Vì sao đài báo Việt Nam nín lặng trước tin biểu tình bên Trung Quốc?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vì sao đài báo Việt Nam nín lặng trước tin biểu tình bên Trung Quốc?

3/12/22 – Tidoo Nguyễn Gửi cho BBC từ TP. HCM – Cuối tuần qua, muốn xem tin tức xác thực về làn sóng biểu tình ở Trung Quốc, người dân Việt Nam hoặc phải biết tiếng Anh, hoặc phải “vượt tường lửa” vào các trang báo tiếng Việt của BBC, RFA và VOA, vì các kênh truyền thông của nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng.

Bối cảnh của làn sóng biểu tình phản đối chính sách Zero COVID của ông Tập Cận Bình:

Ca nhiễm virus Covid đầu tiên trên thế giới được ghi nhận đầu tháng 12 năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, và bùng phát dịch diễn ra tại đất nước này từ năm 2019. Cho đến nay, trong khi nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã bỏ chính sách “Zero-COVID” và mở cửa hội nhập, ông Tập Cận Bình vẫn áp dụng chính sách “Zero – COVID” để kiểm soát người dân, từ tháng 1 năm 2020 đến nay.

Chính phủ Trung Quốc thực thi chính sách này thông qua nội dung các hành động là “Tìm, Xét nghiệm, Truy Vết, Cách Ly và Hỗ Trợ” nhưng dường như nhiệm vụ “Hỗ Trợ” không được thực thi và chính sách làm người dân phẫn nộ vì các hạn chế quá khắc khe. Chính sách “Zero – COVID” đã gây ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực lên nền kinh tế của đất nước và đời sống của người dân Trung Quốc.

Đỉnh điểm của sự phẫn nộ của người dân là vụ hỏa hoạn làm chết 10 người ở Tân Cương vào đêm thứ năm ngày 24 tháng 11 năm 2022, khi nhiều người không thể thoát ra khỏi tòa nhà bị khóa ngoài do lệnh phong tỏa hơn ba tháng qua ở Tân Cương.

Mặc dù số ca nhiễm mới virus Covid ở Tân Cương không đáng kể, điều đáng nói là ông Tập Cận Bình vẫn áp dụng các hạn chế quá khắt khe.

Tấm giấy trắng trở thành biểu tượng cho các cuộc biểu tình chống các lệnh hạn chế Covid tại Trung Quốc
Chụp lại hình ảnh,Tấm giấy trắng trở thành biểu tượng cho các cuộc biểu tình chống các lệnh hạn chế Covid tại Trung Quốc

Theo số liệu thống kê trên Google, tính từ đầu năm đến ngày 30 tháng 11 năm 2022, Tân Cương có tất cả 2,545 ca bị nhiễm virus Covid và chỉ có ba người chết vì Covid, trong tổng số 25.890.000 dân ở Tân Cương. Theo báo cáo hằng tuần của China CDC, chỉ có 32 ca nhiễm mới Covid ở Tân Cương vào ngày 10 tháng 11 năm 2022.

Ngày 26 tháng 11 năm 2022, người dân Tân Cương biểu tình đòi ông Tập Cận Bình gỡ bỏ lệnh phong tỏa và chấn động nhất là cuộc biểu tình của sinh viên Thượng Hải ngày 27/11. Từ đó đến ngày 29/11, các cuộc biểu tình đã lan rộng đến Bắc Kinh, Quảng Châu, Thành Đô, Vũ Hán, Trùng Khánh….để phản đối chính sách “Zero – COVID”, thậm chí người biểu tình giận dữ yêu cầu ông Tập Cận Bình từ chức và Đảng Cộng Sản Trung Quốc phải “hạ đài”.

Kể từ sau vụ thảm sát người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn hồi năm 1989, đây là lần đầu tiên thế giới thấy dân Trung Quốc đồng loạt nổi cơn thịnh nộ, nhất là giới trẻ.

Vì vậy, đây là vấn đề thời sự quan trọng mà truyền thông thế giới cập nhật liên tục trong một tuần qua.

Nếu tìm trên Google bằng từ khóa “protests against zero – COVID policy in China” (biểu tình phản đối chính sách Zero – COVID tại Trung Quốc) – chỉ tính kết quả bằng tiếng Anh thì có gần 65 triệu bài được tìm thấy.

Sinh viên biểu tình tại trường đại học danh tiếng Thanh Hoa ở Bắc Kinh
Chụp lại hình ảnh,Sinh viên biểu tình tại trường đại học danh tiếng Thanh Hoa ở Bắc Kinh

Quan hệ hai Đảng Cộng Sản và phụ thuộc kinh tế

Cùng thời gian, truyền thông Việt Nam hoàn toàn “ngoảnh mặt làm ngơ” với làn sóng biểu tình trên, không có kênh truyền thông nào của nhà nước, từ báo mạng đến truyền hình, đài phát thanh…..đưa tin về sự kiện này. Điều này hoàn toàn khác với việc các báo thông tin rầm rộ sự kiện TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào đầu tháng 11/2022 và ký 13 văn kiện hợp tác giữa hai đảng Việt – Trung.

Ta hãy xem về cơ bản thì đài báo VN ở đâu trên các xếp hạng quốc tế. Theo kết quả khảo sát của Freedom House , điểm đánh giá cho “Tự do ở Việt Nam” là 19/100. Trong đó bao gồm vấn đề giới hạn “Tự do truyền thông báo chí”.

Nhưng theo quan sát của riêng tôi, báo chí Việt Nam không phải “không bắt kịp” vấn đề thời sự đang diễn ra tại Trung Quốc mà chỉ là buộc phải im lặng, vì đang chịu tác động của những “yếu tố khó”. Những “yếu tố khó” có thể kể ra như sau:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng sau ​​Lễ ký kết hàng chục thỏa thuận song phương sau cuộc hội đàm chính thức ở Hà Nội ngày 5/11/2015
Chụp lại hình ảnh,Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng sau ​​Lễ ký kết hàng chục thỏa thuận song phương sau cuộc hội đàm chính thức ở Hà Nội ngày 5/11/2015
  • Về lãnh thổ và tầm vóc kinh tế, ta thấy Trung Quốc như đám mây lớn che trên đầu Việt Nam . Trong quan hệ bất cân xứng này, vị trí địa lý và quy mô lãnh thổ của Việt Nam có sự chênh lệch so với Trung Quốc.
  • Đồng thời, với đường lối quân sự của Trung Quốc hiện nay tiếp cận Campuchia – giáp ranh Việt Nam – thì càng tăng thêm “độ khó” cho Việt Nam.
  • Nhưng điều chủ yếu là thể chế ở hai quốc gia hoàn toàn giống nhau và có thể nói đây là điểm chi phối mạnh nhất đối với Việt Nam.
  • Khi cùng chung ‘bầu trời cộng sản’ thì đúng là ‘tránh trời không khỏi nắng’.
  • Cụ thể thì có 13 văn kiện vừa được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc đã bó chặt quan hệ an ninh-chính trị. Rồi về kinh tế, Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc khá nhiều, chỉ xét về kim ngạch xuất nhập cảng giữa hai nước thì chúng ta cũng thấy rõ điều đó.
  • Theo báo Đầu Tư Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc cán mức 147,7 tỷ USD trong 10 tháng của năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất cảng trong 10 tháng của năm 2022 là 47 tỷ USD (tổng kim ngạch xuất cảng trong 10 tháng năm 2022 của Việt Nam là 312,82 tỷ USD) và Trung Quốc hiện là thị trường xuất cảng lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Còn kim ngạch nhập cảng là 100,7 tỷ USD và Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng hóa và nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.
  • Qua đó, chúng ta có thể thấy sau 10 tháng của năm 2022, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 53,7 tỷ USD, tăng 18,8% so 10 tháng của năm ngoái.
bieu tinh

Tất cả các lý do trên giải thích vì sao đài báo Việt Nam lại nín lặng.

Nhưng tương lai sẽ cứ như vậy?

Các nước đều tính đến chuyện giảm phụ thuộc, thậm chí tách rời (decouple) khỏi Trung Quốc.

Câu trả lời là để không bị phụ thuộc cả về miệng ăn và lời nói, Việt Nam cần xây dựng tố chất mạnh mẽ của một con rồng.

Cá chép có tố chất rồng nên sau khi vượt Vũ Môn sẽ hóa rồng và tự bay cao…, nếu Việt Nam dám có phương án đó.

Bài thể hiện quan điểm riêng của Tidoo Nguyễn từ TP. HCM.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c87e0g4kpp2o