Thủ tướng Cam Bốt gặp lãnh đạo đối lập tìm lối thoát khỏi khủng hoảng – Lại biểu tình chống VN ở Phnom Penh.
Theo RFI, BBC
AFP dẫn thông cáo chung của hai đảng cầm quyền và đối lập chính tại Cam Bốt hôm nay 21/07/2014 cho biết ngày mai Thủ tướng Hun Sen và lãnh đạo đối lập Sam Rainsy sẽ gặp nhau để tìm giải pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài từ một năm qua.
Thông cáo chung của đảng Nhân dân Cam Bốt cầm quyền (CPP) và đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt (CNRP), đối lập chính tại Cam Bốt nêu rõ hai bên sẽ cố gắng “tìm một giải pháp chính trị nhằm làm dịu căng thẳng”.
Khủng hoảng chính trị ở Cam Bốt bắt đầu từ sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 28/7/2013 đem lại thắng lợi cho đảng cầm quyền. Đảng Cứu nguy dân tộc Cam Bốt phản đối kết quả bầu cử, tẩy chay không tham gia Quốc hội.
Cuộc gặp giữa ông Hun Sen và Sam Rainsy lần này diễn ra khi 8 thành viên của đảng CNRP, trong đó có 7 dân biểu được bầu trong cuộc bầu cử năm ngoái, bị chính quyền bắt giữ và buộc tội nổi dậy trong một cuộc biểu tình hồi tuần trước làm hàng chục người bị thương. Sự kiện này đã khiến ông Sam Rainsy phải cắt ngắn chuyến đi Pháp, trở về Phnom Penh hôm 19/7.
Giới quan sát hy vọng cuộc gặp lần này có thể có những đột phá mới giúp thoát khỏi khủng hoảng chính trị.
Đối lập chính ở Cam Bốt đòi cải cách Uỷ ban bầu cử và tổ chức lại bầu cử trước thời điểm do ông Hun Sen đề xuất là vào tháng Hai năm 2018.
Thủ tướng Hun Sen nắm quyền tại Cam Bốt từ năm 1985 ngày càng bị chỉ trích, đặc biệt là từ những vụ thẳng tay trấn áp các cuộc biểu tình của người dân trong đó có cả các phong trào đình công của công nhân dệt may đòi cải thiện điều kiện lao động và đến giờ là đối lập.
Cùng trong thời điểm này, cuộc biểu tình phản đối Việt Nam về vấn đề đất đai Nam Bộ lần thứ hai lại diễn ra sáng thứ Hai 21/7 tại Phnom Penh.
Trước đó gần hai tuần đã có một cuộc tuần hành với hàng trăm người tham gia.
Tân Hoa Xã đưa tin cuộc tuần hành lần hai thu hút tới gần 800 người thiểu số Khmer Krom (để chỉ người xuất xứ từ khu vực Nam Bộ, Việt Nam) tham gia. Tuy nhiên các nguồn tin khác nói con số ít hơn như vậy.
Sự kiện này do Phong trào sinh viên và trí thức (FCIS) và tổ chức người Khmer Krom ở Campuchia chủ trì.
Cũng giống lần đầu, người biểu tình đòi quan chức sứ quán, tham tán Trần Văn Thông, phải xin lỗi vì phát biểu rằng vùng đất mà họ gọi là Kampuchea Krom, từ lâu đã thuộc về Việt Nam.
Tuy nhiên lần này, cuộc tuần hành không chỉ giới hạn phạm vi trước cổng sứ quán Việt Nam mà diễu qua nhiều phố nhằm đưa đơn thỉnh cầu tới các đại sứ quán nước ngoài như Pháp, Anh, Mỹ, Liên hiệp châu Âu, Nga và Trung Quốc.
Không có tin tức về bất cứ va chạm gì giữa đoàn biểu tình và cảnh sát.
Tuy nhiên cuối tuần trước, Tòa Thị chính Phnom Penh đã đe dọa sẽ bỏ tù tới 15 năm những ai tham gia biểu tình.
Về phía ban tổ chức, đại diện FCIS Mao Pises tuyên bố với báo Cambodia Daily: “Nếu có bạo lực hay bắt bớ gì thì chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm vì chúng tôi không sử dụng bạo lực”.
“Chúng tôi không thể để Việt Nam bóp méo lịch sử.”
‘Trái pháp luật’
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 9/7, tham tán chính trị ĐSQ Việt Nam Trần Văn Thông nói rằng cuộc biểu tình đòi ông xin lỗi là “trái pháp luật”.
Ông cũng tái khẳng định: “Nam Bộ là lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, được quốc tế và chính Vương quốc Campuchia công nhận”.
Vấn đề đất đai và các cáo buộc Việt Nam chiếm đất của Campuchia gần đây đã được một số đảng phái ở Campuchia thường xuyên sử dụng để chống quan hệ của Việt Nam với đảng cầm quyền CPP của Thủ tướng Hun Sen.
Một số người Việt sống ở Campuchia nói họ bị phân biệt đối xử và quan ngại về an toàn.
Trong một diễn biến khác, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni vừa chủ trì một buổi lễ chia tay với cựu đại sứ Việt Nam Ngô Anh Dũng và chào đón tân đại sứ Thạch Dư.
Ông Thạch Dư là người gốc Khmer Krom. Ông sinh năm 1957, quê ở tỉnh Trà Vinh.
Ông từng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Trà Vinh.
Ngày 17/6 vừa qua ông được Thủ tướng Việt Nam bổ nhiệm chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao.