Ba sai lầm của Tập Cận Bình trong chính sách đối ngoại

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ba sai lầm của Tập Cận Bình trong chính sách đối ngoại

12/10/2022 – Thanh Hà – Trước thềm Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc 2022, cựu đại sứ Singapore Bilahari Kausikan nêu bật ba sai lầm trong chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình. Bài nhận định được đăng trên báo tài chính Nhật Asia Nikkei ngày 12/10/2022.

Là một nhà ngoại giao lão luyện, nguyên là thứ trưởng Ngoại Giao Singapore, đại sứ Singapore tại Matxcơva, ông Bilahari Kausikan đánh giá: về phong cách, ông Tập Cận Bình trong thập niên cầm quyền vừa qua đã “quá tự tin và hung hăng”. Về thực chất nhà lãnh đạo quyền lực nhất tại Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông đến nay đã phạm ba sai lầm “nghiêm trọng” trong chính sách đối ngoại.

Sai lầm cơ bản thứ nhất là đã quá “hấp tấp” từ bỏ cách tiếp cận của Đặng Tiểu Bình, theo phương châm “ẩn mình để chờ thời”. Với khủng hoảng tài chính thế giới 2008 Trung Quốc đã thực sự khẳng định vị trí của mình trên bàn cờ thế giới về kinh tế và đã lầm tưởng là có thể dễ dàng qua mặt nước Mỹ nói riêng, phương Tây nói chung.

Sơ hở thứ hai bắt nguồn từ đánh giá sai lệch về “biến cố khủng hoảng tài chính 2008”: Bắc Kinh tự ru ngủ với giả thuyết là phương Tây đang suy đồi và sẽ không vươn dậy được trở lại. Nhà ngoại giao Singapore, Bilahari Kausikan ghi nhận phương Tây chỉ “đổ dốc một cách tương đối. Đó không phải là một sự sụp đổ tuyệt đối”. Mãi đến gần đây, giáo sư của Đại học Bắc Kinh, Wang Jisi mới nhìn nhận điều đó. Hơn nữa dù rằng Mỹ có lao dốc “đi xuống”, so với Trung Quốc, nhưng cũng phải hiểu rằng, chưa chắc là Hoa Kỳ đã “đổ dốc”. Trong khí đó thì Trung Quốc là một quốc gia đang vươn lên và đang “trỗi dậy” và vẫn theo chuyên gia Trung Quốc này, thì “trong nhiều lĩnh vực Hoa Kỳ vẫn chiếm thế thượng phong một cách tuyệt đối”. Tiếc rằng “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” và “sự thật đó không vừa ý ông Tập Cận Bình

Sai lầm thứ ba trong 10 năm lãnh đạo đất nước ông Tập đã mắc phải, theo quan điểm của nhà ngoại giao Singapore và cũng từng là đại sứ tại Matxcơva này, là khi Bắc Kinh tuyên bố “tình bạn vô bờ bến” với Nga. Theo ông Bilahari Kausikan, Nga sẽ vĩnh miễn mang nợ Trung Quốc và sẽ càng lúc càng lệ thuộc vào Bắc Kinh. Như đã thấy, Trung Quốc có thể mua năng lượng của Nga với giá rẻ nhưng đồng thời càng lúc càng lo lắng khi mà chiến tranh Ukraina gây khó khăn cho kinh tế của Trung Quốc và tăng trưởng của quốc gia đông dân này bị chậm lại.

(Bài tham khảo: https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/Interview/Xi-s-China-has-made-3-foreign-policy-mistakes-Bilahari-Kausikan)

Source: https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20221012-ba-sai-l%E1%BA%A7m-c%E1%BB%A7a-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-trong-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-%C4%91%E1%BB%91i-ngo%E1%BA%A1i