Cuộc chạy maratông của Việt Nam: Khi kinh tế với an ninh là một
12/06/2022 – Trần Đông A – Đấy là về liên kết kinh tế, còn về an ninh, đã đến lúc Việt Nam nên tính toán lại việc hợp tác với Mỹ để xây dựng quân cảng Cam Ranh “vì mục tiêu hòa bình”.
Việt Nam còn lưỡng lự trước một “Khuôn khổ Kinh tế Indo – Pacific” (IPEF) đến bao giờ? “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Sáng kiến này là nền tảng quan trọng tạo ra không gian “Indo – Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP). Việt Nam chưa thể tham gia QUAD (Bộ Tứ) trong một sớm một chiều, nhưng có thể trở thành “shadow member” (Thành viên theo sát) của FOIP bằng cách gia nhập “Nhóm 14 nước”, vì sự thịnh vượng của liên khu vực thì tại sao lại không?
Đã đến lúc nhìn xa hơn Biển Đông
Dẫu sao, ngay từ những ngày đầu trên đất Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng tham gia thảo luận các cuộc đàm phán maratông liên quan đến IPEF từ nay đến sang năm, là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam cảm nhận được khá rõ sức ép cả về an ninh lẫn kinh tế trong liên khu vực. Mặc dầu người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây (26/5) còn vòng vo rằng, “đây là sự kiện khởi động cho quá trình thảo luận”. Theo bà Hằng, trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào 4 trụ cột là: Thương mại; Chuỗi cung ứng; Năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; Thuế và chống tham nhũng. Tuy trả lời khá vòng vơ, nhưng bà Hằng vẫn chốt lại: “Việc tham gia của mỗi nước, trong đó có Việt Nam, phụ thuộc vào kết quả của quá trình thảo luận”.
Trong khi đó, theo Hãng tin Reuters, cũng vào hôm 26/5 Nhà Trắng cho biết đảo quốc Nam Thái Bình Dương Fiji sẽ tham gia Khuôn khổ IPEF của Tổng thống Joe Biden. Báo Financial Times nhận định việc Fiji gia nhập IPEF, chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Fiji, đã trao cho chính quyền ông Biden một chiến thắng trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Ông Vương đến khu vực trong tuần trước để tìm kiếm một thỏa thuận gồm 10 quốc gia với các quốc đảo về an ninh và thương mại. Điều này khiến Hoa Kỳ và các đồng minh ở Thái Bình Dương phải lo ngại. Nhà Trắng hoan nghênh Fiji trở thành thành viên sáng lập của IPEF. Vậy tổ chức này hiện có 14 nước, bao gồm các quốc gia từ Đông Bắc và Đông Nam Á, Nam Á, Châu Đại Dương và quần đảo Thái Bình Dương.
Đi đôi với “dấu son” cho sự năng động trong chính sách “xoay trục” của Hoa Kỳ là một “hố đen to tướng” khi dư luận trong khu vực rúng động trước tin ngày 8/6/2022, Campuchia động thổ căn cứ mới tại Hải quân Ream với sự tài trợ của Trung Quốc. Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia sau đó nhắc lại sự lo ngại rằng hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Ream “có thể đe dọa quyền tự chủ của Campuchia và làm suy yếu an ninh khu vực”. “Mỹ và nhiều nước bày tỏ lo ngại trước việc thiếu minh bạch về mục đích, bản chất và phạm vi của dự án, cũng như vai trò của Trung Quốc trong xây dựng và sử dụng cơ sở sau khi hoàn tất”, phát ngôn viên của Cơ quan này cho biết. Tất nhiên, cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh đều phủ nhận sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại căn cứ này trong tương lai. Đó là do phía Campuchia đã có cam kết với Việt Nam là sẽ không để cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại nước mình.
Tuy nhiên, theo “The Washington Post”, một quan chức Bắc Kinh đã xác nhận việc Trung Quốc sẽ dùng “một phần” Căn cứ Ream, nhưng phủ nhận việc Bắc Kinh được độc quyền sử dụng. Quan chức này cho biết Trung Quốc sẽ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào trên phần Campuchia của căn cứ. Theo giới phân tích, lời xác nhận của quan chức Trung Quốc đã mặc nhiên bác bỏ tất cả những lời phủ nhận mà cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh liên tục đưa ra trước đây. Ý đồ của Trung Quốc đã thể hiện rất rõ ràng đó là, lợi dụng việc Campuchia rơi hẳn vào quỹ đạo của mình để thiết lập một căn cứ hải quân nhìn ra Vịnh Thái Lan, giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế khu vực phía Nam của Biển Đông. Căn cứ quân sự này của Trung Quốc tại Campuchia sẽ là một mối đe doạ lớn đối với Việt Nam. Bằng cách triển khai quân đội của mình tại đây, Trung Quốc có thể đe doạ Việt Nam ngay tại Vịnh Thái Lan, dễ dàng thọc sâu vào khu vực biển phía Nam của nước này. Và cũng với căn cứ quân sự này, Trung Quốc có thể dần thúc đẩy việc tiến tới kiểm soát các con đường vận tải biển chiến lược gần eo biển Malacca, đồng thời thúc đẩy gia tăng sự uy hiếp đối với các quốc gia Đông Nam Á.
Trước động thái trên, Bộ Ngoại giao Việt
Nam không tỏ ra quan ngại mà chỉ tỏ ra quan tâm tới hòa bình và giữ quan
hệ tốt đẹp với các nước! Cần lưu ý là động thái này của Campuchia và
Trung Quốc nằm trong bối cảnh của cuộc chiến Nga – Ukraine đang ác liệt.
Mỹ và phương Tây bắt đầu có sự phân tâm nhất định. Mỹ và Úc đã rất quan
ngại với hành động được cho là bành trướng sự hiện diện quân sự của
Trung Quốc trong khu vực. Hải cảng Ream nằm tại Sihanoukville có vị trí
án ngữ vịnh Thái Lan và rất gần đảo Phú Quốc của Việt Nam. Vị trí này
rất quan trọng, đặc biệt là nếu trong những năm tới Trung Quốc hỗ trợ
Thái Lan đào kênh Kra. Cả Sihanoukville và Phú Quốc đều có thể kiểm soát
con đường hàng hải quốc tế này, nếu nó được hình thành. Đó cũng là lý do khiến Phú Quốc có sự phát triển đột biến trong thời gian qua.
Việt Nam nên là thành viên sáng lập IPEF
Nếu Việt Nam nhìn xa hơn những biến động
gần đây, đặc biệt nghiên cứu kỹ hơn chuyến công du tại 10 nước Nam TBD
của Vương Nghị và việc Trung Quốc và Campuchia đang chuẩn bị “cầm dao dí
sát sườn chính mình”, thì Việt Nam sẽ không lưỡng lự, mà nên là thành
viên sáng lập IPEF. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, Cố vấn cao cấp Trung
tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD), khuôn
khổ IPEF định hướng cho phát triển và hợp tác kinh tế với nền kinh tế
chủ chốt ở khu vực, cũng là các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tương lai,
mang tính bền vững và đảm bảo cạnh tranh. Điều này là phù hợp với định
hướng định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Đơn cử như thương mại mang tính bền vững, công bằng rồi chuyển đổi số là
điều Việt Nam đang hướng tới. Rồi năng lượng sạch cũng là lĩnh vực ta
hướng tới với những cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi sang sử
dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Hay Việt Nam cũng cần đến công nghệ
và sáng tạo, cả những hành lang pháp lý để bảo đảm công nghệ tin cậy,
chất lượng cao, bền vững…
Nhìn chung, các trụ cột mà IPEF đưa ra
mang tính định hướng là tin cậy, bền vững, xanh, sạch, số… đều phù hợp
với định hướng phát triển của Việt Nam. Tham gia vào khuôn khổ này thể
hiện việc chúng ta tham gia vào nhiều tầng nấc liên kết, hợp tác kinh tế
khu vực và trên thế giới, cùng bổ sung cho nhau tạo động lực phát
triển. Sáng kiến IPEF hình thành trong một quá trình trao đổi với rất
nhiều bên liên quan, trong đó có Việt Nam. Hà Nội hy vọng đóng góp tiếng
nói, định hướng những lĩnh vực hợp tác phù hợp. Đây mới là bước đầu,
trong thời gian tới, chắc chắn các nước đều phải chuẩn bị tích cực để
chủ động nêu ra đề xuất của mình, thể hiện lợi ích quốc gia cũng như khu
vực. IPEF
nhằm mục đích làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại giữa Mỹ và các quốc
gia ký kết như Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Đấy là về liên kết kinh tế, còn về an
ninh, đã đến lúc Việt Nam nên tính toán lại việc hợp tác với Mỹ để xây
dựng quân cảng Cam Ranh “vì mục tiêu hòa bình”. Cũng có thể tuyên bố như
cách Campuchia PR hiện nay, là Mỹ sẽ không đóng quân ở đây, như đúng
cam kết của Việt Nam. Nói chung là diễn bài y chang như bộ đôi Campuchia
– Trung Quốc đang làm. Thời điểm này có thể xúc tiến được rồi. Nhưng
vấn đề là Việt Nam có thể trở thành đối tác “tin cậy, chân thành và
trách nhiệm” với Mỹ hay không? Hay là chưa đầu tư nhưng nếu Trung Quốc
dọa thì lại “co vòi”. Đấy
là hệ quả của ngoại giao đu dây, sẽ khiến đối tác mất lòng tin và cái
gọi là đối tác chiến lược cũng chỉ là “chém gió” nếu có sự khác biệt về
hệ giá trị. Nếu việc hợp tác toàn diện với Mỹ này không thể diễn ra rốt
ráo thì gọng kìm Trung Quốc – Campuchia ngày càng siết chặt Việt Nam
trong bối cảnh Nga sẽ bị loại ra khỏi sự ảnh hưởng trong khu vực.
Trở lại bản chất, việc hợp tác xây dựng căn cứ Ream nói trên chứng tỏ Campuchia liên minh quân sự với Trung Quốc để phòng thủ (tất nhiên cũng có thể tấn công, nếu cần) trước Việt Nam. Điều này cũng giống y chang Ukraine có mong muốn gia nhập NATO để phòng thủ trước Nga, muốn thoát khỏi cái bóng của con gấu. Thế nhưng, theo dõi phản ứng dư luận nói chung và những kẻ “cuồng Nga” trong thời gian qua, chúng ta không hề thấy họ lên tiếng quan ngại động thái nói trên của Campuchia! Trong khi họ lại lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ Nga, ủng hộ việc xâm lược của Nga. Đúng là “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” và bản chất của những phần tử này là họ “húc” theo chỉ đạo, chứ không hiểu biết gì về địa-chính trị. Thằng cầm dao kề sườn chính mình thì chả quan tâm, trong khi lo cho thằng ở tít đâu bị thằng khác cầm dao dí sườn. Gọi là “bò” thì lại dỗi. Sao anh em không lên tiếng để Việt Nam phản đối Campuchia đi? Ít ra cũng phải “hết sức quan ngại” chứ, ở đây chả thấy gì!
TTrần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.
https://www.voatiengviet.com/