Ðiểm Báo Pháp – 7/10/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Pháp – 7/10/22

Tiết kiệm năng lượng mùa đông: Tiếng chuông ‘‘tổng động viên’’ của chính phủ Pháp

Toàn xã hội phải tiết kiệm năng lượng nghiêm ngặt trong mùa đông này, để Pháp không rơi vào tình trạng buộc phải thiết lập chế độ cấp phát năng lượng theo tiêu chuẩn, là chủ đề chính của hầu hết các báo hôm nay, 07/10/2022. Chủ đề lớn trang nhất của nhiều báo là giải Nobel Văn học, lần đầu tiên được trao tặng cho một nữ văn sĩ Pháp. Cuộc đối đầu phương Tây – Nga liên quan đến chiến tranh tại Ukraina, và phong trào phản kháng ở Iran là các chủ đề khác đáng quan tâm.

‘‘Tiết kiệm năng lượng: Thủ tướng Borne gióng chuông ‘tổng động viên’ ’’ là một tựa chính của Le Figaro. Hôm qua, 06/10/2022, chính phủ Pháp chính thức thông báo về kế hoạch tiết kiệm năng lượng. Trang nhất Les Echos nhấn mạnh đến các nỗ lực cần có để tiết kiệm, đặc biệt về phía giới doanh nghiệp, từ ngành thực phẩm, đến kỹ thuật số… vốn đang tìm cách hướng đến mục tiêu hợp lý hóa việc sử dụng năng lượng. Chủ động thay đổi ‘‘thay vì rơi vào thế bị động’’ là thông điệp chính của nhật báo kinh tế.

Về chương trình tiết kiệm năng lượng của chính phủ, Les Echos cho biết cụ thể là, kế hoạch khuyến khích hành động tự nguyện nói trên dự kiến giảm được 10% tiêu thụ năng lượng trong vòng hai năm. ‘‘Tổng động viên’’ – một từ ngữ thường chỉ được dùng trong lĩnh vực quân sự – là khẩu hiệu được chính phủ đưa ra để nhấn mạnh ‘‘tính cấp bách của tình hình’’, đòi hỏi sự tham gia của toàn thể xã hội, theo bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái Agnès Pannier-Runacher.

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có phát biểu nhấn mạnh là, nếu toàn thể xã hội chủ động, tự nguyện tham gia tiết kiệm, thì sẽ không cần đến các sắc lệnh, các luật mới, những thứ phức tạp, thì chúng ta có thể vượt qua mùa đông năm nay, ngay cả khi phải đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất, khi không còn khí đốt đến từ Nga, điều rất có khả năng xảy ra’’.

Trong số các biện pháp mà chính phủ Pháp đề ra, có nhiều biện pháp căn bản như dùng ít năng lượng để sưởi ấm hơn, thắp sáng ít hơn, tạo thuận lợi cho việc cùng xe hơi, hay gia tăng làm việc từ xa…. Người dân Pháp được khuyến khích chỉ giữ nhiệt độ trong nhà ở mức 19°C vào mùa đông, tại nơi ở, nơi làm việc. Chính phủ cũng có kế hoạch phổ biến rộng rãi chỉ dẫn cụ thể về ‘‘các hành vi sinh thái’’ chủ yếu cần thực hiện để tiết kiệm năng lượng (écogeste), kể từ đầu tuần tới.

Le Figaro chê trách chính phủ coi dân như trẻ con

Về chủ đề này, Le Figaro có bài xã luận ‘‘Gáo nước lạnh’’. Bài viết tỏ ra không thiện cảm với chủ trương can thiệp sâu của chính phủ vào lĩnh vực riêng tư của người dân. Le Figaro so sánh các khuyến nghị dân chúng thay đổi hành vi để gia tăng tiết kiệm năng lượng, mà chính phủ đưa ra hôm qua, với lời lẽ của các lãnh đạo Pháp, như các thủ tướng Chirac và Barre dưới thời tổng thống Giscard d’Estaing (những năm 1970), đã ‘‘khuyên người dân nên tắm nước nóng ít hơn, và tắm trong thời gian ngắn hơn’’.

Le Figaro bình luận : ‘‘Trong cuộc khủng hoảng dịch tễ, do thiếu vac-xin, người ta đã yêu cầu các bậc ông già bà lão đón Noel trong bếp (để tránh bị lây nhiễm do tiếp xúc với người thân). Với cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng hiện nay, bộ trưởng Kinh Tế lại nồng nhiệt yêu cầu dân chúng nên sử dụng áo len cao cổ, và các loại áo ấm khác.’’ Theo Le Figaro, ‘‘cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như khủng hoảng khí hậu… đều là những điều có thể dự báo trước’’. Le Figaro chê trách chính phủ đã thổi phồng vấn đề này vì mục tiêu lấy lòng cử tri, cũng như để phục vụ cho các mục tiêu ‘‘ý thức hệ’’ không có ý nghĩa thực tế. ‘‘Gáo nước lạnh ghê gớm!’’ là biểu đạt đầy thất vọng của nhật báo thiên hữu, khi chỉ trích chính phủ đã lơ là năng lượng hạt nhân, được coi là có thể bảo đảm một phần lớn nhu cầu năng lượng của nước Pháp.

La Croix: Tình hình hiện nay nghiêm trọng hơn bội phần so với những năm 70

Ngược lại với Le Figaro, nhật báo Công giáo La Croix ủng hộ chủ trương của chính phủ. Xã luận La Croix nhan đề ‘‘Tiết kiệm, một hành động lâu dài’’ trực tiếp chỉ trích quan điểm so sánh chính sách tiết kiệm năng lượng mà chính phủ vừa đưa ra với tình hình nước Pháp những năm 1970.

La Croix nhấn mạnh: thời kỳ chúng ta đang sống hiện nay là ‘‘hoàn toàn khác trước, tình hình hiện nay trầm trọng nhiều hơn gấp bội phần’’. Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga ‘‘chỉ là một tác nhân làm tình hình trầm trọng hơn, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá năng lượng tăng vọt. Việc giá cả tăng vọt sẽ không biến mất khi mùa xuân trở lại, cũng như khi chiến tranh kết thúc’’. Khủng hoảng năng lượng không chỉ do thiếu nguồn cung năng lượng hóa thạch mà còn xuất phát chủ yếu từ thực trạng biến đổi khí hậu, buộc xã hội con người phải cắt giảm mạnh việc sử dụng năng lượng nói chung, và các năng lượng hóa thạch nói riêng.

Cái lợi của việc thay đổi triệt để lối sống : Lời nhắn nhủ của giáo hoàng Phanxicô

La Croix giải thích: xã hội chúng ta đang sống trong một giai đoạn đòi hỏi ‘‘thay đổi triệt để các thói quen, ứng xử không chỉ trong một vài tháng, mà còn trong nhiều thập niên’’. Những hành vi tiết kiệm năng lượng như chính phủ đề xuất (tiết kiệm điện, tránh đi lại không cần thiết, hay thậm chí mua áo len cao cổ…) quả thật là ‘‘cần thiết cho trước mắt, nhưng rất không đủ xét về dài hạn’’.

La Croix khuyến nghị, trong bối cảnh áp lực tiết kiệm năng lượng còn kéo rất dài, mọi người nên có một thái độ bình tĩnh, tránh rơi vào tâm trạng lo hãi. Nhật báo Công giáo nhắn nhủ với những người Thiên Chúa giáo về những nguồn lực tinh thần mà họ có thể tìm thấy, ví dụ như trong thông điệp chuyên về sinh thái mang tên ‘’Laudato Si’ ’’ của giáo hoàng Phanxicô.

La Croix khép lại bài viết với một câu trích : ‘‘Tiết độ (…) không phải là ít sống hơn mà hoàn toàn ngược lại. (…) Hạnh phúc đòi hỏi việc giới hạn một số nhu cầu, vốn làm cho chúng ta trở nên dốt nát hơn, và chính nhờ vậy giúp cho chúng ta có thể sẵn sàng đón nhận vô số những cơ hội mà cuộc sống có thể mang lại’’.

Liberaration: Chính phủ còn quá nương nhẹ

Cũng về chủ đề này, hơi khác với La Croix, Liberation có bài chỉ trích ‘‘Khủng hoảng năng lượng: Chính phủ vẫn còn quá ư tiết độ’’. Tiết độ trong việc sử dụng năng lượng (sobrité) hay tiết kiệm năng lượng là khuyến nghị của chính phủ Pháp. Liberation chơi chữ khi dùng chính chữ ‘‘tiết độ’’ này để chỉ trích chính phủ đã quá nương nhẹ với các doanh nghiệp. Nhật báo thiên tả đặc biệt chỉ trích việc chính phủ đã vạch ra những mục tiêu lớn, nhưng khi định hướng hành động lại vẫn chỉ dựa vào thiện chí của các doanh nghiệp và gia đình.

Tiết kiệm điện mùa đông, bước đầu của đại kế hoạch Chuyển đổi Sinh thái

Về
phần mình, trang nhất Le Monde số ra cuối tuần lên mạng cuối buổi sáng
hôm nay chú ý đến chương trình tiết kiệm năng lượng của chính phủ đề ra
cho mùa đông này chỉ là ‘‘một trắc nghiệm cho kế hoạch tổng thể chuyển
sang một xã hội tôn trọng môi sinh’’. Cương lĩnh mang tên ‘‘kế hoạch hóa
sinh thái’’ đầy tham vọng đã được tổng thống Pháp từ mùa hè này xác lập
như trụ cột chính cho chính quyền nhiệm kỳ Macron 2.

Nhật báo Le Monde dành riêng một bài viết dài gần hai trang báo, với nhan đề ‘‘Tổng thống Macron tìm cách thực thi chủ trương kế hoạch hóa sinh thái’’. Bài viết nhấn mạnh đến hoạt động của tổng thư ký Kế hoạch hóa Sinh thái (SGPE), Antoine Pellion, phụ trách điều phối các hoạt động liên quan đến chuyển đổi sinh thái. Chức vụ tổng thư ký Kế hoạch hóa Sinh thái được lập ra vào tháng 5/2022, ngay khi ông Macron tái đắc cử.

Thay đổi chính quyền để chuyển sang xã hội sinh thái: Một cuộc ‘‘thay máu’’

Về mặt chính thức, chính phủ Pháp đã có một bộ máy phục vụ cho chủ trương Kế hoạch hóa Sinh thái, nhưng các nội dung cụ thể, mục tiêu cụ thể, và lộ trình hành động cụ thể, theo nhiều nhân vật chủ chốt của liên đảng cầm quyền.

Thách thức đối với thay đổi nói trên được đánh giá là ‘‘khổng lồ’’, theo ghi nhận của giám đốc cơ sở tư vấn chuyển đổi sinh thái The Shift Project, ông Matthieu Auzanneau, bởi mục tiêu là ‘‘thay máu’’, chuyển đổi toàn bộ phương thức vận hành của hệ thống cầm quyền, và hoạt động này diễn ra một cách công khai. Một trong các điểm mấu chốt là định hướng hành động của chính quyền cần không được quá cứng rắn, mang tính chỉ đạo, bởi ‘‘rất cần đến sự thích ứng’’, việc liên tục điều chỉnh các mục tiêu hành động cụ thể, cho dù mục tiêu lớn cho một hoặc hai thập niên đã được xác định.

Để phục cho định hướng lớn chuyển sang xã hội sinh thái, nhật báo kinh tế Les Echos dành chuyên mục ‘‘Thảo luận’’ hôm nay cho chủ đề ‘‘Chúng ta mong muốn lối sống tiết độ nào?’’. Ông Thierry Marx, một chủ doanh nghiệp Pháp nổi tiếng chuyên về trường phái ‘‘ẩm thực phân tử’’, tham gia vào thảo luận với bài viết ‘‘Lối sống tiết độ tích cực, một giải pháp cho thực phẩm’’. Các thành viên của Trường quản trị kinh doanh Grenoble có bài viết phê phán các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch thiên về nhấn mạnh đến đòi hỏi thay đổi hành vi từng cá nhân, thay vì thay đổi về cấu trúc của nền kinh tế….

Nobel Văn học 2022: Người không sợ làm mất lòng

Tin vui về giải thưởng Nobel văn học lần đầu tiên được trao tặng cho một nữ văn sĩ Pháp có mặt trên trang nhất hầu hết các báo. La Croix chạy tựa lớn: ‘‘Annie Ernaux: Người viết về sự sống’’. Nhật báo Công giáo nhấn mạnh đến việc giải Nobel vinh danh nữ tác giả của ‘‘những truyện kể in đậm tính chất riêng tư’’.

Phụ trương ‘‘Le Figaro et vous’’ dành trang nhất để giới thiệu nữ văn sĩ, tiểu thuyết gia và nhà tranh đấu, từnhiều năm nay đã được coi là ứng cử viên sáng giá của giải Nobel. Le Figaro có bài phỏng vấn  tiểu thuyết gia Alice Ferney, cũng là một cây bút của nhật báo. Bài phỏng vấn nhan đề: ‘‘Annie Ernaux chưa từng viết để làm hài lòng người khác. Bà đã dũng cảm khi viết để gây mất lòng’’.

‘‘Văn chương vừa thầm kín, vừa chính trị’’

Annie Ernaux là hình ảnh trang nhất của Le Monde. ‘‘Văn chương vừa thầm kín, vừa chính trị’’ là tựa lớn. Le Monde, nói đến nữ văn sĩ 82 tuổi, được vinh danh vì ‘‘ngòi bút bền bỉ, và không khoan nhượng’’. Le Monde có bài viết về ‘‘Annie Ernaux, một giải Nobel cho sự nghiệp của người mà ‘‘cái tôi’’ của bà chuyển đạt trải nghiệm chung’’. Le Monde điểm lại một số nét lớn trong sự nghiệp của nữ văn sĩ với các tiểu tựa ‘‘Người làm rung chuyển trật tự xã hội’’, ‘‘Con người hiến mình cho văn học’’,  ‘‘Vĩnh biệt văn chương hư cấu’’.

Giải Nobel cho Annie Ernaux: ‘‘Luồng chớp sáng lòa, đầy ý nghĩa tốt lành’’

Giải Nobel vinh danh nữ văn sĩ Pháp chiếm trang nhất và toàn bộ phần đầu của Liberation. Bài xã luận của nhật báo thiên tả với tựa đề ‘‘Dấn thân’’ dành những lời lẽ mạnh mẽ hiếm thấy để nói về Annie Ernaux, như muốn truyền đi một nguồn năng lượng to lớn tỏa ra từ sự nghiệp của nữ văn sĩ. Nguồn năng lượng ấy đã sẵn có trong các tác phẩm của bà, nhưng ‘‘nhờ ở giải Nobel này, sức mạnh đó có thể được nhân lên gây bội’’.

Xã luận Liberation viết : ‘‘trong lúc cả một đại dương đầy bi kịch tràn ngập cuộc sống hàng ngày của chúng ta, việc giải Nobel văn học được trao tặng cho Annie Ernaux đã có một hiệu ứng như một luồng chớp sáng lòa, đầy ý nghĩa tốt lành. Nhờ thế mà ta có thể thâu nạp được những nguồn sức mạnh cho mùa đông này, và xa hơn nữa. Nhờ đó mà có thêm nhiên liệu cho lửa lòng, đối với tất cả những ai đang tranh đấu chống lại các bất công… Bởi, với Annie Ernaux, không chỉ là văn học được tôn vinh, mà là chính sự dấn thân’’.

Một giải thưởng đến đúng lúc

Liberation khen ngợi ‘‘giải thưởng có ý nghĩa chính trị sâu sắc và thể hiện sự dũng cảm’’ của Viện hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển. Giải thưởng đến đúng lúc, đã thể hiện sự đồng vọng đến mức ‘‘không thể tin được vào thời điểm mà người Iran đang tranh đấu, bất chấp mạng sống của mình, chống lại chế độ cai trị tăm tối của các giáo sĩ Hồi giáo, khi thế lực bảo thủ tại Hoa Kỳ giới hạn quyền phá thai của phụ nữ, vào lúc mà chúng ta vừa kỷ niệm 5 năm phong trào #MeeToo cho phép nhiều phụ nữ cất lên tiếng nói, khi một cựu công nhân người Brazil (tức ứng viên tổng thống Lula) đang chiến đấu để loại bỏ khỏi nền chính trị Brazil một con người (tức tổng thống mãn nhiệm Bolsonaro) đang chà đạp không chỉ người dân Brazil, mà còn cả hành tinh, và khi mà một kẻ say sưa quyền lực (ngụ ý nói đến tổng thống Nga Putin), biểu tượng của quyền uy nam tính được đẩy lên đến mức khôi hài, đang đe dọa thế giới với vũ khí hạt nhân, và khi mà các thế lực cực hữu đang lấn dần từng bước một tại châu Âu’’.

Sức mạnh phẫn nộ của Annie Ernaux, theo Liberation, đã và đang truyền đi ‘‘trong giới trẻ, mà với nhiều người, nữ văn sĩ 82 tuổi là một thần tượng. Một từ ngữ ngợi ca mà chắc chắn là bà rất ghét’’. Về nguồn gốc sức mạnh toát ra từ con người và sự nghiệp của Annie Ernaux, Liberation nhấn mạnh đến tình cảm phẫn nộ trước các bất công trong bà, và ý thức trách nhiệm của con người, luôn hành động theo một châm ngôn: ‘‘Người nào có khả năng tiếng nói phát ra được người khác lắng nghe, thì có nghĩa vụ phải cất lời’’.

07/10/2022 – Trọng Thành

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20221007-chinh-phu-phap-giong-chuong-tong-dong-vien