Tin Tổng Hợp – 14/10/22: Ukraina phá một kho đạn trên lãnh thổ Nga; Ngoại giao Mỹ ở Hà Nội chúc mừng VN được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ
Ukraina phá hủy một kho đạn ở vùng Belgorod, trên lãnh thổ Nga
14/10/2022 – Minh Anh –Thống đốc vùng Belgorod, Viatcheslav Gladkov, hôm qua, 13/10/2022, cho biết quân Ukraina đã pháo kích phá hủy một kho đạn tại vùng này.
Trên mạng Telegram, ông Gladkov cho biết thêm các cuộc pháo kích của quân đội Ukraina còn phá hủy một tòa nhà dân cư, nhưng không gây ra thương vong nào.
Lãnh đạo vùng Belgorod tố cáo quân đội Ukraina bắn vào làng Krasnoié, trên lãnh thổ Nga sát biên giới với Ukraina, gây hư hại nặng nề một sân trường học.
Tại Koursk, một vùng biên giới khác của Nga, hai ngôi làng đã bị mất điện sau nhiều cuộc oanh kích từ Ukraina, gây hư hại một trạm biến thế, theo như thông báo từ thống đốc Roman Starovoit trên mạng Telegram. Tình trạng tương tự xẩy ra tại Chebekino, một thành phố vùng Belgorod.
AFP nhắc lại, vùng Belgorod thường xuyên bị Ukraina nã pháo, nhất là từ hồi mùa xuân này, nhưng thành phố Belgorod, thủ phủ của vùng cho đến giờ vẫn hiếm khi bị tấn công từ khi cuộc xung đột bùng nổ.
Chính quyền Matxcơva tuần rồi cho biết các cuộc pháo kích từ Ukraina nhắm vào các vùng lãnh thổ Nga sát biên giới với Ukraina đã «gia tăng đáng kể». Theo Matxcơva, những vụ pháo kích này đã phá hủy nhiều tòa nhà chung cư, nhà máy điện, các cơ quan hành chính và nhiều đồn cảnh sát biên giới.
Trong khi Ukraina tiến quân đánh chiếm lại Kherson, các lực lượng thân Nga tại vùng Donetsk hôm qua, 13/10, cho biết sắp chiếm được Bakhmout, phía bắc Donetsk. Đây là lần đầu tiên, hai tháng sau khi Ukraina phát động chiến dịch phản công, các lực lượng Nga và thân Nga có một bước tiến quân sự. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Nga đang dồn dập tuyển quân.
Đại sứ quán Mỹ chúc mừng Việt Nam giành ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ
14/10/2022 – VOA Tiếng Việt
Phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Việt Nam lên tiếng chúc mừng việc nước chủ nhà được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, theo trang Facebook chính thức của phái bộ.
Một bài đăng hôm 14/10 trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội viết: “Chúng tôi gửi lời chúc mừng Việt Nam trúng cử Thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và hi vọng cùng làm việc để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu và tại Việt Nam”.
Cơ quan đại diện ngoại giao của cường quốc phương Tây có vị trí số 1 thế giới nói thêm rằng Mỹ “hy vọng Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này để thực hiện bước tiến thúc đẩy nhân quyền và trả tự do cho những người bị bắt giữ tùy tiện vì thực hiện các quyền cơ bản của con người về tự do biểu đạt và quyền lập hội”.
Như VOA đã đưa tin, hai ngày trước, trong một cuộc họp báo ở Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink cũng đã chúc mừng Việt Nam quay trở lại Hội đồng Nhân quyền LHQ, đồng thời nhấn mạnh rằng “vấn đề nhân quyền tiếp tục đóng vai trò là một trụ cột trung tâm” trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm vẫn ra báo cáo nhân quyền về các nước trên
thế giới, trong đó, phần đánh giá về Việt Nam thường chứa đựng các bằng
chứng cho thấy hồ sơ nhân quyền của Việt Nam vẫn ở mức đáng quan ngại,
đáng bị lên án, bao gồm một số vấn đề nổi bật là chính quyền bắt bớ tùy
tiện những người lên tiếng ôn hòa bảo vệ nhân quyền, và chính quyền vi
phạm quyền tự do phát biểu, tự do báo chí.
Bộ ngoại giao Việt Nam thường lên tiếng phản bác các báo cáo này, cho
rằng nhận định của phía Mỹ là “không khách quan”, “không phản ánh tình
hình thực tế tại Việt Nam”.
Đại hội đồng LHQ hôm 11/10 bỏ phiếu chuẩn thuận việc Việt Nam lần thứ hai là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, với tỷ lệ phiếu là 145/189 phiếu hợp lệ. Việt Nam sẽ cùng 13 nước khác nắm nhiệm kỳ 3 năm trong hội đồng, bắt đầu từ 1/1/2023.
Trong thông cáo phát ra cùng ngày Việt Nam đắc cử, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đưa ra quan điểm: “Là tân thành viên của Hội đồng Nhân quyền, chính phủ Việt Nam nên chứng tỏ họ sẵn sàng bảo vệ nhân quyền thay vì vi phạm nhân quyền”.
https://www.voatiengviet.com/a/6789735.html
Anh quốc ‘rối bời’: Thủ tướng lung lay, cách chức bộ trưởng để xoa dịu thị trường
15 tháng 10 2022 – Thủ tướng Anh Liz Truss hôm 14/10 sa thải bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng và rút lại một phần trong gói kinh tế gây tranh cãi, trong nỗ lực duy trì vị trí, chưa đầy 40 ngày kể từ khi bà làm thủ tướng.
Trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn, Truss nói rằng bà chấp nhận chỉ trích rằng kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ đã diễn ra “xa hơn và nhanh hơn” so với những gì nhà đầu tư mong đợi.
“Tôi đã hành động dứt khoát hôm nay vì ưu tiên của tôi là đảm bảo sự ổn định kinh tế của đất nước”, bà nói trong một cuộc họp báo ngắn.
Reuters nhận định Vương quốc Anh đang chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị, gợi nhắc cuộc chiến công nghiệp của những năm 1970, hay sự sụp đổ của đồng bảng Anh vào đầu những năm 1990, và sự hỗn loạn sau Brexit.
Kể từ khi người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu vào năm 2016, nước này đã mất ba thủ tướng.
Bà Truss đã sa thải bộ trưởng tài chính và người bạn thân của bà, Kwarteng, sau khi ông này vội vã trở về London từ cuộc họp của IMF ở Washington.
Để thay thế ông, bà Truss đã bổ nhiệm Jeremy Hunt, một cựu bộ trưởng ngoại giao và y tế.
Ông Hung từng ủng hộ đối thủ của bà, ông Rishi Sunak trong cuộc đua vào mùa hè này để trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ.
Jeremy Hunt là bộ trưởng tài chính thứ tư của Vương quốc Anh chỉ trong hơn ba tháng.
Ông cũng là người thứ năm giữ vai trò này chỉ trong ba năm qua.
Bà Liz Truss giành được vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ vào tháng Chín, sau khi ông Boris Johnson phải từ chức.
Sau khi lên thủ tướng, bà và bộ trưởng tài chính thúc đẩy chính sách kinh tế, hứa hẹn cắt giảm thuế và bãi bỏ nhiều quy định mà bà cho rằng sẽ giúp tăng trưởng.
Ngân sách tài chính ngày 23 tháng 9 của ông Kwarteng được công bố.
Nhưng phản ứng tiêu cực từ các thị trường xảy ra dữ dội đến mức Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp để ngăn chặn các quỹ hưu trí sụp đổ.
Kwasi Kwarteng đã giữ chức bộ trưởng tài chính chỉ trong 38 ngày.
Trong lịch sử nước Anh, chỉ có bốn người khác giữ vai trò này ít ngày hơn ông: Edward Law năm 1806, Charles Abbott năm 1827, Thomas Denman năm 1834 và Iain MacLeod – người qua đời chỉ một tháng sau khi được bổ nhiệm vào năm 1970.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c887y3dydy3o
(AFP) – Tổng thống Macron bị chỉ trích tứ phía. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 2 trong tuần, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Nga đang «chơi trò chơi» của Azerbaijan nhằm làm suy yếu Armenia. Hôm nay, 14/10/2022, tổng thống Nga đánh giá đồng nhiệm Pháp không hiểu cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Phía chính quyền Baku thì phản đối những tuyên bố của ông Macron là «không thể chấp nhận và thiên vị». Về phần mình, Teheran cũng lên án Paris «can thiệp» nội tình Iran và xúi giục «bạo động và bất tuân» khi bày tỏ tình liên đới với những người biểu tình.
(AFP) – Kinh tế: Châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái năm 2023. Phát biểu trước Ủy ban Tiền tệ và Tài chính Quốc tế, thuộc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE), bà Christine Lagarde, hôm nay, 14/10/2022, tuyên bố «triển vọng tăng trưởng có xu hướng giảm do những hậu quả kinh tế từ cuộc chiến tại Ukraina». Tuy không nói đến suy thoái, nhưng lãnh đạo BCE nhấn mạnh đến bức tranh mầu u ám từ hồi mùa hè khi lạm phát tăng đến 10% trong tháng 9/2022 tại khu vực đồng tiền chung euro.
(AFP) – Thủ tướng Anh cách chức bộ trưởng Tài Chính. Theo truyền thông Anh Quốc hôm nay, 14/10/22, ông Kwasi Kwarteng đã bị cách chức vào lúc nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị. Vào cuối buổi sáng nay, Kwasi Kwarteng đã đến phủ thủ tướng sau khi phải rời cuộc họp ở Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, diễn ra tại Washington, sớm hơn dự kiến.
(AFP) – Mỹ: Xả súng làm năm người thiệt mạng. Vụ việc xảy ra lúc 5 giờ chiều ngày 13/10/2022, trên con đường mòn đi bộ ở Raleigh, một thành phố có gần 500 ngàn dân thuộc bang Bắc Carolina. Năm người đã thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát và nhiều người khác bị thương. Theo như thông báo của chính quyền địa phương, một nghi phạm đã bị bắt giữ.
(RFI) – Space X không muốn tài trợ mạng kết nối Starlink tại Ukraina. Theo thông tin từ kênh truyền thông Mỹ CNN, tập đoàn Space X, do tỷ phú Elon Musk thành lập, cho biết không thể tiếp tục tài trợ dịch vụ kết nối mạng qua vệ tinh mà hãng này cung cấp cho Ukraina thông qua các điểm kết nối cho phép quân đội Ukraina tiếp tục liên lạc qua mạng. Nguyên nhân là hệ thống mạng tại chỗ đã bị quân Nga phá hủy. Cũng theo CNN, Space X đề nghị bộ Quốc Phòng Mỹ gánh chịu kinh phí cho dịch vụ thiết yếu này cho quân đội Ukraina.
(AFP) – TotalEnergies bị kiện vì đồng lõa với tội ác chiến tranh. Một đơn kiện về đồng lõa với tội ác chiến tranh đã được đệ trình hôm qua 13/10/2022 tại Paris nhắm vào tập đoàn TotalEnergies. Tập đoàn này bị cáo buộc đã cho phép sản xuất nhiên liệu ở Nga, và những nhiên liệu này sau đó được các máy bay Nga sử dụng tham chiến ở Ukraina. Đơn kiện được đệ trình bởi hiệp hội Darwin Climax Coalition có trụ sở tại Bordeaux, hoạt động trong việc bảo vệ nhân quyền và hiệp hội Razom we stand của Ukraina, vốn đang kêu gọi thế giới cấm vận nhiên liệu hóa thạch của Nga.
(RFI) – Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đạo luật cấm «bóp méo thông tin». Bất chấp những nỗ lực cản trở của phe đối lập, một đạo luật trừng phạt những người «bóp méo thông tin» đã được quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hôm qua 13/10/2022. Các cư dân mạng và nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây có thể đối mặt với mức án 3 năm tù nếu đưa những thông tin được cho là «không đúng sự thật». Các tổ chức phi chính phủ về tự do báo chí lên án đây là một công cụ mới để bóp nghẹt báo chí độc lập, 8 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221014-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p