Tin Tổng Hợp – 20/6/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 20/6/22

Vòng hai bầu cử Quốc Hội Pháp: Liên minh của tổng thống Macron mất đa số tuyệt đối

20/06/2022- Thu Hằng – Sau cuộc bầu cử Quốc Hội vòng hai ngày 19/6/22, Liên minh Ensemble! (Đồng lòng) của tổng thống Macron vẫn giành được nhiều ghế nhất ở Hạ Viện với 245 ghế, nhưng để mất đa số tuyệt đối (289 ghế). Liên minh cánh tả NUPES trở thành lực lượng đối lập chính với 131 ghế. Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (FN) lập kỷ lục khi giành được 89 ghế dân biểu, trở thành lực lượng đối lập lớn thứ hai, vượt qua đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR), chỉ thu được 61 ghế.

Hạ Viện mới Pháp như vậy chia thành bốn nhóm chính. Chính quyền của tổng thống Emmanuel Macron được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn để điều hành đất nước. Trước mắt, nội các của thử tướng Elisabeth Borne sẽ có thay đổi nhân sự do ba bộ trưởng Y Tế (Brigitte Bourguignon), Chuyển đổi Sinh thái và Gắn kết lãnh thổ (Amélie de Montchalin) và Quốc vụ khanh đặc trách về Biển (Justine Bénin) phải từ chức theo quy định có từ năm 2017 vì đã thất cử trong cuộc bầu cử Quốc Hội.

Ngoài ra, chủ tịch Hạ Viện mãn nhiệm Richard Ferrand và Christophe Castaner, chủ tịch nhóm dân biểu đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM ở Quốc Hội, hai nhân vật thân cận của tổng thống Macron, cũng bị thua. Phát biểu ngay tối 19/6, thủ tướng Elisabeth Borne, chỉ thắng đối thủ với tỉ lệ sát sao ở Calvados, thừa nhận tình hình khó khăn cho chính phủ của bà:

«Tình hình tối nay là chưa từng có. Chưa bao giờ trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, Hạ Viện lại bị chia cắt như vậy. Tình hình này gây rủi ro cho đất nước của chúng ta, nếu nhìn vào những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế. Nhưng chúng tôi phải tôn trọng và rút ra các bài học từ cuộc bầu cử này. Với tư cách là lực lượng chính trong Quốc Hội mới, chúng tôi sẽ phải đảm đương những trọng trách đặc biệt. Ngay từ ngày mai, chúng tôi sẽ phối hợp để thành lập một đa số hành động. Không có giải pháp thay thế cho Quốc Hội này để bảo đảm cho đất nước sự ổn định và tiến hành các dự án cải cách cần thiết».

Ba lực lượng đối lập với Ensemble!

Tuy nhiên, liên minh của tổng thống Emmanuel Macron khó tìm được đồng minh vì cả ba lực lượng đối lập đều không muốn bắt tay. Bà Marine Le Pen, tái đắc cử dân biểu ở Pas-de-Calais, khẳng định đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc của bà sẽ tiếp tục là lực lượng đối lập cứng rắn ở Hạ Viện:

«Chúng ta sẽ đại diện cho lực lượng đối lập cứng rắn, có nghĩa là không nhân nhượng, có trách nhiệm, tôn trọng các định chế, vì kim chỉ nam duy nhất của chúng ta đó là lợi ích của nước Pháp, của nhân dân Pháp».

Tương tự, ông Jean-Luc Mélenchon, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), lực lượng nòng cốt của liên minh cánh tả NUPES, dù không trở thành thủ tướng như tuyên bố trong các cuộc vận động tranh cử, hứa là NUPES sẽ «chiến đấu hết mình» ở Hạ Viện. Ông nói: 

«Hoàn cảnh hiện nay là hoàn toàn bất ngờ và chưa từng có. Đảng của tổng thống đã thất bại hoàn toàn và không có được đa số tuyệt đối. Chúng ta đã đạt được mục tiêu chính trị đề ra là trong vòng chưa đầy một tháng hạ gục được một người, với tính cách ngạo mạn, đã o ép cả nước Pháp để được bầu lại mà không biết để làm gì».

Trái với một số thành viên kêu gọi liên minh với phe đa số Ensemble ! (Đồng Lòng), chủ tịch đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, ông Christian Jacob, khẳng định đảng này tiếp tục là lực lượng đối lập ở Hạ Viện:

«Đây là một thất bại rõ ràng đối với Emmanuel Macron, người phải trả giá cho thái độ ngạo mạn của mình vì liên tục mượn cực hữu để gây lo sợ. Về phần đảng Những Người Cộng Hòa, chúng tôi đã vận động tranh cử theo hướng đối lập và chúng tôi sẽ tiếp tục là lực lượng đối lập. Điều này rất rõ như chúng tôi vẫn làm, có nghĩa là một lực lượng đối lập mang tính xây dựng, một lực lượng đối lập thực sự với Emmanuel Macron, người đã phá hủy tất cả. Nhiệm kỳ 5 năm trước của ông là một thất bại hoàn toàn và điều đó đã dẫn đến kết quả ngày hôm nay».

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20220620-v%C3%B2ng-hai-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-ph%C3%A1p-li%C3%AAn-minh-c%E1%BB%A7a-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-macron-m%E1%BA%A5t-%C4%91a-s%E1%BB%91-tuy%E1%BB%87t-%C4%91%E1%BB%91i

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu: ‘Nga chặn ngũ cốc Ukraine là phạm tội ác chiến tranh’

Ngũ cốc đang được thu hoạch trên đồng ở vùng Chernihiv của Ukraine
Ngũ cốc đang được thu hoạch trên đồng ở vùng Chernihiv của Ukraine

21/06/2022 – Reuters – Nga chặn xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine là phạm tội ác chiến tranh, lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu nói hôm 20/6 khi các bộ trưởng ngoại giao EU họp để thảo luận về cách thức giải phóng nông sản trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Ukraine là một trong những nước sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới, nhưng các lô hàng của họ đã bị đình trệ và hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đã kẹt trong các kho chứa kể từ khi Nga xua quân vào xâm lược hồi tháng 2 và ngay sau đó phong tỏa các cảng của Ukraine.

Nga phủ nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực, đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Liên Hợp Quốc cảnh báo về nạn đói ở các nước nghèo vốn phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc nhập khẩu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell kêu gọi Nga mở các tuyến hàng hải trên Biển Đen vốn rất quan trọng trong việc xuất khẩu một lượng lớn hơn ngũ cốc Ukraine.

“Người ta không thể tưởng tượng hàng triệu tấn lúa mì vẫn bị chặn ở Ukraine trong khi ở phần còn lại của thế giới, người dân đang đói,” ông nói với báo giới khi ông đến tham dự cuộc họp ở Luxembourg. “Đây là tội ác chiến tranh thực sự.”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 8/6 nói trách nhiệm giải quyết vấn đề các lô hàng ngũ cốc nằm trong tay Ukraine bằng cách tháo gỡ mìn các tuyến đường tiếp cận các hải cảng ở Biển Đen và Moscow không cần phải làm gì vì họ đã thực hiện các cam kết cần thiết.

EU ủng hộ những nỗ lực của Liên Hợp Quốc để làm trung gian một thỏa thuận nối lại xuất khẩu đường biển của Ukraine để đổi lấy việc tạo điều kiện xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga, nhưng điều đó sẽ cần được Moscow bật đèn xanh.

Trong khi đó, Đức và các nước khác đang nỗ lực để tạo điều kiện vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ để giải phóng ít nhất một lượng mùa màng đã thu hoạch trong lúc vụ thu hoạch mới đang bắt đầu còn một phần lượng thu hoạch cũ vẫn đang nằm trong các kho chứa của Ukraine.

Kyiv đã thu hoạch con số kỷ lục 84 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2021, tăng từ 65 triệu tấn hồi năm 2020.

Năm nay, nông dân đã gieo trồng 14,2 triệu ha ngũ cốc mùa xuân, giảm so với 16,9 triệu ha vào năm 2021 do cuộc xâm lược của Nga, theo Bộ Nông nghiệp Ukraine.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin ủng hộ Ba Lan và Romania điều chỉnh tuyến đường sắt của họ để tạo điều kiện xuất khẩu ngũ cốc bằng đường bộ.

“Rõ ràng là cuối cùng chúng ta chắc chắn sẽ không đưa được toàn bộ ngũ cốc mắc kẹt ra khỏi Ukraine, nhưng nếu chúng ta chỉ cần giải phóng được phần nào, bằng các con đường khác nhau, thì điều này sẽ có ích khi chúng ta đang đối mặt thách thức toàn cầu,” bà Baerbock nói với các phóng viên ở Luxembourg.

https://www.voatiengviet.com/a/ph%C3%B3-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-%E1%BB%A7y-ban-ch%C3%A2u-%C3%A2u-nga-ch%E1%BA%B7n-ng%C5%A9-c%E1%BB%91c-ukraine-l%C3%A0-ph%E1%BA%A1m-t%E1%BB%99i-%C3%A1c-chi%E1%BA%BFn-tranh-/6624901.html

Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh

20/06/2022 – Anh Vũ – Một ngày sau khi nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng tại Việt Nam Ngụy Thị Khanh bị chính quyền Việt Nam kết án 2 năm tù vì tội “trốn thuế”, hôm qua, 19/06/2022, Hoa Kỳ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về bản án đối với nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng quốc tế.

Hãng tin AFP dẫn thông cáo bộ Ngoại Giao Mỹ ra hôm qua tuyên bố: “ Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh, người đã được quốc tế công nhận về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hoa Kỳ cũng kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường khác đang bị cầm tù, những người đã làm việc vì lợi ích của đất nước và nhân dân Việt Nam”.

Bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, là giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh Green ID, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tư vấn về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, cắt giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, cung cấp nước sạch.

AFP nhắc lại trung tâm của bà Ngụy Thị Khanh đã thuyết phục thành công chính phủ cam kết cắt giảm 20 megawatts điện sản xuất từ than đá trong kế hoạch phát triển năng lượng đến năm 2030.

Những hoạt động và đóng góp của bà trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đã được quốc tế ghi nhận. Năm 2018, bà là người Việt Nam duy nhất được trao giải Goldman, giải thưởng cao nhất thế giới cho những những nhà bảo vệ môi trường.

Tháng Hai năm nay, chính quyền Việt Nam bất ngờ khởi tố bắt giam bà Khanh vì tội “trốn thuế”. Ngày 18/06, tòa tuyên án bà Ngụy Thị Khanh 2 năm tù.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20220620-hoa-k%E1%BB%B3-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-vi%E1%BB%87t-nam-tr%E1%BA%A3-t%E1%BB%B1-do-cho-nh%C3%A0-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-m%C3%B4i-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-ng%E1%BB%A5y-th%E1%BB%8B-khanh

(AFP) – Nga tố cáo Ukraina nã pháo vào các dàn khoan dầu. Serguei Aksionov, thống đốc bán đảo Crimée trên mạng xã hội Twitter hôm nay, 20/06/2022, cho biết một số cơ sở dàn khoan ở vùng Biển Đen và Azov, ngoài khơi bán đảo Crimée, đã bị trúng đạn pháo của Ukraina, nhưng không nêu rõ chi tiết. Theo ông, năm trong số 12 người đã được cứu sống, trong đó có ba người bị thương. Công cuộc tìm kiếm cứu hộ người sống sót đang tiếp tục. Đây là lần đầu tiên một cơ sở khoan dầu ngoài khơi bán đảo Crimée bị tấn công.

(AFP) – Phong tỏa lúa mì Ukraina: EU cáo buộc Matxcơva phạm «tội ác chiến tranh». Lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, ông Josep Borrell, trước khi dự cuộc họp cấp ngoại trưởng tại Bruxelles, hôm nay, 20/06/2022, chỉ trích Nga giam hãm «hàng triệu tấn ngũ cốc tại Ukraina, trong khi phần còn lại của thế giới bị đói». Ông cho rằng «đây là một tội ác chiến tranh thật sự. Tôi không thể tưởng tượng nổi điều này sẽ còn phải kéo dài bao lâu nữa. Nếu có chuyện gì xảy ra Nga sẽ phải chịu trách nhiệm».

(NHK) – Năm tầu Nga đi qua vùng biển giữa hai hòn đảo ở Okinawa Nhật Bản. Theo Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, những chiến hạm này đi từ Thái Bình Dương qua vùng biển nằm giữa hai hòn đảo Okinawa và Miyakojima chiều 19/06/2022 để đến biển Hoa Đông. Quan chức của bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết Tokyo tiếp tục theo dõi những chiến hạm được cho là tham gia cuộc tập trận quy mô lớn do bộ Quốc Phòng Nga tổ chức vào tháng Sáu này ở Thái Bình Dương.

(AFP) – Nhiều quan chức mới của Hồng Kông trong diện trừng phạt của Hoa Kỳ. Hôm qua, 19/6/2022, Bắc Kinh đã chỉ định thành phần chính phủ mới cho đặc khu hành chính Hồng Kông, bao gồm 26 thành viên. Trong số này có 4 quan chức cao cấp nằm trong danh sách bị Washington trừng phạt để đáp lại việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính hồi tháng 7 năm 2020. Bốn nhân vật đó gồm trưởng đặc khu hành chính Lý Gia Siêu (John Lee), cảnh sát trưởng Đặng Đình Cường (Chris Tang), Thư ký phụ trách vấn đề đại lục Erick Tsang và Tổng thư ký Eric Chan.

(AFP) – Trung Quốc: Lượng dầu hỏa nhập khẩu từ Nga tăng 55% trong một năm. Cụ thể, Trung Quốc đã mua từ Nga khoảng 8,42 triệu tấn dầu hỏa, theo như số liệu do hải quan Trung Quốc công bố hôm nay, 20/06/2022. Với lượng mua này, Nga đã vượt qua Ả Rập Xê Út để trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu cho Trung Quốc.

(RFI) – Lũ lụt chết người ở miền Nam Trung Quốc. Cuối tuần qua, miền Nam Trung Quốc hứng chịu những cơn mưa giông lớn. Đường phố biến thành những dòng thác lũ cuốn trôi từ các phương tiện giao thông cho đến nhà cửa. Tỉnh Quảng Tây, vẫn chưa kịp nguôi nỗi đau mất hai đứa trẻ do bị lũ cuốn trôi hồi cuối tháng 5, nay hứng thêm nhiều trận lũ lớn khiến năm người chết.

(AFP) – Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế lên tiếng nhân Ngày Quốc tế người tị nạn. Trong một báo cáo ngày 20/06/2022, tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới (MSF) cảnh báo phải sơ tán «khẩn cấp» những di dân dễ bị tác động nhất đang bị kẹt ở Libya, đồng thời lập thêm «nhiều hành lang nhân đạo» mới. Trong khi đó, ngày 19/06, Chương trình Lương Thực Thế Giới (PAM) cho biết đang phải phân phối khẩu phần cho người tị nạn ở các vùng đông và tây Phi vì thiếu tài chính trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Tại châu Á, hàng chục nghìn người tị nạn Rohingya ở Bangladesh đã biểu tình ngày 19/06 để yêu cầu được trở về Miến Điện, vì đối với họ «sống tị nạn chẳng khác gì địa ngục».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220620-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p