Lý do Tập muốn giữ khoảng cách với cuộc chiến của Putin
Trung Quốc đã trở nên gần gũi hơn với Kazakhstan, khi quốc gia Trung Á này bắt đầu không còn thân thiện với Moscow.
Trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên sau bảy tháng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trò chuyện cùng người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình với thái độ khiêm tốn khác thường.
“Chúng tôi hiểu các nghi vấn và quan ngại của các bạn” về cuộc khủng hoảng Ukraine, ông nói vào ngày 15/09 tại Samarkand, Uzbekistan. “Trong cuộc họp ngày hôm nay, tất nhiên chúng tôi sẽ giải thích lập trường của mình, chúng tôi sẽ giải thích chi tiết lập trường của chúng tôi về vấn đề này, dù chúng tôi đã từng nói về điều này trước đây.”
Nhiều động thái ngoại giao đã xảy ra trước khi Putin chịu hạ mình trước Tập.
Đây
là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tập trong vòng hai năm tám
tháng qua. Ông đã quyết định dừng chân ở Kazakhstan trước khi đến
Uzbekistan, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng
Hải (SCO).
Ngày
14/09, Tập đến Kazakhstan. Dù chuyến thăm chỉ kéo dài vài giờ, nó đã
được gọi là chuyến thăm cấp nhà nước. “Nó đánh dấu một thắng lợi lớn cho
nền ngoại giao Kazakhstan,” một học giả về chính trị quốc tế ở
Kazakhstan mô tả.
Mục đích chuyến thăm Kazakhstan của Tập có liên quan đến cuộc gặp của ông với Putin một ngày sau đó.
Quan
hệ giữa Kazakhstan và Nga đã trở nên căng thẳng kể từ khi Nga xâm lược
Ukraine. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev nói rõ rằng đất
nước của ông sẽ không bao giờ trở thành “kẽ hở” trong các lệnh trừng
phạt của phương Tây đối với Nga, điều khiến Putin rất tức giận.
Tập
Cận Bình bước trên thảm đỏ cùng với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart
Tokayev sau khi đáp xuống Sân bay Quốc tế Nur-sultan Nazarbayev vào
ngày 14/09. © Tân Hoa Xã/AP
Một
tháng trước khi Nga xâm lược Ukraine, một làn sóng biểu tình lớn đã nổ
ra ở Kazakhstan, thể hiện sự bất bình với cách chính phủ quản lý giá
năng lượng.
Tokayev
yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự
bao gồm sáu quốc gia thuộc Liên Xô cũ, gửi lực lượng gìn giữ hòa bình
đến nước mình. Đáp lại, khoảng 2.000 quân, chủ yếu là người Nga, đã được
triển khai tới Kazakhstan.
Trên
thực tế, việc cử lực lượng CSTO tới Kazakhstan khiến Tokayev mắc nợ
người Nga. Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể khi Nga xâm lược Ukraine.
Nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, điểm đến tiếp theo của họ có thể sẽ là Kazakhstan.
Lực
lượng của Putin đã xâm lược Ukraine với danh nghĩa bảo vệ nhóm người
gốc Nga. Cũng có những người gốc Nga như vậy đang sống ở Kazakhstan. Nếu
quan hệ giữa Kazakhstan và Nga xấu đi hơn nữa, lực lượng của Putin có
thể xâm lược Kazakhstan với lý do tương tự.
Cảm
thấy rằng chỉ hợp tác với các nước phương Tây xa xôi là không đủ để
chống lại áp lực từ Nga, Kazakhstan cần có sự giúp đỡ từ nước láng giềng
lớn là Trung Quốc.
Nhận thức đầy đủ về động lực này, Tập đã quyết định đến Kazakhstan.
Quan
hệ giữa Tập và Kazakhstan có một lịch sử. Ông đã công bố tham vọng Con
đường Tơ lụa mới của mình ở Kazakhstan vào tháng 9/2013. Ý tưởng này sau
đó dẫn đến Sáng kiến Vành đai và Con đường, một loạt các dự án cơ sở hạ
tầng liên kết Trung Quốc với châu Âu bằng đường bộ và đường biển.
Một
binh sĩ Ukraine đứng trên một xe bọc thép bị phá hủy ở thị trấn Izium,
vừa được chiếm lại từ tay quân Nga vào ngày 20/09. © Reuters
Tokayev
là người mà phía Trung Quốc cảm thấy thoải mái khi làm việc cùng. Nhà
lãnh đạo Kazakhstan từng học ở Bắc Kinh và thông thạo tiếng Quan Thoại.
“Trung
Quốc đánh giá cao quan hệ với Kazakhstan,” một bài báo của Bộ Ngoại
giao Trung Quốc mô tả điều mà Tập nói với Tokayev, “và kiên quyết ủng hộ
Kazakhstan trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.”
Không cần phải nói, những lời nhận xét này là nhắm đến Nga.
Nhà
lãnh đạo Trung Quốc đang giữ khoảng cách với Nga. Điều đó hoàn toàn
trái ngược với cuộc gặp ngày 24/02 tại Bắc Kinh, khi mà Tập và Putin lên
tiếng ca ngợi một tình bạn “không có giới hạn.” Cùng nhau, họ đã phản
đối sự mở rộng của NATO trong một tuyên bố chung.
Sự
thay đổi lập trường của Trung Quốc phản ánh nhu cầu cấp thiết của Bắc
Kinh: tách mình ra khỏi cuộc chiến xâm lược của Putin, đặc biệt là khi
lực lượng Nga đang mất dần lãnh thổ ở miền đông Ukraine.
Đối
với Tập, người đang ngóng chờ cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản
khai mạc vào ngày 16/10, cơ hội để ông có thể tiếp tục nắm quyền, việc
đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Putin là một thách thức.
Gặp
mặt Putin không phải là vấn đề. Khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay
gắt từ Mỹ trong tương lai gần, Trung Quốc vẫn muốn duy trì hợp tác với
Nga, một cường quốc quân sự.
Nhưng
Bắc Kinh cần phải xua tan ấn tượng bất lợi rằng họ đang hoàn toàn ủng
hộ việc Nga xâm lược Ukraine, hành động rõ ràng vi phạm chủ quyền của
Ukraine.
Trung Quốc cần phải thay đổi hướng đi, trong khi vẫn duy trì thể diện cho Tập.
Việc này đã được giải quyết khi Putin “đề nghị” được giải thích về các vấn đề đang khiến Trung Quốc lo lắng.
Lật
Chiến Thư, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, hội đàm với Vladimir Putin bên
lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, Nga, vào ngày 07/09. ©
AP
Dàn
xếp này là nhằm giúp Trung Quốc không đề cập đến cuộc chiến Ukraine
trong thông cáo chính thức của họ, còn Putin sẽ giải thích về tình hình
theo cách mà thế giới hiểu.
Đây
có thể không phải là kịch bản lý tưởng nhất cho Putin, nhưng nhà lãnh
đạo Nga có rất ít lợi thế ở giai đoạn này nên việc thỏa hiệp là khó
tránh khỏi.
Sự
kiện được dàn dựng bởi phụ tá thân cận của Tập là Lật Chiến Thư, nhân
vật số 3 của Trung Quốc, người đã làm việc tích cực ở hậu trường để đưa
đến tuyên bố bất thường của Putin về những lo ngại của Trung Quốc.
Lật
hiện là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc,
tức Quốc hội Trung Quốc. Ngày 07/09, ông đã hội đàm với Putin tại
Vladivostok, thuộc vùng Viễn Đông của Nga.
Một
nguồn tin từ một quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh SCO cho biết,
“Nhiều thỏa thuận đã được thực hiện trước hội nghị thượng đỉnh
Trung-Nga, bao gồm cả những thỏa thuận được thực hiện tại Vladivostok.”
Tập
Cận Bình, Vladimir Putin, và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev.
Mirziyoyev lịch sự bày tỏ sự tôn trọng đối với Tập trước khi nói chuyện
với Putin. © AP
Giống
như ở Kazakhstan, Tập đã được chào đón trên thảm đỏ ở Uzbekistan. Khi
bước xuống Sân bay Samarkand, ông đã được Tổng thống Uzbekistan Shavkat
Mirziyoyev và Thủ tướng Abdulla Aripov tiếp đón nồng nhiệt. Trong khi
đó, chỉ có Thủ tướng Uzbekistan đến sân bay chào đón Putin. Đây rõ ràng
là một sự phân biệt đối xử.
Ngoài
ra, khi các nhà lãnh đạo SCO tham gia thượng đỉnh Samarkand chuẩn bị
chụp ảnh chung, Tổng thống Uzbekistan Mirziyoyev đã lịch sự bày tỏ sự
tôn trọng của mình đối với Tập trước, rồi mới đến nói chuyện với Putin.
Hành động này cũng là cố tình.
Đối với Putin, Samarkand hẳn là một thử thách lắm chông gai.
Thủ
tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trao đổi thẳng thắn với nhà lãnh đạo Nga
trong cuộc gặp bên lề SCO. Ông nói với Putin, “Thời đại ngày nay không
phải là thời đại của chiến tranh.”
Đáp
lại, Putin bày tỏ rằng mình hiểu những lo ngại của Modi về cuộc chiến
Ukraine, ông nói: “Chúng tôi muốn tất cả những điều này kết thúc càng
sớm càng tốt.” Dù đổ lỗi cho Ukraine là bên đã kéo dài cuộc chiến, việc
Putin đề cập đến một thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai gần đã gây bất
ngờ cho nhiều người.
Truyền
thông nhà nước Trung Quốc không đưa tin Putin đã nói gì với Tập ở
Samarkand về cuộc chiến Ukraine. Điều này cũng dễ hiểu, bởi sau khi đã
duy trì lập trường ủng hộ Putin suốt bảy tháng qua, rất khó để đột ngột
đổi chiều quan điểm.
Nhưng
một số hãng truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về cuộc trò chuyện của
Modi và Putin. Bằng cách nhắc đến những khó khăn Putin đang gặp phải, họ
đang ngầm báo hiệu một sự thay đổi trong lập trường ngoại giao của
Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với Vladimir Putin, “Thời đại ngày nay không phải là thời đại của chiến tranh.” © Reuters
Ngoài ra, một điều đáng chú ý nữa là sự vắng mặt của Tập trong bữa tối có sự tham dự của các nhà lãnh đạo SCO khác ở Samarkand.
Lý
do Chủ tịch Trung Quốc vắng mặt là để bảo vệ bản thân khỏi coronavirus
trước thềm đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng. Nhưng nguyên nhân còn
có thể là vì nỗi lo rằng những hình ảnh ông mỉm cười và trò chuyện với
Putin trong bữa tối sẽ bị lan truyền khắp thế giới.
Bốn
ngày sau khi tham dự cuộc gặp Tập-Putin vào ngày 15/09, nhà ngoại giao
hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì đã gặp Nikolay Patrushev, Thư ký Hội
đồng An ninh Nga và là một đồng minh thân cận của Putin, tại tỉnh Phúc
Kiến của Trung Quốc, để thảo luận về an ninh chiến lược.
Đáng
chú ý là phía Trung Quốc đã xác nhận một cách rõ ràng rằng có sự trao
đổi quan điểm về vấn đề Ukraine tại cuộc gặp giữa Dương và Patrushev,
điều mà họ đã không làm đối với cuộc gặp giữa Tập và Putin ở Samarkand.
Điều
quan trọng hơn là sự có mặt của Vương Tiểu Hồng tại cuộc họp giữa Dương
và Patrushev. Là một phụ tá thân cận của Tập, Vương gần đây đã được
thăng chức Bộ trưởng Công an.
Trung
Quốc muốn nói rằng hợp tác an ninh của họ với Nga tập trung vào an ninh
công cộng và chống khủng bố hơn là các vấn đề quân sự.
Tập
Cận Bình và Vladimir Putin: Tập không phải nhắc đến cuộc chiến ở
Ukraine vì Putin đã công khai thừa nhận quan ngại của Chủ tịch Trung
Quốc về vấn đề này. © AP
Quay
trở lại chính trường quốc tế, Tập đang chờ xem liệu Trung Quốc có thể
đóng một vai trò nào đó trong việc đưa khủng hoảng Ukraine đến hồi kết
hay không.
Hiện
vẫn chưa có triển vọng nào, nhưng thông qua cuộc nói chuyện với Putin ở
Samarkand, Tập đã chứng minh cho thế giới thấy rằng Trung Quốc có lo
ngại về cuộc chiến Ukraine.
Trung
Quốc đã gặp khó khăn trên mặt trận ngoại giao do việc xử lý COVID-19,
bao gồm phản ứng ban đầu chậm chạp và việc che giấu thông tin liên quan ở
Vũ Hán.
Hiện vẫn chưa rõ liệu chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Tập kể từ khi bắt đầu đại dịch có trở thành nước cờ đầu tiên của Trung Quốc để giành lại vị thế ngoại giao đã mất hay không.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi’s new diplomacy keeps Putin’s war at arm’s length,” Nikkei Asia, 22/09/2022 – Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.