Tin Tổng Hợp – 3/10/22: Kinh tế Việt Nam hưởng lợi nhờ Trung Hoa, Zelensky chỉ trích gợi ý của Elon Musk

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 3/10/22: Kinh tế Việt Nam hưởng lợi nhờ Trung Hoa, Zelensky chỉ trích gợi ý của Elon Musk

Tăng trưởng kinh tế: Việt Nam hưởng lợi nhờ Trung Quốc

03/10/2022 – Thanh Phương

Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/09/2022, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 3 ước tính lên tới 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 10-11% được các chuyên gia đưa ra trước đó. Việt Nam được dự báo dẫn đầu châu Á về tăng trưởng 2022 trong lúc kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại nhiều. Tăng trưởng của Việt Nam phần nào hưởng lợi nhờ những khó khăn hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong bản báo cáo Cập nhật Tình hình Kinh tế ĐôngÁ và Thái Bình Dương, được công bố ngày 27/09/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận: “Tăng trưởng tại hầu hết các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã phục hồi trong năm 2022 sau khi bị Covid-19 gây ảnh hưởng, trong khi đó Trung Quốc bị lỡ đà tăng trưởng do nước này  tiếp tục các biện pháp kiềm chế virus.”

Cụ thể, theo WB, Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2022, giảm mạnh so với 8,1% trong năm 2021. Trái ngược với Trung Quốc, Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng đến 7,2% trong năm 2022, tức là cao hơn mức dự báo 5,3% do chính WB đưa ra trong báo cáo vào tháng 4.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng

Trước đó, trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO) cập nhật năm 2022, được công bố ngày 21/09, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023.

Theo ADB, “kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu được khôi phục, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm nay”. Báo cáo của ADB cũng cho rằng, “di chuyển trong nước trở lại hoàn toàn bình thường và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với khách nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, và đây là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.”

Lạm phát tăng cao ở Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đang làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, theo ADB,“chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát giá hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% năm 2022 và 4% năm 2023, không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á vào tháng 4/2022”.

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ngày 12/09 tại Hà Nội, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, nhắc lại là trong tháng 7, IMF cũng đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 từ 6% lên 7%. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà cơ quan này tăng dự báo tăng trưởng.

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 30/09/2022, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu lên những yếu tố giúp cho tăng trưởng kinh tế năm nay có tốc độ cao như vậy:

“Tăng trưởng mạnh của Việt Nam thứ nhất là nhờ nông nghiệp thì vẫn là vững bề. Cơn bão vừa rồi, nhờ Việt Nam đã bố phòng, chuẩn bị rất tốt, nên có gây tác hại nhưng ở mức độ có kiểm soát. Trung Quốc làm quá nghiêm ngặt về chống Covid khiến cho họ thiết hụt một số mặt hàng, kể cả nông lâm thủy sản, thì Việt Nam có thể sẽ giúp Trung Quốc khôi phục phần nào nhu cầu ấy.

Còn về công nghiệp, Việt Nam đã tiếp tục thu hút được đầu tư nước ngoài và xuất khẩu thì đã hồi phục. Nhờ vậy mà sản lượng công nghiệp đã có tăng và đóng góp của công nghiệp cho GDP đã tăng lên. Ngoài ra, đầu tư công cũng đã được dồn sức lực để cố gắng hoàn thành cho cuối năm nay.”

Hưởng lợi từ cạnh tranh Mỹ-Trung

Trên trang The Diplomat ngày 29/09/2022, chuyên gia về khu vực Đông Nam Á Vincenzo Caporale ghi nhận:

“Gần đây, Việt Nam là nước được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì cạnh tranh này liên quan đến đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI). Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tỏ ra ít thân thiện hơn với doanh nghiệp, và chính sách phòng chống Covid-19 của Trung Quốc trở nên nghiêm ngặt và có vẽ sẽ được duy trì lâu dài, các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, để giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn. Trong số đó có các tập đoàn như Apple, Samsung và Hasbro, vốn có những hoạt động sản xuất lâu năm và đáng kể ở Trung Quốc, đã quyết định giảm hoạt động của họ ở nước này.

Việt Nam đã được hưởng lợi khi các công ty lớn chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng lợi thế về chi phí thấp, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi và thành công trong việc giảm thiểu tác động kinh tế của Covid-19. Ví dụ, Foxconn, nhà sản xuất điện tử nổi tiếng có hợp đồng với tất cả các công ty công nghệ lớn, bao gồm cả Apple, tuyên bố sẽ đầu tư 300 triệu đôla vào một nhà máy mới ở miền Bắc Việt Nam. Gần đây, Google đã thông báo kế hoạch chuyển một nửa sản lượng điện thoại Pixel sang Việt Nam, trong khi Microsoft đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất một phần số lượng Xbox. Một vài năm trước, các tập đoàn nói trên chỉ sản xuất những mặt hàng này ở Trung Quốc. Nhìn chung, FDI của Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6/2022 đã tăng 8,9 %  so với cùng kỳ năm 2021.”

Tuần báo The Economist của Anh trong bài viết đăng ngày 22/09 cũng ghi nhận: 

“Việt Nam có nhiều lợi thế. Lực lượng lao động của Việt Nam sẽ vẫn còn trẻ và linh động, trong khi dân số Trung Quốc già đi và giảm bớt. Việt Nam vẫn là một thành viên tích cực của hơn một chục hiệp định thương mại tự do, cho phép tiếp cận dễ dàng hơn thị trường của các nước. Về phòng chống Covid-19, các nhà lãnh đạo chính trị của Việt Nam cũng ít nghiêm ngặt hơn so với Trung Quốc. Việt Nam đã mở lại hoàn toàn biên giới vào tháng 3, trong khi đó Trung Quốc vẫn giữ nhiều rào cản nhập cảnh.

Đất nước khoảng 100 triệu dân này cũng có những điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, chẳng hạn như có hơn 3.000 km bờ biển. Và Việt Nam nằm ở ngay ngưỡng cửa Trung Quốc. Nhờ đã đầu tư rất cho các cơ sở hạ tầng cho như đường xá, khu công nghiệp điện tử của Việt Nam chỉ cách Thâm Quyến, thủ đô công nghệ của Trung Quốc, 12 giờ lái xe. Một nhà điều hành khu công nghiệp cho biết: “Quý vị chẳng cần phải đổi mới chuỗi cung ứng của quý vị ở đây”.

Còn nhiều rủi ro 

Tuy nhiên, viễn cảnh tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới không hoàn toàn thuận lợi, vì có rất nhiều yếu tố rủi ro do tình hình kinh tế thế giới vẫn rất bất ổn.

Trong bản báo cáo ngày 21/09, ADB đã cảnh báo, “kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tình trạng thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.”

Đối với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mức tăng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chưa thật sự vững bền:

“Đầu tư nước ngoài có hồi phục, nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và vẫn chưa bằng thời kỳ trước Covid. Thật ra các nhà đầu tư nước ngoài chưa rời bỏ Trung Quốc, mà họ chỉ chuyển một phần công xưởng của họ sang Việt Nam, những phần mà họ nghĩ là có thể tận dụng được lực lượng lao động giá rẽ ở Việt Nam.

Để thu hút đầu tư lâu bền, Việt Nam cần phải nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là công nghệ thông tin. Thứ hai là phải đào tạo và bồi dưỡng một tầng lớp lao động có chất lượng cao. Đó là lĩnh vực rất khó khăn. Thứ ba là phải cải cách thể chế, chuyển mạnh sang chính phủ điện tử, chuyển mạnh sang kinh tế số và kết nối trực tiếp các chuỗi giá trị của Việt Nam với các chuỗi giá trị trên thế giới.

Trong các lĩnh vực đó, cải cách thể chế là khâu then chốt. Có cải cách thể chế thì lúc đó mới phát triển được kinh tế tư nhân trong nước và thu hút được đầu tư nước ngoài, cũng như thúc đẩy việc cải thiện kết cấu hạ tầng.”

Trong bài viết đăng ngày 29/09 trên trang The Diplomat, chuyên gia Vincenzo Caporale cũng lưu ý: 

“Việt Nam phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng đối với tăng trưởng trong tương lai. Yếu tố hạn chế nhất là quy mô dân số của Việt Nam, sẽ không bao giờ vượt quá một phần nhỏ của Trung Quốc. Tương tự, lực lượng lao động của Việt Nam có kỹ năng tương đối thấp, nguồn cung năng lượng đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu và mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển cơ sở hạ tầng, Việt Nam vẫn đứng thứ 47 trong số 160 quốc gia về lĩnh vực này.”

Kinh tế thế giới bất ổn

Ấy là chưa kể tình hình kinh tế thế giới hiện nay vẫn còn rất bất ổn, đặc biệt là với nguy cơ suy thoái đang đe dọa châu Âu và điều này ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:

“Hiện nay, xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng đến 236% GDP của Việt Nam. Cho nên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hồi phục của kinh tế thế giới, nhất là hồi phục của kinh tế Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và hồi phục của kinh tế Trung Quốc, thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rất nhiều.”

Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ như hiện nay do chính sách chống Covid quá nghiêm ngặt, điều này sẽ có tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam? Chuyên gia Lê Đăng Doanh giải thích:

” Một mặt, nó tạo điều kiện cho Việt Nam có thể xuất khẩu, nhưng một mặt nó cũng gây khó khăn cho việc nhập khẩu các mặt hàng của Trung Quốc. Chính vì vậy mà Việt Nam đã đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu, tăng cường nhập khẩu từ Ấn Độ, Bangladesh và từ một số nước khác ở Trung Đông.”

Tuần báo Anh The Economist trong bài viết đăng ngày 22/09 thì khuyến cáo Việt Nam:  

“ Vẫn còn nhiều việc phải làm nếu các nhà máy của Việt Nam muốn tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Cơ sở sản xuất của Việt Nam vẫn hạn chế hơn nhiều so với Trung Quốc. Các công ty nước ngoài vẫn muốn mua được nhiều linh kiện trong nước hơn, vì như vậy nhanh hơn và thuận tiện hơn so với việc chỉ tìm được nguồn cung ứng ở bên kia biên giới. Nhưng họ thường không tìm thấy những gì họ tìm kiếm.”

Tuần báo Anh nêu ví dụ nhà máy Hanpo Vina, chuyên sản xuất và gia công các công đoạn của sản phẩm nhựa (bao gồm cả lắp ráp) cho các ngành công nghiệp Điện Tử, Viễn Thông, Linh kiện xe máy, Thiết bị gia dụng,… Nhà máy này “không chỉ minh họa cho những gì Việt Nam đã đạt được, mà còn cả những giới hạn của thành công đó”. Tờ báo viết:“Đây là một trong số hiếm hoi các nhà cung cấp phụ tùng cho một nhà sản xuất quan trọng của nước ngoài. Nhưng các mảnh nhựa mà nhà máy này tạo ra là một trong những thứ đơn giản nhất trong điện thoại Galaxy của Samsung. Hơn nữa, máy ép nhựa của công ty được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Nhựa mà họ đúc thành hàng nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc. Loại công việc này nằm ở cấp thấp hơn của chuỗi giá trị điện tử, được trả mức lương thấp hơn và dễ dàng hơn cho các quốc gia khác có lao động phổ thông”.

The Economist viết tiếp: “Việt Nam cũng không thể sao chép theo Trung Quốc hay Hàn Quốc. Toàn cầu hóa nay không còn được ưa chuộng. Các thị trường lớn đang tìm kiếm lại. Các hiệp định thương mại nghiêm cấm các trợ giúp của nhà nước mà một số quốc gia khác đã sử dụng để đi từ nghèo đói đến thịnh vượng (…)

Đầu tư nước ngoài có ích, nhưng sẽ cần thời gian để cho thấy kết quả. Năm tới, Samsung sẽ mở một trung tâm nghiên cứu tại thủ đô Hà Nội. Họ cũng đang xem xét việc xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong nước (…)

Người lao động ở Việt Nam rất dồi dào, nhưng những nhà quản lý tài năng thì rất hiếm. Các kỹ thuật viên lành nghề cũng thiếu. Nếu Việt Nam muốn trở nên giàu có bằng Trung Quốc, chứ chưa nói đến bằng Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, họ sẽ phải đầu tư không chỉ vào cơ sở hạ tầng, mà còn vào cả con người của họ”.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20221003-s

Zelensky chỉ trích ‘gợi ý hòa bình’ của Elon Musk

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Kyiv, Ukraine, ngày 15 tháng 9 năm 2022
Chụp lại hình ảnh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Kyiv, Ukraine, ngày 15 tháng 9 năm 2022

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản bác ý tưởng thăm dò dư luận do tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đề xuất. 

Ông Musk đã lên Twitter đề xuất một chuỗi ý tưởng để giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Vị tỉ phú yêu cầu những người theo dõi Twitter hãy bỏ phiếu “có” hoặc “không” cho các đề xuất của ông, bao gồm ý tưởng chính thức cho phép Nga sáp nhập Crimea.

Và ông Zelensky cũng đã lên Twitter, phản pháo bằng một cuộc thăm dò ý kiến khác.Q

Ông Zelensky hỏi người theo dõi rằng họ thích ông Elon Musk nào trong hai lựa chọn, “Một người ủng hộ Ukraine” hoặc “Một người ủng hộ Nga.”

Elon Musk đề nghị gì trên Twitter?

Trong ngày 3/10, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn luật về việc kết nạp bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine vào Liên bang Nga. 

Các văn bản sáp nhập – được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hôm 30/9 – sẽ được đưa ra Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ngày 4/10. 

Trong một đoạn trên Twitter bắt đầu bằng dòng chữ “Hòa bình Ukraine-Nga”, Musk kêu gọi Ukraine thực hiện lại cuộc bầu cử về vụ sáp nhập dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.

Tỉ phú Elon Musk đề xuất.

“Làm lại các cuộc bầu cử tại các khu vực được sáp nhập dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc. Nga ra đi nếu đó là ý của người dân.”

“Crimea chính thức là một phần của Nga, như đã từng kể từ năm 1783 (cho đến khi Khrushchev mắc sai lầm).”

“Việc cung cấp nước cho Crimea được đảm bảo. – Ukraine vẫn trung lập.” 

Ông Musk nói các ý ở trên “rất có thể sẽ là kết quả cuối cùng – chỉ là một câu hỏi về số người chết trước khi có kết quả đó”.

“Cũng cần lưu ý rằng một kết quả có thể, mặc dù không chắc, từ cuộc xung đột này là chiến tranh hạt nhân.”

Người giàu nhất thế giới sau đó nói thêm: “Nga đang huy động quân đội một phần. Họ sẽ huy động toàn bộ lực lượng chiến tranh nếu Crimea gặp rủi ro.”

“Cái chết của cả hai bên sẽ rất tàn khốc. Nga có dân số gấp 3 lần Ukraine, vì vậy chiến thắng cho Ukraine khó có thể xảy ra trong chiến tranh tổng lực. Nếu bạn quan tâm đến người dân Ukraine, hãy tìm kiếm hòa bình.”

Trong một tweet khác về chủ đề được công bố ngay sau đó, Musk cũng đăng thăm dò “Có hoặc Không” khác: “Vậy thì hãy thử điều này: ý chí của những người sống ở Donbas & Crimea nên quyết định xem họ là một phần của Nga hay Ukraine.”

Đáp lại ông Musk, Tổng thống Ukraine Zelensky đã viết trên Twitter về thăm dò của riêng mình vào tối thứ Hai: “Bạn thích @elonmusk nào hơn?” với các tùy chọn “một người ủng hộ Ukraine” và “một người ủng hộ Nga.”

Đến tối 3/10, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter: “Những người đề nghị Ukraine từ bỏ con người và đất đai của mình – để không làm tổn thương cái tôi đau khổ của Putin hoặc để cứu Ukraine khỏi đau khổ – phải ngừng sử dụng từ “hòa bình” như một cách nói uyển chuyển để “cho người Nga giết hại và hãm hiếp hàng nghìn người Ukraine vô tội khác, và lấy thêm đất.”

Nga tuyên bố các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia từ ngày 23 đến 27/9 tiến hành trưng cầu dân ý, và hầu hết cử tri ủng hộ sáp nhập 4 vùng này vào Nga.

Hôm 30/9 Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, bất chấp sự phản đối của Ukraine và phương Tây.

Ông Musk cho đến nay vẫn được coi là anh hùng ở Ukraine vì Starlink, hệ thống liên lạc vệ tinh do SpaceX, công ty của Musk sản xuất, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì thông tin liên lạc của Ukraine sau khi Nga xâm lược.

Elon Musk đã cho triển khai hàng nghìn thiết bị đầu cuối kết nối internet vệ tinh Starlink tới Ukraine.

Starlink là một cụm các vệ tinh chỉ to bằng bàn tay, bay ở độ cao 200km phía trên Ukraine, cho phép truy cập Internet tốc độ cao.

Máy bay không người lái của Ukraine đã dựa vào Starlink để thả bom vào các vị trí của Nga.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cnd40xxw1yjo

(AFP) – Phong trào phản kháng Iran: Đụng độ giữa sinh viên và lực lượng an ninh tại một trường đại học lớn ở Teheran. Theo hãng tin Iran Mehr, bạo lực đã xảy ra trong đêm Chủ nhật qua ngày thứ Hai 03/10 tại Đại học Công nghệ Sharif ở Teheran, trường Đại học được coi là ‘‘danh giá nhất’’ đất nước. Cảnh sát chống bạo động bắn bi thép và hơi cay vào các sinh viên biểu tình. Biểu tình diễn ra hơn hai tuần liên tiếp ở nhiều nơi tại Iran, để phản kháng chính quyền sau cái chết của cô Mahsa Amini, thiệt mạng sau khi bị cảnh sát đạo đức bắt giữ. Trong kỳ nghỉ cuối tuần qua, biểu tình diễn ra tại hơn 150 thành phố trên thế giới để ủng hộ phong trào tranh đấu tại Iran.

(AFP) – Đài Loan mở kênh truyền hình tiếng Anh đầu tiên. TaiwanPlus, là tên kênh truyền hình tiếng Anh được chính quyền Đài Bắc khánh thành hôm nay, 03/10/2022. Ra đời năm 2021, trên nền tảng video, TaiwanPlus, kể từ giờ sẽ được sử dụng để chống lại các phát biểu từ Bắc Kinh, dù rằng kênh truyền hình này hiện chỉ phát hành trên đảo. Trong buổi lễ khánh thành, tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố, TaiwanPlus, phát sóng 24/24 giờ, sẽ đưa «Đài Loan xích gần với cộng đồng quốc tế» vào thời điểm mà hòn đảo mong muốn thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ với «những nước nào chia sẻ các giá trị cơ bản như tự do và dân chủ».

(AFP) – Ấn Độ trang bị trực thăng chiến đấu sản xuất trong nước. Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ hôm nay, 03/10/2022, trong buổi tiếp nhận đợt giao hàng đầu tiên khẳng định «những chiếc trực thăng do Hindustan Aeronautics Limited – HAL, sản xuất sẽ mang lại khả năng chiến đấu to lớn cho không quân Ấn Độ». Theo nhà sản xuất, những chiếc trực thăng hạng nhẹ này được thiết kế cho hoạt động ở những vùng núi cao như dãy Himalaya, khu vực thường xuyên có những căng thẳng biên giới với Trung Quốc. Nỗ lực này cũng còn nhằm giúp Ấn Độ giảm thiểu lệ thuộc vào các nhà sản xuất vũ khí nước ngoài như Nga chẳng hạn, quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ.

(AFP) – Một quan chức Viễn Đông Nga bị đình chỉ vì huy động nhầm tân binh. Trên mạng Telegram ngày 03/10/2022, thống đốc vùng Khabarovsk, Viễn Đông Nga, cho biết «ủy viên quân sự Iuri Laiko bị đình chỉ chức vụ» vì đã gửi nhầm giấy triệu tập đến vài nghìn người để tham chiến ở Ukraina trong vòng 10 ngày. Một nửa số này đã được về nhà vì không đáp ứng điều kiện tuyển quân. Tuy nhiên, quyết định trên «sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu mà tổng thống Putin đã ấn định» cho vùng Khabarovsk.

(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến công du châu Mỹ Latinh hiếm hoi. Ngoại trưởng Blinken, hôm 02/10, bắt đầu chuyến công du Nam Mỹ với chặng dừng tại Colombia. Chuyến đi có mục tiêu siết chặt quan hệ với các đồng minh chủ chốt của Washington tại khu vực, nơi cánh tả đang trở lại mạnh mẽ trên chính trường trong thời gian gần đây. Trước vòng công du Nam Mỹ, và trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống Brazil, hôm thứ Sáu ngoại trưởng Mỹ bày tỏ mong đợi Brazil sẽ chứng minh ‘‘một lần nữa’’ sự vững chắc của các thể chế dân chủ.

(AFP) – Tối Cao Pháp Viện Mỹ có thể tiếp tục ban bố nhiều phán quyết mang tính kỳ thị. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, với đa số thẩm phán theo lập trường bảo thủ, bắt đầu phiên họp đầu tiên sau hè vào hôm nay, 03/10/2022. Theo nhiều nhà quan sát, sau phán quyết gây chấn động về chấm dứt bảo vệ quyền nạo phá thai, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ có thể đưa ra hàng loạt phán quyết lật lại hoàn toàn những thành tựu pháp lý đã đạt được. Những phán quyết đó có nguy cơ gây tác động đến các quyền của người Mỹ gốc châu Phi, và các cặp đồng tính nam.

(AFP) – Mỹ: Nhiều thành viên chính quyền Trump vẫn giữ tài liệu Nhà nước. Trong thư đề ngày 30/09/2022 của cơ quan Lưu trữ Liên bang gửi đến Nghị Viện Mỹ, vừa được công bố, nhiều thành viên của chính quyền Trump vẫn chưa trả lại những tài liệu thuộc sở hữu của Nhà nước. Bức thư không nêu tên những quan chức Nhà Trắng trên và cho biết là nhiều người sử dụng tài khoản nhắn tin riêng trong khuôn khổ hoạt động chính thức mà không chuyển lại những tin nhắn này cho Lưu trữ Quốc gia, theo luật của Mỹ.

(Yonhap) – Uy tín tổng thống Hàn Quốc giảm sút. Theo kết quả một cuộc thăm dò được Realmeter công bố ngày 03/10/2022, điểm tín nhiệm của tổng thống Yoon Suk Yeol giảm 3,4% so với tuần trước. Trong số 2.522 người được hỏi, chỉ có 31,2% có ý kiến tích cực về hành động của nguyên thủ Hàn Quốc. Kết quả này là do «sự cố micro» tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, dường như ông Yoon có những lời nói không hay về các nghị sĩ Mỹ, và do ông tìm cách thao túng truyền thông.

(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu sẽ đáp trả «cứng rắn và tương xứng» hành động «thù nghịch» của Nicaragua. Lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrel ngày 02/10/2022 tuyên bố như trên sau khi Nicaragua trục xuất đại sứ Liên Hiệp Châu Âu và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hà Lan. Ngay khi bị coi là «nhân vật không được chào đón» hôm 30/09, đại sứ EU Bettina Muscheidt tại Nicaragua đã bay sang Pháp, qua ngả Mêhicô.

(SKĐS) – Việt Nam ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Bộ Y tế Việt Nam chiều 3/10 đã thông tin về ca mắc đậu mùa khỉ đẩu tiên tại Việt Nam: một phụ nữ, 35 tuổi, thường trú tại TP HCM, khởi phát bệnh khi đang du lịch tại Dubai.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221003-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p