Tin Việt Nam 23/7/2014
1. Việt Nam mua nhiều vũ khí từ CH Czech
Việt Nam trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất từ CH Czech, với ngân sách lên tới 58 triệu đôla năm 2013.
Báo Czech dẫn nguồn chính phủ cho hay ngân sách vũ khí xuất khẩu của nước này sang Việt Nam năm ngoái là 1,19 tỷ koruna, tương đương trên 58 triệu đôla Mỹ.
Tổng trị giá xuất khẩu vũ khí của CH Czech năm 2013 tăng 6% so với năm 2012, lên 7,85 tỷ koruna. Các mặt hàng chính là các loại súng lục, súng trường tự động, xe tăng và súng máy.
Ngoài ra năm ngoái Prague còn bán cho nước ngoài ba chiến đấu cơ L-39ZO và năm xe thiết giáp.
Lượng vũ khí CH Czech nhập khẩu lại giảm mạnh so với trước, còn 1,7 tỷ koruna.
Được biết Việt Nam mua chủ yếu từ CH Czech các loại súng ngắn và súng trường.
Chính phủ nước này năm 2013 cấp hơn 1.100 giấy phép xuất khẩu vũ khí.
Khách hàng tiềm năng
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng CH Czech Alexandr Vondra đã đề xuất việc bán vũ khí, nhất là loại công nghệ cao, cho Việt Nam.
Trong số các loại vũ khí cung cấp cho Việt Nam có cả hệ thống radar phòng không Vera-E đặc biệt hiện đại.
Vera là hệ thống dò máy bay bằng thiết bị điện tử cực kỳ chính xác, bắt đầu được Tiệp Khắc tung ra từ những năm 1960 nhưng tới nay đã qua nhiều lần cải biến.
Hệ thống này được cho là thiết bị radar duy nhất trên thế giới trong thời điểm hiện tại có thể phát hiện phi cơ tàng hình.
CH Czech cũng đang tham gia nâng cấp hàng loạt hệ thống radar P-18 của Việt Nam và hai bên đang đàm phán để mua máy bay vận tải tầm ngắn L-410.
Trong thời kỳ cuộc chiến Việt Nam, Tiệp Khắc, lúc đó thuộc khối xã hội chủ nghĩa, đã viện trợ nhiều vũ khí cho quân đội Bắc Việt. Súng trường VZ 58 của Tiệp hiện vẫn còn đang được lưu hành sử dụng ở Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tìm cách mở rộng các thị trường cung cấp vũ khí cho quá trình hiện đại hóa quân đội trong khi Hoa Kỳ vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Hà Nội. – BBC
2. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ bật đèn xanh cho thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam
Thêm một dấu hiệu về tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ Việt. Trong phiên họp vào hôm qua, 22/07/2014, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận Thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Việt Nam. Nếu được toàn thể Thượng viện thông qua, Thỏa thuận này sẽ mở đường cho các công ty Mỹ bước vào thị trường điện hạt nhân đang mở cửa của Việt Nam.
Thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Việt đã được chính phủ hai nước đúc kết vào tháng Mười năm ngoái (2013), và đã được Tổng thống Barack Obama phê duyệt vào tháng Hai năm nay. Theo luật lệ tại Mỹ, mọi hiệp ước phải được Thượng viện phê chuẩn, và việc được Ủy ban Đối ngoại thông qua là bước quan trọng đầu tiên.
Sắp tới đây, dự thảo thỏa thuận còn cần phải được toàn thể Thượng viện bỏ phiếu, và theo hãng tin Mỹ AP, triển vọng văn kiện này được thông qua chưa hẳn là chắc chắn vì vẫn còn một số dư luận dè dặt.
Nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ, cũng như giới chống phổ biến hạt nhân đã tỏ ý quan ngại trước việc Thỏa thuận ký với Việt Nam không nghiêm cấm Hà Nội tự làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium, hai quy trình có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Để trấn an Mỹ trong lãnh vực này, Việt Nam đã ký một bản ghi nhớ với Mỹ, cam kết không tìm kiếm khả năng bị cho là nguy hiểm đó, mà sẽ mua nhiên liệu trên thị trường quốc tế. Vấn đề là bản ghi nhớ này lại không mang tính chất ràng buộc.
Giới ủng hộ Thỏa thuận hạt nhân với Việt Nam hiện có một hậu thuẫn đáng kể từ ngành công nghiệp hạt nhân Mỹ, đang phải chịu sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, và rất muốn tiếp cận thị trường Việt Nam. Hà Nội đã có kế hoạch sản xuất khoảng 10.000 MW điện hạt nhân từ nay đến năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng của mình.
Hiện Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga để xây dựng hai lò phản ứng vào năm 2020 và với Nhật Bản để xây dựng hai lò khác. Ngoài Nga và Nhật Bản, trên thị trường Việt Nam, các công ty Mỹ còn có một số đối thủ cạnh tranh khác là Pháp, Canada, Hàn Quốc và có thể là Trung Quốc.
Dẫu sao thì theo Viện Năng lượng Hạt nhân ở Washington, một định chế chủ trương phát triển công nghệ hạt nhân, thỏa thuận với Việt Nam có thể tạo ra khoảng từ 10 đến 20 tỷ đô la trong kinh doanh cho các công ty Mỹ.
Đối với giới phân tích, Thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ-Việt phản ánh đà thắt chặt rõ nét quan hệ giữa Washington và Hà Nội.
Việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ bật đèn xanh cho việc phê chuẩn thỏa thuận này diễn ra vài hôm sau khi định chế này đã nhất trí thông qua một nghị quyết lên án các hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, mặc nhiên ủng hộ Việt Nam là đối tượng bị Trung Quốc chèn ép. – RFI