Tin Tổng Hợp – 29/10/22: 146 người chết tại một đám đông chơi lễ Halloween ở Nam Hàn; TBT Trọng đến Bắc Kinh; Tin giả ngập mạng trước ngày bầu cử QH Mỹ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 29/10/22: 146 người chết tại một đám đông chơi lễ Halloween ở Nam Hàn; TBT Trọng đến Bắc Kinh; Tin giả ngập mạng trước ngày bầu cử QH Mỹ

Ít nhất 146 người chết trong vụ giẫm đạp tại sự kiện Halloween ở Hàn Quốc

29/10/2022 – Ít nhất 146 người thiệt mạng trong một vụ chen lấn giẫm đạp khi một đám đông chơi lễ Halloween đổ vào một con hẻm trong khu vực vui chơi về đêm ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc tối ngày thứ Bảy, các quan chức đặc trách ứng phó khẩn cấp cho biết.

Thêm 150 người nữa bị thương trong vụ hỗn loạn ở khu Itaewon của Seoul, Choi Sung-beom, trưởng Trạm cứu hỏa Yongsan, cho biết trong một cuộc họp báo tại hiện trường.

Nhiều người bị thương trong tình trạng nghiêm trọng và đang được cấp cứu, các quan chức cho biết.

Đây là sự kiện Halloween đầu tiên ở Seoul trong ba năm sau khi nước này dỡ bỏ các hạn chế COVID và giãn cách xã hội. Nhiều người trong số những người tham gia đeo mặt nạ và trang phục Halloween.

Một số người mục kích mô tả đám đông càng về đêm càng quậy phá và kích động. Vụ việc xảy ra vào khoảng 10 giờ 20 phút tối.

“Một số người đã té ngã trong lễ hội Halloween, và có một số lượng lớn thương vong,” ông Choi nói. Nhiều người trong số những người thiệt mạng ở gần một hộp đêm.

Nhiều nạn nhân là phụ nữ ở độ tuổi đôi mươi, ông Choi nói.

Những video trên mạng xã hội cho thấy hàng trăm người chen chúc trong
con hẻm hẹp, dốc bị chèn ép và bất động khi các nhân viên ứng cứu và
cảnh sát cố gắng kéo họ ra ngoài.

Ông Choi nói tất cả các trường hợp tử vong đều có thể là do bị chèn ép trong một con hẻm hẹp duy nhất.

Các nhân viên cứu hộ đưa một nạn nhân trên đường phố gần hiện trường vụ chen lấn giẫm đạp ở Seoul, Hàn Quốc, Chủ nhật, ngày 30 tháng 10 năm 2022.
Các
nhân viên cứu hộ đưa một nạn nhân trên đường phố gần hiện trường vụ
chen lấn giẫm đạp ở Seoul, Hàn Quốc, Chủ nhật, ngày 30 tháng 10 năm
2022.

Các đoạn video khác cho thấy cảnh tượng hỗn loạn khi các nhân viên cấp cứu và người dân cố gắng cứu chữa hàng chục người dường như bất tỉnh.

Một người chứng kiến cho Reuters biết một nhà xác dã chiến đã được dựng lên trong một tòa nhà gần hiện trường. Khoảng bốn chục thi thể sau đó được đưa lên cáng có bánh xe và chuyển đến một cơ sở của chính phủ để xác định danh tính nạn nhân, theo người này.

Khu Itaewon là nơi giới trẻ Hàn Quốc cũng như người nước ngoài hay lui tới, với hàng chục quán bar và nhà hàng chật kín vào thứ ngày Bảy phục vụ lễ Halloween sau khi hoạt động kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng trong ba năm đại dịch.

Có người nước ngoài trong số những người được chuyển đến các bệnh viện gần đó, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-seoul-halloween-giam-dap/6811153.html

TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh: Ngoại giao cây tre và áp lực buộc Việt Nam ‘chọn phe’

Bùi Thư – BBC News Tiếng Việt – 29 tháng 10 2022 – Một chuyên gia về chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Alexander Vuving, nhận định chuyến đi Bắc Kinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra vào thời điểm chính sách ngoại giao cây tre đang bị “thách thức”.

Ảnh tư liệu tháng 11/2015: Lễ đón ông Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam
Chụp lại hình ảnh, Ảnh tư liệu tháng 11/2015: Lễ đón ông Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam

Từ năm 2002, Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận về việc trao đổi chuyến thăm giữa các cấp lãnh đạo cao nhất.

Theo BBC ghi nhận, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình đã có năm lần gặp nhau. 

Chuyến đi Bắc Kinh của vị Tổng bí thư 78 tuổi của Việt Nam vào ngày 30/10 tới đây được Tiến sĩ Alexander Vuving đánh giá là “nổi bật hơn”, mang đến nhiều thách thức cho chính sách ngoại giao của Việt Nam.

Trung Quốc ‘quan trọng nhất cho Việt Nam’

Tiến sĩ Vuving bình luận với BBC ngày 29/10 rằng, Trung Quốc luôn là quốc gia quan trọng nhất đối với Việt Nam nên chuyến đi sắp tới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc sẽ là một sự kiện quan trọng đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyến đi này của ông Trọng có phần nổi bật hơn các chuyến thăm khác là vì đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam sau khi Nga xâm lược Ukraine – nguyên nhân đẩy nhanh Chiến tranh Lạnh mới giữa một bên là Nga và Trung Quốc và bên còn lại là phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Ông Vuving nhấn mạnh rằng, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã qua, đồng nghĩa với áp lực phải chọn phe của Việt Nam cũng tăng cao.

“Chính sách cây tre của Việt Nam ứng phó giữa các cường quốc là khả thi trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Vì hậu Chiến tranh Lạnh, các cường quốc tập trung vào việc hợp tác hơn là cạnh tranh lẫn nhau.”

“Do đó, áp lực chọn đứng về phe nào chưa bao giờ mạnh đến mức phải phá vỡ mạng lưới quan hệ đối tác của Việt Nam với các cường quốc.”

“Tuy nhiên, sau ngày 24 tháng 2 năm nay, mạng lưới ngoại giao cây tre đó của Việt Nam đã bị xé toạc. Cả Trung Quốc và Nga đều gia tăng sức ép buộc Việt Nam phải đứng về phía họ,” ông Vuving phân tích.

Trong khi đó, trả lời BBC News Tiếng Việt từ Úc, Giáo sư Carl Thayer cho rằng, Việt Nam là một “swing states” (quốc gia dao động) có tầm quan trọng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và bài toán càng cam go hơn khi Nga xâm lược Ukraine.

Giáo sư Carl Thayer cũng chỉ ra rằng, những nỗ lực của Việt Nam nhằm tạo ra sự cân bằng đa cực trên toàn cầu đang bị xói mòn bởi những áp lực của Mỹ và Châu Âu lên Nga, cũng như tình trạng gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Về điểm này, nhà báo David Hutt của tờ The Diplomat bình luận với BBC rằng, ‌Việt Nam sẽ cố gắng giảm tầm quan trọng của chuyến thăm cũng như nhấn mạnh điểm này với phía Mỹ, nhằm xoa dịu những lo ngại của Washington về chuyến thăm của ông Trọng là đang thể hiện một hướng đi ngoại giao mới của Việt Nam.

BBC

Ngoại giao cây tre ‘gặp gió lớn’

Nhìn lại sự kiện hồi tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn gọi điện cho người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị để thông báo về lập trường của Việt Nam trong cuộc chiến Ukraine.

Khi ấy Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương Nghị:

“Hoa Kỳ cố gắng tạo ra căng thẳng trong khu vực và kích động đối kháng và đối đầu bằng cách thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Những động thái như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và sự phát triển quý giá trong khu vực và làm xói mòn nghiêm trọng cấu trúc hợp tác khu vực lấy ASEAN làm trung tâm.”

“Chúng ta không thể để tâm lý Chiến tranh Lạnh trỗi dậy trong khu vực và thảm kịch Ukraine lặp lại xung quanh chúng ta. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các nước xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đoàn kết và hợp tác với Việt Nam, chống lại các nguy cơ từ bên ngoài, ứng phó với tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng Ukraine trong khu vực, đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định chung ở khu vực.”

Tiến sĩ Vuving phân tích thêm:

“Như người đứng đầu  ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã nói vào tháng 12 năm 2021, chính sách đối ngoại của Việt Nam phải hành xử như một cây tre. Vì vậy, Hà Nội đang cúi đầu trước sức ép của Nga và Trung Quốc ở một mức độ nào đó trong khi cố gắng duy trì sức bật để có thể giật ngược trở lại trong tương lai.”

“Theo cách tiếp cận tre này, Việt Nam đã đáp lại lời thúc giục của Washington nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược” với lời hứa rằng sẽ thực hiện khi thiên thời địa lợi.”

“Với khoảng cách chênh lệch đáng kể giữa Nga và Mỹ, người ta phải tự hỏi liệu “thiên thời địa lợi” có đến hay không,” ông Vuving nói.

Ông Vuving cho rằng, chuyến đi của ông Trọng sẽ là thử thách cho chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam “nhằm lèo lái sự hỗn loạn của nền chính trị thế giới, có lẽ nghiêm trọng hơn bất kỳ hỗn loạn địa chính trị nào khác trong 30 năm qua.”

Chuyến đi ‘phá vỡ thông lệ’?

Một điểm quan trọng mà theo Tiến sĩ Vuving, truyền thông hai nước Việt Nam và Trung Quốc tránh nói đến đó là chuyến đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một việc “phá vỡ thông lệ”.

Theo thông lệ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) sau một kỳ đại hội là đến Lào, không phải đến Trung Quốc.

Ông Vuving nêu ví dụ chuyến đi đến Lào của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào năm 1998, trước khi đến Trung Quốc vào năm 1999. 

Tiếp đến, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã đến Lào vào tháng 7/2001 trước khi thăm Trung Quốc vào tháng 11 trong cùng năm đó. 

Năm 2011, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng thăm Lào tháng Sáu, trước khi thăm Trung Quốc cuối tháng 10 năm đó.

Sau Đại hội ĐCSVN lần thứ XII, đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Lào vào tháng 11/2016 trước khi sang Trung Quốc vào tháng 1/2017.

“Như vậy, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trọng sau Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 lại là đến Trung Quốc, không phải Lào. Điều này đang phá vỡ một thông lệ quan trọng, dù không chính thức, vốn được tuân thủ cẩn thận trong nhiều thập niên,” Tiến sĩ Vuving chỉ ra sự khác biệt.

Tháng Sáu 2021, ông Thongloun Sisoulith trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026 đã thăm Hà Nội.

Hồi tháng Năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đã thăm Lào.

Getty
Chụp lại hình ảnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng sau Lễ ký kết hàng chục thỏa thuận song phương sau cuộc hội đàm chính thức ở Hà Nội ngày 5/11/2015

Sang tháng Bảy, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thăm Lào và dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Còn vì sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa thăm Lào từ 2021 đến nay, thì chưa có đủ thông tin để kết luận.

Tuy nhiên, ông Vuving cho rằng, trong cuộc gặp mặt giữa hai Tổng Bí thư của hai Đảng Cộng sản sắp tới, Trung Quốc có thể nhấn mạnh nhu cầu “xích lại gần hau”.

“Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Đảng này nhằm kéo Việt Nam xích lại gần mình hơn, gây hại mối quan hệ Việt – Mỹ.”

“Cụ thể hơn, Bắc Kinh sẽ thúc ép Hà Nội nâng cấp mối quan hệ song phương của họ thành “cộng đồng chung vận mệnh” và ký kết vào Sáng kiến Phát triển Toàn cầu cũng như Sáng kiến An ninh Toàn cầu.”

“Tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng quay trở lại quỹ đạo của Trung Quốc. Vì vậy có thể Việt Nam sẽ phải nhượng bộ một số vấn đề nhỏ để có thể giảm áp lực của Trung Quốc trong các vấn đề lớn,” nhà quan sát Vuving kết luận.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1jw1d9gg7o

Trước ngày bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa kỳ: Tin giả tràn ngập các mạng xã hội

29/10/2022 – Trọng Thành – Trước thềm cuộc bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa kỳ 08/11/2022, tình trạng tin giả, thông tin sai lạc, các thuyết âm mưu tràn ngập trên rất nhiều mạng xã hội, theo ghi nhận của giới quan sát. Cuộc bỏ phiếu ngày 08/11 có ý nghĩa quyết định đối với chính sách của tổng thống Joe Biden trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ.  Thông tin sai lạc có thể tác động nhiều đến quyết định bỏ phiếu của cử tri. 

Một trong số các thuyết âm mưu phổ biến nhất trên các mạng xã hội là việc cựu tổng thống Donald Trump thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 do gian lận phiếu bầu. Tường trình của thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington:

‘‘Tin giả có mặt ở khắp nơi, đặc biệt trên các mạng xã hội. Cách nay ít hôm, báo New York Times đã thử kiểm kê xem các loại thuyết âm mưu nào được loan truyền nhiều nhất trên Intenet. Không có gì ngạc nhiên khi chủ đề trở lại thường xuyên nhất là việc gian lận làm thay đổi kết quả bầu cử.

Bất chấp việc luôn hoàn toàn không có bằng chứng, cựu tổng thống Donald Trump liên tục khẳng định thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử tổng thống 2020đã bị tước đoạt. Những người ủng hộ ông Trump tin tưởng vào điều này, và phổ biến quan điểm nói trên. Thông tin sai lạc này được loan truyền đến khắp nơi, một phần thông qua các ứng cử viên được cựu tổng thống ủng hộ. Họ truyền đi những thông điệp dối trá này tại các địa phương. Làn sóng tin giả loan truyền này có thể ví như một ‘‘cơn sóng thần’’, khó xác định được về số lượng.

Một chủ đề khác cũng được loan tải phổ biến là việc vận chuyển lậu phiếu bầu. Người ta nói đến việc có những người vận chuyển các lá phiếu giả mạo để làm sai lạc kết quả bầu cử. Một loại thông tin sai lạc phổ biến khác là thuyết âm mưu ‘‘grooming’’ chống những người chuyển giới, khi tố cáo họ bạo hành tình dục trẻ em. Số lượng thông điệp về chủ đề này đã tăng gấp 4 lần so với tháng 1/2022 trên Twitter. Loại thuyết âm mưu này được những người ủng hộ Trump cuồng nhiệt loan tải rộng rãi: Kết quả là có đến 48 triệu lượt chia sẻ.  

Các loại thông tin về các thuyết âm mưu như thế này chủ yếu bằng tiếng Anh, nhưng cũng bằng nhiều thứ tiếng khác được nói nhiều tại Hoa Kỳ, như tiếng Hoa, tiếng Việt. Có nhiều người nỗ lực để kiểm chứng tính xác thực của thông tin, nhưng thách thức là ghê gớm, đặc biệt liên quan đến tiếng Tây Ban Nha. Một số điều tra cho thấy cả một khối tin sai lệch khổng lồ.

Tại sao lại là ngôn ngữ của người Mỹ gốc Latinh? Trước hết vì đây là một cộng đồng đông người, một khối cử tri quan trọng. Nhưng cũng bởi vì các phương tiện truyền thông tiếng Tây Ban Nha ít nói về chính trị hơn tiếng Anh. Nhiều cư dân nói tiếng Tây Ban Nha không có điều kiện theo dõi tình hình chính trị bằng ngôn ngữ này. Môi trường này như vậy thuận lợi cho các thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu’’.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221029-truoc-bau-cu-quoc-hoi-my-tin-gia-tran-ngap-mang-xa-hoi

(AFP) – Các đợt nắng nóng gây nhiều thiệt hại kinh tế nhất cho các nước nghèo. Đây là kết quả một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances ngày 28/10/2022. Các đợt nắng nóng, với cường độ ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu, khiến thế giới đã tốn thêm 16 ngàn tỉ đô la trong giai đoạn 1992-2013 và càng làm nghiêm trọng thêm bất bình đẳng. Lý do chủ yếu là các nước nghèo nhất thường nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới, thời tiết vốn dĩ nóng hơn các nước khác. Nếu thiệt hại với các nước giàu là 1,5% GDP đầu người, tỉ lệ này lên tới 6,7% đối với các nước nghèo.

(AFP) – Ba Lan chọn công ty Mỹ Westinghouse để xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thứ Sáu 28/10/2022 thông báo trên Twitter như trên. Nhà máy này được xây dựng ở làng Choczewo, gần bờ biển Baltic. Chính phủ Ba Lan muốn nhà máy này hoạt động từ năm 2033. Ngoại trưởng Mỹ Blinken hôm qua tự hào về việc Mỹ trở thành đối tác lớn mạnh của Ba Lan về năng lượng và an ninh, khẳng định đây là bước tiến lớn để củng cố quan hệ Mỹ – Ba Lan vì các thế hệ tương lai.

(AFP) – Bão nhiệt đới Nalgae đe dọa Manila. Bão nhiệt đới Nalgae, đổ vào Philippines hôm nay, 2/10/2022, kể từ nay đe dọa đến thủ đô Manila, thành phố có đến 13 triệu dân, sau khi đã khiến ít nhất 45 người chết do các trận lụt và đất lở, theo thống kê mới nhất.

(AFP) – Một huyền thoại rock and roll qua đời. Một trong những người đi tiên phong trong thể thoại nhạc rock and roll, nhạc sĩ người Mỹ Jerry Lee Lewis vừa qua đời, thọ 87 tuổi, hôm qua, 28/10/2022. Từng là người bạn vừa là địch thủ của Elvis Presley, Jerry Lee Lewis đã có ảnh hưởng đến cả một thế hệ nhạc sĩ, như Bruce Springsteen. Tên tuổi của ông gắn liền với ca khúc bất hủ “Great Balls of Fire”. 

(AFP) – Thượng đỉnh về vùng Thượng Karabakh. Hôm qua, 28/10/2022, điện Kremlin xác nhận một cuộc họp thượng đỉnh quy tụ tổng thống của Nga và của Azerbaijan, cũng như thủ tướng của Armenia dã được tổ chức ngày thứ Hai tuần tới ở Sotchi để thảo luận về tình hình của vùng Thượng Karabakh. Armenia, đồng minh của Nga và Azerbaijan, được Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ đã từng hai lần có xung đột vũ trang để giành quyền kiểm soát vùng Thượng Karabakh. 

(AFP) – Tổng thống Mỹ sẽ dự thượng đỉnh COP27, G20 và ASEAN. Hôm qua, 28/10/2022, Nhà Trắng thông báo tổng thống Joe Biden sẽ dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP27 tại Ai Cập ngày 11/11, rồi sau đó sẽ đến Bali, Indonesia, từ ngày 13 đến 16/11 để dự thượng đỉnh nhóm G20, sau khi ghé qua Cam Bốt trong hai ngày 12 và 13/11 để dự thượng đỉnh ASEAN. 

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221029-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p