Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp mở Đại hội: Ai lên, ai xuống?
15/10/2022 – Reuters, VOA –Đảng Cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc sẽ sắp xếp lại nhân sự lãnh đạo
vào kỳ Đại hội Đảng vốn được tổ chức 5 năm một lần, bắt đầu từ ngày
16/10, với việc ông Tập Cận Bình được nhiều người dự đoán tiếp tục nhiệm
kỳ thứ ba làm Tổng bí thư, vị trí lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Việc ông Tập phá vỡ tiền lệ không làm quá hai nhiệm kỳ khiến dự đoán
thành phần của Thường vụ Bộ Chính trị sắp tới của ông còn khó khăn hơn
bình thường, bao gồm ai sẽ lên thay nhân vật số hai là Thủ tướng Lý Khắc
Cường khi ông nghỉ hưu vào tháng 3 năm sau.
Cấu trúc của Thường vụ Bộ Chính trị – hiện có 7 ủy viên, nhưng con số đó không phải cố định – là vấn đề quan trọng bởi vì đảng này có truyền thống thực thi ‘lãnh đạo tập thể’, tức yêu cầu tất cả quyết định quan trọng nhất phải được đưa ra bỏ phiếu.
Một số kịch bản và kết quả khả dĩ:
Thủ tướng kế tiếp
Trong quá khứ, thủ tướng sắp được bổ nhiệm thường không quá 67 tuổi, từng là phó thủ tướng và đã quản lý kinh tế ở cấp tỉnh với tư cách là bí thư tỉnh ủy.
Cả hai ông Uông Dương và Hồ Xuân Hoa đều đáp ứng những điều kiện đó,
trong khi những người như Lý Cường và Đinh Tiết Tường có tiêu chuẩn kém
hơn nhưng được coi là được ông Tập Cận Bình tin tưởng cao độ.
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc có thể khiến sự lựa chọn nghiêng về nhà kinh tế giàu kinh nghiệm, nhiều nhà phân tích cho biết.
Kịch bản: Uông Dương trở thành thủ tướng.
Ông Uông, 67 tuổi, là Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, tức Chính hiệp, cơ quan cố vấn chính trị. Ông là nhân vật thứ tư trong Thường vụ Bộ chính trị đương nhiệm và là người có thứ bậc cao nhất trong số các ứng viên.
Một số phân tích gia cho rằng yếu tố bất lợi cho ông Uông, là ông được nhìn nhận có mối liên hệ với Đoàn Thanh niên Cộng sản, một phe phái của Thủ tướng Lý Khắc Cường một thời rất có ảnh hưởng nhưng đã mất quyền lực dưới thời ông Tập.
Những người khác lập luận rằng ông Uông sẽ được ông Tập tin tưởng sau
thời gian thu mình lại và hết lòng trung thành với ông Tập trong Thường
vụ Bộ chính trị trong 5 năm qua.
Tuổi tác của ông Uông khiến ông chỉ có thể làm được một nhiệm kỳ, song lại trở thành lợi điểm của ông, những nhà quan sát sự tình của Đảng nói, vì ông sẽ ít là mối đe dọa hơn trong mắt ông Tập vì ông không thể nắm quyền lâu hơn ông Tập.
Kịch bản: Hồ Xuân Hoa làm thủ tướng.
Ông Hồ, 59 tuổi, là một trong 4 phó thủ tướng và cũng đã thăng tiến qua các cấp bậc của Đoàn Thanh niên.
Mặc dù cấp bậc thấp hơn ông Uông, ông Hồ đã tích lũy kinh nghiệm đáng kể trong xử lý các vấn đề bao gồm nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo ở cấp quốc gia, và các khu vực bao gồm các khu tự trị Tây Tạng, Nội Mông và tỉnh Quảng Đông.
Ông Hồ trẻ hơn chục tuổi so với ông Tập, 69 tuổi, điều này tác động cả hai chiều: ông Tập có thể cảnh giác khi cất nhắc cho một người có sự nghiệp chính trị dài hơn, người có khả năng tại vị lâu hơn hoặc có thể lật đổ ông. Mặt khác, ông Tập có thể thích sức trẻ của ông Hồ – và sự tuân phục – trong chế độ chính trị của Trung Quốc vốn coi trọng cấp bậc.
Ngay cả khi không nắm được ghế thủ tướng, ông Hồ vẫn có thể có được một vị trí trong Thường vụ bộ Chính trị mà nhiều người khao khát.
Kịch bản: Một người trung thành với ông Tập Cận Bình nhưng ít kinh nghiệm được bật đèn xanh
Nếu quyền lực ông Tập đủ mạnh, thay cho hai ứng viên kể trên, một người trung thành đáng tin cậy với ít kinh nghiệm liên quan hơn có thể được đưa lên làm thủ tướng.
Lý Cường, 63 tuổi, bí thư Thành ủy Thượng Hải và là một trong những người thân cận đáng tin cậy nhất của ông Tập, nhưng thành tích của ông đã bị hoen ố bởi lệnh phong tỏa hà khắc kéo dài hai tháng để chống dịch COVID-19 đối với 25 triệu dân của thành phố.
Ngay cả khi không trở thành thủ tướng, ông Lý vẫn có thể vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Kịch bản: Hàn Chính phá bỏ giới hạn độ tuổi, trở thành thủ tướng.
Là phó thủ tướng duy nhất có chân trong Thường vụ Bộ Chính trị, ông Hàn có kinh nghiệm phù hợp để làm thủ tướng nhưng đã bước sang tuổi 68 vào tháng 4 và do đó sẽ về hưu.
Một số phân tích gia cho rằng ông Tập có thể du di yêu cầu tuổi tác đối với ông Hàn, người đã chứng tỏ là hết lòng ủng hộ và sẵn sàng làm cái bóng mờ nhạt cho ông Tập.
Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị
Cơ quan quyền lực nhất của Đảng, Thường vụ Bộ Chính trị, có thể sẽ có 3 thành viên mới nếu vẫn giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu và con số ủy viên vẫn được giữ nguyên là 7 người.
Hơn một nửa trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị có thể sẽ được thay thế.
Kịch bản: Lý Khắc Cường trở thành chủ tịch Đại hội Đại biểu nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội.
Sau khi ông Lý, 67 tuổi, rời ghế thủ tướng, ông có thể rút khỏi chính trường hoặc, theo tiền lệ đã có hồi năm 1998 (ông Lý Bằng), vẫn ở lại Thường vụ Bộ Chính trị với tư cách là chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nhân vật số ba của Trung Quốc.
Một số nhà quan sát nội tình Đảng suy đoán ông Lý, mà quyền hành thủ tướng của ông đã suy yếu dưới thời ông Tập và có đầu óc cải cách hơn về kinh tế – khác với cách tiếp cận của ông Tập – sẽ muốn rút lui hoàn toàn.
Những người khác cho rằng ông Lý sẽ không ra đi vì điều đó khiến người ngoài tưởng là nội bộ các lãnh đạo có sự rạn nứt.
Kịch bản: Những người trung thành với ông Tập được cất nhắc vào Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị.
Các cận thần khác của ông Tập được coi là có cơ hội tốt để được cất nhắc, hoặc là vào Bộ Chính trị hoặc là vào Thường vụ Bộ Chính trị, bao gồm phụ tá hàng đầu của ông Tập là Đinh Tiết Tường, 60 tuổi; Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ, 62 tuổi; Lý Thư Lỗi, 58 tuổi, quan chức tuyên giáo số 2 của Đảng; và quan chức an ninh hàng đầu Vương Tiểu Hồng, 65 tuổi.
Kịch bản: Hầu hết các ghế trong Bộ Chính trị đều có người mới
Trùm quản lý kinh tế – Phó Thủ tướng Lưu Hạc, 70 tuổi, sắp về vườn. Các chuyên gia cho rằng ông có thể được cho làm phó chủ tịch nước, vị trí không có giới hạn độ tuổi nghiêm ngặt. Ông dự kiến sẽ được thay bằng ông Hà Lập Phong, 67 tuổi, người đứng đầu cơ quan kế hoạch nhà nước của Trung Quốc, và là đồng minh lâu năm của ông Tập.
Người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan, 72 tuổi, cũng sắp nghỉ hưu. Người phụ nữ có khả năng cao nhất lên thay bà là Kham Di Cầm, 62 tuổi, thuộc Bạch tộc thiểu số và là bí thư tỉnh Quý Châu nghèo khó.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, người đã thăng tiến theo đúng chuyên ngành, ông Dương Khiết Trì, 72 tuổi, vốn đại diện cho ông Tập trong cơ quan quyết sách về đối ngoại của đảng, cũng sắp nghỉ hưu. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, 68 tuổi, được cho là sẽ lên thế ông. Hứa Kỳ Lượng và Trương Hựu Hiệp, cả hai đều là tư lệnh quân sự trong Bộ Chính trị và 72 tuổi, cũng sắp về hưu. Những nhân vật có khả năng lên thay là Đô đốc Hải quân Miêu Hoa và tướng lục quân Lưu Chấn Lập.
Kịch bản: ủy viên mới trong Thường vụ Bộ Chính trị – thay hết hay giữ lại hết.
Các chuyên gia không loại trừ khả năng không có ủy viên mới nào trong
Thường vụ Bộ Chính trị dù là khả năng này thấp – tín hiệu mạnh mẽ cho
thấy ông Tập muốn tiếp tục cầm quyền sau nhiệm kỳ thứ ba.
Một kịch bản cực đoan khác là ông Tập thay đổi tất cả các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại bằng những gương mặt mới, những người trẻ hơn và vâng lời hơn.
(Reuters)