Cử tri gốc Việt trong cuộc đấu giữa Jay Chen và Michelle Steel
8 tháng 11 2022 – Tina Hà Giang – Gửi đến BBC từ Nam California
Vài tuần trước cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 8/11 tại Mỹ, vai trò quyết định của cử tri gốc Việt trong cuộc chạy đua gay cấn giữa bà Michelle Steel và ông Jay Chen “đột nhiên nổi bật,” nói theo cách của ông Nguyễn Tâm, cựu nghị viên thành phố San Jose, với BBC Tiếng Việt:
“Trong các cuộc tranh cử tại tiểu bang California, vai trò của cử tri người Việt trong khối cử tri gốc Á châu AAPI, tuy vẫn là thiểu số so với nhóm Latino, nhưng bỗng nhiên kỳ này nổi bật lên, vì nó nắm vai trò then chốt “Swing Votes” quả lắc, nghiêng về bên nào bên ấy thắng.”
Tại sao lá phiếu của cử tri gốc Việt kỳ này quan trọng?
Hai bên của cuộc đua gay cấn này là những bên nào?
Cùng đại diện cho địa hạt 45 của quận Cam, tiểu bang California, bà Michelle Steel, nếu tái đắc cử, sẽ tiếp tục ở lại Hạ viện Hoa Kỳ, giữ nguyên ưu thế cho đảng Cộng hòa. Mặt khác, chiếc ghế bà đang chiếm ngự, nếu bị ông Jay Chen cướp lấy, sẽ làm nghiêng cán cân về đảng Dân chủ, điều đảng này đang rất cần để mong đạt được đa số tại quốc hội Mỹ, và là điều Tổng thống Joe Biden đang rất mong mỏi để có thể tiếp tục thực hiện những chính sách của mình. Còn ông Tyler Diệp, cựu dân biểu tiểu bang California, nói:
“Cử tri gốc Á, gồm Mỹ gốc Việt, sẽ quyết định thắng thua trong cuộc tranh cử giữa Dân biểu Liên bang Michelle Steel và đối thủ của bà, ông Jay Chen, một ủy viên giáo dục từ Los Angeles. Hai người này đang tranh cử chức dân biểu liên bang trong địa hạt 45, một đơn vị bầu cử bao gồm nguyên khu Little Saigon.”
Tầm quan trọng của lá phiếu cử tri gốc Việt trong cuộc bầu cử giữa kỳ này quan trọng đến nỗi trong mấy tuần qua, hầu như cơ quan truyền thông lớn nào của Mỹ cũng có bài viết về trận đấu một mất một còn của hai đối thủ Michelle Steel và Jay Chen, cùng là người Mỹ gốc Á.
Gần đây, Washington Post có bài “Một cuộc đua vào Quốc hội ở Quận Cam đã trở thành một cuộc đụng độ văn hóa của người Mỹ gốc Á” để tả chi tiết về những đòn chí tử mà hai ứng cử viên này tung ra. Đài NPR thì đăng bài giải thích tại sao kết quả một cuộc chạy đua vào QH ở Nam California lại tùy thuộc vào cử tri người Mỹ gốc Á.
Tờ rơi gây nhiều chỉ trích và tranh cãi
Nhiều cơ quan truyền thông để ý đến cách vận động tranh cử của hai bên. Và có vẻ cách tranh cử của bà Michelle Steele đã bị một số chỉ trích.
Một bài báo trên Washington Post ngày 2/11, nói nhiều về một tờ rơi được ban vận động tranh cử của bà Michelle Steel gửi đến từng nhà những cử tri gốc Việt tại địa hạt 45.
Một đoạn trong bài này viết:
“Các tờ rơi mô tả ứng cử viên đảng Dân chủ Jay Chen như một giáo viên trong một lớp học của Cộng sản, trong lớp có lá cờ Trung Quốc và trên bảng đen là một câu viết bằng tiếng Việt: “Jay Chen đã mời Trung cộng vào lớp học của con em chúng ta.” “Chúng (những tờ rơi này) là biểu tượng của cuộc tranh luận gay gắt về các chiến thuật tranh cử của GOP ở địa hạt 45 của California – một chiến trường tại Quận Cam, nơi đảng Cộng hòa dồn nhiều nỗ lực để nhằm giảm bớt đi ưu thế rõ ràng của đảng Dân chủ với các cử tri người Mỹ gốc Á trên toàn quốc.” Tờ rơi cáo buộc ông Jay Chen “thân cộng” gặp phải chỉ trích của cá nhân và tổ chức thuộc dòng chính trị chính, và bị một số người Việt phản đối. LS Đỗ Phủ, một cựu sĩ quan Lục quân Hoa Kỳ nói:
“Những lời chụp mũ “thân Trung Cộng” đối với Jay Chen của bà Michelle Steel là lố bịch. Bà ta biết lợi dụng tinh thần chống Trung Cộng rất cao của cộng đồng người Việt tị nạn, nhưng việc bôi nhọ một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ không có chứng cứ để lấy phiếu trong mùa bầu cử là một chiến thuật chơi bẩn. Đây cũng là “bổn cũ sọan lại,” vì trong mùa bầu cử trước bà cũng làm điều tương tự với đối thủ Harley Rouda. Tuy nhiên, việc khai thác chiêu bài “chống cộng” một cách quá mức như lần này có vẻ đã phản tác dụng. Nhiều người Việt- kể cả những cựu quân nhân VNCH, những cử tri Cộng hòa- đã bày tỏ sự phản đối chiêu bài chính trị lỗi thời này.”
Chiến thuật lỗi thời?
Ủy ban vận động tranh cử của bà Michelle Steel nêu lên một quan tâm chính đáng về lập trường của ông Jay Chen với các Viện Khổng Tử.
Ông Chen bỏ phiếu ủng hộ chương trình “Lớp học Khổng Tử” vào năm 2010, khi là thành viên của hội đồng giáo dục địa phương, việc đã khiến ông bị một số cử tri xúc tiến thủ tục đòi bãi nhiệm.
“Lớp học Khổng tử” bị Bộ Ngoại giao Mỹ dán nhãn là sứ mệnh của nước ngoài vào năm 2020 và gọi là “một phần trong nỗ lực tuyên truyền nhiều mặt của Bắc Kinh”.
Giám đốc chiến dịch vận động tranh cử của Chen, Lindsay Barnes nói rằng chương trình “Lớp học Khổng Tử” từng được “chấp nhận rộng rãi” và nay ông Jay Chen đồng ý với đánh giá của Bộ Ngoại giao.
Về phần mình, phản ứng trước cáo buộc thân cộng của phe đối thủ, ông Jay Chen tuyên bố rằng bà (grandmother) của mình đã trốn khỏi Trung Quốc để thoát khỏi sự cai trị của cộng sản. Ông cũng nhắc bản thân là một sĩ quan Dự bị Hải quân, được cấp giấy An ninh Tối mật ở cấp cao nhất, điều người thân cộng sản không bao giờ có được.
Được hỏi về nhận định của mình trước chiến thuật tranh cử của bà Michelle Steel trong flyer trên, Luật sự Nguyễn Quốc Lân, (đảng Cộng hòa), phó chủ tịch Hội đồng Giáo dục học khu Garden Grove, nói với BBC News Tiếng Việt:
“Đây chỉ là tranh cãi trong mùa tranh cử. Trong tranh cãi trong mùa bầu cử có rất nhiều chuyện phóng đại, xuyên tạc hay bóp méo, dựa trên một sự việc có thật nào đó. Cả hai bên đều làm như vậy trong cuộc tranh cử này. Cả hai đều biết rằng đối tượng nhóm cử tri gốc Việt là một thành phần quan trọng và do đó họ phải chọn sự việc nào ăn khách nhất trong giới cử tri này. Các thành phần chỉ trích cáo buộc này nhắm vào DB Michelle Steel phần lớn là các thành phần đã từng ủng hộ ông Jay Chen, không ủng hộ DB Michelle Steel từ trước đây, hay bị chi phối bởi ban tranh cử của ông Jay Chen.”
Cựu nghị viên thành phố San Jose Nguyễn Tâm (đảng Dân chủ) nêu ý kiến:
“Trong hai tuần cuối cùng của mùa tranh cử, hai đối thủ ở địa hạt 45 đã gia tăng vận động một cách quyết liệt, nhưng việc bà Michelle Steel và các nhóm ủng hộ đã tung ra nhiều đòn chụp mũ và vu khống khiến nhiều truyền thông dòng chính như NY Times, Washington Post, LA Times, SF Gate, hãng thông tấn AP, v.v… phải lên tiếng và gọi đó là mức hạ cấp mới “new low.”
Ông Tâm đơn cử vài thí dụ trong đó ông cho là chiến thuật chụp mũ không còn hữu hiệu nữa:
“Tại San Jose trong vụ tranh cử nghị viên quận 5 với hai ứng viên gốc Mễ cách đây 8 năm, ông Campos đã tung quảng cáo nhắm vào cử tri Việt ám chỉ đối thủ Carrasco thân cộng với tấm hình lá cờ CSVN. Nhưng cuối cùng bà Carrasco vẫn thắng. Ngược lại, mới đây nhất, trong vụ tranh cử thị trưởng giữa bà Cindy Chavez và ông Matt Mahan, khi Bryan Công Đỗ lên đài CaliToday phê bình bà Cindy, thì bà Cindy liền cho luật sư viết thơ cảnh báo ông Bryan Đỗ phải xin lỗi và rút lời ám chỉ bà Cindy thân cộng. Nhưng sau đó mọi người mới vỡ lẽ là không có điều gì chụp mũ cả. Điều nầy cho thấy người ta cũng biết sử dụng danh nghĩa “nạn nhân” của việc chụp mũ cộng sản để gây chú ý và lôi kéo cử tri.”
Cựu dân biểu tiểu bang California Tyler Diệp, người ủng hộ bà Michelle Steel, nhưng cho biết ông đã rút tên ra khỏi đảng Cộng hòa vì trong lúc này, đặc biệt là sau khi đảng này đã tìm cách minh oan cho những gì đã xảy ra vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, đặt vấn đề:
“Tôi nghĩ một số người trong giới truyền thông thờ ơ với việc ông Jay Chen bỏ phiếu thuận để Viện Khổng Tử vào học khu Hacienda La Puente School District mà cứ xem nặng hình thức tranh cử của các ứng viên. Tại sao không hỏi Viện Khổng Tử có phải là tổ chức được tài trợ bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc hay có phải Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt kê tổ chức này là một phần của guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh?”
Ông Tyler Diệp kết luận: “Cách thiết kế các tờ “flyers” chỉ mang tính chất minh họa cho những chuyện đã xảy ra mà chúng ta thường thấy trong mùa bầu cử.”
Thấy gì qua cuộc đua giữa Michelle Steel và Jay Chen?
Chiến thắng (hay thất bại) của hai ứng cử viên Michelle Steel và Jay Chen, không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của riêng họ, mà còn ảnh hưởng đến hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, hiện đang giành nhau từng chiếc ghế với mục đích chiếm ưu thế tại Hạ viện, nơi các thành viên của đảng có thể hỗ trợ hay gây khó khăn cho nghị trình của Tổng thống Joe Biden và nội các của ông.
Theo thống kê của trang Ballotpedia.org, ứng cử viên Michelle Steel hiện đang chiếm ưu thế (48.2%) và Jay Chen về nhì (43.1%). Ở mức độ cách nhau không xa này, chiến thuật vận động tranh cử là một trong những yếu tố quyết định.
Tuy nhiên cho đến khi các lá phiếu được đếm xong, rất khó để quyết đoán ai sẽ là người dành chiến thắng, lại càng khó để khẳng định, chiến thuật tranh cử của phe nào hữu hiệu hơn.
Đa số những cử tri tôi được dịp tiếp xúc cho biết họ thường không chỉ tin vào sự tuyên truyền hay quảng cáo của một ứng cử viên, mà bỏ thì giờ nghiên cứu những chính sách của cả hai trước khi đi bầu. Sự quan tâm của truyền thông dòng chính trong cuộc đua giữa hai ứng cử viên thuộc địa hạt 45, bao gồm nguyên cả khu Little Saigon, cho thấy lá phiếu của cử tri người Mỹ gốc Á, và đặc biệt là gốc Việt rất quan trọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.
Bài do nhà báo tự do Tina Hà Giang thực hiện cho BBC News Tiếng Việt.