Thủ tướng kiêm bộ trưởng của năm bộ – Dân chủ Úc có vấn đề? – Nguyễn Quang Duy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ngày 26/8/2022, Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Đảng Lao động) cho biết đã bắt đầu cuộc điều tra việc cựu Thủ tướng Scott Morrison (Đảng Tự do) từng giữ chức bộ trưởng của năm bộ trong nội các tiền nhiệm.

Đó là Bộ Y tế, Bộ Tài chánh, Bộ Kỹ
nghệ, Khoa học, Năng lượng và Nguồn lực, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chánh. Lạ hơn,
khi ông Morrison nắm cả một loạt 5 bộ như vậy mà Quốc hội Úc không hề hay
biết.

Việc này đã trở thành một đề tài
được báo chí Úc đưa tin và bình luận suốt mấy tuần qua, một số người cho rằng
cựu Thủ tướng Scott Morrison làm vậy để thâu tóm quyền lực và như thế ông không
khác gì tổng thống Mỹ.

Thủ tướng Albanese đã bổ
nhiệm một luật sư kỳ cựu, bà Virginia Bell để điều tra hoạt động kiêm
các chức của ông Morrison.

Cùng lúc, theo ý kiến của
riêng tôi, chủ đề này cũng khiến người Úc nhận ra rằng hiến pháp và nền
dân chủ Úc được thiết lập từ năm 1900 đã có những điểm không còn thích hợp. Phải
chăng, đã đến lúc quốc gia này cần có một hiến pháp và một thể chế mới?

Hợp hiến hợp pháp…

Xin nhắc lại Úc là một quốc gia
vẫn theo thể chế quân chủ lập hiến, đứng đầu là Nữ hoàng Anh, Elizabeth II,
người làm nguyên thủ quốc gia (Head of state), như một di sản thời thuộc
địa Anh.

Vị tổng toàn quyền Úc chỉ là
người đại diện cho Nữ hoàng và theo Hiến pháp, tổng toàn quyền bổ nhiệm các
chức vụ trong chính phủ.

Thủ tướng Scott Morrison đã được
Tổng Toàn Quyền David Hurley ký văn bản bổ nhiệm và chính ông Hurley xác nhận việc
bổ nhiệm là hợp hiến và hợp pháp.

Các cuộc bổ nhiệm cũng đều được
công bố trên Công báo Chính Phủ (Gazette) đã được phổ biến rất rộng rãi, theo đúng
thủ tục hành chính liên quan đến việc bổ nhiệm các giới chức chính phủ.

Trong dư luận có các ý kiến cho
rằng Tổng Toàn Quyền cần có trách nhiệm thông báo cho Quốc Hội và truyền thông biết
việc bổ nhiệm, nhưng ông Hurley lại nghĩ việc thông báo cho Quốc Hội và truyền
thông không phải là nhiệm vụ của ông.

Các vụ bổ nhiệm có phù hợp với nền dân chủ
hiện hành hay không?

Nước Úc theo dân chủ đại nghị, mọi
việc làm của chính phủ đều phải đưa ra trước quốc hội và đều bị phe đối lập
giám sát và liên tục chất vấn.

Ông Scott Morrison đã không cho Quốc
Hội biết và ngay cả trong nội bộ đảng cầm quyền chỉ có bộ trưởng Bộ Y tế là
biết được vai trò đồng bộ trưởng của ông Scott Morrison, còn 4 bộ trưởng khác mặc
dùng cùng đảng nhưng không hề được ông Morrison cho biết.

Lý lẽ của Thủ tướng Scott Morrison

Ngày 17/8/2022, ngay sau khi sự
việc bị phát hiện, ông Morrison mở cuộc họp báo, ông cho biết đã làm vậy để đề
phòng trường hợp có bộ trưởng bị mắc COVID-19 và ông có thể nhận trách nhiệm
thay họ, ông gởi lời xin lỗi các đồng nghiệp và công chúng vì đã không cho họ
biết việc làm của ông.

Ông Morrison cho các phóng viên biết
trong thời kỳ đại dịch Covid-19 tấn công Úc vào năm 2020: “Tôi đang chèo lái con thuyền giữa dông bão, và chỉ với tư cách thủ
tướng, tôi mới hiểu rõ sức nặng do trách nhiệm đang đè trên vai, và tôi chứ
không phải ai khác”.

Thủ tướng Morrison không hề nhận
bất cứ quyền lợi vật chất nào khi nắm giữ thêm một lúc 5 bộ, ông cũng không cản
trở công việc của các bộ trưởng, trừ một lần ông dừng phê duyệt một dự án thăm
dò khí đốt ngoài khơi bờ biển Úc vốn bị cộng đồng địa phương phản đối.

Thực tế chính trị ở Úc…

Dưới thể chế cộng hòa tổng thống chế
như ở Mỹ, tổng thống giữ quyền hành pháp, các tổng trưởng hay bộ trưởng chỉ giữ
vai trò phụ tá cho tổng thống. Nên trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch hay
chiến tranh, vị tổng thống có thể nhanh chóng ra quyết định và dễ dàng được
quốc hội đồng ý thông qua.

Còn ở Úc, thủ tướng và các bộ
trưởng chịu trách nhiệm cả hành pháp lẫn tư pháp, họ phải soạn các đạo luật mới
hay chỉnh sửa các đạo luật cũ để đưa ra lưỡng viện quốc hội bàn thảo.

Nhiều đạo luật chỉ có bộ trưởng
mới có quyền soạn thảo để đưa ra quốc hội, nhưng muốn thế trước tiên thủ tướng
hay bộ trưởng phải được các phe phái trong đảng cầm quyền đồng ý với đạo luật
đó hay ít ra không phản đối đạo luật này.

Nền dân chủ nghị viện Úc được
định hình từ cuối thế kỷ thứ 19, khi vẫn thuộc Anh, và tới nay đã trên
một trăm năm. Trong khi đó tình hình chính trị tại Úc và của thế giới đã khác
xa thời kỳ lập quốc.

Trong lần tranh cử vừa qua đảng
Lao Động mặc dù thắng cử nhưng chỉ được 77/151 ghế ở Hạ Viện, chỉ còn 32.5% cử
tri Úc ủng hộ và so với lần bầu cử năm 2019 họ đã mất 0.76% cử tri ủng hộ.

Ở Thượng Viện, đảng Lao Động chỉ
nắm 26/76 ghế, bởi thế thật khó để đảng cầm quyền thông qua bất cứ đạo luật nào.

Ở Úc bầu cử là bắt buộc không đi
sẽ bị phạt tiền nhưng có đến 12% cử tri không đi bầu và 5.2% phiếu bất hợp lệ, điều
này chứng tỏ người Úc đã quá chán ngán nền dân chủ hiện hành.

Các chính đảng chính trị mất dần
sự ủng hộ của cử tri vì hầu hết các chính trị gia không còn tin vào lý tưởng và
các giá trị nguyên thủy, họ tham gia chính trị theo kiểu bè phái vì lợi ích
nhóm hơn vì lợi ích quốc gia.

Tình trạng bè phái đưa người xâm
nhập lũng đoạn các chi bộ đảng (branch stacking) để đưa “phe ta” ra tranh cử đã
đến mức khó có thể chấp nhận được, nó khiến những người còn lý tưởng và có đạo
đức phải xa dần nền dân chủ bè phái này. (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-53119999)

Tình trạng Trung Ương Đảng
“thả dù” những người không một chút gì gắn bó với các đảng bộ và cử
tri địa phương ra tranh cử đã gây nhiều bất mãn và phản kháng, vì những người
này khi thắng cử, họ chỉ lo việc đảng, việc phe nhóm, thay vì phải quan tâm đến
nguyện vọng của cư dân địa phương.

(https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61551980)

Vị thủ tướng lại do các phe nhóm
trong đảng chọn ra, nên thủ tướng phải chia sẻ quyền lực với các bộ trưởng
thuộc các phe nhóm khác trong đảng cầm quyền, mà làm vui lòng các nhóm có lợi
ích khác nhau không phải là một chuyện dễ dàng.

Vì thế, chỉ trong vòng 15 năm từ
2007 đến nay nước Úc đã có đến 8 lần thay đổi thủ tướng và chỉ có cựu Thủ tướng
Scott Morrison là đã làm đủ nhiệm kỳ 3 năm.

Một nền dân chủ nghị viện lỗi thời
và phe nhóm như thế, trong trường hợp khẩn cấp như đại dịch và chiến tranh, vị
thủ tướng không thể nhanh chóng đưa ra quyết định và cũng không thể dễ dàng
được chính phủ và quốc hội đồng ý thông qua.

Trưng cầu dân ý tiến đến Cộng Hòa

Ngày 1/6/2022, trong lễ tuyên thệ
nhậm chức Tân Chính phủ Lao Động do ông Anthony Albanese lãnh đạo đã gây không
ít ngạc nhiên và tranh cãi khi “trình làng” dân biểu Matt Thistlethwaite Thứ
trưởng chuyên trách về Cộng Hòa (Assistant Minister for the Republic) một chức
vụ hoàn toàn mới.

Điều này cho thấy đảng cầm quyền Lao
Động đã công khai ủng hộ nước Úc chuyển đổi sang mô hình cộng hòa, nhưng cuộc
trưng cầu dân ý tiến đến cộng hòa có thể không diễn ra ngay mà sẽ được tiến
hành trong các nhiệm kỳ kế tiếp nếu họ tiếp tục thắng cử.

Kết quả của các cuộc thăm dò dư
luận thì mỗi lần mỗi khác tùy theo cách đặt câu hỏi về cộng hòa đại nghị hay
cộng hòa tổng thống chế. Vào năm 1999 trong cuộc trưng cầu dân ý nước Úc Cộng
Hòa có đến 55% dân Úc từ chối mô hình cộng hòa đại nghị. (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45930787)

Riêng những đề tài liên quan đến
cộng hòa như cuộc thăm dò do Essential Media công bố ngày 9/8/2022 thì lên đến 75%
người Úc tin rằng các thành viên của Quốc hội Úc nên cam kết trung thành với nước
Úc và người dân Úc, trong khi chỉ có 15% cho biết các thành viên quốc hội nên
cam kết trung thành với Nữ hoàng Elizabeth đệ II.

Xét cho cùng, vụ cựu
Thủ tướng Scott Morrison làm đồng bộ trưởng cho năm bộ đã xảy ra và có thể được
xem là cú hích, khiến Úc tiến gần hơn tới thể chế cộng hòa tổng thống
chế.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

3/09/2022