Nhân chứng người Việt kể về Cách mạng Nhung 1989 tại Tiệp Khắc
Vào ngày 17/11/1989, hàng ngàn sinh viên tụ tập tại thủ đô Prague của Tiệp Khắc, biểu tình ôn hoà để kỷ niệm Ngày Sinh viên Quốc tế.
Không mấy ai ngờ đến rằng cuộc biểu tình có vẻ như vô hại hôm đó đã châm ngòi cho việc sụp đổ nhanh chóng chỉ 10 ngày sau đó của chính quyền nước Tiệp Khắc XHCN vốn đã nắm quyền hơn 40 năm tại quốc gia Trung Âu.
Cuộc biểu tình ôn hoà của sinh viên kết thúc trong bạo lực tại trung tâm Prague, với việc cảnh sát chống bạo động chặn kín các lối thoát và đánh đập tàn nhẫn những người tham gia, từ đó dẫn tới cuộc Cách mạng Nhung, một làn sóng biểu tình mạnh mẽ diễn ra gần như hàng ngày tại các thành phố trên toàn quốc.
Nhà báo Nguyễn Giang (bìa phải) nói chuyện với các nhân chứng của một thời kỳ lịch sử ở Tiệp Khắc6 tháng 1 2023
Các nhân chứng người Việt kể lại với BBC News Tiếng Việt vào đầu tháng 12/2022 về những gì họ tận mắt chứng kiến những gì diễn ra trong Cách mạng Nhung và quá trình chuyển đổi của Cộng hoà Czech trong hơn ba thập niên qua.
Họ chia sẻ cái nhìn cá nhân về ảnh hưởng của quá trình này đối với đời sống chính trị, xã hội Việt Nam cũng như đối với cộng đồng người Việt sinh sống tại Czech kể từ đó tới nay.
Ông Phạm Hữu Uyển nhớ lại về giai đoạn biến động cuối 1989 ở Prague
“Hồi đang học năm thứ tư Đại học Tổng hợp Prague thì tôi đi thực tập tại Viện Máy Toán học, công ty duy nhất ở Tiệp khi đó sản xuất máy tính, cả phần cứng và phần mềm,” ông Phạm Hữu Uyển nhớ lại.
“Sang Tiệp học tập được một thời gian, tôi nhận thấy người dân ở đây không ưa chế độ Cộng sản. Các bạn sinh viên học cùng thì chửi Cộng sản liên mồm. Từ Việt Nam, một nước Cộng sản sang, tôi thấy giật mình vì thấy họ ‘đi xa’ hơn mình rất nhiều.”
“Làm việc tại Viện một thời gian, tôi chơi thân với vài người bạn Tiệp. Từ thời 1984, 1985, trong môi trường đó, tôi được đọc những tài liệu mà họ in ấn tại công ty.”
“Đến đầu năm 1989, bắt đầu có vài cuộc biểu tình nổ ra rất mạnh rồi.”
Cựu sinh viên Chu Đình Lân là người trực tiếp tham dự cuộc tuần hành lịch sử 17/11/1989 ở thủ đô Liên bang CHXHCN Tiệp Khắc
Ông Chu Đình Lân, người trực tiếp tham dự cuộc tuần hành lịch sử 17/11, nhớ lại:
“Hôm đó là chiều thứ Sáu. Đó là cuộc biểu tình đã được nhà nước chính thức cho phép tổ chức. Họ tổ chức tại phố Albertov, ở chỗ khoa Tự nhiên và khoa Y, nơi tôi học năm thứ ba.
“Sau đó đoàn người đi tới Vysehrad, tức là khu mộ danh nhân, nằm cách đó khoảng 1km rồi đi dọc bờ sông để rẽ vào Quảng trường Wenceslas.
“Lúc đó thì cảnh sát chặn lại, đàn áp ở phố Narodni, khiến rất nhiều người bị thương.
“Có tin là một sinh viên chết, gây thêm mức độ phẫn nộ của giới sinh viên và dân chúng. Tin này như ngòi nổ, tạo mức độ hăng hái cho mọi người tiếp tục biểu tình.
“Sang đến thứ Bảy, Chủ Nhật, sinh viên tiếp tục tổ chức các hoạt động ngấm ngầm ở trong ký túc xá. Diễn đàn Công dân của Tiệp cũng được thành lập vào những ngày này.
“Giới trí thức, văn nghệ sĩ tập hợp bên nhau, và Diễn đàn Công dân được chính thức thành lập vào ngày 19/11, trong đó có ông Havel và các nhà bất đồng chính kiến khác.”
Cây viết Vaclav Havel năm 1989 nổi lên thành gương mặt hàng đầu trong giới bất đồng chính kiến Tiệp Khắc trong cuộc Cách mạng Nhung, và trở thành tổng thống đầu tiên của Tiệp thời hậu Cộng sản.
Nhân dân Czech xuống đường đòi tự do
Không lâu sau đó, ngày 31/12/2022, Tiệp Khắc chia tách thành Cộng hoà Czech và Slovakia, một trong những cuộc “chia tay” hiếm hoi không để xảy ra tổn thất nhân mạng nào.
Cuộc ‘Ly hôn Nhung’ đưa Cộng hoà Czech trở thành cựu quốc gia đầu tiên của Khối Đông Âu giành được vị thế nền kinh tế phát triển, và gia nhập Liên hiệp Âu châu vào năm 2004.
“Tôi sang Tiệp năm 1980. Thời gian 1989, tôi đang học tại chính phố Narodni nên chứng kiến được những buổi biểu tình của sinh viên và giới hoạt động xã hội,” ông Nguyễn Cường nói. “Đó là một may mắn của cá nhân, khi tôi được chứng kiến những gì xảy ra từ trước Cách mạng Nhung cho đến tận bây giờ.”
Doanh nhân, nhà hoạt động Nguyễn Cường nay vẫn tiếp tục theo đuổi lý tưởng tự do, dân chủ của Cách mạng Nhung nhưng để hướng tới Việt Nam
Cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc diễn ra trong bối cảnh có những biến động chính trị lớn lao tại Liên Xô và các nước Cộng sản khác tại Đông Âu.
Liên Xô vào giữa thập niên 1980, dưới thời lãnh đạo của ông Gorbachev, bắt đầu tiến hành các chính sách ‘glasnost‘ – cởi mở, minh bạch hơn trong hoạt động của chính quyền, và ‘perestroika‘ – nhằm nỗ lực hiện đại hoá và ‘tái thiết’ Liên bang Xô-viết.
Tại các nước cộng sản khác, một làn sóng phản đối nổ ra ở nhiều nơi.
Ba Lan có phong trào của Công đoàn Đoàn kết kêu gọi chấm dứt quyền kiểm soát của Liên Xô tại nước này từ trước.
Bức tường Berlin tại Đức bị giật đổ vào ngày 9/11/1989, càng tạo hy vọng cho người dân Tiệp Khắc trong việc đấu tranh đòi dân chủ.
Phiên dịch viên Ngô Thuý Vân, người chuyển tới Cộng hoà Czech sống và làm việc nhiều năm sau sự kiện năm 1989 nói về cuộc sống ở một xã hội mới
Một số người cho rằng sự chuyển đổi thành công sau Cách mạng Nhung có tác động đáng kể tới đời sống chính trị ở Việt Nam và của cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Czech.
Ngô Thuý Vân, một bạn trẻ chuyển tới Cộng hoà Czech sống và làm việc nhiều năm sau sự kiện 17/11/1989, nói:
“Nhờ Cách mạng Nhung và các thế hệ đi trước, tôi cảm giác như mình được sinh ra lần thứ hai. Lúc còn ở Việt Nam, tôi có nghe nói nhưng không đủ thông tin để ghép tất cả các mảnh ghép. Sang tới đây, tôi thấy mình được hưởng nhờ thành quả của Cách mạng Nhung trong cả công việc lẫn đời sống.”
Ảnh các trí thức bất đồng chính kiến Tiệp Khắc: Jiri Kolar và Vaclav Havel trong quán cà phê nổi tiếng Slava ở Prague
Những tài liệu, tư tưởng của nhà bất đồng chính kiến Vaclav Havel, lãnh tụ nổi trội của Cách mạng Nhung, đã có tác động to lớn tới giới hoạt động dân sự tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Cường, người cũng là thành viên chủ chốt của nhóm Văn Lang, một nhóm hoạt động của người Việt tại Cộng hoà Czech.
Bản thân ông Havel từng khuyến khích, ủng hộ người Việt tại Prague tham gia các hoạt động quảng bá cho tư tưởng dân chủ.
“Khi Nhóm Văn Lang tham gia dịch và hiệu đính cuốn ‘Quyền lực của những kẻ không quyền lực’, Nhà xuất bản Giấy vụn xuất bản, tôi nghe nói trong nước cấm quyển sách này, nhưng những người hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam rất quý. Họ thấy cuốn sách đó bổ sung cho niềm tin của họ,” ông Nguyễn Cường nói.
“Khi đọc cuốn sách này [của ông Vaclav Havel], họ thấy có một phần của họ trong đó. Những gì xảy ra tại Tiệp Khắc tác động rất nhiều đến tình hình đấu tranh ở Việt Nam.”
Ngày nay, CH Czech là một thành viên chủ chốt của EU và Nato ở Đông Âu, với mức sống cao, nền báo chí tự do.
Cuộc sống văn minh, êm đềm của xã hội Czech trong thế kỷ 21 đang tiếp tục thu hút di dân Việt Nam tới tìm cuộc sống mới.
Nhưng các vị khách tại Prague cũng chia sẻ với BBC về tác động xấu của cuộc chiến Nga gây ra ở láng giềng Ukraine, và nói về tâm tư của người Việt tại Czech về sự kiện mới nhất này.
Toàn bộ nội dung video do Nguyễn Giang, Bình Khuê và David Wilkin thực hiện từ Prague cuối năm 2022 có trên YouTube tại đây.
Nhóm thân hữu người Việt quý trọng các giá trị của Cách mạng Nhung vẫn thường gặp mặt trong quán cà phê Slava, nơi Vaclav Havel, tổng thống dân chủ đầu tiên của CH Czech, từng ngồi cùng bạn bè văn nghệ sĩ