Hơn chục tỉnh/thành lập lực lượng trấn áp biểu tình
2022.08.10 – Hơn chục tỉnh, thành ở Việt Nam vừa công bố thành lập Trung Đoàn hoặc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu. Một trong các nhiệm vụ của lực lượng này được công bố là nhằm trấn áp những người bị cho “gây rối trật tự công cộng” và “biểu tình trái pháp luật”.
Vi hiến
Lễ ra mắt Trung đoàn Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu thuộc Công an TPHCM diễn ra vào sáng ngày 10/8. Báo chí Nhà nước cho biết lực lượng này được thành lập theo Quyết định số 1984/QĐ-BCA về việc thành lập Trung đoàn, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Toàn văn Quyết định số 1984 của Bộ Công an chưa được công khai trên các phương tiện truyền thông.
Theo mạng báo Công an Nhân dân, các Trung đoàn, Tiểu đoàn này phải sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống khi có lệnh điều động của Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh – thành.
Tính đến ngày 10/10, theo tổng kết của RFA, có ít nhất 15 tỉnh – thành phố đã ra mắt lực lượng này. Trong đó có thể kể ra các tỉnh, thành phố gồm TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Nghệ An, Lào Cai, Bắc Giang, Thanh Hoá, Gia Lai…
Khu vực Đông Nam bộ như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai là nơi có nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều công nhân, lao động tập trung ở các địa phương này.
Còn các tỉnh như Cao Bằng, Gia lai là nơi có nhiều tín đồ sắc tộc thiểu số như Ê đê theo đạo Tin Lành hay người H’Mông theo đạo Dương Văn Mình.
Một số tỉnh lập Tiểu đoàn có Sóc Trăng, Ninh Thuận, Thái Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Hoà Bình…
Công an TPHCM thông tin với báo chí về một số nhiệm vụ chi tiết được liệt kê là “ngăn chặn, trấn áp các vụ gây rối trật tự công cộng; biểu tình trái pháp luật; cứu nạn cứu hộ; tham gia bảo vệ các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và các ngày lễ lớn; đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu”.
Một luật sư không muốn nêu tên, hiện đang ở TPHCM, cho biết, việc “trấn áp biểu tình trái pháp luật” được liệt kê trong các nhiệm vụ là vi hiến. Bởi, theo luật sư này, Biểu tình là quyền của công dân Việt Nam, được ghi trong Hiến Pháp. Trong khi đó, Luật Biểu tình thì chưa có, nên không thể nói là “biểu tình trái pháp luật được”.
“Cá nhân tôi thấy hiện chưa có Luật Biểu tình thì không thể nói là trái pháp luật được. Hơn nữa, Quyền biểu tình là quyền hiến định nên việc trấn áp là trái hiến pháp.
Nhà nước Việt Nam không nhắc tới Luật Biểu tình có lẽ vì họ không muốn, lo sợ người dân biểu tình.”
Chị Phụng, từng tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trong vùng Đặc quyền kinh tế ở Việt Nam hồi năm 2014, nói với RFA rằng Chính phủ nợ Luật Biểu tình từ quá lâu rồi. Không có luật thì làm sao người dân biết:
“Theo Hiến pháp Việt Nam quy định thì người dân được quyền biểu tình, nhưng mà luật về biểu tình thì nhiều năm nay Nhà nước vẫn nợ người dân.
Về cơ bản, ở Việt Nam, cứ biểu tình là bị trấn áp, bởi vì họ không có thông qua luật để cho người dân có thể xin phép, tổ chức biểu tình giống như ở các nước khác.”
Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”
Từ năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự án Luật Biểu tình.
Cho đến năm 2017, Luật này nhiều lần được báo chí Nhà nước thông báo phải rút khỏi Nghị trình Quốc hội, lùi lại để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn TPHCM, hồi năm 2017 phát biểu trước Quốc hội rằng việc ban hành Luật Biểu tình nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân là rất cần thiết.
Tuy nhiên, từ sau năm 2018, không có một Đại biểu Quốc hội hay tờ báo trong nước nào nhắc đến Luật Biểu tình nữa.
An ninh và công an tìm cách ngăn chặn người biểu tình đòi nước sạch ở Hà Nội hôm 1/5/2016. Reuters
Tăng cường trấn áp phản kháng trong dân
Theo nhà báo, người quan sát, bình luận chính trị, xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Bình, ở Việt Nam, Hiến pháp quy định là một chuyện, còn thực tế diễn ra thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.
Và việc thành lập một cơ quan, lực lượng chuyên biệt như vậy là để dập tắt mọi nỗ lực phản kháng trong dân chúng, mà theo ông Bình, động thái này tiếp nối loạt đàn áp khốc liệt trong khoảng 4 – 5 năm qua:
“Trong cái xu thế khủng bố, đàn áp trong 4 – 5 năm vừa qua thì việc chuyên nghiệp hóa các lực lượng này để đàn áp các cuộc biểu tình, cũng như sự phản kháng của người dân thì theo tôi nghĩ là bình thường thôi.”
Theo quan điểm của bà Phụng, chuyện đàn áp, trấn áp các cuộc biểu tình là hiển nhiên, luôn diễn ra từ trước đến nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến giờ này Bộ Công an mới công bố thành lập các lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu, đồng thời công khai một trong các nhiệm vụ là để trấn áp gây rối trật tự công cộng và biểu tình là vì hiện nay Việt Nam không cần phải tham gia ký kết các hiệp định quốc tế nào nữa, nên họ cũng không quan tâm đến vấn đề phải tôn trọng nhân quyền:
“Do Việt Nam ở giai đoạn này không có cần tham gia hiệp ước, hiệp định gì hết, cho nên họ muốn xử ai, muốn xử như thế nào thì xử. Bây giờ họ cũng mạnh dạn hơn.
Nhưng mình tin rằng kể cả có thành lập lực lượng nào đi
chăng nữa thì họ cũng không để lực lượng mặt cảnh phục ra tay trấn áp
người biểu tình đâu. Bởi vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của
nhà cầm quyền Việt Nam đã xây dựng. Họ không muốn phơi bộ mặt thật của
mình ra cho thế giới thấy.”
Báo cáo Nhân quyền ở Việt nam của Human Rights Watch, công bố hồi tháng 2/2022 đánh giá ‘các quyền dân sự và chính trị cơ bản bị đàn áp một cách có hệ thống ở Việt Nam. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, siết chặt vòng kiềm tỏa các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo’.