TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc: hai phía xích lại gần nhau!
2022.10.28 – Trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng Bí Thư (TBT) Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc muốn gởi thông điệp gì tới nhau? Những vấn đề nào sẽ được bàn luận và hai nước sẽ giải quyết những bất đồng ra sao?
TBT Trung Quốc Tập Cận Bình được TBT Nguyễn Phú Trọng đón tiếp tại Hà Nội vào tháng 11/2017 Reuters
Các chuyên gia về An ninh và Quan hệ Quốc tế mà RFA phỏng vấn trong bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi đó.
Thắt chặt quan hệ hai Đảng
Theo kế hoạch, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Bắc Kinh vào Chủ nhật, ngày 30/10 theo lời mời của ông Tập Cận Bình, người vừa được đắc cử TBT nhiệm kỳ thứ ba Đảng Cộng sản Trung Quốc.
TBT Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo quốc gia đầu tiên thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh sau Đại hội Đảng lần thứ 20 của nước này, và cũng là lần đầu ông Trọng công du nước ngoài sau đợt đột quỵ hồi năm 2019.
Ông Nguyễn Thế Phương, Tiến sỹ ngành An ninh hàng hải, cho biết chuyến đi lần này của TBT Trọng thực ra là đã được lên lịch từ vài tuần trước đây rồi. Sức khoẻ của TBT Trọng cũng đã tốt hơn và Trung Quốc cũng vừa xong Đại hội Đảng. Đây là thời điểm thuận lợi để lãnh đạo hai Đảng gặp nhau.
Theo ông Phương, về phía Việt Nam, chuyến thăm sẽ là một lần nữa khẳng định vai trò rất quan trọng của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chuyến thăm cũng nhằm duy trì mối quan hệ và liên lạc quan trọng giữa hai Đảng trong bối cảnh môi trường quốc tế tương đối phức tạp như hiện nay.
Trả lời Đài Á châu Tự do qua
email, ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế
tại Đại học Boston (Boston College), cho rằng việc TBT Nguyễn Phú Trọng
sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối tháng 10, sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc là một bước đi hợp lý thể hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo của Việt Nam.
Theo ông Khang, Chủ tịch Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp đồng nghĩa với việc chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ ít có thay đổi, và thậm chí họ có thể trở nên cứng rắn hơn khi Tập đã không còn vướng mắc với các vấn đề trong nước, nhất là khi sáu thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị đều là những nhân vật thân tín với Tập.
Tổng bí thư Trọng là lãnh
đạo đầu tiên được mời đến thăm Trung Quốc sau đại hội Đảng sẽ giúp tái
khẳng định cam kết của Việt Nam với Trung Quốc là Hà Nội không có ý định
liên minh với nước thứ ba để chống lại Trung Quốc, bất chấp các chỉ dấu
cho thấy Việt Nam đang ngày càng xích lại với Mỹ hơn:
“Thêm vào đó, chuyến thăm trong
khuôn khổ trao đổi giữa hai Đảng cũng thể hiện rằng bất chấp các bất
đồng trên biển, Đảng Cộng sản Việt
Nam coi trọng tình đồng chí với Đảng Cộng sản Trung Quốc và hy vọng hai
bên có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai.
Về phía Trung Quốc, việc họ mời Tổng bí thư Trọng cho thấy họ cũng mong muốn hai bên tiếp tục đối thoại để hạn chế những hiểu lầm không đáng có đối với những phát triển gần đây trong quan hệ Mỹ-Việt.
Trung Quốc cũng không mong muốn xảy ra xung đột với Việt Nam khi vấn đề
Đài Loan quan trọng hơn rất nhiều đối với nhiệm kỳ thứ ba của Chủ tịch Tập.”
Trung Quốc ngăn cản Việt Nam xích lại gần Mỹ
Tiến sỹ Nguyễn Thế Phương cho
rằng, nhân chuyến thăm lần này, Trung Quốc cũng sẽ cố gắng kéo Việt Nam
gần hơn về phía Trung Quốc trong mối quan hệ tam giác Việt-Mỹ-Trung.
Mặc dù tương quan mối quan hệ Việt – Trung thì Việt Nam cần Trung Quốc hơn, đặc biệt là về vấn đề kinh tế, nhưng việc TBT Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo đầu tiên tới thăm Trung Quốc sau Đại hội Đảng của nước này cho thấy một phần nào đó Trung Quốc cũng khá là coi trọng mối quan hệ với Việt Nam:
“Dưới góc độ quan hệ quốc tế mà nói thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tiếng nói
khá có trọng lượng ở khu vực Đông Nam Á. Trong khoảng thời gian gần đây
thì mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ được cải thiện khá là nhanh chóng. Và đứng dưới góc độ của Trung Quốc thì việc để Việt Nam được tự do gần hơn quá nhiều với phương Tây cũng là một mối đe dọa mang tính chiến lược.
Cho nên là việc mời Việt Nam cũng là một cách mà Trung Quốc muốn gắn kết hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam, bằng cách là không để cho Việt Nam xích lại quá gần với quỹ đạo của phương Tây. Trung Quốc tạo ra một môi trường láng giềng thân thiện hơn.”
Để làm được điều này, Trung Quốc
có một số “công cụ” kiềm chế, không cho Việt Nam đi quá xa về phía Mỹ và
phương Tây. Ông Phương nói:
“Thực tế mà nói Trung Quốc họ có nhiều công cụ lắm. Ví dụ như là về kinh tế thì rõ ràng là xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc tương đối nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu thô, buôn bán biên mậu… Cho nên là nội cái việc Trung Quốc gây sức ép về mặt kinh tế không thì cũng đã là một thông điệp cho thấy rằng Việt Nam đừng nên đi quá xa.
Công cụ thứ hai là gây sức ép trên thực địa. Ví dụ như các sự kiện HD-981 hay Trung Quốc gửi tàu khảo sát, triển khai các tàu cảnh
sát biển của họ trong cần đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoặc là xung
quanh các đảo mà Việt Nam đang nắm giữ cũng là một thông điệp.”
Bên cạnh đó, công cụ về ý thức hệ cũng rất quan trọng. Bởi vì, hai Đảng Cộng sản có chung một nền tảng ý thức hệ, thể chế giống nhau, cho nên họ sẽ có chung một số mối đe dọa. Ví dụ như là diễn biến hòa bình, là những vấn đề có liên quan đến dân chủ, nhân quyền…
Trung Quốc có thể tận dụng
những yếu tố đó để thuyết phục Việt Nam rằng nếu như Việt Nam đi gần
với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam giữ được
quyền lực, hạn chế được những tác động mang tính đe dọa tới chế độ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Những vấn đề chính được bàn luận
Theo quan điểm của tiến sỹ Nguyễn Thế Phương, khi hai TBT gặp nhau thì điều quan trọng nhất là trao đổi về vấn đề xây dựng Đảng:
“Bởi vì đây sẽ là chuyến thăm
Đảng với Đảng thì vấn đề có thể được bàn đến nhiều nhất chính là vấn đề
liên quan đến xây dựng Đảng, tăng cường mối quan hệ về mặt ý thức hệ;
Thứ hai là duy trì các kênh liên hệ giữa Đảng với nhau
Và cái thứ ba là tìm cách tạo ra một nền tảng mới để thứ nhất là tăng cường mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là về mặt kinh tế và chính trị; và thứ hai là làm sau đó để giảm thiểu cái tiềm năng xung đột giữa hai bên, đặc biệt là trong các vấn đề có liên quan đến lãnh thổ và lãnh hải.”
Một nhà nghiên cứu giấu tên nhận định chuyến đi lần này là nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các vấn đề về an ninh và kinh tế sẽ được ưu tiên bàn luận:
“Trung Quốc mặc dù vẫn giữ chính sách Zero COVID (không COVID) nhưng vẫn muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, cho nên khi cả hai quốc gia cũng sẽ đặt ra vấn đề về kinh tế.
Thứ hai là vấn đề về an ninh. Cả Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều có điểm chung, đó là đặt sự ổn định chính trị và sự cầm quyền của họ lên trên, cho nên họ sẽ trao đổi kinh nghiệm về vấn đề này.”
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, bất chấp dịch bệnh COVID-19, kim ngạch thương mại Việt – Trung năm 2021 vẫn đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước. Với kết quả này, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Thảo luận về bất đồng
Ngược lại, vấn đề an ninh ở khu
vực Biển Đông và Mekong là những điều mà nhà nghiên cứu giấu tên cho là
sẽ cản trở mối quan hệ song phương. Do đó, chuyến thăm lần này sẽ không
đề cập nhiều đến các nội dung này:
“Trong những vấn đề cản trở
giữa hai quốc gia có Biển Đông và MeKong. Về vấn đề Mekong có lẽ Việt
Nam cũng sẽ không đề cập nhiều. Nhưng còn vấn đề Biển Đông thì phía Việt
Nam sẽ thúc đẩy giải quyết những bất đồng mà Việt Nam và Trung Quốc
đang đàm phán.”
Đồng quan điểm, tiến sỹ Nguyễn Thế
Phương nhận định cả hai nước hiện nay đều muốn thảo luận một cách hài
hoà, duy trì các bất đồng ở mức có thể kiểm soát được:
“Một số vấn đề gọi là bất đồng giữa hai nước thì chắc chắn là sẽ được thảo luận. Nếu có thảo luận
thì sẽ làm sao để duy trì sự bất đồng ở một mức độ có thể kiểm soát
được. Tức là vẫn có bất đồng nhưng mà phải làm thế nào để kiểm soát được
để vấn đề để nó không làm cho mối quan hệ bị trật đường ray.”
Ông Vũ Xuân Khang cho biết do chuyến thăm nhằm thắt chặt quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, các vấn đề liên quan đến tranh chấp và bất đồng sẽ ít được đề cập công khai:
“Nếu có đề cập thì hai bên cũng sẽ nhấn mạnh vào đối thoại và hợp tác chứ không tạo hình ảnh là quan hệ Việt – Trung đang gặp những vướng mắc không thể tháo gỡ được.
Thay vào đó hai bên sẽ có những
trao đổi về công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng. Việt Nam
và Trung Quốc có thể có những bất đồng trong chính sách đối ngoại, nhưng hai nước có rất nhiều điểm tương đồng trong chính sách đối nội.”
Một số điểm tương đồng trong chính sách đối nội bao gồm được ông Khang nêu ra gồm: cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và phát triển kinh tế dựa trên xuất khẩu từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nguyen-phu-trong-visits-china-the-two-parties-get-closer-10282022095341.html