Việt Nam cần thay đổi chính sách thế nào để xích lại gần hơn với Mỹ sau chuyến đi của ông Chính?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam cần thay đổi chính sách thế nào để xích lại gần hơn với Mỹ sau chuyến đi của ông Chính?

Quí Bạn đọc thân mến,

Có thể nói Việt Nam chỉ cần thực hiện 2 điều sau đây:

1/-  Hoà mình về kinh tế – Economic Integration – theo xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu và
2/-  Hài hoà về chính trị – Political Harmonization – theo xu thế phát triển của thời đại ngày nay.

Vì cơ cấu kinh tế chính trị tại VN về bản chất được sản sinh ra từ cấu trúc độc đảng toàn trị, luôn tự gán cho mình cái quyền độc quyền yêu nước và khăng khăng ôm chặt độc tôn chân lý nên Đảng csVN đã tự biến mình thành con bệnh trầm kha của tệ nạn tha hóa quyền lực cùng bịnh lộng hành di căn muôn thuở .

Chính lỗi hệ thống của nền chính trị một Đảng cs ở VN đi đôi với bản năng “đạo đức XHCN – ăn không chừa thứ gì”, “ăn chia có hệ thống”, “đục khoét có lớp lang” và nhứt là nó gần như trở thành thói quen, nếp nghĩ rất “khoa học” cho nên đó chính là hệ quả đương nhiên của hệ thống chính trị mục ruỗng từ trong xương tủy .

Song song với nhu cầu hội nhập kinh tế nó cũng đòi hỏi sự cải cách về chánh trị đúng mức và có ý nghĩa vì nếu chỉ muốn hội nhập kính tế sâu để hưởng lợi trước mắt mà chỉ thay đổi về chính trị một cách hình thức, chiếu lệ sẽ làm cho đà hội nhập kinh tế gặp khó khăn, giới hạn và tiến trình thay đổi về chánh trị sẽ không ổn định,

Các đòi hỏi thay đổi về đời sống kinh tế xã hội của người Dân như các cỗ xe lừng lững đi tới không một ai có thể ngăn cản được 

Cánh cửa hội nhập đang càng ngày mở rộng, hầu hết người Dân VN đều muốn thay đổi, đều muốn có tự do, mong muốn có một đời sống an ninh, thoải mái trong đó các nhân phẩm bẩm sinh mà tạo hoá ban cho con người được tôn trọng và nhứt là khi người Dân Việt đã đến lúc không muốn Đảng csVN cứ tiếp tục cho uống nước đục nữa thì cái thay đổi đã đến rồi ! 

Khi hội kiến cũng ngài Đại sứ Mỹ Knapper hôm 25-4 vừa qua tại Hà Nội Ông Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh rằng … “Việt Nam chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.” ?

Trong khi đó Đại sứ Marc E. Knapper nêu rõ. “Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và thúc đẩy quan hệ hai nước dựa trên cơ sở tôn trọng các thể chế chính trị của nhau”.

Khi ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Thủ đô Hoa Thịnh Đốn tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và ASEAN do TT Biden mời, sau khi TƯ Đảng Cs VN vừa họp xong tại Hà Nội, đã mang theo đầy đủ các bộ sậu ban ngành của chính phủ tới Mỹ viếng thăm phố Wall (Wall Street – đầu não của tư bản Mỹ) thăm Trường Đại học Harvard, cái nôi lớn của nền giáo dục Hoa kỳ, tham quan các trung tâm nông nghiệp, khoa học, kỹ thuật hàng đầu của Mỹ cũng như có dịp tận mắt chiêm ngưỡng thành phố San  Francisco – cửa ngõ vào Mỹ từ Châu Á – trước khi lên đường về nước đã nói lên phần lớn cái tâm trạng … “Thiếp nay như đã, mặt ngoài còn e”.

BBT

2022.06.01 – Phân tích của TS. Phạm Quý Thọ

Thủ tướng Việt Nam vừa kết thúc chuyến đi Mỹ từ ngày 12 – 19/5/22. Mục đích chính là tham dự Thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN trong hai ngày 12 – 13 tại thủ đô Wasington nhằm củng cố mối quan hệ đối tác hiện nay, hứa hẹn nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ – ASEAN lên mức độ chiến lược toàn diện vào tháng 11 năm nay trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, mục đích ‘kết hợp’, đã kéo dài thêm một tuần với lịch trình làm việc dày đặc, đã trở nên quan trọng hơn với phái đoàn ‘hùng hậu’ có 12 thành viên gồm tám vị bộ trưởng, trong đó sáu người từng học các khoá ngắn hạn tại Harvard.

Việt Nam cần thay đổi chính sách thế nào để xích lại gần hơn với Mỹ sau chuyến đi của ông Chính?

Hình minh họa: Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội hôm 25/8/2021 – AFP

Ngoài việc tái khẳng định thái độ ‘nước đôi’ trong ngoại giao đa
phương của Việt Nam đối với các vấn đề nóng quốc tế, trong đó có cuộc
chiến tranh Nga – Ukraina, “chọn chính nghĩa, không chọn bên” mập mờ,
phần lớn thời gian và nỗ lực của phái đoàn nhằm thúc đẩy thực dụng kinh
tế. Dù không có cuộc gặp cấp cao song phương hay ký kết cụ thể nào,
nhưng hoạt động của đoàn do ông Thủ tướng đẫn đầu được cho là tích cực.
Ông ta đã phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế
(CSIS) và trường Đại học Harvard, đã “rung chuông” kết thúc phiên giao
dịch Thị trường Chứng khoán New York và gặp gỡ một số doanh nghiệp lớn
hàng đầu của Mỹ để kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, tập trung nhiều đến các
lĩnh vực năng lượng, kinh tế số, tài chính…

Các báo chính thống đồng loạt ủng hộ chuyến đi này, trong đó nhấn
mạnh khía cạnh kinh tế như “Tiếp cận kinh tế với Mỹ nhiều thay đổi sau
27 năm” (VnExpress.vn ngày 23-5-2022) rằng so với các giai đoạn trước,
hợp tác kinh tế với Mỹ hiện không chỉ dừng ở sản xuất mà mở rộng sang
năng lượng, kinh tế số, tài chính – vốn có hàm lượng giá trị gia tăng
cao hơn. Chuyến đi thúc đẩy chính sách thực dụng tại Hoa Kỳ vừa qua của
phái đoàn Việt Nam được nhìn nhận là tích cực và thân thiện hơn. Khi
đánh giá chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một cuộc
phỏng vấn gần đây, ông Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nhận định là
“rất thành công”, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của quan hệ
song phương trong tương lai. Hai nước đang cần nhau hơn không chỉ về
kinh tế mà cả về đối phó với Trung Quốc.

Đúng vậy, chuyến công du Hoa Kỳ đã gửi tín hiệu lạc quan hơn về triển
vọng quan hệ giữa hai nước. Hơn thế, đối với Việt Nam, chính sách thực
dụng đang phải điều chỉnh trong nhiều lĩnh vực, trong đó ngoại giao, đặt
trọng tâm là kinh tế, trong bối cảnh trật tự thế giới thay đổi bước
ngoặt hiện nay, biến động phức tạp và nhanh chóng từ trạng thái toàn cầu
hoá thuận lợi sang xung đột các hệ tư tưởng khác biêt và địa chính trị
giữa các cường quốc trên thế giới.

Tư tưởng thực dụng trong chính sách của Việt Nam xuất phát từ đường
lối Đổi mới năm 1986, có nguồn gốc từ mô hình Trung Quốc, tập trung vào
tăng trưởng kinh tế để đảm bảo duy trì chế độ toàn trị. Sự vận hành
chính sách thực dụng trong bối cảnh toàn cầu hoá thuận lợi vào điều kiện
kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm thấp đã dẫn đến thành công tăng
trưởng trong thời gian dài. Chính sách thực dụng giúp mục tiêu từ cả hai
bên đối tác gặp nhau khi cùng có nhượng bộ. Một bên, các nhà tư bản có
nhu cầu xuất khẩu vốn để kiếm lời bỏ qua những vấn đề tự do dân chủ và
nhân quyền trong khi Việt Nam đáp ứng bằng sự ‘hiếu khách’ với dư địa
nhân công giá rẻ, thị trường tiêu thụ, hứa hẹn cải cách… gác sang bên ý
thức hệ CNXH.

Tuy nhiên, cả hai bên đều đang thay đổi trong bối cảnh thế giới mới.
Trước hết, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách thực dụng từ thời Đặng Tiểu
Bình và, dưới thời Tập Cận Bình đang trỗi dậy hung hăng. Điều đó góp
phần đẩy Ấn Độ, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn
trong khi các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ thay đổi chiến lược toàn
cầu để đối phó. Chính sách xoay trục sang châu Á để kiềm toả Trung Quốc
được chính quyền Mỹ thúc đẩy tích cực, trước tiên về tự do hàng hải, các
sáng kiến về an ninh, sự hiện diện quốc phòng… nay đã chú trọng đến
liên minh kinh tế để đáp ứng nhu cầu chung cho các nước trong khu vực
đồng thời đối trọng kinh tế với Trung Quốc. Ngày 23/5 mới đây, nhân
chuyến công du Nhật Bản, ông J. Biden đã có sáng kiến thiết lập khối
kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (IPEF). Nó được công bố đồng thời với kế
hoạch đầu tư ít nhất 50 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng ở khu vực này. Khối
kinh tế này dự kiến có 13 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam
nhưng không có Trung Quốc. Mặc dù còn nhiều vấn đề cần thương thảo để
IPEF có thể hoạt động hiệu quả, nhưng việc Việt Nam cam kết tham gia là
tín hiệu tích cực.

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraina kéo dài đã hơn ba tháng ngày càng
khoét sâu vực ngăn cách với phương Tây, Mỹ khi Trung Quốc ủng hộ Putin.
Liên Âu đã đoàn kết hơn để phản đối chiến tranh, trừng phạt ‘chưa từng
thấy’ đối với Nga, cung cấp vũ khí cho Ukraina… dù phải trả giá cao
trong điều kiện lạm phát cao sau đại dịch COVID-19. Một số nước có
truyền thống trung lập như Phần Lan, Thuỵ Điển cũng xin gia nhập NATO…

Đối với Việt Nam, thái độ nước đôi về cuộc chiến, ngoài quan hệ
truyền thống lịch sử, lệ thuộc nguồn cung vũ khí…, chính sách thực dụng
ưu tiên mục tiêu kinh tế, Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh từ những
biến động mang tính toàn diện và toàn cầu. Chính phủ trong báo cáo
trước Quốc hội 15, tại kỳ họp 3 ngày 23/5 mới đây đã thừa nhận gặp thách
lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng của năm 2022. Thách thức này đến từ cả
bên ngoài và bên trong, trước hết là do đứt gãy chuỗi cung ứng, thị
trường thu hẹp, giá cả nguyên nhiên liệu, phụ kiện đầu vào tăng cao,
nhưng nghiêm trọng không kém là nguy cơ lạm phát cao hiện hữu, tham
nhũng vẫn nặng nề, cải cách thể chế khó khăn, bộ máy trì trệ, yếu kém.
Ông Chủ tịch Quốc hội mới đây phải thốt lên rằng thật ‘khó hiểu khi ngân
sách có tiền mà không tiêu được’ (VnExpress.net, ngày 25/5) và, khi
‘thể chế đã mở hết cỡ’ mà gói kích thích kinh tế 347.000 tỷ đồng vẫn
chưa phân bổ được đồng nào!

Những biến động mạnh và phức tạp như khái quát ở trên là một ‘phép
thử’ khó khăn cho sự điều chỉnh chính sách thực dụng khi  cả hai trụ cột
“mở cửa” để hội nhập kinh tế và “cải cách” để hấp thụ thị trường đều
đang có vấn đề thách thức nghiêm trọng. Không thể từ bỏ chính sách thực
dụng do bản chất chế độ, nhưng bài học Trung Quốc trỗi dậy cho thấy có
sự lựa chọn khác cho cho Việt Nam điều chỉnh chính sách để xích lại gần
Mỹ hơn. Đó là thời thế và thời cơ trong bối cảnh hiện nay. Liệu có hy
vọng vào sự thay đổi bản lĩnh và thực chất hơn, chẳng lẽ đã là đối tác
chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga thì không thể với Hoa Kỳ hay
sao?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-policy-changes-does-vn-need-to-get-closer-to-the-us-06012022134757.html