Ông Tập Cận Bình xuất hiện phá tan tin đồn đảo chính

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ông Tập Cận Bình xuất hiện phá tan tin đồn đảo chính

Bình Minh – Thứ Tư, 28/09/2022 – Kể từ khi trở về Bắc Kinh từ “Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)”, ông Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng trong 10 ngày, làm dấy lên tin đồn về một cuộc đảo chính. Sự xuất hiện của ông Tập vào ngày 27/9 đã phá tan tin đồn này.

Hôm qua (27/9), ông Tập đã xuất hiện tại Triển lãm chuyên đề 10 năm cầm quyền ở Bắc Kinh, điều này dường như đã xóa tan những tin đồn gần đây về ông. Trong số các quan chức cấp cao tháp tùng ông Tập, ông Vương Kỳ Sơn là người duy nhất không xuất hiện.

Tân Hoa Xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, chiều ngày 27/9, ông Tập Cận Bình đã dẫn đầu 6 thành viên của Ủy ban Thường vụ, gồm ông Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính, đến thăm “Triển lãm thành tựu chủ đề ‘Vượt lên phía trước trong kỷ nguyên mới’” tại Trung tâm Triển lãm Bắc Kinh.

Tối hôm đó, bản tin phát sóng của CCTV cũng dành 4, 5 phút, tường thuật về vụ việc, và phát trực tiếp cảnh ông Tập Cận Bình và những người khác đến thăm.

Báo cáo đề cập đến những quan chức cấp cao ở Bắc Kinh đã tháp tùng ông Tập trong chuyến thăm này, gồm các thành viên Bộ Chính trị ĐCSTQ, Ủy viên Ban Bí thư Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Ủy viên Quốc vụ, Chủ tịch Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Trưởng công tố viện kiểm sát tối cao, Phó Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, và các thành viên của Quân ủy Trung ương, trong đó số chỉ vắng bóng Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn.

Ngày 27/9/2022, 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Tổng cục Chính trị ĐCSTQ, gồm cả ông Tập Cận Bình đã xuất hiện tại Trung tâm Triển lãm Bắc Kinh. (Ảnh chụp màn hình video CCTV)

Theo báo cáo, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải công bố rộng rãi “các biện pháp và thành tựu” của ông trong 10 năm, kể từ khi ông lên nắm quyền, đồng thời đề cập đến việc “củng cố niềm tin lịch sử”.

Đây là lần đầu tiên ông Tập xuất hiện trước công chúng sau chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan từ ngày 14 – 16/9 và tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Triển lãm này trưng bày “thành tựu” của ông Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền, với ý định tạo đà cho Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, cả 7 ủy viên Thường vụ Tổng cục Chính trị ĐCSTQ đều có mặt. Một đội ngũ hùng hậu như vậy đến thăm một cuộc triển lãm địa phương, khiến ngoại giới suy đoán có mục đích khác.

Sau khi trở về Bắc Kinh từ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Thượng Hải vào nửa đêm ngày 16/9, video cá nhân của ông Tập Cận Bình không còn xuất hiện trên trang nhất của các kênh truyền thông nhà nước đã 10 ngày.

Điều này khiến trong và ngoài nước giải thích rằng đây là một cuộc đảo chính do các nguyên lão của ĐCSTQ phát động, ông Tập Cận Bình bị quản thúc tại gia, và không được phép tham gia cuộc họp cải tổ của Quân ủy, v.v..

Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận cũng chỉ ra rằng những tin đồn này không phù hợp với lẽ thường về chính trị. Rất có khả năng đây là hoạt động của các lực lượng chống Tập trong ĐCSTQ, nhằm kích động dư luận.

Ngày 24/9, truyền thông Mỹ Newsmax dẫn lời ông Gordon G. Chang, chuyên gia về Trung Quốc, nói rằng tin đồn về việc ông Tập Cận Bình bị quản thúc tại gia là không đúng sự thật. Nhưng bản thân những tin đồn này là một động thái tiềm ẩn, nếu không phải vì ngăn ông Tập Cận Bình tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, thì cũng là vì muốn đánh Tập Cận Bình bằng “cú đấm thép”.

“Việc thiếu tin tức từ Trung Quốc trong vài giờ qua cho thấy tin đồn đảo chính là không đúng sự thật, nhưng bất cứ điều gì xảy ra bên trong quân đội Trung Quốc trong ba ngày qua – rõ ràng là có điều gì đó bất thường đã xảy ra – cho chúng ta biết rằng có sự hỗn loạn bên trong ban lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ,” ông Chang đã tweet vào sáng thứ Bảy (24/9).

Trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times ngày 26/9, ông Phạm Thế Bình (Shiping Fan), Giáo sư tại Viện Khoa học Chính trị, thuộc Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, cho biết ông Tập Cận Bình vẫn chưa lộ diện, có thể là do nhu cầu giữ bí mật. Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20, các cơ quan chức năng nên thực hiện những nỗ lực cuối cùng.

Ông tin rằng việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử sẽ không bị cản trở, nhưng tranh cãi sẽ ngày càng gay gắt trước thềm Đại hội Toàn quốc lần thứ 20. Vấn đề chủ yếu là do tính hợp pháp của nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp của ông Tập, nếu không sẽ không có phản ứng dữ dội lớn như vậy.

Nhà bình luận Vương Hách tin rằng rất nhiều người không muốn ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, vì vậy họ muốn làm gì đó. “Giống như tin đồn khắp nơi như thế này, từ góc độ chính trị mà nói, nó không có ý nghĩa thực chất. Chỉ là biểu đạt một kiểu bất mãn.”

Những “tiết lộ” trong nội bộ chính trị Trung Quốc không phải là điều hiếm thấy trên các trang mạng Hoa kiều. Đây cũng không phải là lần đầu tiên tin đồn về một cuộc đảo chính của Trung Quốc xuất hiện trên Twitter.

Bình Minh (t/h)
https://trithucvn.org/trung-quoc/ong-tap-can-binh-xuat-hien-pha-tan-tin-don-dao-chinh.html.