Trung Cộng ngần ngại không lên án Nga về vụ MH17 bị bắn rơi
Theo VOA
Vụ tấn công bằng phi đạn vào một chiếc máy bay dân sự bay cao trên vùng trời miền đông Ukraine làm 298 người trên máy bay thiệt mạng, được xem như một thời điểm quan trọng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trung Quốc nói chiến tranh tại đây là một cuộc tranh chấp nội bộ cần được thương thuyết một cách hòa bình. Tuy nhiên Trung Quốc đã không tham dự các chế tài do phương Tây lãnh đạo chống lại Moscow. Theo tường thuật của thông tín viên Rebecca Valli ở Hồng Kông, hiện chưa rõ lập trường này của Trung Quốc có thể thay đổi tiếp theo thảm kịch mới nhất hay không.
Sau vụ máy bay MH17 bị bắn rơi, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế chia buồn cùng với gia đình nạn nhân.
Trong một thông cáo được công bố không lâu sau thảm kịch này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ cảm thấy hết sức đau buồn về vụ rớt máy bay và hy vọng sẽ sớm tìm ra được nguyên nhân.
Tuy nhiên trong khi một số nước, gồm có Australia và Hoa Kỳ tố cáo Nga vũ trang cho phiến quân tại Donetsk và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với phi đạn bắn rơi chiếc máy bay, Trung Quốc đã không đưa ra lời buộc tội nào.
Ông Chu Phong, giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Trường đại học Bắc Kinh, nói Trung Quốc sẽ không vội vã đưa ra một kết luận quá sớm, và sự nghiêm trọng của biến cố này đòi hỏi phải có một cuộc điều tra quốc tế độc lập.
“Nếu Nga bị xét thấy chịu trách nhiệm trong vụ này, thì Nga sẽ phải gánh chịu trách nhiệm. Tuy nhiên chúng ta không thể tùy tiện chọn ra một kết luận và nói rằng Nga chắc chắn đứng đằng sau vụ này.”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa ra thông điệp tương tự trong một bài xã luận hôm thứ Sáu.
Tân Hoa Xã nói, “Giữa lúc chưa có những chứng cứ thuyết phục về việc ai là người chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi chiếc máy bay Malaysia MH17 xấu số trên vùng trời miền đông Ukraine, bất cứ việc kết luận vội vã nào về vụ máy bay rới chỉ làm hại cho các nỗ lực điều tra vô tư và làm dịu tình hình.”
Bài xã luận nêu ra lập trường của Tổng thống Nga Vladimir Putin là Ukraine phải chịu trách nhiệm vì thảm họa này xảy ra trên lãnh thổ Ukraine.
Ông David Zweig, giáo sư chính trị học tại Trường đại học Khoa học Kỹ thuật Hong Kong nói sự tự chế của Trung Quốc phản ánh lập trường nước đôi của Trung Quốc đối với vụ tranh chấp tại Ukraine.
“Lập trường này rất phù hợp với quan điểm của Trung Quốc về những phần tử ly khai tại miền đông Ukraine: một mặt, Trung Quốc không thích những phần tử này, nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng không muốn làm tổn hại những mối quan hệ với Tổng thống Putin.”
Việc Nga sát nhập Crimea, cùng với những chứng cứ ngày càng nhiều là ông Putin đang bảo trợ cho các lực lượng phiến quân tại miền đông Ukraine, đã không được hoan nghênh tại Trung Quốc.
Bắc Kinh lâu nay vẫn lớn tiếng hô hào cho nguyên tắc không can thiệp vào việc nội bộ các nước khác, và tại Trung Quốc, họ đổ lỗi cho các phần tử ly khai làm cho căng thẳng tăng cao tại những khu vực đa dạng về sắc tộc như Tây Tạng và Tân Cương.
Giáo sư Zweig nói: “Nếu các phần tử ly khai tại Ukraine bị mang tiếng xấu, việc này không tổn hại đến Trung Quốc. Chỉ khi nào phe ly khai có liên hệ chặt chẽ hơn với Nga thì lúc đó Trung Quốc mới quan tâm nhiều hơn.”
Để đáp lại với vụ máy bay bị bắn rơi, Hoa Kỳ loan báo sẽ nới rộng phạm vi của những biện pháp chế tài đối với Nga.
Trong khi các nhà phân tích tại Trung Quốc nói thảm kịch này có thể làm nhiều người chú ý hơn nữa đến cuộc tranh chấp tại Ukraine, nhưng chính phủ Trung Quốc có phần chắc sẽ không ủng hộ những biện pháp chế tài hay công khai chỉ trích Nga.
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hôm nay, theo dự liệu, sẽ biểu quyết về một nghị quyết lên án vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17. Nga đang bị quốc tế chỉ trích là đồng lõa gây ra thảm kịch này. Tuy nhiên, Moscow tỏ ý cho thấy họ có thể sẽ bỏ phiếu tán đồng nghị quyết nếu văn kiện này có từ ngữ thích hợp.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết bà dự kiến tất cả 15 nước hội viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ bỏ phiếu tán đồng nghị quyết do Australia soạn thảo, kể cả Nga, là nước có quyền phủ quyết.
Nga, là nước hỗ trợ cho các phần tử đòi ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine, tuyên bố họ không dính líu gì tới vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17.
Tối hôm qua, Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vitaly Churkin cho biết báo chí biết rằng chính phủ ông sẵn sàng ủng hộ dự thảo nghị quyết nếu một số những sự mơ hồ trong văn kiện này được loại bỏ.
“Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tuyên bố rồi. Trong thông cáo báo chí vào ngày 18, họ nói rằng phải có một cuộc điều tra quốc tế vô tư. Đây là những gì mà chúng tôi mong đợi ở nghị quyết này. Nếu đó là một cuộc điều tra quốc tế vô tư thì dĩ nhiên chúng tôi sẽ ủng hộ.”
Ông Churkin nói thêm rằng chính phủ ông muốn có những từ ngữ tương tự như từ ngữ đã được sử dụng trong Nghị quyết 616, đòi có một cuộc điều tra của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế sau khi chuyến bay 655 của hãng Iran Air bị bắn rơi bởi một chiếc phi đạn địa đối không từ chiến hạm USS Vincennes của Mỹ ở Eo biển Hormuz hồi tháng 7 năm 1988. Hải quân Mỹ nói rằng họ tưởng lầm là đang bị một máy bay quân sự của Iran tấn công.
Theo nghị quyết mới nhất của Liên hiệp quốc, nhân viên điều tra quốc tế có quyền tiếp cận địa điểm máy bay rơi, các nhóm vũ trang kiểm soát địa điểm đó không được động tới các mảnh vỡ, thi thể và vật dụng của nạn nhân, ngưng những hoạt động quân sự trong khu vực và sự hợp tác đầy đủ của mọi nước trong khu vực.
Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ hôm chủ nhật, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng Washington tháng trước đã phát giác tiếp liệu từ Nga chở sang miền đông Ukraine đã tăng mạnh, trong đó có xe bọc sắt, xe tăng, đại pháo và các giàn phóng phi đạn được giao cho các phần tử đòi ly khai.
“Chúng tôi biết các phần tử đòi ly khai có một hệ thống phi đạn SA-11 trong vùng phụ cận chỉ vài giờ trước khi vụ bắn rơi máy bay xảy ra. Có những hồ sơ trên truyền thông xã hội về việc đó. Họ đã nói chuyện, và chúng tôi nghe được những cuộc nói chuyện của họ về vụ chuyển giao, sự di chuyển và sự bố trí của hệ thống SA-11 đó. Truyền thông xã hội cho thấy vài giờ trước khi vụ việc xảy ra, các phần tử đòi ly khai cùng với hệ thống này đã di chuyển qua khu vực mà chúng tôi tin là vụ bắn máy bay xảy ra.”
Ngoại trưởng Kerry nói rằng phe ly khai đã khoe khoang với nhau trên truyền thông xã hội về việc bắn rơi một chiếc máy bay vào lúc chiếc máy bay của Malaysia bị bắn rơi.
Ông nói thêm rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự đồng lõa của Nga. Ông cũng lên án việc những người mà ông gọi là “những phần tử ly khai say rượu” đã dời một cách cẩu thả các thi hài của nạn nhân ra khỏi địa điểm máy bay rơi.
Thủ tướng Australia Tony Abbott đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm chủ nhật. Ông nói với đài phát thanh Australia là nhà lãnh đạo Nga muốn hợp tác với cuộc điều tra quốc tế.
“Tổng thống Putin đã nói tất cả những chuyện đúng đắn. Tôi muốn nhấn mạnh là những gì ông ấy nói đều tốt đẹp cả. Vấn đề giờ đây là làm thế nào để ông ấy làm những gì đã nói. Đó chính là ý định của tôi và đại gia đình các nước trên thế giới cũng nên buộc ông thực hiện những gì đã nói.”
Australia có 27 công dân đi trên chuyến bay MH17.
Giáo sư Jonathan Adelman của Đại học Denver cho rằng có một vấn đề quan trọng hơn vấn đề Nga phải làm những gì.
“Tôi nghĩ rằng còn có một vấn đề quan trọng nữa là Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu định làm gì? Bởi vì Liên hiệp Âu châu chưa cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ. Họ nhập khẩu 30% khí đốt từ Nga. Nga ở gần, Mỹ ở xa. Và Tổng thống Obama đã có những tuyên bố cứng rắn, nhưng câu hỏi đặt ra là ông ấy có thật sự cứng rắn với Nga về vấn đề này hay không.”
Hà Lan và Malaysia đã bày tỏ phẫn nộ về việc xác nạn nhân bị dời khỏi hiện trường một cách bừa bãi. Đa số hành khách trên chuyến bay đó là người Hà Lan, và Malaysia cũng có hơn 40 công dân trên chuyến bay xấu số.
Giáo sư James Chin của Đại học Monash ở Kuala Lumpur cho biết có một phản ứng lẫn lộn ở Malaysia.
“Tôi nghĩ rằng công chúng cảm thấy tức giận đối với Liên bang Nga vì họ tin rằng máy bay bị phi đạn Nga bắn rơi. Vấn đề đối với hầu hết dân chúng Malaysia là nhân viên quân sự Nga bắn rới máy bay hay điều đó được thực hiện bởi phiến quân thân Nga, độc lập với quân đội Nga. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ nhì là hầu hết mọi người ở đây tin rằng Thủ tướng Malaysia không thể đòi người Nga phải làm gì bởi vì Malaysia là một nước tương đối nhỏ và Nga được nhiều người trong khu vực này cho là một siêu cường.”
Giáo sư Chin cho biết chính phủ ở Kuala Lumpur làm chủ phần lớn phần hùn của Malaysia Airlines và kế hoạch tái cơ cấu công ty này sau vụ mất tích của chuyến bay MH 370 hồi tháng 3 có phần chắc sẽ được hoãn lại cho tới khi cuộc điều tra được hoàn tất và những vụ kiện chống lại công ty này được giải quyết.