Việt Nam và ám ảnh an ninh ngoài xã hội, trong chính trường.
16 tháng 12 2022, 21:43 +07 Cập nhật 5 giờ trước
Mai Luân – Gửi bài tới BBC News Tiếng Việt từ TPHCM
Ảnh chụp ở Hà Nội
Nhớ lại ngày 17/11/2020, tại phiên thảo luận của Quốc hội Việt Nam về “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”, đại biểu Quốc hội Sùng Thìn Cò nói với Bộ trưởng Công an Tô Lâm rằng: “Xin lỗi đồng chí, nhưng các đồng chí đông quá!”
Phát biểu của ông Sùng Thìn Cò phản ánh thực trạng là ngành công an ngày càng đông, thêm cả quân lẫn tướng.
Cũng trong bài viết mà BBC đã đăng, TS Lê Văn Sinh nói thật may mắn là Dự luật không được Quốc hội chuẩn thuận. Nếu không, Công an sẽ có lực lượng khoảng 1,5 triệu người, tức là ước tính cứ 1.000 dân có 15 công an viên theo dõi”.Từ đó đến nay không thấy đài báo VN nói là số lượng các chiến sĩ công an và quan chức ngành này giảm. Có phải đây là xu hướng “công an hóa” bộ máy toàn trị không giảm mà tăng mạnh mẽ hơn trong những năm qua?
Ngày 7/12/2022, Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78, chúng ta thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều tới dự, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần gương mẫu, đi đầu và những kết quả đạt được của Đảng ủy Công an Trung ương, của Bộ Công an Việt Nam trong năm 2022. TBT Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu quen thuộc: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” và ông lặp lại điều ông dặn Công an nhiều lần: “Toàn thể lực lượng công an nhân dân hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí và thực hiện cho bằng được lời thề: ‘Vì nước quên thân, vì dân phục vụ’; ‘Còn Đảng thì còn mình”…
Thật ra, thực tế cũng đã bác bỏ từ lâu những điều ông Trọng nhắc đi nhắc lại. Đạo đức xã hội cả nước đang xuống cấp và đó là điều làm mọi người không bằng lòng và thường xuyên lo ngại. Sự xuống cấp đó có thể định lượng ngay trên vô số truyền thông chính thống.
Xin trích báo Tuyên giáo: Đạo đức xuống cấp ở mức đáng báo động!”, “Thực trạng xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội đã ở mức độ nguy hiểm”.
Trong vòng nhiều năm nay, truyền thông “lề Đảng” đã buộc phải thừa nhận các biểu hiện “chưa từng có” so với trước đây về sự xuống cấp đạo đức, với chiều hướng ngày càng gia tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Các biện pháp đề ra thì vẫn cũ kỹ: nhấn mạnh đạo đức cách mạng. Kết quả thì cũng vậy, không thay đổi.
Việt Nam luôn coi ổn định chính trị trên hết nhưng làm sai, bằng cách kiềm chế nghiệt ngã dân chủ, tự do, mặc cho xã hội đang vô cùng bấn loạn, an ninh xuống cấp, tội phạm nghiêm trọng ngày càng có xu hướng gia tăng. Mới đây, người thứ hai, trong ba người con gái đổ xăng đốt nhà mẹ đẻ khiến cả bốn mẹ con đều bỏng nặng, đã chết. Người phụ nữ đánh chết con gái của người tình đã lĩnh án tử hình. Một đại biểu Hội đồng nhân dân dùng gậy golf driver đánh phụ nữ caddy phải vào bệnh viện mà vẫn cho là “chuyện bé xé ra to”.
Tất cả những hành động tàn độc và phi nhân tính ấy bị bão hòa, xã hội không biết phản ứng ra sao, nhà nước không biết dùng luật pháp nào để chế ngự.
Thiết nghĩ đến giờ này mà nền giáo dục vẫn tập trung đào tạo ra con người công cụ, chứ không phải con người tự do, sáng tạo thì những hậu quả như thế là tất yếu.
Trong thiếu an ninh, ngoài ‘sợ bị hại’?
Nhưng không chỉ trong xã hội Việt Nam mà nhìn lên trên, hệ thống điều hành vẫn không thoát hẳn khỏi một nếp nghĩ cũ ‘bạn-thù’, dù có thay đổi ngôn từ.
Những năm Đổi mới, phải thừa nhận ngoại giao Việt Nam đưa ra khái niệm “đối tác và đối tượng” làm tiêu chí để phân loại các nước có quan hệ ngoại giao với Hà Nội.
Đây là tiến bộ so với nhãn quan “Hai phe bốn mâu thuẫn”, dễ xếp bạn – thù. Từ ngày chủ nghĩa xã hội thế giới sụp đổ, ngoại giao VN mới đẩy quyết tâm “thêm bạn – bớt thù” lên cao và nghĩ ra khái niệm nghe có vẻ logic nói trên để lựa chọn.
“Tạp chí Cộng sản” khẳng định đấy cũng là cơ sở để Việt Nam hoạch định đường lối đối ngoại, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Theo đó, trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của Việt Nam cần phải đấu tranh, trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt đồng thuận cần tranh thủ hợp tác.
Nhưng điều khôi hài là “đối tượng tác chiến” của Quân đội Nhân dân Việt Nam cho đến nay vẫn là “đế quốc Mỹ”.
Điều này thật khó tương thích với tuyên bố của Đại sứ Marc Knapper tại “Triễn lãm quốc phòng” hôm 8/12: “Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam, trước mắt giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí kết thúc vào năm 2016 và sẵn sàng thảo luận về các nhu cầu quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt là về năng lực hàng hải”.
Xem thế để thấy rõ hơn cái nghịch lý. Kẻ lăm le hại mình thì tôn vinh làm “bạn vàng”, tới đây có thể cùng “cộng đồng chung vận mệnh”, còn đối tác sẵn sàng nâng quan hệ lên tầm chiến lược, có thể trở thành một trong những điểm tựa để bảo đảm an ninh mọi mặt và thúc đẩy phát triển toàn diện, thì chần chừ, coi đó là “lực lượng thù địch”, “đối tượng tác chiến”.
Chừng nào nghịch lý nói trên chưa được hóa giải, Việt Nam còn mất an ninh, kinh tế – xã hội còn tụt hậu. Và không phải người Mỹ không biết. TBT Nguyễn Phú Trọng gần đây đã sáu lần “đánh tiếng” mời Tổng thống Joe Biden sang thăm Việt Nam, nhưng quan hệ Mỹ – Việt có vẻ không “xuôi chèo mát mái” như hồi đầu năm. Dư luận đang chứng kiến phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với việc Hoa Kỳ xếp Hà Nội vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL).
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng, việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào SWL là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan, cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Tuy nhiên, bà Phạm Thu Hằng cũng để ngỏ cửa và nói, Hà Nội sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Thể chế và văn hóa chính trị
Bản báo cáo “Đánh giá Quốc gia” (SCD) của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra giải pháp hóa giải hai thách thức, một mang tính đương đại và một mang tính lịch sử, để định hướng lại các ưu tiên phát triển và những gì Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để đạt được phát triển.
Thể chế như hiện nay có thể sẽ trở thành trở ngại lớn đối với việc hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Điều này đã được cấp lãnh đạo gián tiếp thừa nhận: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh mới chỉ có 07 trong số 111 quy hoạch quốc gia, ngành, vùng và tỉnh đã được phê duyệt kể từ khi ban hành Luật Quy hoạch vào cuối năm 2017.
Lời kêu gọi đổi mới hệ thống quy hoạch quốc gia của người đứng đầu chính phủ liệu có liên quan đến bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, là quốc gia đã tiến hành những cải cách thể chế lớn vào năm 1994 khi bước vào cùng giai đoạn phát triển kinh tế như Việt Nam ngày nay?
Hy vọng, việc quyết định nâng quan hệ với Hàn Quốc lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (CSP) là nhằm phục vụ mục tiêu này.
Cục diện trong khu vực đang và sẽ đảo lộn ngày càng quyết liệt. Nếu đối nội của Việt Nam vẫn tiếp tục “công an hóa” thể chế toàn trị, vẫn cổ súy cho một đường hướng văn hóa – giáo dục đề cao bạo lực giai cấp kiểu cũ, đối ngoại vẫn mong “bất biến ứng vạn biến” trước trục Trung – Nga đang hình thành, đối chọi lại Phương Tây văn minh… thì hậu quả sẽ khôn lường.
Nếu cứ thế này, chính phủ Việt Nam không chỉ mất kiểm soát an ninh trong nước, mà còn mất dần nhiều bạn bè, đối tác chí cốt.
Phản ứng khá cương quyết của Ukraine đối với việc Hà Nội bỏ phiếu làm ngơ trước cuộc xâm lược của Nga là một điển hình. Hãy coi bức thư ngỏ của các Nghị sỹ Quốc hội châu Âu và ASEAN kêu gọi Hà Nội trả tự do cho ba nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là lời cảnh tỉnh chân thành của bạn hữu.
Một lần nữa cần nhắc lại quy luật rằng an ninh và an toàn đến từ tư duy đúng, thế đứng phù hợp quy luật phát triển tiến bộ của xã hội và nhân loại chứ không phải nhờ vào số lượng công an đông đảo.
Bài thể hiện quan điểm riêng của Mai Luân, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam.