do cố cứu máy bay nên đã thiệt mạng khi máy bay rơi. Nhiều vụ tai nạn máy bay quân sự đã xảy ra ở Việt Nam.

(AFP) – Ukraina tăng cường điều tra tham nhũng. Trên mang Telegram ngày 01/02/2023, ông David Arakamia, chủ tịch đảng cầm quyền của tổng thống Zelensky, cho biết chiến dịch của cảnh sát nhắm vào tỉ phú Igor Kolomoisky, cựu bộ trưởng Nội Vụ Arsen Avakov, còn ban giám đốc hải quan đã bị sa thải. Nhiều quan chức của bộ Quốc Phòng cũng bị các nhà điều tra thẩm vấn. Tệ nạn tham nhũng vẫn hoành hành ở Ukraina, kể cả lúc chiến tranh, liên quan đến cung ứng cho quân đội.

(AFP) – NATO hoan nghênh kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng Nhật Bản. Phát biểu tại đại học Keio, Tokyo, tổng thư ký NATO, Jens Stolstenberg hôm nay, 01/02/2023, đánh giá kế hoạch tăng mạnh ngân sách quốc phòng của Nhật Bản phản ảnh cam kết của Tokyo đối với an ninh trong một thế giới «nhiều biến động» và nhấn mạnh, cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành là một vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến cả môi trường an ninh châu Á.

(AFP) –Tên lửa tầm xa của phương Tây không cản được cuộc tiến công của Nga. Điện Kremlin ngày 01/02/2023 đánh giá khả năng cung cấp tên lửa tầm xa của Mỹ cho Ukraina sẽ «chẳng thay đổi được dòng chiến sự», và Nga vẫn sẽ theo đuổi cuộc tấn công bằng mọi giá. Cũng theo lời ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin, việc cung cấp tên lửa có tầm bắn 150 km sẽ dẫn đến «khích động căng thẳng, đẩy sự leo thang lên một mức cao hơn (…)».

(AFP) – Washington tố cáo Matxcơva không tôn trọng New Start. Hôm qua, 31/1/23, Hoa Kỳ khẳng định rằng Nga đã không tuân thủ Hiệp ước New Start, thỏa thuận giải trừ hạt nhân sau cùng kết nối hai nước. Ngành ngoại giao Mỹ trách cứ Matxcơva đã đình chỉ các cuộc thanh sát và hủy những cuộc đàm phán dự kiến trong khuôn khổ hiệp ước này nhưng lại không tố cáo Nga đã mở rộng kho vũ khí hạt nhân vượt quá giới hạn thỏa hiệp.

(AFP) – Covid-19: Trung Quốc chạm ngưỡng “miễn dịch cộng đồng tạm thời”. Một lãnh đạo y tế tại Bắc Kinh ngày 31/01/2023, còn khẳng định thêm rằng đợt bùng phát dịch Covid-19 đang đến hồi kết thúc. Nhiều dấu hiệu cho thấy đà lây nhiễm đang chậm lại. Theo giới chức Trung Quốc, số ca tử vong thường nhật do Covid-19 trong tuần qua đã giảm đến gần 80% so với đầu tháng Giêng năm 2023.

(AFP) – Liên Hiệp Quốc báo động nạn buôn thuốc giả tại các nước vùng Sahel. Trong một báo cáo công bố hôm qua, 31/01/2023, Cơ quan chống thuốc phiện và tội ác của Liên Hiệp Quốc (ONUDC) cho biết có đến 50% thuốc nhập khẩu tại các nước vùng Sahel (Trung Phi) có chất lượng thấp hơn chuẩn quy định hoặc là giả. Nạn thuốc giả hoành hành mạnh đặc biệt tại 5 nước: Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger và Tchad, những quốc gia nghèo đang phải đối mặt với muôn vàn bạo lực, trong đó có thánh chiến.

(AFP) – Lạm dụng tình dục tại WHO : Khoảng 50 nước đòi truy tố các thủ phạm. Hơn 50 nước thành viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS) hôm 31/01/2023, đòi trừng phạt các nhân viên của tổ chức y tế quốc tế này, những người bị cáo buộc lạm dụng tình dục. Trong cuộc họp Hội Đồng Hành Pháp của WHO, những nước này còn yêu cầu rằng các nạn nhân phải được đền bù thích đáng. WHO buộc phải hành động sau tiết lộ năm 2020, về nạn lạm dụng tình dục lan tràn trong số nhân viên hoạt động nhân đạo tại Cộng Hòa Dân Chủ Congo.

(Reuters) – Liên Hiệp Châu Âu trình bày kế hoạch về công nghệ xanh. Kế hoạch dự kiến được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen công bố ngày 01/02/23 nhằm cạnh tranh với Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ xanh và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Trước mắt, các nước thành viên Liên Âu có thể sử dụng khoản tín dụng 225 tỉ euro vẫn còn trong quỹ tái thiết hậu Covid-19 để thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm khí thải trong lĩnh vực công nghiệp. Sau đó, Ủy Ban Châu Âu sẽ đề xuất thành lập một Quỹ chủ quyền châu Âu dành cho đầu tư vào công nghệ mới.

(AFP) – Pháp nới lỏng một số biện pháp phòng chống Covid-19. Kể từ ngày 01/02/2023, người nhiễm virus corona sẽ không bị cách ly bắt buộc. Việc truy xét những ca tiếp xúc cũng bị xóa bỏ. Trường hợp tiếp xúc cũng không bị bắt buộc xét nghiệm Covid-19. Còn Hoa Kỳ dự kiến chấm dứt tình trạng khẩn cấp dịch tễ từ ngày 11/05. Chính phủ sẽ không mua vac-xin cho dân. Người dân hoặc các cơ quan bảo hiểm chịu trách nhiệm về chi phí tiêm phòng và xét nghiệm. Dự kiến có vài triệu người dân Mỹ sẽ không được hưởng tiêm phòng miễn phí.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230201-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(AP) – NATO muốn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản để bảo vệ dân chủ. Sau Hàn Quốc, ông Jens Stoltenberg đã đến Tokyo tối 30/01/2023. Trong chuyến thăm căn cứ không quân Iruma, phía bắc thủ đô Tokyo, ngày 31/01, tổng thư ký NATO nhấn mạnh «chiến tranh ở Ukraina cho thấy an ninh của chúng ta (Nhật Bản và NATO) liên quan chặt chẽ với nhau». Ông cũng cảnh báo về «thông điệp nguy hiểm» gửi đến các nhà lãnh đạo độc tài trên thế giới nếu «tổng thống Putin giành chiến thắng ở Ukraina» rằng họ «có thể đạt được các mục tiêu khi dùng vũ lực». Theo lịch trình, tổng thư ký NATO gặp thủ tướng Kishida tối 31/01 và tổ chức họp báo chung.

(AFP) – Pakistan: Một đền thờ Hồi giáo bị khủng bố, ít nhất 95 người thiệt mạng. Một kẻ khủng bố trà trộn làm khách mời, mang theo 10 đến 12 kg «vật liệu nổ» vào đền thờ Hồi giáo trong trụ sở cảnh sát Pakistan ở thủ phủ tỉnh Peshawar, gần Afghanistan, nơi có khoảng 300 đến 400 cảnh sát tập trung cầu nguyện chiều 30/01/2023. Theo cảnh sát trưởng thành phố, khi trả lời báo giới ngày 31/02, chủ mưu vụ khủng bố là có thể là «một nhóm chiến binh có liên quan trực tiếp với lực lượng Taliban ở Pakistan» nhằm «làm mất tinh thần» cảnh sát vì họ «đứng trên tuyến đầu chống lực lượng khủng bố» kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 08/2021.

(AFP) – Ukraina cấm quan chức cấp cao đi nghỉ ở nước ngoài. Người phát ngôn lực lượng biên phòng Ukraina, được AFP trích dẫn ngày 30/1/23, cho biết nghị quyết của chính phủ được thông qua ngày 27/01 và áp dụng đối với cả phụ nữ là quan chức cấp cao, cũng như các nghị sĩ, dân biểu địa phương. Những quan chức này «chỉ được ra nước ngoài trong khuôn khổ công tác». Lệnh cấm được chính phủ Ukraina ban hành sau khi báo chí phanh phui vụ một trợ lý chưởng lý đi nghỉ ở bãi biển Marbella nổi tiếng của Tây Ban Nha.

(Le Figaro) – Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) có chút lạc quan về kinh tế thế giới. Theo dự báo của IMF, tăng tưởng toàn cầu năm 2023 có thể sẽ đạt 2,9%, tăng nhẹ 0,2% so với mức tăng trưởng dự báo hồi tháng 10/2022. Cụ thể về từng nước, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hôm nay 31/01/2023 dự báo mức tăng trưởng của Mỹ sẽ tăng thêm 0,4% so với dự báo hồi tháng 10, Đức tăng 0,4%, Ý tăng 0,8%… Anh Quốc là nước duy nhất trong nhóm các nước phát triển bị IMF dự báo mức tăng trưởng giảm mất 0,6%.  

(Le Monde) – Đan Mạch cấp quy chế tị nạn một cách có hệ thống cho phụ nữ và bé gái Afghanistan. Ủy ban Kháng cáo Tị nạn Đan Mạch trong thông cáo hôm 30/1 cho biết quyết định cấp quyền tị nạn cho người Afghanistan thuộc giới nữ dựa trên thông tin liên quan đến tình trạng điều kiện sống của họ tại Afghanistan xuống cấp kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền hồi tháng 08/2021. Ủy ban cũng sẽ xem xét lại các trường hợp liên quan đến phụ nữ Afghanistan mà họ đã từ chối cho tị nạn sau khi Taliban lên nắm quyền, nhằm cấp giấy phép cư trú cho những có người liên quan theo quyết định mới này.

(France 24) – Bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina được tổng thống Pháp tiếp đón tại điện Elysée. Phủ tổng thống Pháp hôm nay 31/01/2023 ra thông cáo cho biết tổng thống Macron tiếp bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina Oleksiy Reznikov vào chiều nay. Mục đích cuộc gặp là để Pháp nhắc lại sự ủng hộ hoàn toàn đối với Kiev trong cuộc chiến của Ukraina chống quân Nga xâm lược và việc Paris sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các lực lượng vũ trang Ukraina. Ông Emmanuel Macron cũng sẽ gặp chủ tịch Quốc hội Ukraina, Rouslan Stefantchouk, người có bài phát biểu trước Hạ Viện Pháp vào chiều nay 15 giờ và trước Thượng Viện Pháp vào thứ Tư 01/02.

(AFP) – WHO vẫn đặt Covid-19 ở mức khẩn cấp dịch tễ quy mô quốc tế. Ngày 30/01/2023, tổng giám đốc tổ chức Y Tế Thế Giới quyết định duy trì mức báo động tối đa sau khi Ủy ban khẩn cấp về Covid-19 ra những khuyến cáo mới trong cuộc họp hôm 27/01. Theo Ủy ban, đại dịch «có thể» đang đến gần «chặng chuyển tiếp» và phải tiến một cách thận trọng trong giai đoạn này, cũng như giảm những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Cũng trong ngày 30/01, hội Chữ Thập Đỏ cảnh báo thế giới «thiếu chuẩn bị một cách nguy hiểm» cho đại dịch sắp tới, trong khi các cuộc khủng hoảng dịch tễ tương lai có thể xảy ra cùng lúc với thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230131-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p