Hà Tĩnh giải tán Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ “do lo ngại hiện tượng đa nguyên”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hà Tĩnh giải tán Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ “do lo ngại hiện tượng đa nguyên”

RFA – 2022.08.30 – Đầu tuần này, nhà chức trách tỉnh Hà Tĩnh thu hồi các quyết định thành lập Hội tướng lĩnh huyện Đức Thọ, một hành động được nhận định là để ngăn chặn việc thành lập các hội nhóm khác “như vết dầu loang.”

Theo một bài viết trên báo Hà Tĩnh bị rút xuống sau đó, vào ngày 13/8, hội với 22 thành viên gồm các tướng lĩnh công an, quân đội tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2022-2027, bầu bảy người vào Ban Chấp hành Hội.

Tham dự đại hội có Phó Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, cùng với Thượng tướng Võ Trọng Việt, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Trong các mục tiêu của hội này có tham gia góp ý xây dựng Đảng, đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí…

Báo mạng Dân Trí vào tối ngày 29/8 đưa tin Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh có văn bản báo cáo gửi các cơ quan Trung ương thông báo thu hồi các quyết định thành lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ.

Hà Tĩnh giải tán Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ "do lo ngại hiện tượng đa nguyên"

Đại hội đại biểu Hội tướng lĩnh huyện Đức Thọ

Nguyên nhân là hồ sơ thành lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ chưa đảm bảo các quy định, vi phạm những điều Đảng viên không được làm.

Báo cáo còn nói Tỉnh ủy Hà Tĩnh sẽ kiểm điểm nghiêm túc các tập thể và cá nhân liên quan trong việc tham mưu, quyết định thành lập hội này.

Qua tin nhắn với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA), cựu sỹ quan của Tổng cục Tình báo quân đội Vũ Minh Trí nói lập hội là quyền đã được hiến định của công dân và việc các tướng về hưu lập hội là bình thường, không hề vi phạm pháp luật. Ông bình luận về quyết định “tuýt còi” của chính quyền Hà Tĩnh như sau: 

Tôi cho rằng đây rõ ràng là sự vi phạm một trong những quyền đã được hiến định của công dân. Nó cũng thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, đó là không chấp nhận quyền tự do lp hội, biểu tình, ngôn luận… trên đất nước Việt Nam.

Điều này không có gì lạ bởi lâu nay Đảng Cộng sản Việt Nam luôn cố gắng duy trì độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Để làm điều đó, nó sẵn sàng bỏ qua Hiến pháp, pháp luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng công khai phát biểu rằng Hiến pháp chỉ quan trọng thứ hai, xếp sau Cương lĩnh của Đảng.”

Nhà báo Võ Văn Tạo  từ Nha Trang, giải thích với chúng tôi về quyết định giải tán một hội chỉ gồm các tướng lĩnh này:

Ban lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Việt Nam lo ngại hiện tượng đa nguyên. Từ một hội tướng lĩnh của Đức Thọ, Hà Tĩnh này có thể có các hội khác nữa.

Việc giải tán hội đó là một sự ngăn chặn những tư tưởng khác biệt với chỉ đạo chính thống của ban lãnh đạo cao nhất hiện nay, là một cách một cách phòng ngừa. Điều đó nói lên rằng quyền công dân ở Việt Nam bị hạn chế, đến mấy ông tướng còn bị hạn chế kia mà.”

Ông Tạo nói Hà Nội rất lo ngại mấy tướng lĩnh vì họ là những người có vai có vế, có công lao trong chiến tranh khi ngồi với nhau nhiều khi bàn bạc những chuyện mà ban lãnh đạo hiện nay không thích nghe. Do vậy, nhiều cựu lãnh đạo cao cấp cũng bất mãn với chính sách bất hợp lý hiện nay.

Ông Tạo nói hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam không hoàn thiện, nhiều văn bản quy phạm pháp luật cấp dưới trái với văn bản cấp cao hơn.

Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam nói công dân Việt Nam “có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.”

Hiến pháp Việt Nam sao chép từ nhiều nước với đầy đủ quyền con người và quyền công dân, tuy nhiên luôn thòng câu “theo quy định của luật,” ông Tạo cho hay.

Tin về việc các tướng lĩnh công an, quân đội là người ở huyện Đức Thọ hay là con rể của vùng đất này thành lập Hội tướng lĩnh gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên cộng đồng mạng.

Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người chỉ trích việc thành lập hội của tướng lĩnh Hà Tĩnh, cho rằng họ hãnh tiến, không muốn xã hội lãng quên tên tuổi của mình.

Một số khác thì băn khoăn liệu hội này có giống các hội khác làm cảnh cho chế độ và sử dụng ngân sách nhà nước để hoạt động.

Ông Vũ Minh Trí, người từng công khai tố cáo sai phạm ở đơn vị mình công tác là Tổng cục II Bộ Quốc phòng rồi bị tước quân tịch, khai trừ Đảng hồi năm 2009, cho rằng nhiều người phê phán việc thành lập Hội tướng lĩnh huyện Đức Thọ mà không thấy rằng việc này là đúng pháp luật, ít nhiều có lợi cho sự phát triển của xã hội dân sự.

Ông nhấn mạnh việc chỉ trích thành lập hội trên là kiểu “tự do ngôn luận” một cách cẩu thả, tư duy như vậy chính là ‘tự chặt chân mình” vì giúp chính quyền có thêm căn cứ để tiếp tục cấm đoán, xâm phạm các quyền tự do cơ bản của công dân.

Cựu tướng lĩnh còn không được phép thành lập hội nhóm của mình thì các hội đoàn khác của dân thường, dân oan càng không thể, càng dễ bị quy chụp là chống đối chế độ, ông Trí chia sẻ.

Hồi năm 1957, Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó là ông Hồ Chí Minh từng ra sắc lệnh về Quyền lập hội, quy định mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật.

Bộ Nội vụ Việt Nam năm 2016 chủ trì soạn thảo dự thảo Luật về Hội, tuy nhiên Quốc hội nhiều lần trì hoãn việc bàn thảo hay thông qua.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ha-tinh-dismiss-general-association-due-to-multiparty-concern-08302022080826.html