Tin Tổng Hợp – 27/6/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 27/6/22

Hạ tầng cơ sở: G7 muốn lái các nước đang phát triển ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc

27/06/2022 – Anh Vũ – Thời sự thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế trong ngày đầu tiên của thượng đỉnh nhóm nước công nghiệp phát triển G7 đang diễn ra tại Đức là Washington phát động một chương trình rộng lớn đầu tư cơ sở hạ tầng hướng tới các nước đang phát triển với nguồn vốn 600 tỷ đô la trong 5 năm.

Chương trình có tên gọi «Đối tác cho hạ tầng cơ sở và đầu tư thế giới» theo sáng kiến của Hoa Kỳ, dự kiến huy động nguồn vốn 600 tỷ đầu tư dành cho các nước đang phát triển từ nay đến năm 2027. Chương trình này dựa trên những « giá trị được chia sẻ», sự «minh bạch», tôn trọng quyền của người lao động, môi trường và bình đẳng và «chúng ta đề xuất những lựa chọn tốt nhất» cho các nước đang phát triển, theo như lời bình luận của ông Biden tại phiên họp đầu tiên của G7 ngày 26/06/2022.

Cả tổng thống Mỹ cũng như các lãnh đạo khác tham dự G7 đều không hề nhắc đến tên Trung Quốc trong dự án này, nhưng giới quan sát đều hiểu rằng đó là một chương trình nhằm mục tiêu ngăn chặn đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, một mục tiêu sẵn có từ trước của các nước phương Tây, đi đầu là Hoa Kỳ.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, nhận định rằng các nước đối tác của phương Tây, được ngầm hiểu là những nước đã đi theo hướng dân chủ thay vì theo Bắc Kinh, đã có lựa chọn để phát triển mạng lưới điện và hạ tầng cơ sở y tế của mình. Bà Ursula von der Leyen cho biết Liên Âu sẽ huy động 300 tỷ euros trong khuôn khổ chương trình để xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở thay thế cho các công trình trong dự án «Vành đai và Con đường» do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013.

Với chương trình đầu tư rộng lớn này, các nước phương Tây rõ ràng muốn chứng tỏ sự khác biệt với Trung Quốc, đặc biệt trong thiện chí đầu tư giúp các nước nghèo phát triển. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã đổ tiền ồ ạt vào hàng loạt các nước đang phát triển để xây dựng một hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ dự án toàn cầu của họ.

Tuy nhiên, Trung Quốc luôn bị tố cáo là tiến hành các dự án không minh bạch, những nguồn vốn vay rủi ro. Ngoài ra bên cạnh các ưu đãi đầu tư, Bắc Kinh luôn kèm theo các điều kiện về chính trị hay văn hóa với các chính phủ. Những hệ quả như vậy đã được thấy rõ ở nhiều nước châu Phi, sau chưa đầy một thập kỷ triển khai sáng kiến của Tập Cận Bình vẫn được gọi là «Con đường tơ lụa mới» của Trung Quốc.

Trong chương tình «đối tác toàn cầu cho hạ tầng cơ sở», riêng Hoa Kỳ hứa huy động 200 tỷ đô la trong 5 năm. Nhưng « huy động» đối với phương Tây không có nghĩa là viện trợ, hay các nước sẽ mang tiền của mình đổ vào các công trình hạ tầng cơ sở ở các nước đang phát triển. Các nguồn vốn đầu tư sẽ bao gồm các khoản vay, các nguồn tiền từ chính phủ hoặc tư nhân được các chính phủ khuyến khích.

Con số 600 tỷ trong 5 năm là rất lớn, không dễ dàng huy động được, nhất là vào thời điểm thế giới, chủ yếu các nước phương Tây, vừa chớm bước vào thời kỳ phục hồi sau đại dịch thì đã phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn do cuộc chiến tranh tại Ukraina gây ra.

Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là, với ý đồ tốt như vậy, phương Tây có thể lật ngược xu thế các nước phát triển chạy theo sức hấp dẫn của nguồn tiền Trung Quốc? Hoa Kỳ tin vào thành công. Cuộc phản công trên mặt trận kinh tế và quyền lực mềm Trung Quốc này «đã có từ nhiều năm qua, nhưng không thực sự quá muộn», theo như nhận xét của một quan chức Nhà Trắng. Theo quan chức này, ngày càng có nhiều nước nhận được nguồn vốn hay đầu tư trong khuôn khổ dự án «Vành đai và Con đường» của Trung Quốc đã thấy rằng nền kinh tế của họ không hề được cải thiện, mà đất nước ngày thêm mắc nợ trầm trọng. Nhiều nước còn phải tính đến chuyện bán tài nguyên, công trình hạ tầng cho người Trung Quốc.

Dự án của các nước G7 về hạ tầng cơ sở toàn cầu vào lúc này chỉ cho thấy một điều: Phương Tây chưa bao giờ hết nỗi lo về tham vọng bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220627-h%E1%BA%A1-t%E1%BA%A7ng-c%C6%A1-s%E1%BB%9F-g7-mu%E1%BB%91n-l%C3%A1i-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-%C4%91ang-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-ra-kh%E1%BB%8Fi-qu%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%A1o-trung-qu%E1%BB%91c

Vụ kiện Formosa sau 3 năm: bắt đầu đi vào nội dung vụ kiện

27/06/2022 – VOA Tiếng Việt – Vụ kiện của các nạn nhân ở Việt Nam nhằm vào công ty Formosa bước đầu đã có kết quả quan trọng khi Tòa án Đài Loan chấp nhận họ có thẩm quyền thụ lý vụ kiện cũng như đã chấp thuận một số đơn kiện ủy quyền cho luật sư, một người am tường vụ kiện nói với VOA.

Thảm họa môi trường do Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, công ty con của Tập đoàn Formosa đặt ở Đài Loan, gây ra hồi đầu năm 2016, gây nhiễm độc một dải bờ biển ở miền Trung Việt Nam khiến hàng triệu người dân lao đao.

Mặc dù Formosa Hà Tĩnh sau đó đã bồi thường 500 triệu đô la thông qua chính quyền Việt Nam để chi trả cho các nạn nhân bị thiệt hại, nhưng vào tháng 6 năm 2019, một hiệp hội được cho là đại diện cho gần 8.000 nạn nhân Formosa đã đệ đơn kiện lên tòa án ở Đài Loan.

Từ đó đến nay, vụ kiện đã trải qua 5 phiên xử ở các cấp sơ thẩm, thượng thẩm và mới đây nhất là lên đến Tòa án Tối cao Đài Loan. Tất cả các phiên xử đều xoay quanh quyền tài phán của tòa án Đài Loan đối với vụ việc xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và liệu các đơn kiện ủy quyền cho luật sư có đủ điều kiện để được thụ lý hay không.

Thẩm quyền xử lý

Trao đổi với VOA, bà Triều Giang Nancy Bùi, hội phó đặc trách ngoại giao đồng thời là phát ngôn viên cho Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV), cho biết ở cả bốn phiên tòa trước khi lên đến Tòa án Tối cao, tòa cấp dưới đều bác bỏ vụ kiện với lý do rằng họ không có thẩm quyền xử lý vụ việc.

“Tòa cấp dưới cho rằng chuyện xảy ra ở Việt Nam, thành ra tòa án Đài Loan không có quyền phán quyết, bà Nancy Bùi nói với VOA.

Tuy nhiên, sau khi Tòa án Tối cao Đài Loan viện dẫn Tu chính án thứ 20 của Bộ luật Tố tụng Dân sự Đài Loan, trong đó cho rằng vụ việc có yếu tố nước ngoài thì không nhất thiết phải kiện ở nước đó mà có thể kiện ở Đài Loan thì bây giờ các tòa cấp dưới ‘bắt buộc phải xử’.

Nhưng trong tổng số 24 công ty đứng sau Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, hoặc là cổ đông góp vốn, hoặc là bên cung cấp công nghệ, kỹ thuật cho Formosa, mà JFFV đâm đơn kiện, Tòa án Tối cao Đài Loan chỉ chấp nhận cho thụ lý vụ việc với 13 công ty đặt đại bản doanh ở Đài Loan, cũng theo lời bà Nancy Bùi.

“Họ lập luận rằng 11 công ty kia có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật, Singapore và Quần đảo Cayman nên họ không xử được,” bà cho biết.

Công chứng phức tạp

Một vấn đề hết sức nan giải ở phiên xử thứ năm, theo bà Nancy Bùi, là Tòa án Tối cao Đài Loan yêu cầu các nạn nhân trong vụ kiện, vốn không thể đến Đài Loan theo đuổi vụ kiện nên phải ủy quyền cho các luật sư, phải có hồ sơ ủy quyền được chính quyền sở tại (trong trường hợp này là chính quyền Việt Nam) công chứng.

Phán quyết này đã thu hẹp đáng kể số người đứng nguyên đơn hợp lệ. Trong số 7.875 thành viên bên nguyên đơn cũng là thành viên Hiệp hội JFFV, chỉ có ‘một số người’ có đơn kiện được coi như là hợp lệ được tiếp tục vụ kiện, bà nói và cho biết bà không thể tiết lộ con số cụ thể.

“Những nạn nhân bây giờ được hợp lệ là những nạn nhân đang sống ngoài Việt Nam, đơn kiện của họ ủy quyền cho luật sư được công chứng tại nước sở tại mà họ đang sống, còn các nạn nhân Việt Nam bị kẹt về công chứng,” bà nói.

Theo lời bà giải thích thì trong khi việc công chứng ở các nước như Mỹ, Pháp… hết sức dễ dàng vì chỉ cần đương đơn có mặt và ký tên trước mặt công chứng viên là được, thì quy định ở Việt Nam yêu cầu phải qua bốn cửa công chứng hết sức nhiêu khê.

Đó là Ủy ban xã, sau đó chuyển qua Cục An ninh thuộc Bộ Công an dịch và đóng dấu, kế nữa là phải được Bộ trưởng Ngoại giao chấp thuận, ký tên và đóng dấu. Cuối cùng, hồ sơ phải được đưa ra Phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Loan (tương đương Sứ quán Đài Loan) ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận.

Thành ra, các nạn nhân ở Việt Nam không thể nào làm được các bước như vậy, bà nói và cho biết các luật sư đã yêu cầu các nạn nhân thử làm ‘nhưng không ai dám đi’.

“Việc này khiến họ gặp nguy hiểm đến tính mạng hay gia đình họ bị làm khó dễ,” bà nói và dẫn ra việc có người chỉ đưa thông tin về vụ việc Formosa xả độc lên mạng xã hội mà cũng bị bắt.

Theo lời bà thì các luật sư đã đưa ra dẫn chứng để chứng minh ở tòa rằng việc xin công chứng ở Việt Nam là ‘không thể’ hay ‘hết sức khó khăn’ nhưng không được chấp nhận.

Bà cho biết mặc dù trong luật Đài Loan quy định rằng nếu vụ kiện có yếu tố nước ngoài thì cần phải có công chứng, nhưng trong các phiên tòa cấp dưới, không có tòa nào đặt vấn đề công chứng này cả. Tuy nhiên, khi ra đến Tòa án Tối cao, các luật sư của Formosa đột nhiên nhất định đòi Tòa phải thực hiện quy định về công chứng.

Hiện giờ, các luật sư đang tranh đấu ngoài tòa, vận động các tổ chức quốc tế cùng với họ yêu cầu Bộ Tư pháp Đài Loan xem vụ này là ‘vụ án không bình thường’ nên không thể áp dụng quy định công chứng bình thường, bà Nancy Bùi cho biết.

Ngoài ra, các luật sư cũng đang nghiên cứu một hình thức công chứng khác nhưng bây giờ chưa thể tiết lộ, bà nói thêm.

“Trong án lệ của Đài Loan đã có những trường hợp thậm chí không cần phải công chứng luôn,” bà khẳng định.

Sẽ kiện ở Mỹ?

Tuy nhiên, phát quyết mới đây của Tòa án Tối cao đã mở ra hy vọng cho vụ kiện, người phát ngôn này nói và cho biết sau ba năm, bây giờ tòa mới bắt đầu đi vào tranh luận nội dung vụ án.

“Chúng tôi đang chờ Tòa thông báo ngày giờ để ra tòa,” bà nói và cho biết một số đương đơn sẽ được sắp xếp để có mặt ở Đài Loan.

Bên cạnh tranh luận tại tòa, các luật sư vụ kiện cũng đang tiếp tục tìm cách hợp thức hóa đơn kiện của các nạn nhân còn lại ở Việt Nam chưa được công chứng, cũng theo lời bà Nancy Bùi. Trong trường hợp không thể làm gì được, những đơn kiện còn lại sẽ chuyển sang kiện ở Mỹ vì trong số 24 công ty bị JFFV đâm đơn kiện, có ba bị đơn ở Mỹ.

“Theo luật thì sau khi những người này bị bác đơn hoàn toàn thì chúng tôi có 60 ngày để khởi kiện bên Mỹ,” bà nói.

Theo phân tích của bà thì phía Đài Loan không coi đây là vụ kiện tập thể (class action) như ở Mỹ, tức là chỉ một vài đại diện đi kiện thì phán quyết cũng có tác động đối với những người còn lại không đi kiện. Cho nên các luật sư đang tranh đấu cho những người còn lại ở Việt Nam được chấp nhận đơn kiện.

“Ở Đài Loan thì phải đông người cùng kiện một lúc, chứ không phải chỉ cứu xét những người đại diện rồi áp dụng cho tất cả mọi người,” bà nói rõ.

Đại diện Formosa nhận thông cáo báo chí của các luật sư và các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền Đài Loan (Ảnh do JFFV cung cấp)
Đại diện Formosa nhận thông cáo báo chí của các luật sư và các tổ chức tranh đấu cho môi trường và nhân quyền Đài Loan (Ảnh do JFFV cung cấp)

https://www.voatiengviet.com/a/6635235.html

Số ca nhiễm sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao, bệnh viện lo thiếu thuốc

2022.06.27 – Tính đến hết ngay 24/6, số ca nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam đã lên 77.000 người với 30 trường hợp tử vong, theo tổng kết của Bộ Y tế, nhưng dự báo của các chuyên gia y tế cho thấy con số này sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo.

Số ca nhiễm sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao, bệnh viện lo thiếu thuốc

Hình minh họa: người bệnh nằm bệnh viện điều trị sốt xuất huyết ở Hà Nội hôm 9/8/2017 – AFP

Truyền thông Nhà nước hôm 27/6 cho biết, các chuyên gia y tế lo ngại số ca nặng, sốc do sốt xuất huyết đang tăng cao so với ba năm cùng kỳ trong khi còn ba tháng nữa mới đến đỉnh dịch.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, vào sáng ngày 27/6, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác tiếp nhận và điều trị tại các bệnh viện ở TPHCM.

Các bác sĩ tại các bệnh viện được Bộ Y tế đi kiểm tra cho biết, họ liên tục tiếp nhận các ca nhiễm sốt xuất huyết mỗi ngày và số ca tăng liên tục. Giới chức y tế tại các bệnh viện này được truyền thông Nhà nước trích lời cho biết việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân vẫn được kiểm soát tốt nhưng các bệnh viện gặp khó khăn về nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết.

Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện đang thiếu các loại thuốc điều trị như Dextran 40, HES 200, Dextran 70 và các thuốc vận mạnh như Dopamin.

Hiện, nhiều địa phương của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh nhân nói chung sau khi một loạt các quan chức y tế bị khởi tố và bắt giữ do những sai phạm trong đấu thầu mua thuốc và vật tư y tế thời gian đại dịch COVID-19 hai năm vừa qua. Tình trạng này đã dẫn đến tâm lý e ngại đưa quyết định mua thuốc men, ảnh hưởng đến việc điều trị người bệnh ở Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-dengue-outbreak-tally-rises-to-77000-06272022075432.html

(AFP) – Nhật Bản: Nắng nóng kỷ lục, lo nạn thiếu điện. Chính quyền Nhật Bản, hôm nay, 27/06/2022, cảnh báo nguy cơ thiếu điện do nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng kỷ lục, trong khi Nhật Bản vừa trải qua một mùa mưa ngắn nhất trong lịch sử. Trước tình hình này, chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân hạn chế tiêu thụ điện vào chiều tối. Theo Đài Khí Tượng Thủy Văn, nhiệt độ tại thủ đô Tokyo là 35°C, và nứng nóng sẽ kéo dài cho đến Chủ Nhật này.

(AFP) – Mỹ và Iran đàm phán về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận. Bộ Ngoại Giao Iran ngày 27/06/2022 cho biết Washington và Teheran sẽ khởi động các cuộc thương lượng gián tiếp trong tuần này về việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận do chính quyền tiền nhiệm Donald Trump ban hành. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran, cuộc gặp sẽ diễn ra tại một quốc gia trong vùng Vịnh Ba Tư, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Iran của lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Joseph Borrell.

(AFP) – Ấn Độ và Liên Hiệp Châu Âu nối lại đàm phán tự do mậu dịch. Cuộc đàm phán bắt đầu từ hôm nay, 27/6/22, tại New Dehli, và kéo dài đến ngày 01/07. Hai bên hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận tự do mậu dịch, các thỏa thuận về bảo hộ đầu tư và chỉ dấu địa lý các sản phẩm.

(AFP) – G7 muốn siết chặt bao vây kinh tế Nga. Một quan chức cao cấp Nhà Trắng hôm 27/6/22 cho biết các nước thành viên khối G7 tìm cách thiết lập một «cơ chế để ấn định mức trần giá dầu Nga ở cấp độ thế giới». Đặc biệt, khối G7 cũng sẽ tiếp tục «hạn chế Nga tiếp cận các nguồn công nghệ chủ chốt», nhất là trong lĩnh vực quốc phòng, mà Washington đã đánh mạnh thông qua các lệnh trừng phạt chống các tập đoàn lớn của Nga.

(AFP) – Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu ủng hộ tổng thống Nga dự G20. Bà Ursula Von Der Leyen trên kênh truyền hình Đức ZDF tối Chủ Nhật, 26/6/22, tuyên bố không phản đối việc phương Tây tham dự thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2022 tại Indonesia bất chấp sự hiện diện của tổng thống Nga và cuộc chiến ở Ukraina. Theo bà, «G20 có tầm mức quan trọng lớn cho các nước đang phát triển, các nước mới trỗi dậy, không nên để cho ông Putin phá hủy khối này».

(AFP) – NATO: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp lãnh đạo Thụy Điển và Phần Lan. Trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Phần Lan hôm nay, 27/6/22, thông báo lãnh đạo ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển sẽ có cuộc gặp trước khi diễn ra thượng đỉnh NATO ở Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Ba bên sẽ bàn về việc Helsinki và Stockholm xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Cuộc họp diễn ra với sự tham dự của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

(AFP) – Canada gởi hai tầu chiến đến biển Baltic. Hôm qua, 26/06/2022, Canada đã cho triển khai hai tầu chiến đến vùng biển Baltic và Bắc Đại Tây Dương. Như vậy là tổng cộng Canada có 4 tầu chiến hiện diện trong khu vực. Chiến dịch sẽ kéo dài trong vòng 4 tháng trong khuôn khổ các biện pháp tăng cường phòng thủ Trung và Đông Âu, theo như thông báo của hải quân Canada.

(20 minutes) – Pháp rao bán đấu giá đầu máy xe lửa. Từ thứ Hai, 27/06 đến thứ Năm 30/06/2022, Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp SNCF phối hợp với đối tác Agorastore bán đấu giá 12 đầu máy xe lửa vẫn còn vận hành tốt. Theo giải thích của công ty chuyên bán hàng trên mạng các tài sản nhà nước, «mức giá ấn định nằm trong khoảng từ gần 1.295.000 – 1.366.000 euro cho mỗi cỗ máy, tùy theo từng đặc tính». Một tin buồn cho người hâm mộ nghiệp dư, cuộc bán đấu giá này chỉ dành cho giới chuyên nghiệp.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220627-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p