Reuters: Việt Nam có thể tiếp tục nới biên độ giao dịch tiền đồng để bảo toàn dự trữ ngoại hối
Việc Việt Nam đang chuẩn bị nới lỏng biên độ giao dịch với đồng đô la Mỹ một lần nữa sau khi đã liên tục bị giảm giá mạnh nhằm. để bảo toàn khoản dự trữ tiền tệ đang ngày càng vơi đi là chỉ dấu khối dự trữ đô la bắt đầu cạn kiệt
Với khả năng hầu như chắc chắn là FED của Mỹ sẽ tăng lãi xuất mạnh vào tháng 11 để ngăn chặn áp lực của lạm phát cao sẽ làm giòng chảy đô la càng mạnh hơn về Mỹ đưa đến tình trạng khan hiếm ngoại tệ ngày càng tệ hại mà tác hại lập tức là lượng ngoại tệ giành cho nhập khẩu cho sản xuất trong nước bị hạn chế làm cho xuất khẩu giảm sản xuất chậm lại gia tăng thất nghiệp
Nguy cơ tiềm ẩn khác là nếu lượng đô la cho nhập khẩu xăng dầu năng lượng không giảm được nhưng nếu có vấn đề bất thường xảy ra đối với việc giá dầu trên thế giới tăng nó càng làm cho vấn đề càng tồi tệ hơn và nó có thể đưa tới khan hiếm nhiên liệu như ở Sri Lanka vài tháng trước cũng như cho các ngành kinh tế cần ngoại tệ nhập khẩu
BBT
Reuters: Việt Nam có thể tiếp tục nới biên độ giao dịch tiền đồng để bảo toàn dự trữ ngoại hối
26/10/2022
Một quầy giao dịch ở một ngân hàng tại Hà Nội.
Việt Nam đang chuẩn bị nới lỏng vòng kiểm soát chặt chẽ đối với tiền đồng, bao gồm cả việc có thể nới biên độ giao dịch với đồng đô la Mỹ một lần nữa, để bảo toàn khoản dự trữ tiền tệ đang ngày càng vơi đi của họ, Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết hôm thứ Tư 26/10.
Tỷ giá tiền đồng so với đô la đã giảm 8% trong năm nay, do áp lực của dòng vốn chảy ra ngoài khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ liên tục tăng tỷ giá để kiềm chế lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã can thiệp để bảo vệ đồng tiền quốc gia, mặc dù ngân hàng này hiếm khi tiết lộ dữ liệu dự trữ ngoại hối hoặc số lượng đô la được chi ra. Một số nhà phân tích thị trường ước tính cho đến nay có khoảng 20 tỷ đô la đã được bán trong năm nay.
Khi NHNN nới rộng biên độ quanh tỷ giá tham chiếu tiền đồng hàng ngày vào ngày 17/10 từ 3% lên 5% – điều mà một số nhà giao dịch ví như phá giá tiền tệ trên thực tế – thì tiền đồng đã giảm xuống mức rất yếu giữa lúc có dấu hiệu là nhu cầu về đô la rất lớn.
Dữ liệu từ hãng thông tấn Anh cho biết vào lúc 3 giờ 24 GMT ngày 26/10, tiền đồng đã giảm 0,04% xuống 24.855 đồng/đô la. Nhưng trên thị trường chợ đen, nó được giao dịch ở mức thấp kỷ lục là 25.370 đồng/đô la.
Nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính nói với Reuters rằng Việt Nam sẵn sàng chấp nhận mức phá giá tiền đồng thêm 1-1,5% so với đồng đô la vào cuối năm nay.
Theo nguồn tin này, nới rộng biên độ là một khả năng khi động thái này cho phép thị trường đẩy giá đồng tiền quốc gia xuống thấp hơn mà không kích hoạt việc phải bán ra quá nhiều dự trữ ngoại hối. Ông cho biết các biện pháp khác để hỗ trợ tiền đồng, mà không làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối, cũng đang được thảo luận, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Nguồn tin này nói thêm rằng thời điểm tiến hành những động thái trên vẫn đang được xem xét, nhưng có khả năng sẽ diễn ra sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tuần tới, cục này dự kiến sẽ công bố một đợt tăng lãi suất lớn nữa.
“Biện pháp quan trọng để NHNN ổn định tiền đồng vẫn là bán USD và mua vào tiền đồng, nhưng hiện tại NHNN không có đủ năng lực để thực hiện điều đó”, nguồn tin cho biết.
NHNN không bình luận gì với Reuters về khả năng nới rộng biên độ giao dịch.
Cho đến tháng 9 vừa rồi, tiền đồng là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực, với nền kinh tế ghi nhận thêm một quý tăng trưởng mạnh mẽ và xuất khẩu vững chắc giúp cho các nhà hoạch định chính sách có ngoại tệ mạnh để hỗ trợ.
Nhưng chỉ riêng tháng 10 đã chứng kiến sự lao dốc 4% giá trị tiền đồng so với đồng đô la, kém hơn so với các quốc gia khác ở châu Á.
Không giống như các nước láng giềng và các thị trường mới nổi toàn cầu, ngân hàng trung ương Việt Nam chỉ bắt đầu tăng lãi suất trong những tuần gần đây để chống lạm phát. Ngân hàng hiện đã tăng lãi suất chính sách của mình hai lần trong vòng 4 tuần.
“Phản ứng của Việt Nam đối với tình hình toàn cầu không được nhanh chóng. Đó là lý do tại sao tiền đồng chịu rất nhiều áp lực”, nguồn tin của Reuters nhận định.
Nguồn tin cho biết Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng tiết kiệm đô la vì dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nghĩa là ít nhất ba tháng nhập khẩu.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm đáng kể kể từ đầu năm, từ mức đỉnh 112,2 tỷ USD vào tháng 1 xuống 94,5 tỷ USD vào tháng 8, theo báo cáo của Fitch Solutions, trích dẫn dữ liệu của IMF.
Dự kiến vào tháng tới sẽ có khoảng 2 tỷ USD dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào, dưới dạng các hợp đồng cho vay hiện có, điều này có thể làm giảm áp lực lên tiền tệ.
Nhà kinh tế ASEAN Mohamed Faiz Nagutha của Bank of America Securities nói: “Chúng tôi tin rằng cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để ổn định tình hình”.
Ông nói: “Điều này có thể sẽ diễn ra dưới hình thức một đợt phá giá tiền đồng trên thực tế khác… và/hoặc tăng lãi suất hơn nữa”.
“Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực trong trung hạn đối với Việt Nam, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần rút ra những bài học quan trọng từ tình hình hiện nay để hiện đại hóa chế độ chính sách tiền tệ và tạo điều kiện cho tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn hoạt động như một bộ giảm sốc”, kinh tế gia Nagutha nói thêm.
VOAViet