Ðiểm Báo Pháp – 10/7/22
Phía sau bức màn sắt tại Nga và các thành phố Ukraina bị chiếm đóng
Đăng ngày: 09/07/2022 – Thụy My – Hồ sơ của Le Point tuần này tập trung nói về một «Nước Nga bị cấm đoán». Tờ báo có bài phóng sự công phu tại Saint- Petersbourg, quê quán của Vladimir Putin, nơi chính quyền truy lùng những nhà đối lập cuối cùng.
Những công dân Nga phản chiến bị đàn áp
Artiom, một trong số những người chống lại cuộc xâm lăng Ukraina, chỉ chấp nhận gặp nhà báo Pháp với điều kiện theo đúng hướng dẫn. «Khi đổi tàu, tắt điện thoại di động và ra khỏi trạm metro Công viên Tự do. Đi theo ngõ Anh hùng Thế chiến trong công viên, quẹo trái ở ngã tư đầu tiên và đợi trước bức tượng thứ ba». Đó là tượng Raymond Dien, một nhà đấu tranh cộng sản người Pháp chống lại chiến tranh Đông Dương. Artiom chọn nơi này vì không có camera theo dõi. Anh thuật lại những vụ bố ráp, tạm giam vô thời hạn, cho xem vết gãy xương ở tay và trên mặt vì bị ba kẻ lạ mặt hành hung. Artiom cho biết phải đổi địa chỉ mỗi sáu tháng vì lý do an ninh, chỉ khổ cho các con gái phải đổi trường liên tục…
Thoạt nhìn thì thành phố Saint-Petersbourg có vẻ vẫn bình thường, nhưng du khách ngoại quốc đã biến mất, những toán cảnh sát theo dõi khắp các ngã tư, liên tục kiểm soát, những người lính vội vã …Đa số tiếng nói đối lập đã chạy sang Armenia, Gruzia hay các nước vùng Baltic, những người ở lại đang bị truy lùng. Sau khi thông qua một luật hồi tháng Ba cho phép bỏ tù từ 3 đến 15 năm những ai «bóp méo thông tin, nói xấu quân đội», đã có 15.000 vụ bắt giam và hơn 50 vụ khởi tố, chưa kể phạt vạ mỗi lần hàng ngàn euro. Oleg Matveychev, dân biểu vốn là cựu cố vấn điện Kremlin khoe: «Chúng ta đã làm im tiếng 20% dân số chống lại chiến tranh».
Bài báo nêu ra bốn trường hợp cụ thể của các phụ nữ phản chiến bị bắt và có nguy cơ lãnh án 10 năm tù. Người thì do đăng bài «mang tính thù địch» trên mạng, người khác chia sẻ một video của tổng thống Volodymyr Zelensky, hay nói về việc quân Nga thả bom xuống nhà hát Mariupol, dán những khẩu hiệu trên giá hàng hóa một siêu thị nhỏ.
Đấu tranh bí mật trong lòng nước Nga như thời cách mạng vô sản 1917
Trước làn sóng bắt bớ, những người phản chiến thay đổi cách đấu tranh. Hoặc mang giày màu xanh với vớ màu vàng, hoặc giơ những thẻ tín dụng có chữ «Mir», tên một hệ thống thanh toán nhưng cũng có nghĩa là «hòa bình». Một phụ nữ 74 tuổi gặp trong một quán cà phê mặc chiếc áo thun có dòng chữ «Fight this War» (Chống lại cuộc chiến tranh này), bà vui vẻ giải thích «Công an của chúng tôi không đọc được tiếng Anh».
Cũng có những cuộc họp bí mật. Giữa tháng Sáu, khoảng 50 nhà đối lập từ nhiều miền khác nhau về họp tại Saint Petersbourg ba ngày. Marina Litvinovitch cho biết, một tiếng đồng hồ trước cuộc họp, họ mới nhận được địa chỉ và mã QR. Vào được bên trong, họ bịt hết các cửa sổ và buổi tối ra bằng cửa sau mỗi lần ba người. Cứ như quay lại thời cách mạng vô sản 1917!
Nhà báo cũng gặp được ông Boris, 67 tuổi, hàng xóm cũ của Putin. Chỉ một tòa nhà năm tầng màu vàng ở số 12 Baskov Pereulok, nơi gia đình cậu bé Vladimir Putin từng sinh sống, ông nói: «Tôi hay chơi đá banh với Putin. Mới 10 tuổi, cậu ta đã là mật vụ, chuyên đi tố cáo với phụ huynh những bạn học nào hút thuốc!».
Tại thành phố có truyền thống văn hóa, không thiếu những nghệ sĩ đầy ý thức. Elena Ossipova, nữ họa sĩ 76 tuổi được mệnh danh là «lương tâm của Saint Petersbourg», không nhớ nổi những lần bị bắt. Mỗi lần có biểu tình, bà đều xuất hiện với những biểu ngữ khác nhau. Chẳng hạn «Mắt của những người bị sát hại vẫn mở cho đến khi nào nước Nga xin lỗi», hoặc một tấm khác đã bị công an xé mất, trên đó vẽ những đóa uất kim hương đỏ tàn úa, tượng trưng cho những người lính đã ngã xuống. Bà cho biết vẫn tiếp tục chiến đấu «Rất nhiều họa sĩ đi lưu vong đã cho tôi vật liệu để vẽ».
10.000 người Ukraina mất tích ở những thành phố bị Nga chiếm đóng
Le Point cũng mô tả về một Ukraina «Phía sau bức màn sắt». Im lặng bao trùm lên Severodonetsk và Lyssychansk, hai thành phố mà quân Nga mới chiếm được và nhờ đó đã nắm trọn vùng Luhansk. Một chiến thắng của Vladimir Putin, cho dù quá nhỏ bé so với tham vọng ban đầu. Những thông tin liên lạc đều bị cắt.
Nhưng những phong trào kháng chiến bí mật vẫn có thể nảy sinh như ở Kherson, thành phố miền nam bị chiếm đầu tiên. Ban đầu người dân còn được tương đối tự do, nhưng sau đó Nga đã áp đặt hệ thống riêng, kiểm soát chặt chẽ cư dân. Ban đầu chỉ có các viên chức «chế độ cũ» và nhà báo bị bắt, nhưng sau đó những ai bị nghi ngờ trung thành với Kiev đều bị đe dọa. Theo nguồn tin chính phủ Ukraina, có khoảng 600 người mất tích ở Kherson.
Nhìn chung ở những vùng bị chiếm đóng, The Economist cho biết rất nhiều người dân trong đã bị bắt cóc, chủ yếu là các nhà hoạt động, phóng viên, người trợ giúp nhân đạo. Chẳng hạn hai nhà báo Serhey Tsyhipa và Oleh Baturin bị bắt khi đang tường thuật về các tội ác của quân Nga, rốt cuộc đã xuất hiện trên truyền hình Nga, gầy đi hẳn và lặp lại những tuyên truyền của Matxcơva. Mykola Panchenko, một người từng tham gia biểu tình chống quân chiếm đóng, bị bắt cóc khi đang đi chợ và một tháng sau được thả với một xương sườn bị gãy. Những nạn nhân kém may mắn hơn thì đã chết.
Hiện tượng này không có gì mới. Từ 2014 đến 2021, trên 2.000 người Ukraina đã mất tích. Sau khi chiếm Crimée, nhiều người Tatar ở bán đảo này và hàng loạt lãnh đạo địa phương bỗng biến mất. Trong hai cuộc chiến với Tchetchenya trong thập niên 90, những vụ mất tích xảy ra thường xuyên đến nỗi Human Rights Watch gọi là tội ác chống nhân loại. Katya Osadcha, một người dẫn chương trình truyền hình Ukraina đã lập một nhóm Telegram để tìm kiếm người mất tích, ước tính số lượng ít nhất là 10.000 người đến nay không tin tức, chủ yếu ở miền đông Ukraina. Chính quyền khẳng định hàng trăm ngàn công dân Ukraina đã bị cưỡng bức sang Nga.
Kiev đau đầu vì vũ khí «có gì xài nấy»
Trên chiến trường, L’Express nói về khó khăn của quân đội Ukraina trước sự phức tạp của số vũ khí đa dạng được phương Tây cung cấp. Những chiến binh vui mừng khi những chiếc xe tăng Guepard được Đức hứa viện trợ hồi tháng Tư, rốt cuộc đã được đưa sang vào…tháng Bảy. Thời gian không còn nhiều, trước hỏa lực áp đảo từ phía Nga, Kiev cần vũ khí hạng nặng hơn bao giờ hết. Theo phó giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ukraina, tỉ lệ hiện nay là 1 khẩu pháo của Kiev phải đấu với 10-15 khẩu pháo của Nga. Giữa tháng Sáu, một cố vấn của ông Zelensky đã lên danh sách hy vọng nhận được: «1.000 quả đạn 155 ly, 300 khẩu phóng rốc-kết đa nòng, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép, 1.000 drone».
Không chỉ thiếu thốn khí tài, người lính còn gặp rắc rối với đủ loại vũ khí khác nhau: khoảng 100 đại pháo M777 của Mỹ, 18 khẩu Caesar của Pháp, 10 khẩu PzH-2000 của Đức, 20 đại bác tự hành Dana của Cộng hòa Sec, 18 khẩu Krab của Ba Lan…tổng cộng khoảng 12 loại. Tất cả không dùng cùng một loại đạn, và có cách bảo dưỡng riêng. Khoảng cách tiếp vận từ Ba Lan cách xa Donbass đến 1.200 km cũng là vấn đề lớn, nhất là hệ thống đường bộ, đường sắt bị hư hại nhiều sau bốn tháng chiến tranh.
Trong cuộc chiến dữ dội này, vũ khí phương Tây được sử dụng tối đa công suất khiến dễ bị hư hao. Chưa kể mỗi loại cần phải được huấn luyện cách sử dụng, vừa mất thời gian vừa tốn nhân lực, chẳng hạn Himars của Mỹ phải mất ít nhất ba tuần. Kiev vào cuối tháng Năm đã ký hợp đồng 700 triệu đô la với Vacxava mua 60 khẩu Krab do Ba Lan sản xuất, để không chỉ lệ thuộc vào vũ khí phương Tây.
Ukraina đang phải trả giá cho «Germany First» của bà Merkel
Về sự lệ thuộc của châu Âu vào dầu khí Nga, L’Express có bài viết «Trump đã từng cảnh báo Merkel…». Trong bốn năm của nhiệm kỳ, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã có rất nhiều phát biểu sai lầm, nhưng ông cũng nói một số sự thật. Chẳng hạn tuyên bố sau đây trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9/2018: «Sự lệ thuộc năng lượng vào một nhà cung cấp nước ngoài duy nhất có thể làm một quốc gia trở nên dễ tổn thương trước những trò bắt bí, đe dọa ». Ông Trump hoan nghênh một số nước châu Âu như Ba Lan đã xây dựng đường ống để dẫn khí từ Na Uy sang, và nói thêm «Đức sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào Nga về nhu cầu năng lượng».
Vào lúc đó, lời cảnh báo từ tổng thống Mỹ bị các nhà ngoại giao Đức cười nhạo. Nhưng nay họ phải xấu hổ khi phải theo những lời khuyên nên đa dạng hóa nguồn cung của Donald Trump một cách trễ tràng. Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh Mỹ từ 2019 đến 2020 nói với L’Express: «Người ta chỉ trích ‘American First’ của Donald Trump, nhưng chương trình này không thể so sánh với ‘Germany First’ của Angela Merkel (…). Một mặt, người Đức mua dầu khí Nga với giá rẻ, mặt khác, họ bán các sản phẩm cao cấp cho Trung Quốc. Song song đó, Berlin cho các nước trong châu lục vay tiền và thống trị Liên Hiệp Châu Âu. Một chiến lược hiệu quả…cho Đức mà thôi ».
Trong chuyến thăm Paris đầu tháng Sáu để nhận Bắc đẩu Bội tinh của Pháp, nhà ngoại giao thổ lộ tiếp sự thất vọng của Hoa Kỳ về Đức: «Berlin lo làm giàu, nhưng không quan tâm đến quốc phòng và quân đội của mình. Đức chưa bao giờ đóng góp đúng mức vào quốc phòng châu Âu, và không tôn trọng chỉ tiêu 2% ngân sách cho NATO». Ông O’Brien cho biết Mỹ đã nhiều lần cảnh báo bà Merkel, một số nước phương Tây khác cũng vậy, nhưng bà vẫn coi thường nên nay mới thành «cá nằm trên thớt» của Matxcơva. «Giờ đây người Ukraina phải trả giá cho chọn lựa này bằng mạng sống của họ. Bản án của Lịch sử sẽ rất nặng nề cho bà».
Thế giới thương tiếc ông Shinzo Abe, chiến binh kỳ cựu của G7
Nhìn sang châu Á, các tuần báo dù đã lên khuôn trước khi xảy ra vụ sát hại cựu thủ tướng Nhật Bản gây chấn động cả thế giới, nhưng đều cập nhật trên mạng. Le Figaro cuối tuần cho rằng vụ ám sát dường như không có dự mưu. Ban đầu ông Shinzo Abe định tổ chức mít-tinh ở Nagano, nhưng những người có trách nhiệm trong đảng lại chuyển sang Nara, thực hiện một « gaito enzetsu » – một diễn văn vận động bầu cử ngay trên đường phố, gần gũi cử tri. Nhà bình luận Takao Toshikawa cho rằng việc thay đổi vào phút chót cho thấy tên sát thủ Tetsuya Yamagami không dự kiến trước.
Shinzo Abe là một chính khách lỗi lạc. Khi từ chức hôm 16/09/2020, ông đã phá kỷ lục giữ chức thủ tướng Nhật lâu nhất từ trước đến nay. Ngược với những người tiền nhiệm, ông duy trì quyền lực không phải nhờ sự trung dung mà nhờ hành động. Cộng đồng quốc tế bị thu hút vì sự trung thành với lý tưởng dân chủ của ông, đối kháng với chủ nghĩa bành trướng của độc tài Trung Quốc. Là người từng xuôi ngược khắp thế giới không biết mệt, Shinzo Abe trở thành cựu chiến binh của G7. Các nhà lãnh đạo quốc tế đủ các khuynh hướng đều tiếc thương ông, từ Đạt Lai Lạt Ma đến tổng thống Senegal, từ Emmanuel Macron đến Joe Biden. Nhưng Abe cũng bị một số người ác cảm vì ông muốn sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của Nhật.
Vụ ám sát khó tin tại đất nước chỉ có 1 người chết vì súng trong năm
Vụ ám sát hầu như không thể tưởng tượng được tại Nhật Bản. Hung khí là một khẩu súng tự chế, trong khi ở Nhật việc sử dụng súng phải chịu những quy định vô cùng nghiêm ngặt, kể cả trong thế giới ngầm. Năm 2021, toàn nước Nhật chỉ có …một người bị bắn chết ! Nhìn chung, chính giới Nhật Bản khá hòa hiếu, những xung đột được giải quyết trong hậu trường thông qua thương thảo thay vì vũ lực.
Cơ quan an ninh Nhật Bản sắp tới sẽ đối mặt với chỉ trích: ông Ronald Reagan năm 1981 cũng bị tấn công trong điều kiện tương tự, nhưng các cận vệ đã che chắn và cứu được tổng thống. The Economist nhắc lại, ông ngoại của ông Shinzo Abe là Kishi Nobusuke, thủ tướng Nhật trong thời kỳ đầy hỗn loạn từ 1957 đến 1960, một tháng sau khi thông qua một hiệp ước an ninh mới với Hoa Kỳ bất chấp các cuộc biểu tình, đã bị một hung thủ đâm sáu nhát vào đùi. Ông Nobusuke sống sót, nhưng bi đát thay, người cháu ngoại lừng lẫy của ông lần này lại không qua khỏi.
Điều nghịch lý là cái chết của ông Abe đã củng cố một trong những thông điệp chính của ông, rằng thế giới này nguy hiểm và Nhật Bản cần phải từ bỏ chính sách chủ hòa sau Đệ nhị Thế chiến. Trả lời phỏng vấn The Economist sau khi Nga xâm lăng Ukraina, Shinzo Abe nói người dân Nhật cần phải đối mặt với thực tế là nếu không đủ quyết tâm, một cuộc tấn công như vậy có thể diễn ra.
Dân mạng Trung Quốc hớn hở khi «diều hâu» Abe qua đời
Tại Hoa lục, không có bao nhiêu nước mắt cá sấu dành cho ông Shinzo Abe trên mạng xã hội Trung Quốc. Rất nhiều người công khai tỏ ra vui mừng khi nghe cựu thủ tướng Nhật, người có chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh, đã bị ám sát. Cựu thủ tướng Shinzo Abe vẫn bị Trung Quốc cáo buộc là muốn cùng với Mỹ ngăn cản Trung Quốc tiến lên vị trí lãnh đạo thế giới. Những ngày gần đây, tin đồn về khả năng ông Abe đi thăm Đài Loan đã gây nhiều lo lắng cho Bắc Kinh, trong lúc Tokyo và Washington liên tục có những động thái ủng hộ Đài Bắc.
Vài phút sau thảm kịch, một người trắng trợn viết trên Vi Bác «Tôi hy vọng tay súng ấy vẫn ổn», và nhận được ngay 13.000 like. Một người khác viết «Shinzo Abe phải quên đi hận thù và tha thứ cho người đã bắn mình», và được 93.000 like. Bi kịch trở thành tin tức hàng đầu tại Hoa lục, khơi dậy lòng thù hận lịch sử. Một người hằn học: «Linh hồn 300.000 người ở Nam Kinh thấy giấc mộng đã thành, 1,4 tỉ người Trung Hoa hoan nghênh». Và nhiều người nhắc rằng ông Abe qua đời một hôm sau sự kiện Lư Câu Kiều năm 1937, mở đầu chiến tranh Trung-Nhật.
Le Figaro cuối tuần ghi nhận những lời bình cay độc trên đây không hề bị đội quân kiểm duyệt hùng hậu chặn lại như thông lệ. Ngoại giao Trung Quốc ban đầu dè dặt đứng ngoài làn sóng hận thù này, và cuối cùng Bắc Kinh cũng gởi lời «phân ưu» cho phải phép.