Tin Tổng Hợp – 21/10/22
Drone vũ trang: Mỹ khẳng định cố vấn quân sự Iran đến Crimée giúp Nga
21/10/2022 – Anh Vũ – Giữa lúc Nga đang gia tăng các cuộc tập kích bằng drone vào Ukraina, hôm qua, 20/10/2022, Nhà Trắng khẳng định nhiều nhân viên quân sự Iran đang có mặt tại Crimée giúp Nga sử dụng các loại drone do Iran chế tạo để tấn công các mục tiêu của Ukraina. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây đòi trừng phạt Teheran vì đã cung cấp drone cho Matxcơva.
Thông tín viên Guillaume Nodin từ Washington cho biết thêm thông tin:
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby, khẳng định: Đúng là có một số lượng người tương đối hạn chế, chủ yếu là các nhân viên huấn luyện và kỹ thuật viên, để giúp sử dụng drone do Iran cung cấp vì Nga thấy các drone này không hiệu quả lắm.
Hoa Kỳ khẳng định những nhân viên của Iran đang ở Crimée, lãnh thổ Ukraina bị Nga sáp nhập bất hợp pháp năm 2014. Nhưng bộ Quốc Phòng Mỹ cho là người Nga điều khiển drone nhắm vào các mục tiêu của Ukraina, đặc biệt là các mục tiêu dân sự. Tướng Pat Ryder, phát ngôn viên Lâu Năm Góc, nói:
“Rõ ràng, một lần nữa, chúng ta tiếp tục thấy Iran là tòng phạm, xuất khẩu nỗi khiếp sợ, không chỉ tại vùng Trung Đông, mà giờ đây là tại Ukraina. Về phía bộ Quốc Phòng, chúng tôi tiếp tục hợp tác với Ukraina, với các đồng minh và đối tác của mình để hỗ trợ Ukraina về an ninh, trong khi họ tiếp tục chiến đấu bảo vệ đất nước”.
Từ khi có những thông tin đầu tiên về việc Iran cung cấp drone cho Nga sử dụng tại Ukraina, Teheran vẫn phủ nhận mọi sự can dự của họ vào cuộc xung đột này. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, rất đơn giản là Iran nói dối.
Nga có thể ‘lách’ được giới hạn giá trần của G7
22/10/2022 – Reuters
Nga có thể tiếp cận đủ tàu chở dầu để vận chuyển hầu hết số dầu của họ ngoài phạm vi của mức giá trần mà G7 vừa đặt ra, các công ty trong ngành và một quan chức Mỹ nói với Reuters. Điều này cho thấy hạn chế của kế hoạch tham vọng nhất từ trước tới nay nhưng vẫn chưa kiềm chế được doanh thu thời chiến của Moscow.
Nhóm Bảy quốc gia hồi tháng trước nhất trí tới ngày 5/12 sẽ giới hạn doanh số bán dầu của Nga ở mức giá thấp bắt buộc nhưng vấp phải sự lo ngai từ các công ty lớn trong ngành dầu mỏ toàn cầu, những người lo rằng ngại động thái này có thể làm tê liệt hoạt động thương mại trên toàn thế giới.
Nhiều tháng thảo luận giữa Hoa Kỳ và các công ty bảo hiểm, thương mại và vận tải biển đã xoa dịu quan ngại về việc họ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt nhưng tất cả các bên giờ đây đều nhận ra rằng Nga phần lớn có thể ‘né đòn’ với các tàu và dịch vụ của riêng họ.
Các dự báo về khả năng phục hồi của thương mại dầu mỏ Nga và chi tiết về các cuộc thảo luận giữa Washington và ngành dầu mỏ và dịch vụ toàn cầu đã không được công bố trước đây.
Ước tính rằng tới 80-90% lượng dầu của Nga sẽ tiếp tục chảy ra ngoài cơ chế giới hạn giá trần khi Moscow tìm cách bất chấp không phải là không có lý, một quan chức Bộ Ngân khố Mỹ nói với Reuters.
Nga đã xuất khẩu hơn 7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 9.
Mỹ biết rằng có một số tàu thay đổi quốc gia xuất xứ và các thực thể
thương mại được di chuyển ra ngoài G7 để trốn tránh bị áp đặt giá trần,
quan chức này cho biết thêm.
Vẫn theo nguồn tin vừa kể, Nga sẽ phải mất tổn phí vì phải thực hiện các chuyến đi dài hơn cùng các chi phí bảo hiểm, tài chính, khiến Hoa Kỳ lạc quan rằng sau một thời gian Nga sẽ buộc phải bán dầu trong giới hạn giá trần.
Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng mua dầu của Nga với mức giá hạ mạnh trong những tháng gần đây, nhưng cả hai đều không tán thành việc giới hạn giá.
Mỹ cho rằng giới hạn giá cho phép Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu của Nga với giá thấp hơn, mang lại lợi ích cho nền kinh tế của họ.
Các hạm đội chở dầu trong bóng tối
Những người kỳ cựu trong ngành và các quan chức chính sách đã nhìn thấy những giới hạn của một kế hoạch mà thoạt đầu dường như toàn bộ hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga được theo dõi kỹ nhưng phạm vi của nó giờ đây có thể bị giảm đi đáng kể.
“Về lý thuyết, có một đội tàu chở dầu trong bóng tối đủ lớn để tiếp tục vận chuyển dầu thô của Nga sau ngày 5/12”, ông Andrea Olivi, người đứng đầu toàn cầu về vận tải hàng hóa lỏng tại công ty kinh doanh hàng hóa khổng lồ Trafigura nói với Reuters.
“Nhiều tàu bóng tối này sẽ có thể tự bảo hiểm hoặc chúng có thể được bảo hiểm bởi P&I của Nga”, ông nói thêm, đề cập đến bảo hiểm bảo vệ và bồi thường.
Ngân hàng JP Morgan nhận thấy tác động của giới hạn giá trần bị tê liệt, với việc Nga gần như hoàn toàn bỏ qua lệnh cấm bằng cách điều các tàu của Trung Quốc, Ấn Độ và của chính họ – có tuổi trung bình gần hai thập kỷ – tương đối cổ theo tiêu chuẩn vận chuyển.
Điều đó có thể khiến xuất khẩu của Nga trong tháng 12 chỉ giảm 600.000 thùng/ngày so với tháng 9, theo ngân hàng JP Morgan.
Theo ông Norbert Rucker, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ Julius Baer, các thương nhân kinh doanh dầu mỏ của Nga không còn ở Thụy Sĩ, Geneva hay London nữa. Họ đang xuất hiện từ Trung Đông nhiều hơn”.
“Nếu bạn nhìn vào những người châu Á mua dầu, tàu biển, bảo hiểm – điều này dường như ngày càng được thực hiện ở ngoài châu Á.”
Bắn vào chân?
Kế hoạch giới hạn giá của G7 đồng ý vào tháng 9 đã được Hoa Kỳ đưa tới các công ty trong ngành như một khóa an toàn đối với lệnh cấm hoàn toàn của EU về vận tải dầu của Nga.
Các dịch vụ của P&I tuân theo luật của EU đảm bảo khoảng 90% thương mại trên đại dương của thế giới, có nghĩa là động thái của EU có thể đã khiến hầu hết các hoạt động xuất khẩu của Nga bị đình trệ.
Điều đó có thể đã gây phản ứng ngược cho các quốc gia trừng phạt bằng cách khiến giá năng lượng tăng vọt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn đã sâu sắc khi một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn xuất hiện.
EU đã phê chuẩn giới hạn giá trong tháng này nhưng thông tin chi tiết về việc thực hiện nó vẫn chưa được công bố.
Quan chức Hoa Kỳ cho biết chính sách này đã được điều chỉnh để các công ty dễ dàng kiểm chứng hoặc chứng thực rằng giá đã được bán dưới mức giới hạn.
Giới chức này cho biết thêm, mục đích của giới hạn giá không phải là trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ.
Quy định sẽ đủ lỏng lẻo để cho phép các công ty bảo hiểm yêu cầu người mua dầu của Nga cam kết bằng văn bản rằng việc bán hàng sẽ dưới giá trần trong suốt thời gian chính sách.
Ông Daniel Ahn, cựu kinh tế gia trưởng tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết các quốc gia chế tài Nga đã đánh giá quá cao khả năng kiểm soát của họ đối với hoạt động thương mại dầu toàn cầu và rằng những điều chỉnh và làm rõ chính sách là nhằm mục đích giảm thiểu tổn hại cho bản thân.
Ông Ahn, một thành viên tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, nói: “Tất cả những gì sẽ làm là định hướng lại dầu … và gây khó khăn cho cuộc sống của mọi người, đó là những gì đang xảy ra ngay bây giờ”.
“Nó sẽ ít gây thiệt hại hơn lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn bằng đường biển. Họ đã tự bắn vào chân mình, nhưng giờ họ đang cố gắng băng bó lại một chút.”
https://www.voatiengviet.com/a/nga-co-the-lach-duoc-gioi-han-gia-tran-cua-g7/6800361.html
(AFP) – Nhiều tổ chức phi chính phủ tố cáo Việt nam trấn áp các nhà bảo vệ môi trường. Hôm nay, 21/10/2022, 15 tổ chức phí chính phủ, trong đó có Amnesty International và Human Rights Watch,đã gửi thư ngỏ đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, nhân chuyến ông đến thăm Hà Nội. Các tổ chức này cho biết trong năm nay Hà Nội đã kết án tù 4 nhà hoạt động bảo vệ môi trường bằng những cáo buộc ngụy tạo vô căn cứ, và khẳng định «những tù nhân chính trị đó là nạn nhân tiêu biểu của làn sóng trấn áp mới ở Việt Nam… đó là việc làm đe dọa các tiến bộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu». Trong thư, các tổ chức quốc tế đề nghị ông Antonio Guterres «công khai yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do» cho 4 nhà hoạt động môi trường đã bị kết án tù nhiều năm: Ngụy Thị Khanh, Phan Mai Lợi, Bạch Hùng Dương và Đặng Đình Bách.
(AFP) – Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt các mạng xã hội sau vụ một thiếu nữ bị chết trong lúc bị đưa đi cách ly chống dịch Covid-19. Trong tuần, rộ lên hình ảnh trên các mạng xã hội một thiếu nữ 14 tuổi, không được chăm sóc tại một khu cách ly ở thị trấn Nhữ Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Nạn nhân đã chết trong tiếng kêu cứu của những người chung quanh. AFP chưa thể kiểm chứng về tính xác thực của những hình ảnh nói trên. Nhưng nhân viên kiểm duyệt Trung Quốc trong ngày 21/10/22 ráo riết xóa mọi hình ảnh, hay bình luận, tin tức có liên quan đến vụ này. Báo chí chính thức tuyệt nhiên im lặng. Tháng trước, 27 người Trung Quốc đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông khi bị chuyển đến một khu vực cách ly những người bị tình nghi dương tính hay có liên hệ với bệnh nhân Covid-19.
(AFP) – Sập mái vòm đền thờ Hồi giáo ở Jakarta. Mái vòm của một đền thờ Hồi giáo lớn tại thủ đô Indonesia, hôm nay đã đổ sập hoàn toàn sau một vụ hỏa hoạn. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Đây là ngôi đền thờ lớn nhất trong Trung tâm Hồi giáo của Jakarta đang trong qua trình tu sửa. Vụ cháy đã kéo dài nhiều giờ tước khi bị khống chế. Chính quyền đang điều tra nguyên nhân của vụ hỏa hoạn xảy ra trong lúc công nhân đang thi công sửa chữa công trình.
(Reuters) – Ý: Giorgia Meloni tuyên bố sẵn sàng thành lập chính phủ mới. Các đối tác trong liên minh cánh hữu Ý đề xuất với tổng thống Sergio Mattarella, chỉ định bà Meloni thành lập chính phủ liên minh. Trả lời báo chí sáng nay 21/10/2022, lãnh đạo đảng cực hữu Fratelli d’Italia, bà Giorgia Meloni cho biết «sẵn sàng thành lập chính phủ sớm chừng nào tốt chừng nấy». Chiều nay bà Meloni sẽ hội kiến tổng thống Mattarella.
(AFP) – Phim hoạt họa Pháp được giải thưởng Oscar của giới sinh viên Mỹ. Phim ngắn mang tên Les Larmes de la Seine – Những hạt lệ của dòng sông Seine hôm qua 20/10/2022 «đoạt huy chương đồng» của giới sinh viên Mỹ. Phim nói về đợt đàn áp đẫm máu tại Paris trong cuộc biểu tình ngày 17/10/1961 đòi độc lập cho Algérie, khi đó là thuộc địa của Pháp. Phim do 3 sinh viên trường điện ảnh Pôle 3D của thành phố Roubaix của Pháp thực hiện. Các đồng tác giả gồm Yanis Belaid, Eliott Benard và Nicolas Mayeur. Trong số những tên tuổi từng đoạt giải Oscar của giới sinh viên, phải kể đến những đạo diễn như Spike Lee hay Pete Docter.
(France 24) – Qatar «bao khán giả» đến dự Cúp bóng đá thế giới. Một tháng nữa Cúp bóng đá thế giới sẽ khai cuộc tại Qatar. Nước chủ nhà đang lo ngại sự thiếu vắng cổ động viên các nước sẽ làm mất đi không khí của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Nhiều nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội và có quan hệ gần gũi với chính quyền Doha, gần đây đã tiếp cận các nhóm cổ động viên nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu hay châu Mỹ, với hứa hẹn sẽ lo cho họ toàn bộ chi phí chuyến đi và vé vào sân xem thi đấu. Trong khi đó, hôm 17/10/2022, FIFA và ban tổ chức nước chủ nhà khẳng định 90% vé xem các trận đấu ở Cúp bóng đá thế giới, tức 2,9 triệu vé, đã bán hết và bảo đảm các sân vận động ở Cúp thế giới sẽ kín khán giả.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221021-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p